PUTIN BỊ ÁM SÁT? - LỜI TIÊN TRI KHỦNG KHIẾP HAY MỘT KỊCH BẢN TÌNH THẾ?

Thứ hai - 17/12/2007 09:08

(NCTG) Những ngày cuối cùng của năm 2007 sôi động đối với nước Nga đang kết thúc, nhưng người đứng đầu nhà nước Nga, Vladimir Putin chưa được thở phào để chuẩn bị đón năm mới “Con chuột vàng” với những dự cảm tốt đẹp cho đất nước, bởi… một dự báo khủng khiếp đang “ám” số phận ông: Putin sẽ bị sát hại vào đêm rạng ngày mùng 7-1, ngay khi ông bước ra khỏi Nhà thờ Đấng cứu thế tại Moscow sau khi dự lễ Giáng sinh của Giáo hội Chính thống Nga. Kẻ sát nhân sẽ tẩu thoát và nước Nga rơi vào một thảm họa kéo dài của những ngày rối ren, bất an và ly loạn.

“Thày bói” Andrew C. Kuchins

Đó là “lời sấm” của “thày bói” Andrew C. Kuchins (*), giám đốc Chương trình đại lục Âu-Á Nga của Quỹ Carnegie, chuyên gia kỳ cựu về các vấn đề đối ngoại và an ninh của Liên bang (LB) Nga của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức phi chính phủ rất có uy tín tại Washington.

“Lời sấm” này được đưa ra vào ngày 13-12, trong khuôn khổ một báo cáo dài 59 trang của Trung tâm CSIS, tập trung các bài viết của rất nhiều nhà “Kremlin học” hàng đầu nước Mỹ với tiêu đề chung: “Những kịch bản tình thế của tương lai nước Nga”. Người Mỹ, sau một thời gian dài quan sát nước Nga từ nhiều góc độ, nhận định rằng, trong vòng 10 năm tới, nước Nga khó có thể trở thành một đất nước có nền dân chủ thực sự. Và họ đã lần lượt đưa ra các kịch bản của riêng mình cho một nước Nga trong tương lai, tính từ thời điểm này cho đến năm 2017.

Trong tất cả các “kịch bản tình thế” ấy, chỉ có “kịch bản” của Andrew C. Kuchins là hợp với tên gọi hơn cả bởi nó mang màu sắc của một bộ phim trinh thám với các tình tiết đậm chất giật gân rất “Hollywood”.

Putin trong vòng vây của giới ký giả sau cuộc “tiếp dân” trực tiếp qua “đường dây nóng” (Hot Line) tại Điện Kremlin, Moscow ngày 18-10-2007 - Ảnh: Văn phòng Báo chí và Thông tin Phủ Tổng thống LB Nga

Tác giả miêu tả tỉ mỉ tình trạng của nước Nga sau khi Putin bị ám sát: quá trình “chuyển giao quyền lực” bằng cuộc bầu cử tổng thống bị gián đoạn, tình trạng khẩn cấp sẽ bắt đầu từ ngày 20-1-2008. Và cuối cùng, tác giả đưa ra giả thuyết người sẽ ngồi vào chiếc ghế tổng thống LB Nga là ông Vladimir Iakunin, hiện là chủ tịch Công ty “Đường sắt Nga”… Vẫn theo thuyết này, sau những loạn ly không tránh khỏi cùng sự phát triển đến tột đỉnh của chủ nghĩa dân tộc ở nước Nga, đến năm 2016, câu chuyện sẽ có một kết cục có hậu: khi ấy, Boris Nemtsov, một thủ lĩnh của Đảng Liên minh các lực lượng cánh hữu (SPS) sẽ đắc cử tổng thống và nước Nga sẽ bắt đầu thực thi chế độ dân chủ đúng nghĩa.

Kuchins là một tên tuổi rất quen thuộc trong giới chính khách liên quan đến nước Nga. Ông tham gia hầu hết các hội nghị quốc tế lớn diễn ra ở Nga. Tháng 6-2006, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Saint-Peterburg, ông đã gửi thông điệp riêng đến tổng thống LB Nga, trong đó có đưa ra những lời khuyên cho Putin về cách áp dụng những nguyên tắc dân chủ trong việc điều hành đất nước.

Song, nếu chỉ vì lo lắng cho nền dân chủ của nước Nga mà một chuyên gia sắc sảo, có uy tín lại đưa ra những lời tiên tri rất khó hiểu như trên đối với số phận của người đứng đầu quốc gia và vận mệnh của quốc gia ấy, thì quả là nực cười!

Câu chuyện này, ngay sau khi được báo “Kommersant” đăng tải vào ngày 13-12, đã nhanh chóng trở thành một bê bối chính trị và “lời sấm” của Kuchins đã như một tiếng sấm nổ giữa ban ngày đối với những người Nga.

Ngay sau đó một ngày, Kuchins đã lên tiếng với báo chí, cho rằng tờ “Kommersant” đã xuyên tạc nội dung của bản báo cáo nói trên. Ông lên án gay gắt ông Dmitry Sidorov, phóng viên thường trú của tờ báo tại Washington, người đã tường thuật về việc này vào thời điểm trước khi bản báo cáo được công bố tại Trung tâm CSIS. Lập luận của Kuchins nhằm làm người Nga “hạ hỏa” tập trung vào một điểm: những gì ông ta mô tả về cái chết của Putin chỉ là một hình ảnh có tính chất giả thiết, minh họa… cho việc trình bày về trạng thái bất ổn của chính trị ở Nga. Theo ông, ổn định hay bất ổn trong cuộc sống của dân Nga đôi khi lại không phụ thuộc vào chế độ chính trị hay cả một cơ cấu nhà nước, mà lại phụ thuộc vào một cá nhân. Và Putin được đưa ra làm ví dụ.

Dù thế nào mặc lòng, người Nga vẫn không thể bình tâm sau khi đọc một kịch bản đen tối dành cho số phận của mình. Lời yêu cầu của Kuchins, đòi các trang báo mạng phải “gỡ bài”, đã bị “Kommersant” bác bỏ. Và trong những ngày tới, hẳn Andrew C. Kuchins phải đến dự các hội nghị quốc tế ở Nga với… một cặp kính đen để tránh mọi rủi ro có thể xảy ra nếu người ta nhận ra ông, nhà tiên tri chính trị bạo miệng!

(*) Ghi chú: Andrew C. Kuchins từng biên tập và hiệu đính cuốn “Nước Nga sau khi Liên Xô tan rã” (Russia after the Fall, Carnegie, 2002) và cùng Tsuyoshi Hasegawa and Jonathan Haslam viết cuốn “Nga và Nhật: song đề nan giải đối với các nước láng giềng xa” (Russia and Japan: An Unresolved Dilemma Between Distant Neighbors - UC Regents, 1993). Ông cũng là đồng tác giả với Dmitry Trenin trong cuốn “Nước Nga trong mười năm tới” ( Russia: The Next Ten Years - Carnegie, 2004) và hiện giờ đang chuẩn bị xuất bản cuốn “Trung Quốc và Nga: những đối tác chiến lược, đồng minh hay đối địch?”(China and Russia: Strategic Partners, Allies, or Competitors).

Mạc Thủy, từ Liên bang Nga - 12-2007


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn