Đây là loại mứt gừng rẻ nhất trong các loại mứt gừng, không làm từ gừng non to củ, mà từ các loại gừng ế chợ, không thể cắt lát đẹp, mà to nhỏ dầy mỏng lung tung. Thường là gừng già đầy xơ, cay, ăn ấm bụng. Tôi thích vậy. Ăn vài miếng, bỏ thêm vài miếng vào túi để dành đi đường. Thấy không ai nói gì, lại chôm thêm vài miếng nữa.
Trên xe, thích nhất là được ngồi chỗ cửa sổ để dựa đầu vào kính xe, cắm hai cái tai nghe của iPod vào hai tai, lơ mơ ngủ. Mỗi lần thức dậy nhìn ra đều không biết mình đang ở đâu, đi đâu, và những cây cỏ hay những căn nhà đóng cửa bên ngoài luôn luôn nhuộm trong một thứ đèn đường rất vàng, rất siêu thực, rất tối, rất nowhere. Và thứ nhạc tôi đang nghe nó sẽ còn lạ lùng hơn. Nó làm cho thời gian mất đi. Không, sai rồi, nó làm cho thời gian không bao giờ mất đi. Khoảnh khắc này sẽ luôn ở lại đâu đó. Thời gian ở trong lồng ngực cùng với hơi thở, vậy mà không có gì trừu tượng như nó. Khi một khoảnh khắc luôn ở lại, tôi không biết là thời gian mất đi hay còn hoài.
Chuyến xe đêm qua tôi thu xếp được chỗ ngồi bên cửa sổ, nhưng không mở được iPod. Đây không phải là lần đầu một cái iPod vô dụng bỏ rơi tôi như một người tình vô dụng tàn nhẫn. Vậy là suốt đêm, suốt chặng đường tôi phải nghe băng nhạc Cô Thắm về làng của anh tài xế phát ra từ cái loa trên đầu. Tôi biết, một lúc nữa thôi, mình sẽ điên. Mứt gừng già đến mấy cũng không làm lòng ấm lại.
Nhưng tôi không điên. Tôi nghe liên miên độ một nghìn một trăm bài. Một bài hát có lời gần như vầy: Em biết anh nghèo nhưng em không chê. Vui tình nghèo duyên thắm mặn nồng. Tôi thấy buồn kinh khủng. Lại một đêm với những ý nghĩ rời rạc nửa đường không đâu vào đâu. Người nghèo thì vẫn còn, nhưng cái “tình nghèo” yên vui hay thơ mộng, tôi không biết nó còn đâu đó hay chăng.
Hoàng Thi Thơ: "Em gái vườn quê. Cuộc đời trong trắng. Dầm mưa dãi nắng mà em biết yêu trăng đẹp ngày rằm" (1).
Phạm Duy: "Ai bảo chăn trâu là khổ. Chăn trâu sướng lắm chứ. Ngồi mình trâu, ta sờ lưng trâu, và miệng hát nghêu ngao".
Cũng có thể những bài thơ đó chưa bao giờ có thật. Trương Tân có dự án “Tuổi thơ xinh đẹp như postcard”. Anh vẽ những tấm postcard, có những đứa trẻ chăn trâu thổi sáo, vui đùa trên cánh đồng gió mát xanh như ngọc. Chiều về chúng bị bố bỏ đói và treo lên đánh, vì trong xóm đang có phong trào thi đua ai đánh con con ngất nhưng mẹ nó không ngất. Các bà mẹ yếu đuối, thấy chồng đánh con tàn ác cứ ngất đi trước khi con mình ngất. Bố phải tìm cách dạy mẹ không được thương hại.
Đà Lạt những chiều mưa - Chùm ảnh của Cẩm Lệ (từ TP HCM, NCTG)
Tuổi thơ tôi biết những người nhà quê vì chiến tranh di cư lên thành phố, sống trong những cái xóm lầm quê lạc chợ, trong những gian nhà quá nhỏ, thắp đèn neon quá sáng và những cái radio mở suốt ngày. Suốt ngày tôi nghe những bài "Duyên quê", những tiếng hát Giao Linh hay những anh hề tấu hài cười hệch hệch lẫn trong tiếng người lớn la hét chửi nhau, trẻ con la hét vì bị đánh. Lẫn trong cái nghèo luôn luôn có một thứ uất ức nào đó, ngay cả trong lúc nghe Chế Linh ca.
Rồi trên chuyến xe cơn buồn ngủ đến, tôi nhắm mắt lại. Bao năm đã qua rồi. Không còn là Chế Linh, mà là Phi Nhung gì đó. "Vui tình nghèo duyên thắm mặn nồng".
Buồn làm gì, tất cả chỉ vì cái iPod mở không được.
Về đến nhà, mệt, thân thể như được chắp lại từ nhiều mảnh. Mảnh này không biết mảnh kia, mảnh nào cũng rã rời gắng lo cho riêng mình làm sao sống cho qua hết ngày hôm nay.
Ngày mai các mảnh trong người sẽ lại gắn lại với nhau thành một, đời sẽ đẹp và có mứt gừng trong cả hai túi áo.
Ghi chú (của NCTG):
(1) Ca khúc "Duyên quê" của Hoàng Thi Thơ.
(2) Ca khúc "Em bé quê" của Phạm Duy.
(*) Đạo diễn, nhà văn Đoàn Minh Phượng sinh ở Sài Gòn, rời Việt Nam sang Đức năm 20 tuổi. Sau 20 năm sống ở nước ngoài, từ 10 năm nay, chị đã về Việt Nam; hiện sống ở Bonn và Sài Gòn. Đoàn Minh Phượng là (đồng) tác giả bộ phim "Hạt mưa rơi bao lâu" (2004) và các tác phẩm "Và khi tro bụi" (tiểu thuyết, Nhà xuất bản Trẻ, 2006), "Mưa ở kiếp sau" (Nhà xuất bản Văn Học, 2007). Xin chân thành cám ơn nhà văn đã cho phép NCTG đăng tải các bài viết của chị!
Đoàn Minh Phượng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn