TRIỂN LÃM VỀ SỰ ĐÀY ẢI SẮC DÂN HUNGARY TẠI TIỆP KHẮC SAU ĐỆ NHỊ THẾ CHIẾN

Chủ nhật - 30/09/2007 01:28

(NCTG) Đại sứ Czech tại Hung “có chương trình khác”, còn đại sứ Slovakia thì đang ở nước ngoài, do đó, Cộng hòa Czech và Slovakia đã không có đại diện ở mức cao nhất tại hội thảo và triển lãm về sự đày ải sắc dân Hungary tại Tiệp Khắc sau Đệ nhị Thế chiến, một “mảng trắng” trong lịch sử các quốc gia Đông Âu nhiều thập niên dưới chế độ cộng sản, và đến nay vẫn là một vết thương lòng của không ít gia đình Hung.

Di sản vẫn sống đến ngày nay: pho tượng Benes khánh thành năm 2005 tại Praha

Cuộc hội thảo và triển lãm diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Hungary và Slovakia rất căng thẳng, do những động thái dân tộc chủ nghĩa cực đoan của phía Slovakia và một phần, do những hệ lụy của quá khứ để lại. Trong số đó, nhạy cảm nhất và “đụng chạm” nhất đến tâm thức người dân Hung, là việc vào ngày 20-9-2007, Quốc hội Slovakia - theo sự đề xuất của Đảng Quốc gia Slovakia (một chính đảng dân tộc cực đoan) - đã bỏ phiếu thông qua việc vĩnh viễn coi những sắc lệnh Benes (trục xuất, tước tài sản và đày ải các sắc dân Đức và Hung sau 1945 khỏi Tiệp Khắc) là “bất khả xâm phạm”. Quyết định này của phía Slovakia đã gây nên sự phản ứng gay gắt của Đức, Áo và Hung; ngoại trưởng Hungary Göncz Kinga đã cho mời đại sứ Slovakia tại Budapest tới hội kiến và đánh giá động thái của Slovakia là “nguy hiểm”. Trong thời gian tới, khả năng là Nghị viện Châu Âu cũng sẽ xem xét vấn đề này.

Cuộc triển lãm tại Nhà Khủng bố (A Terror Háza)

Trở lại hội nghị và cuộc triển lãm được tổ chức tại Nhà Khủng bố (Budapest), về phía Cộng hòa Czech, ít nhất, tòa đại sứ nước này còn cử bí thư thứ nhất đi dự và đọc thư của đại sứ Jaromir Plísek. Trong khi đó, ĐSQ Slovakia tại Budapest chỉ gửi thư đến “tham dự”, vì đại sứ Juraj Migas đang ở nước ngoài. Theo sử gia Schmidt Mária, giám đốc Nhà Khủng bố, giới ngoại giao Cộng hòa Czech và Slovakia đã báo trước từ nhiều ngày, rằng họ sẽ không có mặt tại sự kiện này.

Trong thư gửi hội nghị, đại sứ Plísek (Cộng hòa Czech) và Migas (Slovakia) đều nhấn mạnh sự thông cảm và hiểu biết lẫn nhau, nhưng họ tránh nói về sự đày ải sắc dân Hung ở Tiệp Khắc trong quá khứ. Cả hai đều gọi những diễn biến sau Đệ nhị Thế chiến là “một vấn đề phức tạp”: đại sứ Czech coi đây là một biến cố “bi thảm”, còn đại diện ngoại giao Slovakia thì đánh giá là “phức hợp”.

Một sắc tộc bị đày ải: dân Hung tại Tiệp Khắc bị tước bỏ mọi quyền lợi và bị trục xuất sau Đệ nhị Thế chiến

Về nội dung cuộc triển lãm, bà Schmidt Mária cho hay: 120 ngàn người gốc Hung đã phải rời bỏ Tiệp Khắc và cuộc triển lãm lần này cho thấy những khổ ải của họ. Sử gia Schmidt nhận xét: 3 triệu người gốc Đức và 600 ngà người gốc Hung là một vật cản đáng kể đương thời, trong giấc mộng thành lập một nhà nước “thuần Slav” của giới lãnh đạo Tiệp Khắc. Tuy nhiên, với sự đày ải các sắc dân Đức và Hung tại Tiệp Khắc, mục đích này chẳng những đã không đạt được mà mối quan hệ quốc gia giữa Hung và các “hậu duệ” của Tiệp Khắc, đến nay, vẫn căng thẳng vì sự tồn tại của các sắc lệnh Benes (*).

Ghi chú:

(*) Trong khoảng thời gian từ 14-5 đến 27-10-1945, tổng thống Tiệp Khắc Edvard Benes đã ra 143 sắc lệnh, trong số đó, 13 sắc lệnh có ảnh hưởng trực tiếp và khoảng 20 sắc lệnh có ảnh hưởng gián tiếp đến vận mệnh hai sắc dân Đức và Hung, bị coi là phải chịu “trách nhiệm tập thể” vì Đệ nhị Thế chiến.

Đối với sắc dân Hung, sắc lệnh số 33 của Benes ra ngày 2-8-1945 để lại những hậu quả nặng nề nhất. Sắc lệnh này tự động tước quốc tịch của người gốc Hung tại Tiệp Khắc, khiến họ bị sa thải khỏi các công sở nhà nước và không được hưởng mọi khoản trợ cấp, lương hưu… (việc sa thải người gốc Hung khỏi các cơ sở tư nhân được ấn định bởi một sắc lệnh khác, ra vào tháng 6-1945). Tiếng Hung bị cấm dùng ngoài xã hội, sinh viên Hung bị đuổi khỏi các trường đại học, các hiệp hội văn hóa Hung bị giải tán. Sắc lệnh này cũng tạo điều kiện để tịch thu đất đai của người gốc Đức và Hung, để trao cho dân Tiệp Khắc.

Trần Lê tổng hợp, theo các tư liệu Hungary


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn