Động thái này cho thấy một bước tiến chín muồi về chính trị của người dân, một nét son trong việc thực thi những quyền công dân và bổn phận trước tổ quốc, sơn hà ở Việt Nam.
Ngay sau khi Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa trực thuộc tỉnh Hải Nam, có chức năng trực tiếp quản lý hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam (ngày 20-11-2007), cộng đồng "mạng" có lẽ là những người phản ứng nhanh nhất, đa dạng nhất và quyết liệt nhất, trên các blog và mọi phương tiện khác.
Nhà văn, nhà báo Trang Hạ (blogger trangha) của "Tiền Phong", trong bài viết "Việc nước", đã phân tích đây là một "dã tâm" của chính phủ Trung Quốc: "Tuyến hậu cần của Tam Sa sẽ là thành phố Văn Xương, vừa mới được cấp tốc nâng cấp từ thị trấn lên thành phố từ chục ngày trước. Thành phố Tam Sa sẽ "bao phủ cả ba quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam), Đông Sa", diện tích lên tới 2,6 triệu km², rộng bằng một phần tư diện tích lãnh thổ Trung Quốc. [...] Trên Wikipedia, trang "Trường Sa" được người Tàu viết, và nếu bạn đọc nổi, bạn sẽ thấy họ cung cấp cho hơn một tỷ người đọc toàn cầu nội dung choáng váng: Trung Quốc có "vết tích" ở Trường Sa và Hoàng Sa từ thời Hán, thời Tam Quốc, thời Đông Ngô. Còn "chứng cớ sở hữu" của Việt Nam có từ năm 1973". Nhà báo kỳ cựu Huy Đức của "Sài Gòn Tiếp Thị" (blogger Osin) có entry "Chiến tranh", một bài viết sâu sắc và có sức lan tỏa rất lớn, phân tích nhiều yếu tố trong lịch sử tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó có nhắc lại một sự kiện lịch sử: cuộc tử chiến của Hải quan Việt Nam Cộng hòa để bảo vệ Hoàng Sa trong trận chiến đơn độc và không cân sức với Trung Quốc, và nêu ý cần "khắc bia lưu danh những người anh hùng đó".
Bài viết có những dòng cảm động được nhiều blogger trích lại: "Tôi xung phong vào bộ đội sau ngày 17-2- 1979, khi “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”. Năm ấy tôi 17 tuổi và đang học lớp 10. Tôi nhớ như in máu đã chảy trong tôi như thế nào và ngay giờ đây máu vẫn chảy như thế mỗi khi nghe “Tiếng súng …” Tôi biết, tôi sẽ trở lại quân ngũ nếu chiến tranh lại xảy ra như 29 năm trước. Tôi cũng không thể ngăn cản con trai tôi, nếu khi cháu lớn, người Trung Quốc lại xâm chiếm đất nước tôi".
Blogger Người Buôn Gió đau xót trong entry "Thư gửi Bộ Chính trị Việt Nam": "Từng đoàn người đổ ra khắp mọi nẻo đường của các đô thị chúc mừng chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam ở một giải đấu khu vực, từ trẻ đến già ai cũng hồ hởi, phấn khởi hân hoan. Khắp nơi trong các quán xá ngưòi ta chỉ nói có mỗi chuyện đội tuyển Việt Nam đã chiến thắng Malaysia theo cách gì. Người ta còn cho rằng qua bóng đá thể hiện tinh thân yêu tổ quốc, yêu dân tộc. Chiều nay đội tuyển Việt Nam sẽ chắc mang lại cho đông đảo nhân dân một niềm phấn khích nữa trước đội tuyển Lào yếu ớt. Đường phố của các đô thị lại ngập cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, không khí mừng chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam lại dâng cao ngùn ngụt, khí thế nức lòng người. Giá như... một chút thôi. Tinh thần ấy được áp dụng vào việc phản đối Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong việc họ ra tuyên bố chính thức hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của họ. Sáng nay người dân Hà Nội vẫn bình thản đi làm. Mảnh đất ma cha ông, anh em họ từng đổ máu, một nguồn tài nguyên dồi dào đã bị cướp đi đối với họ không có nghĩa gì sao, không bằng trận túc cầu chiều nay chăng?", để rồi khiến người đọc động lòng trong bài "Cảm xúc cá nhân": "Tôi không mong làm anh hùng hay người nổi tiếng. Tôi muốn kiếm nhiều tiền để hưởng thụ, muốn an thân chăm sóc con cái khôn lớn trưởng thành. Nhưng con trai tôi sẽ nghĩ gì khi thế hệ cha nó đã buông xuôi trước nỗi nguy mất đất đai. Nếu tổ tiên chúng ta cũng bàng quan thì liệu đến ngày hôm nay còn mảnh đất này cho chúng ta sống? Chúng ta không phải người Do Thái, càng không phải người Di Gan. Chúng ta cần có đất để đặt ban thờ tổ tiên châm những nén hương bày tỏ lòng hiếu thuận, cần có nắm đất để chôn cất những bậc sinh thành. Tôi muốn nói với con tôi câu này: "Con là người Việt Nam, con đang sống trên đất Việt Nam". Nếu ước muốn này, điều tâm nguyện này của tôi không có được cho con tôi. Liệu có cái gì còn quý hơn tôi để lại cho con. Đừng để con cái chúng ta phải làm kiếp lưu vong trên chính mảnh đất của chúng ta".
Blogger holanhuong bất bình với nhiều entry mà một ý chủ đạo có thể nhận ra rất rõ ràng: "Dân Việt Nam không bao giờ cúi đầu trước kẻ thù, tất cả đang sôi sục căm phẫn".
Không thể kể xiết phản ứng căm phẫn của vô vàn "công dân mạng" khi những giá trị thiêng liêng nhất của Tổ quốc bị đụng chạm. Ý thức được rằng, trong khi chính phủ Việt Nam có cách xử lý kiểu "ngoại giao" (thông qua tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng 2 tuần sau khi Trung Quốc ngạo mạn đưa tin: "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa"), mỗi người dân cũng cần phải làm một cái gì đó để thực hiện bổn phận công dân, lòng ái quốc, nhiều tin nhắn kêu gọi phải có một phản ứng với chính quyền Trung Quốc đã được gửi đi. Đặc biệt, hầu như bất cứ ai có điều kiện "lướt sóng" trên Mạng, cũng nhận được thông điệp sau: "Đúng 9 giờ, Chủ nhật, ngày 9-12-2007, theo thỏa thuận của những người Việt Nam yêu nước và được sự đồng ý, cho phép của Cơ quan An ninh. Chúng ta - Các anh chị em nếu có điều kiện thì tập trung tại Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội/ Vườn hoa đối diện Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP HCM, tổ chức biểu tình hòa bình phản đối hành động của Trung Quốc về vấn đề chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Xin lưu ý là chúng ta biểu tình hòa bình, tránh những hành động quá khích! Send tin này cho bạn bè trong list của mình! Tks bạn".
Ở nhiều nơi (diễn đàn và các nhóm trên Liên mạng) và từ nhiều người, một số ngần ngại đã được nêu ra đối với cuộc biểu tình dự kiến này. Cho dù, Hiến pháp Việt Nam thừa nhận quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp, nhưng chưa hề có một tiền lệ khi người dân được công khai bày tỏ quan điểm, ý nguyện một cách dân chủ qua hình thức biểu tình (sử gia, dân biểu Dương Trung Quốc - blogger Quốc Xưa Nay - từng ngỏ ý đã đến lúc Việt Nam cần có một Luật Biểu tình cho phép người dân thực thi quyền hiến định của họ). Không ít người "chủ hòa", coi chuyện Trường Sa - Hoàng Sa mất về tay Trung Quốc là "sự đã rồi", "tất yếu", vì Trung Quốc "mạnh hơn ta gấp bội". Có người, cho rằng "không nên để "địch" lợi dụng, kích động, chống phá chính quyền Việt Nam", thông qua các cuộc biểu tình...
Nhưng, những nghi ngại ấy đã được dẹp tan trước nỗ lực và lòng dũng cảm của nhiều con dân Việt, thuộc đủ mọi giai tầng xã hội, đã tập trung một cách trật tự, hòa bình, có tổ chức và đường hoàng, trước tòa đại sứ và tổng lãnh sự Trung Quốc tại Hà Nội và TP HCM. Từ 50 năm nay, khi Trung Quốc bắt đầu xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mới có một ngày hội của lòng yêu nước cảm động và thiêng liêng đến thế! Và, trong khi, báo chí "chính thống", như trong những dịp tương tự, còn phải... nằm chờ chỉ thị từ "trên", thì các phóng sự, hình ảnh, clips... của những "nhà báo công dân" đã phấp phới trên vô số blog, đưa tin ra toàn thế giới. Chỉ trong ít phút, người Việt ở nước ngoài và thế giới được thấy những gương mặt của hàng trăm, hàng ngàn sinh viên, ký giả tự do, văn nghệ sĩ - có cả du khách và nhà báo ngoại quốc -, cùng những băng-rôn, những lời hô thấm đượm tinh thần ái quốc: “Trả lại Trường Sa”, “Trả lại Hoàng Sa”, “Đả đảo Trung Quốc xâm lược”, "Trung Quốc đừng đánh mất thiện cảm của thanh niên Việt Nam", "Hoàng Sa - Trường Sa là máu thịt của Việt Nam", "Việt Nam muôn năm!", "Dậy mà đi... Hỡi đồng bào ơi!", "Thanh niên Việt Nam... Bảo vệ Tổ quốc!", "Chúng tôi sẵn sàng... Bảo vệ Việt Nam"... Nhiều biểu ngữ được viết bằng các thứ tiếng ngoại quốc, một số người tham dự biểu tình cũng đã đĩnh đạc trả lời phỏng vấn, hoặc giải thích cho du khách nước ngoài biết lý do của cuộc biểu tình cũng như nguyện vọng bảo toàn lãnh thổ của dân Việt. "Nguy cơ khiêu khích của bọn phản động" - nếu thực sự có nguy cơ đó, chứ không chỉ là sự e ngại, hoặc... hù dọa của ai đó - đã không thể có chỗ trước những con người trưởng thành, có chủ kiến, có ý thức chính trị và công dân!
Một điều đáng ghi nhận về phía chính quyền là, như tường thuật của nhiều blogger, lực lượng cảnh sát - mặc dầu được điều động khá đông đảo và mọi cử chỉ của họ cho thấy đã có sự chuẩn bị kỹ càng từ trước - đã tỏ thái độ khá hòa nhã, "vừa phải" với đoàn biểu tình - thậm chí, trong nhiều trường hợp, họ còn tỏ sự đồng cảm trước lòng yêu nước của đồng bào, như report của blogger bulldog: "Tôi, nhà thơ Phan Bá Thọ và nghệ sĩ thị giác Huy “béo” đang ngồi trên vỉa hè thì một cảch sát chìm ra hỏi: “Mấy ông ngồi đây làm gì ?”, chúng tôi trả lời: “Ngồi chơi”. Lập tức một cảnh sát giao thông ra yêu cầu chúng tôi đi chỗ khác. Tôi hỏi anh cảnh sát giao thông: “Họ đang làm gì thế nhỉ?”. Anh cảnh sát trả lời: “Họ biểu tình phản đối Tầu khựa cướp đảo của mình”. Tôi hỏi tiếp: “Việc làm của họ đúng không anh?”. Anh trả lời rất dõng dạc: “Đúng quá đi chớ!”. Rồi anh nói tiếp, vừa nói vừa chỉ vào ngực: “Nếu không mặc bộ quần áo này, tôi cũng tham gia với họ”. Tôi bắt tay anh thật chặt. Và tôi rất thông cảm với anh. Chỉ vì bộ quần áo, bộ sắc phục của một cơ quan đại diện quyền lực chính quyền, đã ngăn cản anh làm một điều đúng".
Blogger HungChen nhận xét: "Lực lượng Công an đáng ngạc nhiên, không gây khó dễ gì và một anh còn nói với tôi "nếu ông thích biểu tình, thì gửi xe bên Thành Đoàn đó!" [...] Chỉ một điều đáng tiếc, trụ sở Thành Đoàn nằm kế bên nhưng hầu như không thể thể hiện được vai trò dẫn dắt thanh niên Việt Nam!"
Blogger JuMông thuật lại: "[...] Các lực lượng an ninh đã đến rất đông, có một số các cô các chú chắc là bên Ban Tư tưởng, đi vào đám đông khuyên giải và bảo là các bạn làm như thế là rất tốt, nhưng đến đây là đủ rồi, không cần phải đứng lâu, mọi người về đi, vấn đề này nhà nước cũng đang bàn bạc giải quyết. Một số người nghe theo (trong đó có tôi), một số người vẫn nán lại, nhưng chỉ ngay sau đó lực lượng công an cơ động ùa vào và mọi người buộc phải giải tán nhưng không có bất cứ một hành động bạo lực nào xảy ra, đó là điều đáng mừng".
Vẫn blogger Người Buôn Gió, trong entry "Tinh thần Việt": "Bố con anh [nhiếp ảnh gia] Xuân Bình nổi bật giữa đám đông với màu đỏ chót và tấm khẩu hiệu. Cuộc biểu tình này có nhiều thành phần trong nhân dân từ cán bộ, công nhân viên, đến học sinh, sinh viên. Có phụ nữ cụ già và trẻ em. Nhiều thanh niên rất hăng hái, họ phất cờ chạy vòng rộng khích lệ tinh thần trong tiếng vỗ tay vang dội. Chưa bao giờ tôi thấy nghẹn ngào xúc động như hôm nay, người Việt Nam đã tỏ rõ tinh thần bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc. Một cụ già được cô cháu gái dìu nói trong nước mắt: "Tôi già rồi không hô hào được, cám ơn các cháu trẻ tuổi đã làm giúp tôi. Tôi từng đổ máu bảo vệ tổ quốc này, tôi xót xa lắm, đau đớn lắm. Các cháu cứ làm đi, nếu ai bắt bớ khủng bố tôi xin đem thân già tôi ra chịu trước!". Mọi người đều xúc động trước tình cảm của cụ đối với đất nước. Anh trung niên giơ tay nói: "Dù có mất tất cả chúng ta cũng không chịu nhục, không chịu làm nô lệ. Tôi nguyện hy sinh cầm súng bảo vệ tổ quốc mình!". Đám đông giơ tay hưởng ứng. Mấy người cảnh sát xen vào nói ôn tồn: "Làm gì có ai bắt bớ mọi người đâu, mọi người giữ ôn hòa là được rồi. Mà thôi hô thế cũng đủ rồi, về nhà nghỉ ngơi thôi. Mình phản ứng thế chúng nó cũng biết, cũng thấy rồi." [...] Thái độ của những nhà chức trách trong buổi biểu tình hôm nay rất tôn trọng đám đông. Mặc dù họ tràn tới nhưng lời lẽ rất nhẹ nhàng, chân tình đại loại như: "Thôi anh, chị, cô, chú, các em về nghỉ ngơi thôi, cho bọn tôi nghỉ với. Mình hôm nay hô hào thế là nhiều rồi." Họ vừa nói vừa cười thân thiện, không hề có lời lẽ đe dọa hay hành động khiếm nhã nào. Họ cứ len vào đám đông thuyết ôm hục và chia cắt. Dường như mọi người cũng đã mệt, cho nên họ lần lượt đi về. Khi mọi người ra về gần hết, công an vẫn giăng ngang vườn hoa thành một hàng rào. Nhiều cảnh sát cầm dùi cui nhưng trên gương mặt họ nở nụ cười tủm tỉm".
*
Mốc 9-12-2007 đã thực sự là một ngày hội của tinh thần Việt, đồng thời, cũng đánh dấu sự lớn mạnh và chín muồi về nhận thức và tổ chức của "cộng đồng mạng". Nó đã để lại nhiều cảm xúc chứa chất về tình yêu nước, không phải là thứ mơ hồ, hay một chủ thuyết chính trị nào, mà là những gì gần gũi với quê hương “chôn nhau cắt rốn", như sự diễn đạt của blogger JuMông: "Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Thật là những cảm giác xúc động. Biểu tình là một bước tiến rất quan trọng trong việc cải cách ý thức của thanh niên Việt Nam, quan tâm đến mệnh hệ đất nước hơn. Biểu tình là lúc tình người, tình dân tộc đoàn kết hơn, yêu thương nhau, chia sẽ hơn. Biểu tình là lúc cho ta thấy, ở phía nhà nước, vẫn còn chút gì đó không thật mạnh mẽ thể hiện quan điểm cứng rắn hơn, mặc dù lòng dân đã sôi sục. Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, chân lý đó sẽ không bao giờ phai nhòa".
Những người khởi xướng, tham gia hoặc đồng cảm với sự kiện 9-12, đều hiểu rõ tác động và tầm ảnh hưởng của một cuộc biểu tình, không có những ảo tưởng quá lớn lao, như nhận định tỉnh táo của blogger bulldog: "Có một sự thật hiển nhiên, rằng một cuộc biểu tình chứ trăm cuộc biểu tình thì cũng không đòi lại được Hoàng Sa và Trường Sa. Sân bay nó xây rộng bao la, máy bay nó lượn như chuồn, dân nó ra đó hàng đàn để du lịch …, rõ ràng, không thể đòi lại bằng biểu tình. Vậy biểu tình là vô ích? Không! Cuộc biểu tình ngày hôm qua ở cả Hà Nội và Sài Gòn là vô cùng cần thiết. Vì cái mà cuộc biểu tình mang lại là những ý nghĩa vô cùng to lớn. [...] Cuộc biểu tình này chính là một cuộc “thực hành dân chủ”. Người dân Việt Nam đang tập thực hiện quyền lợi của mình". Để rồi blogger này đưa ra một ý tưởng được nhiều “công dân mạng” khác đồng tình và tâm đắc: "Vào ngày 15 tới đây, chúng ta buộc phải mang mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy. Vậy, mọi người hãy cắt dán hoặc viết lên chiếc mũ bảo hiểm của mình slogan tự nghĩ, mà những từ chìa khóa là Hoàng Sa, Trường Sa, Trung Hoa. Kẹt xe trong các thành phố lớn là chuyện đương nhiên, vậy hãy tưởng tượng xem, ở các điểm kẹt xe là một rừng biểu ngữ. Một màn nghệ thuật sắp đặt tuyệt vời. Một cuộc tổng biểu tình vĩ đại. Một cảnh tượng xứng đáng đưa vào sách kỷ lục thế giới".
Câu hỏi "tiếp tục ra sao?", như thế, đã được một số blogger trả lời. Nhà văn, đạo diễn điện ảnh Đoàn Minh Phượng (blogger 2 4 6) tâm niệm: "Không mua hàng Tàu, đi du lịch Tàu, nghe nhạc Tàu, xem phim Tàu để phản đối việc xâm chiếm lãnh thổ. Không thể vừa mê say phim "Anh hùng" của Trương Nghệ Mưu tuyên truyền cho chủ nghĩa Đại quốc, vừa la lối khi bọn nó cướp đất của mình. Phải tìm kiếm Cultural Emancipation, không đương nhiên chấp nhận các giá trị của Tàu là chuẩn mực từ đời này qua đời khác".
Tuy nhiên, sự trĩu nặng vẫn còn lại ở nhiều người: "Cuộc biểu tình diễn ra tương đối thành công so với tiên đoán của tôi, nhưng tại sao tôi vẫn thấy có cái gì đó vô hình cứ nặng trĩu trong lòng?! Liệu sau đây sẽ có biến cố chính trị lớn nào xảy ra không nhỉ?! cái này tương lai sẽ trả lời! Tôi viết ra những lời này để giãi bày tâm sự và cũng để hy vọng nhỏ nhoi rằng sẽ thức tỉnh ý thức dân tộc của những người đọc nó.Cha ông ta đã đổ bao công sức khai phá thậm chí là đổ cả xương máu để có chút đất đai nay lại để giặc Tàu cướp trắng trợn trong sự thờ ơ của chúng ta sao? Ít nhất cũng phải có một hành động dù là nhỏ bé nào chứ!" (bloger JuMông). Cảm giác buồn bã ấy cũng được blogger Người Buôn Gió ghi lại trong đoạn kết entry rất hay của anh, một người "trong cuộc": "Thật đáng tiếc khi đám người biểu tình lan tỏa ra về, trên dòng người tấp nập đường Điên Biên Phủ nhiều người tò mò dừng lại hỏi biểu tình gì, khi thấy nói biểu tình phản đối Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa. Họ ngạc nhiên hỏi: "Vì sao mà phải biểu tình, Hoàng Sa, Trường Sa làm sao hả anh!" Sự thực đến giờ phút này, rất nhiều người dân Việt Nam không biết gì về sự kiện Tam Sa mà Trung Quốc tạo ra. Lỗi tại ai???" Nhà văn Lê Anh Hoài (blogger búp bê bằng bột) ưu tư vì ngay các cơ quan hữu trách ở Việt Nam vẫn "bình chân như vại", "tựa như vấn đề xảy ra ở Công-gô hay Miến Điện", chưa hề có sự "nhìn nhận một cách khoa học, theo công lý về Trường Sa và Hoàng Sa", trong khi giới trí thức hải ngoại đã để tâm và nghiên cứu vấn đề này từ rất lâu nay.
*
Vấn đề được đặt ra sau những cuộc biểu tình lịch sử ngày 9-12-2007 rất lớn. Với "quyền được [cung cấp] thông tin" hiến định, thử hỏi bao nhiêu phần trăm quốc dân Việt Nam được biết Trung Quốc đã cho quân chiếm phía Đông của quần đảo Hoàng Sa từ năm 1956? Rằng trong những năm tồn tại, dù có thể còn có nhiều đánh giá khác nhau, nhưng chính quyền Việt Nam Cộng hòa, trước sau như một, vẫn xác nhận chủ quyền trên cả hai quần đảo và đã tử thủ để bảo vệ chúng? Rằng, vào năm 1988, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa quân tấn công Hải quân Việt Nam, khiến hơn 70 quân nhân Việt bị mất tích và phía Trung Quốc còn ngăn chặn không cho tàu mang cờ Hồng Thập Tự ra cứu quân Việt Nam? Rằng, với chiến thuật "cá lớn nuốt cá bé" từ từ và dai dẳng, đến giờ, Trung Quốc đã kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa (cùng 5 nước khác mà Việt Nam chỉ là một)? Rằng, như sự nhắc nhớ của nhà báo, blogger Bùi Thanh trong entry "Không thể chấp nhận được!", ngay từ khi ấy, Trung Quốc cũng đã thông qua nghị quyết thành lập tỉnh Hải Nam (bao gồm cả Trường Sa và Hoàng Sa) mà nhà báo Đoàn Khắc Xuyên gọi là một “nghị quyết ăn cướp, sau những hành động ăn cướp”?
Tiến sĩ Luật học Từ Đặng Minh Thu (Đại học Sorbonne), trong tham luận đọc tại Hội Thảo Hè “Vấn đề tranh chấp Biển Đông” (New York City, ngày 15/16-8-1998), đã cảnh báo: "Cuộc tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cần phải giải quyết càng sớm càng tốt. Để càng lâu, nó càng đe dọa hòa bình ở Đông Nam Á và có thể là hòa bình thế giới". Nếu Việt Nam im lặng, hoặc không có sự phản kháng quyết liệt trên phương diện ngoại giao và luật học tại các diễn đàn thế giới và khu vực, chúng ta sẽ vĩnh viễn mất Trường Sa và Hoàng Sa, bởi lẽ "một sự chiếm hữu bất hợp pháp, với thời gian, nếu không có sự phản đối từ quốc gia kia, và nếu có sự thừa nhận của các quốc gia thứ ba, sẽ tạo nên chủ quyền cho quốc gia chiếm hữu. Vì thời gian với sự công nhận sẽ “tẩy xóa tội lỗi”!
Nếu đạt được một điều gì đó, chắc chắn cuộc biểu tình ngày 9-12 qua đã không để công luận trong nước và quốc tế quên dã tâm bành trướng và xâm lược của Trung Quốc tại Biển Đông. Không để thời gian hợp thức hóa một sự chiếm hữu bất hợp pháp. Và để, ít nhất, nuôi dưỡng tâm thức Việt, như diễn đạt của blogger Bùi Thanh trên báo "Tuổi Trẻ" và blog cá nhân: "Cho dù đó là gì đi nữa, chúng ta trước sau vẫn chỉ có một câu trả lời: Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam và mãi mãi là như thế! Những người đi trước đã ngã xuống vì mảnh đất này và do vậy, chúng ta cũng sẽ không lãng quên điều ấy. Và chúng ta cũng không cho phép ai thay đổi lịch sử, thay đổi bản đồ Việt Nam! Và xin bạn, mỗi ngày mở trang hai báo "Tuổi Trẻ", trong mục dự báo thời tiết, hãy xem Hoàng Sa, Trường Sa chúng ta bao nhiêu độ? Nơi ấy nắng ấm, mưa bão thế nào? Như chưa hề có cuộc chia ly…"
Trong sự kiện có tầm quan trọng lớn lao này, "cộng đồng mạng" đã làm được rất nhiều, để chắp cánh cho lòng ái quốc của từng người dân mảnh đất "Nước thiêng Tiên Rồng", mà hơn 60 năm trước đây, nhạc sĩ Hùng Lân đã ngợi ca trong bản hạc bất hủ "Việt Nam - Minh châu trời Đông":
Hy sinh tâm huyết trong báo đền ơn nước.
Giơ tay cương quyết ta ôn lời thề ước
Hy sinh xương máu mong báo đền ơn nước.
“Dù thân này tan tành chốn sa trường cũng cam.
Thề trọn đời trung thành với sơn hà nước Nam!”
(*) Người viết bài này xin cám ơn các blogger về những hình ảnh và thông tin trích dẫn trong bài!
Người Dân, 10-12-2007
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn