BẦU CỬ HẠ VIỆN NGA - CHUYỆN NGOÀI LỀ (2)

Thứ năm - 29/11/2007 18:40

(NCTG) Quảng cáo chính trị ở Nga là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ. Chính vì thế, trong chiến dịch vận động tranh cử vào Hạ viện Nga 2007, những áp-phích, bích chương, những đoạn phim quảng cáo truyền hình và lời kêu gọi cử tri của các đảng cho thấy tính không chuyên nghiệp của công nghệ này ở nước Nga. Các bích chương treo trên đường phố gần như na ná nhau về bố cục, hình ảnh, thậm chí gam màu, nội dung khẩu hiệu cũng nhợt nhạt, không khiến được … lòng người rung động!

Chải chuốt tượng Putin bằng sáp tại Bảo tàng Stavropol trong mùa tranh cử Hạ viện Nga - Ảnh: Eduard Korniyenko (REUTERS)

Natalia Sveshnikova, phó tiến sĩ tâm lý học, chuyên gia lĩnh vực PR chính trị, cho rằng một trong những biểu hiện của sự không chuyên nghiệp ấy thể hiện ở chỗ các bích chương mang rất ít nội dung thông tin. Ví dụ, quảng cáo của Đảng “Nước Nga thống nhất” (NNTN) chỉ nhắc đi nhắc lại tên của Putin cùng với kế hoạch của ông. Có lẽ, họ hy vọng rằng tên của tổng thống đương nhiệm sẽ mang lại hiệu quả như một “ma lực” đối với dân chúng. Chính vì thế, “kế hoạch Putin” là một trong những thứ mà dân chúng nghe đến rất nhiều, trẻ em cũng thuộc tên, nhưng không mấy ai biết đó là kế hoạch gì!

Ngoài quảng cáo của Đảng NNTN với hình ảnh bao trùm là tổng thống Putin thì quảng cáo của Đảng Tự do - Dân chủ (TDDC) với hình tượng thủ lĩnh Vladimir Zhirinovsky cũng tạo được ấn tượng nhất định. Đảng này có đoạn phim quảng cáo tương đối “chuyên nghiệp và hợp lý” theo đánh giá của chuyên gia ngành quảng cáo, trong đó không chỉ vạch rõ nội dung hoạt động của đảng (“cái gì?”) mà có cả phương thức hành động (“bằng cách nào?”) Zhirinovsky, như giới báo chí Nga vẫn viết về ông, là một “show-man” đúng nghĩa. Từ nhiều năm nay, ông xuất hiện trên rất nhiều chương trình truyền hình, tham gia tích cực vào các talk-show, thể hiện mình dưới rất nhiều góc độ, rất có duyên sân khấu, đồng thời cũng rất thô lỗ trong ăn nói, rất mạnh mẽ và cũng rất lập dị. Có thể nói, đây là một nhân vật đặc biệt, có ảnh hưởng mạnh đến cảm nhận - cả tích cực lẫn tiêu cực - của dân Nga và đó chính là chìa khóa cho sự thành công của một show quảng cáo!

Như vậy, vô hình trung, dân Nga chú trọng đến cá nhân hơn là một đảng phái chính trị. Người ta hay hỏi nhau, bầu cho đảng của Putin hay của Ziuganov, Zhirinovsky? Thậm chí, nhiều người cứ dựa theo cảm tình đối với đại diện đảng ấy trong tranh luận công khai để quyết xem lá phiếu của mình sẽ khuyên vào số mấy. Bằng chứng là, trong số những người quen của tôi, không ít người thích Đảng “Những người ái quốc Nga” chỉ vì bà đại diện cho đảng ấy có tác phong dễ thương!

Suy cho cùng, quảng cáo, dẫu có được sắp đặt cẩn trọng, ý tứ sâu xa đến mấy, có được chú tâm “đì-zai” hiện đại đến mấy, thì vẫn chỉ dừng ở mức là một quảng cáo. Cũng như đối với các loại hình quảng cáo khác, dân chúng tiếp nhận thông tin một cách vô thức. Nhưng đó mới chỉ về mặt hình thức. Bản chất vấn đề là những lời hoa mỹ trong quảng cáo ấy có động được đến lòng dân không, có giúp dân xác quyết được mình sẽ bầu cho đảng nào hay đôi khi lại phản tác dụng? Rất nhiều người bạn Nga của tôi cứ thấy quảng cáo chính trị trên truyền hình, hay ngó thấy tờ rơi của các đảng nhét chặt các hòm thư, là lắc đầu ngao ngán: “Hứa thì hay, làm được mấy?” Lục lọi đống báo chí và theo dõi các kênh truyền hình, tôi thu thập được một số “mỹ từ” của các đảng, như sau:

* Đảng TD - DC:Không lừa dối và không sợ hãi. Số trên phiếu của chúng tôi là số 7 (*). Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói. Hãy bầu cho chúng tôi”. Những câu này được trưởng đảng Zhirinovsky tuyên bố thật hùng hồn, và ý “uốn lưỡi bảy lần” quả thực là sáng tạo.

* Đảng Cộng sản Liên bang (LB) Nga (CS LB Nga): Là đảng có nhiều kiểu khẩu hiệu nhất, và nhiều cái nghe thật tức cười: “Đỏ còn hơn là xanh (**)” (theo lời ông Ziuganov, lãnh tụ đảng này, thì đây là câu do giới trẻ nghĩ ra và họ rất khoái ý hài hước của nó); “Trung thành với dân, cần cho đất nước”; “Ta càng nhiều, họ càng ít”; “Trái tim chúng ta đập phía bên trái” (ý nói cánh tả), “Tất cả mọi người đều có động cơ riêng”; gần đây “Chúng tôi bảo vệ…” Những slogan của Đảng CS LB Nga phần nào thể hiện được tính “nhiều chuyện” của đảng này trong bầu cử với hơn một ngàn khiếu nại và vô số những lời chỉ trích đối với các đảng khác.

* Đảng NNTN:Kế hoạch Putin là chiến thắng của nước Nga”. Câu này đem lại ấn tượng lớn cho cư dân Nga, nhưng cũng tạo nên sự phản cảm. “Chiến thắng của nước Nga” là chiến thắng ai và cái gì? Việc sử dụng hình ảnh tổng thống Putin như một con át chủ bài rất có thể khiến cho người dân càng cảm thấy họ quá nhỏ bé và… vô hình trong đất nước này, dưới một hình ảnh lồng lộng bao trùm của người đứng đầu quốc gia.

* Đảng “Quả táo” (QT):Chính quyền dưới sự kiểm soát của công dân". Khẩu hiệu này rất quen thuộc, dường như dưới thời Xô-viết từng là câu cửa miệng của các “nô bộc của dân". Song cũng chính vì thế mà nó trở nên mờ nhạt.

* Đảng “Liên minh các lực lượng cánh hữu” (LMCLLCH):Chúng tôi cứu giúp những người hưu trí - cứu giúp tất cả mọi người”; “Hãy bầu cho LMCLLCH để ủng hộ việc tăng lương hưu lên hai lần rưỡi”; “Hãy nhớ, tiếng nói của chúng ta chỉ được cần đến bốn năm một lần!” - câu cuối này suy ra rất không ổn: hóa ra, người dân chỉ có giá trị cho các dịp bầu cử, còn thì, sau đó, họ lại trở về là “con ong, cái kiến”?

* Đảng “Nước Nga công bằng”:Lên đường may mắn đến với một nước Nga công bằng”. Đảng này sử dụng một hình ảnh mà tôi cho là rất thú vị, được in trên trang cuối của ấn phẩm vận động tranh cử với cái “tít” lớn: “Những thiên tài đều ủng hộ cho sự công bằng”. và dẫn câu của triết gia, nhà văn Jean-Jacques Russeau: “Hãy tỏ ra công tâm - bạn sẽ được hạnh phúc”. Tiếp theo là một loạt dẫn chứng các nhà tư tưởng lỗi lạc của thế giới các thời đại nói về hai chữ “công bằng”.

Ngoài những áp-phích, bích chương, phim quảng cáo, những cuộc tranh luận công khai trên truyền hình, còn phải nhắc đến một chiêu thức tuyên truyền khác nữa là “show chính trị trên đường phố”, mà ấn tượng bậc nhất là cuộc gặp mặt của Putin với cử tri tại sân vận động Luzhniki, Moscow vào ngày 21-11 vừa qua. Tiếp đó là các cuộc “hành trình của những người phản đối” diễn ra tại nhiều thành phố ở Nga vào ngày 24-25 tháng 11 với sự tham gia của nhiều thành viên các đảng như Đảng LMCLLCH, Đảng QT…

Mặc dầu công nghệ quảng cáo chính trị nói trên đã được chú trọng rất nhiều trong cuộc chạy đua vào Hạ viện Nga kỳ V này, song dường như nó vẫn không đem lại hiệu quả mong muốn. Theo số liệu của Quỹ “Dân ý” trong cuộc thăm dò hai ngày 10-11 vừa qua, 33% số người được hỏi cho rằng những truyên truyền chính trị là không cần thiết, 16% tuyên bố quảng cáo khiến họ lại khó đưa ra lựa chọn của mình hơn, 23% cho hay những quảng cáo ấy không hề có ảnh hưởng tới quyết định chính trị của họ. Phải chăng, ở nước Nga, việc áp dụng mô hình và quy cách tiến hành vận động tranh cử phương Tây thực sự không thích hợp? Bởi một lẽ:

Dùng trí tuệ sao hiểu nổi nước Nga
Một thước chung chẳng thể nào đo nổi
Mang dáng vóc khác thường vời vợi -
Ôi nước Nga… chỉ có thể tin Người!
(***)

Ghi chú:

(*) Nguyên văn: “Bảy lần đo, một lần cắt!

(**) “Xanh” ở đây được dùng với nghĩa là đồng tính nam.

(***) Thơ Fyodor Tyutchev (1803-1873).

Mạc Thủy, từ Liên bang Nga 28-11-2007 - Còn tiếp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn