Hoàng Thùy Linh ngoài đời...
Đó là một ngày chớm thu ở Hà Nội, u tôi - một bà giáo cấp 2 đã về hưu - sau khi đi tập thể dục buổi sáng ngoài công viên với những bà giáo cấp 2 đã về hưu khác, vừa đặt chân vào nhà, nhễ nhại mồ hôi, quần ống thấp ống cao, mặt mũi tái mét, chưa kịp tháo giày ba-ta đã lắp bắp nói không ra hơi: “Chết thật, chết thật, kinh tởm quá, kinh tởm quá”. Ai nấy phát hốt: “Tối qua đứa nào lại bĩnh ra chỗ các cụ tập à?”. “Không, Nhật ký Vàng Anh, Nhật ký Vàng Anh”.
“Nhật ký Vàng Anh” thì sao?
Trước hết, hãy cùng tìm hiểu qua về “Nhật ký Vàng Anh”. Đây là tên của một chương trình phim truyền hình “truyện dài nhiều tập” mà trên thế giới họ gọi chung là “nhạc kịch xà phòng bột”, được chiếu trên kênh truyền hình VTV3 vào tất cả các tối trong tuần. Bộ phim xoay quanh đời sống của lũ trẻ cấp 3. Nhân vật chính là Vàng Anh, cô bé lớp trưởng một lớp 12 ở Hà Nội. Nói đến kịch bản của phim, dĩ nhiên, chúng ta đừng vội nghĩ ngay tới các tác phẩm văn học nổi tiếng của Sếch-pia, Tôn-xtôi hay Vích-to Uy-gô. "Nhật ký Vàng Anh" thô sơ, mộc mạc và đơn giản hơn nhiều cho dù muốn có được bản quyền, nhà sản xuất đã phải sang tận Bồ Đào Nha tậu lại. Và, cách họ chiếu phim mới thật buồn cười. Mỗi tập phim chỉ dài chừng mươi mười lăm phút có nghĩa là giữa chừng, nếu bạn phải đứng lên đi… làm việc riêng thì khi quay lại phim đã được chiếu hết nhẵn từ lâu, hoặc giả bạn có chịu khó ngồi thu lu trước màn hình để theo dõi thì tập phim cũng kết thúc trước khi bạn kịp định thần. Nội dung thì thô sơ mà cách chiếu thì chớp nhoáng như vậy, nên giá trị nghệ thuật của nó không thể sánh với một… bát mì ăn liền - còn tính giáo dục thì thôi, xin miễn bàn tới. Tuy nhiên, chắc do kịch bản của các chương trình truyền hình khác còn xa vời với Sếch-pia, Tôn-xtôi và Vích-to Uy-gô hơn nên “Nhật ký Vàng Anh” là một chương trình có khá đông khán giả và nhà đài đã thu được khá nhiều lợi nhuận. Không kể tài trợ chính, tài trợ phụ, tài trợ dự bị, mỗi tập phim Vàng Anh đều kết thúc bằng một câu hỏi tình huống, dĩ nhiên cũng đơn giản như nội dung của phim và để trả lời, bạn không cần phải có chỉ số IQ trên 200, đại loại như:
- Câu hỏi: “Mình là lớp trưởng, bạn A, B, C nói chuyện trong lớp bị cô chủ nhiệm ghi tên vào sổ đầu bài, mình có nên mách bố mẹ các bạn ấy không ý nhỉ?”
- Tình huống A: “Mình không mách mẹ bạn A vì đấy là bạn thân của mình nhưng sẽ mách bố bạn B vì bạn ấy thuộc nhóm ganh đua với mình còn bạn C thì mình không biết nhà nên chẳng biết đường nào mà tìm đến mách”.
- Tình huống B: “Mình sẽ không mách mà tìm cách khuyên bảo các bạn ấy”.
Tìm cách nào và khuyên bảo các bạn ấy ra làm sao đều không thấy đưa ra ở tập tiếp theo nhưng đổi lại khán giả có thể nhắn tin đến để chọn một trong hai tình huống này và đoán “số người có ý kiến giống bạn”. Đoán trúng thưởng ngay. Lời giải đáp sẽ được đưa ra vào trước tập phim sau. Mỗi tin nhắn là 3.000 VNĐ. Mỗi tối thường có hai, ba chục ngàn tin nhắn. Ai tò mò về doanh số của chương trình thì chịu khó ngồi nhân hai con số đó với nhau.
Và trong "Nhật ký Vàng Anh"
Năm ngoái, “Nhật ký Vàng Anh” đã đi hết chặng đầu của mình với một cô diễn viên chính có khả năng bẩm sinh trong việc diễn tả bộ mặt vô cảm đến nỗi bất kỳ một tay showman nào từng kiếm ăn bằng cách kể chuyện tiếu lâm cũng phải phát thèm. Năm nay, các nhà làm phim đã đổi diễn viên chính và vì thế, vô hình chung, họ đã gây ra “Vụ bê bối của năm 2007”, đồng thời tạo ra cho báo giới một cơ hội vàng để kiếm tiền.
Vụ bê bối của cô bé hẳn mọi người đều biết. Nói về xì-can-đan của cô bé đóng vai Vàng Anh, mỗi thế hệ trong xã hội lại có một ý kiến khác nhau. Ý kiến của lớp người như u tôi là kịch liệt phản đối. Không những phản đối hành động của cô bé này mà còn phản đối tất cả những gì liên quan đến cô ta và tỏ ý bênh vực hay minh oan cho cô ta. Lớp người như tôi (40 tuổi, đã có gia đình, cũng có con gái) thì tỏ ra thông cảm hơn nhưng cũng không khỏi ngỡ ngàng. Khi bàn tán về việc này - mà đi đâu, ngồi đâu, gặp ai cũng đều đưa việc này ra bàn tán - lớp trung niên chưa già nhưng đã hết trẻ thường bênh vực cô bé. Nhiều khi bênh vực bằng những lý do khá ngộ nghĩnh như “bọn trẻ bây giờ ăn uống sướng nên phát triển sớm là phải…”, cứ làm như cơ sở của một xã hội thuần phong mỹ tục chính là sự khổ sở, thiếu thốn trong ăn uống. Tuy nhiên, sau mỗi câu bênh vực mọi người đều không quên kèm theo một từ “nhưng”. Nhưng quay phim “tự sự” như vậy là hơi quá đáng, nhưng phải biết xấu hổ, đừng tham gia đóng phim Vàng Anh nữa, v.v… Bọn trẻ 8X, 9X, XX (qua những gì tôi xem được trong các cuộc phỏng vấn trên truyền hình) thì bênh vực tuyệt đối vì cho rằng đó là việc riêng tư của mỗi người và không vì thế mà phải thay đổi cách đánh giá, cách suy nghĩ của mình về người đó. Một cuộc đại bàn luận trong toàn dân cứ thế mà dần dần lan rộng. Báo chí Việt Nam tất nhiên đã vào cuộc. Trên mỗi tờ báo đều có một luồng dư luận. Mỗi luồng dư luận là một con ngõ nhỏ, một chiều, mà nếu lạc vào đó thì bạn không thể quay ngược lại. Rất ít chính kiến được đưa ra. Đa số bài viết là “mượn mồm” của người khác. Chưa thấy ai nhân đó mà phân tích những vấn đề nóng trong xã hội hiện nay như giáo dục giới tính cho thanh niên, sức mạnh của Internet, các nguyên tắc về đạo đức trong báo chí, các bài học mà mỗi diễn viên, mỗi nghệ sĩ, mỗi ngôi sao truyền hình phải tự rút ra cho chính bản thân vì khi liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, họ phải chấp nhận việc cuộc sống riêng tư của mình cũng sẽ bị phơi bày và họ nên phân biệt rạch ròi như thế nào giữa con người thật của họ và nhân vật do họ thủ vai bởi nhiều khi, có thể họ không cần phải có trách nhiệm với bản thân nhưng vẫn buộc phải có trách nhiệm với nhân vật, vì nhân vật không thuộc về họ mà đã thuộc về công chúng.
Hoàng Thùy Linh chia tay "Nhật ký Vàng Anh" - Ảnh: VTV
Hành động tự quay phim bản thân trong lúc làm tình với bạn trai rồi để bị phát tán trên Liên mạng của cô diễn viên đóng vai Vàng Anh là một hành động mang đầy tính nghiệp dư nhưng cách mà người ta đem hành động đó ra xử lý còn nghiệp dư hơn gấp bội. Và, nghiệp dư nhất có lẽ là chương trình truyền hình đặc biệt “tiễn đưa” Vàng Anh mà VTV phát sóng vào tối hôm 15-10 vừa qua. Nó đã khiến cho bất cứ ai, kể cả những người còn hơi thông cảm với cô bé cũng phải phát bực. Bực vì tính giả dối của nó. “Kịch bản” của chương trình này còn tồi tệ hơn nhiều lần kịch bản của các tập phim Vàng Anh trước đó. Một cô bé 19 tuổi, khóc sướt mướt, ngồi giữa hai bộ mặt nghiêm trọng của hai người lớn, để xin lỗi bố mẹ (!) cho một việc làm mà chẳng pháp luật nào cấm đoán (là làm tình với bạn trai khi đã bước qua tuổi vị thành niên). Nói cách khác, trên phương diện con người thật, cô ta chẳng cần phải xin lỗi ai. Tuy nhiên, vì nhân vật Vàng Anh mà cô ta đóng đã trở thành “người của công chúng” và bởi hành động nghiệp dư của mình, cô ta đã giết chết nhân vật nên đáng ra cô ta phải xin lỗi khán giả và sau đó là xin lỗi nhà sản xuất chương trình cùng các đồng nghiệp. Điều đó, cô ta đã không được ai nhắc.
Câu chuyện của Vàng Anh thời đầu thế kỷ XXI đã kết thúc và không được có hậu như trong cổ tích. Tập cuối của “Nhật ký Vàng Anh” - không mang bản quyền của Bồ Đào Nha mà mang bản quyền của chính cô bé đóng nhân vật - đã mang tính giáo dục rất sâu sắc, nhưng bài học của nó, thật đáng tiếc, lại chỉ dành cho người lớn, chứ không dành cho lũ trẻ cấp 3.
(*) Tin mới nhận được: U tôi vừa đi thể dục chiều về và lại vừa mua được 3 bài báo (!) viết về câu chuyện của Vàng Anh. Bài báo chứ không phải tờ báo vì tờ báo thật đã bán hết từ lâu và chủ sạp báo đã tự động “tái bản” bằng cách đi photocopy những bài báo liên quan đến vấn đề này. Khi được hỏi, chủ sạp cho biết, đã bán được hơn 1.000 bản copy từ trưa đến giờ, với giá bán 1.000 VNĐ/bản. Lãi gấp đôi chi phí in ấn và phát hành.
DHH, từ Hà Nội
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn