“Những thanh niên thế hệ Putin”: THẾ LỰC MỚI Ở NƯỚC NGA (1)

Thứ hai - 28/01/2008 11:43

(NCTG) Ngày 25-12, một trong những phong trào thanh niên Nga lớn mạnh bậc nhất hiện giờ - tổ chức “Những người của chúng ta” (Nashi), còn được gọi nôm na là “những thanh niên của Putin” - đã tiến hành Đại hội lần thứ III.

Dự án lớn mang tên "Tổng vệ sinh nước Nga" của  phong trào "Đồng hành" - Ảnh của trang web "Đồng hành"

Tại đại hội này, thủ lĩnh của họ - Vasilii Iakemenko - chính thức bàn giao tay lái “con thuyền tư tưởng thanh niên” cho Nikita Borovikov vì lý do ông này nhậm chức chủ tịch Ủy ban quốc gia về các vấn đề thanh niên (UBQGVCVĐTN). Chính giới Nga cho rằng “Nashi” rất có thể sẽ trở thành một chính đảng trong nay mai.

Ủng hộ Putin không chỉ có “Nashi”: nhiều tổ chức trẻ khác, nổi bật nhất là “Mestnye” (Người địa phương) và “Molodaia Gvardia” (Đội cận vệ trẻ), cũng tuyên bố đứng về phe tổng thống. Thành viên các nhóm này, bằng cách này hay cách khác, đều tham gia tích cực vào các chương trình tuyên truyền bầu cử Hạ viện Nga vừa qua, cũng như bầu cử tổng thống vào tháng Ba năm tới. Đặc biệt, họ đã sát cánh bên nhau trong buổi gặp mặt với Putin ngày 21-11-2007 tại sân vận động Luzhniki ở Moscow, đồng thanh hòa chung một giọng: “Tất cả vì Putin!” Thay mặt họ, luật sư Astakhov, thành viên lãnh đạo phong trào “Ủng hộ Putin”, đã tuyên bố: “Để xem tổng thống mới ra sao. Nếu có gì không ổn, chúng tôi sẽ sửa ngay…

Ngẫm ra, Astakhov đã không “ngoa ngôn”. Bởi lẽ, thời nào cũng vậy, ở chế độ chính trị nào cũng vậy, giới trẻ bao giờ cũng là một bộ phận xã hội được chính quyền quan tâm đặc biệt. Có thể ví thanh niên như một rừng cây non nhưng tiềm ẩn sức mạnh lớn lao của tuổi trẻ, nó giúp cản bão lũ, đồng thời cũng có thể gây giông gió. Một ví dụ điển hình là vai trò chủ đạo của giới trẻ trong các cuộc cách mạng ở hai nước thuộc Liên bang Xô-viết (cũ) – Cách mạng “hoa hồng” ở Gruzia (tháng 11-2003) và Cách mạng “da cam” ở Ucraina (tháng 12-2004). Những biến cố này đã đưa các phe đối lập lên nắm chính quyền – điều ấy, hẳn các nhà lãnh đạo Nga không thể nào quên được!

Trở lại với “những thanh niên của Putin”, lần giở lại hành trình từ lúc khởi đầu của họ, chúng ta hãy tìm hiểu thực chất của các tổ chức này là gì? Là tổ chức hướng đạo cho lớp trẻ Nga thời kỳ hiện đại, hay đơn thuần chỉ là “công cụ của Putin” như rất nhiều nhà bình luận phương Tây đã phân tích?

* Từ “Những người đồng hành” đến “Những người của chúng ta”
 
Thời Liên bang Xô-viết, Liên Xô có Đoàn Thanh niên Cộng sản (Komsomol) là cánh tay phải đắc lực của Đảng Cộng sản, đón nhận hơn 100 triệu công dân trẻ đứng vào hàng ngũ của mình trong suốt thời gian tồn tại. Liên Xô tan rã. Công tác thanh niên gần như bị bỏ bễ. UBQGVCVĐTN trong bộ máy chính quyền Nga từ năm 1991 cho đến năm 1998 liên tục rơi vào tình trạng hết bị giải tán lại tái khôi phục, còn thực chất công tác hướng đạo thì hoàn toàn là con số không.

Sau khi Vladimir Putin được lên cương vị tổng thống vào tháng 3-2000, Iosif Kobzon, ca sĩ nổi tiếng người Nga đồng thời lúc ấy là nghị sĩ Hạ viện Nga đã viết thư riêng gửi tổng thống, trong đó đề cập đến vấn đề xây dựng một tổ chức “komsomol” kiểu mới. Ý tưởng này lập tức được ủng hộ. Và tháng 5-2000, một tổ chức thanh niên dưới sự bảo trợ của chính phủ đã ra đời. Đó chính là phong trào “Đồng hành”, ý tưởng của ông Vladislav Surkov, phó chánh Văn phòng Tổng thống và người sáng lập là Vasilii Iakemenko. Trong 4 năm trời, “những người đồng hành” đã gắng sức đồng hành cùng tiến trình chính trị của đất nước, ủng hộ tổng thống và chính quyền, đồng thời đưa ra hàng hoạt các đề án mà về bản chất thực sự của chúng vẫn còn là một vấn đề tranh cãi. Ngoài việc đặt ra các nguyên tắc về đạo đức, Iamenko còn phát động các phong trào quần chúng về văn hóa nhằm “giáo dục các thành viên tình cảm công dân, tính tích cực về xã hội và chính trị”. Ý nghĩa thì hay, nhưng những hoạt động cụ thể thì thể hiện tính manh mún trong ý thức và lộn xộn trong hành động. Chẳng hạn, một trong những phong trào ầm ĩ ấy có một đề án rất tức cười mang tên “Đổi sách”. Tháng 1-2002, “Đồng hành” kêu gọi mọi người đổi tác phẩm của các nhà văn như Viktor Pelevin, Vladimir Sorokin, Viktor Erofeev và cả... Karl Marx để lấy các tuyển tập truyện của Boris Vasiliev (1) với lời tuyên bố cần phải đọc những cuốn “sách tốt”. Những cuốn “xấu” bị vứt vào những thùng giấy có dòng chữ “Dành để hoàn trả tác giả”. Kết quả là dư luận đã khiến những cuốn sách “xấu” đột nhiên được độc giả chú ý tới nhiều hơn!

Chương trình đổi sách trên quảng trường Pushkin ở Matxcơva. Dòng chữ trên thùng giấy: “Dành để hoàn trả tác giả” - Ảnh của website “Đồng hành”

Như vậy, bản thân phong trào “Đồng hành” chưa thực sự đưa ra một hệ tư tưởng chủ đạo đồng nhất để thanh niên Nga hướng tới mà mới chỉ dừng ở mức PR thái quá cho tổ chức của mình. Đó rất có thể là lý do khiến người ta muốn có một tổ chức khác thay thế nó, mạnh hơn về tư tưởng và lập luận chính trị. Đó chính là “Nashi”.

Sau khi cuộc Cách mạng “da cam” nổ ra ở Ucraina với sự tham gia tích cực của tổ chức trẻ “Pora!” (Thời cơ đã đến!), việc thành lập “Nashi” càng trở nên cấp thiết đối với chính quyền Nga với sự thấu hiểu sâu sắc sức mạnh “ủng hộ” hoặc “lật đổ” của tuổi trẻ. Tổ chức này đã tập trung những thanh niên “không thờ ơ với vận mệnh của đất nước”(2), những người “coi sự kính trọng của người ngoài đối với đất nước mình gắn liền với sự tôn trọng đối với mỗi cá nhân” (2), và họ “có cơ hội hiện thực để ảnh hưởng đến chính sách đối với tuổi trẻ của đất nước, có nghĩa là ảnh hưởng tích cực đến tương lai giới trẻ” (2), và đương nhiên, điều quan trọng nhất là “ủng hộ Putin và chính quyền hiện thời”, là “chỗ dựa vững chắc” cho việc phát triển nước Nga theo hướng chiến lược mà Putin đã vạch ra.

Vasilii Iakemenko

Ngày 1-3-2005, Vasilii Iakemenko đã thông báo chính thức với báo chí về việc thành lập “phong trào thanh niên chống phát-xít mang tên “Nashi”. Trong việc phân tích ý nghĩa cái tên này có rất nhiều khảo dị. Cá nhân người viết bài này cho rằng có một sự thay đổi cấp độ “thân chính phủ” – “người đồng hành” chắc chắn không thể có quan hệ mật thiết bằng “người của chúng ta” được!

Lễ ra mắt của “Nashi” diễn ra vào 15-4-2005 với sự có mặt của 700 đại biểu từ các tỉnh thành cả nước.

Cùng lúc, tờ báo “Phản ứng” phục vụ cho việc tuyên truyền của tổ chức đã được xuất bản số đầu tiên với số lượng 100 ngàn ấn bản, được phát hành tại thủ đô và một số các thành phố lớn. Hiện giờ, “Nashi” có website riêng: http://www.nashi.su/ được xây dựng khá công phu và cập nhật hàng ngày, liên kết các thành viên cũ và thu nhận thành viên mới ngay trên trang web. Ngay từ khi mới thành lập, “Nashi” đã hứa hẹn sẽ đưa số lượng thành viên lên tới 200 đến 250 ngàn người. Nhưng kỳ thực, đến nay, người ta chưa thể khẳng định chính xác con số này. Theo tờ "The Financial Times", “Nashi” hiện có 10 ngàn thành viên và 200 ngàn tình nguyện viên.

Những “người của chúng ta” đứng ở đẳng cấp lãnh đạo được gọi là “chính ủy”. Những chính ủy của “Nashi” đã không ít lần được tiếp kiến tổng thống đương nhiệm Putin. Trong một cuộc gặp mặt như thế, Putin đã gọi họ là “thiểu số tích cực dẫn đầu… đa số” và tỏ ý hy vọng vào sự ảnh hưởng tích cực của tổ chức này đến tình hình chính trị của đất nước.

“Nashi” còn có một cơ sở trại hè, nơi diễn ra cuộc gặp mặt thường niên giữa những hạt nhân của phong trào. Đó là hai tuần có mặt tại trại bên hồ Seliger (cách Moscow 300 cây số về hướng Tây Bắc) với những cuộc thảo luận có phạm vi đề tài rất rộng, từ các vấn đề kinh doanh cho tới bàn về nhân quyền, thậm chí, cả việc… tăng dân số cho nước Nga. Ngoài việc ủng hộ Putin, đưa nước Nga thành một cường quốc trên trường quốc tế, cương lĩnh chính trị của tổ chức này còn mở rộng đến những vấn đề xã hội như chống phong trào tân phát-xít skin-head, động viên thanh niên nhập ngũ, hỗ trợ trẻ mồ côi và người hưu trí, ủng hộ những cựu chiến binh Thế chiến thứ Hai, chống các tệ nạn xã hội như nghiện hút, rượu chè, chống nạo phá thai và cổ động cho việc sinh đẻ.

Trong số những yếu nhân từng đến thăm trại hè này của “Nashi”, có ứng viên tổng thống Dmitry Medvedev và phó thủ tướng Sergei Ivanov.

Ông Boris Dubin, chuyên gia Trung tâm điều tra xã hội Levada cho rằng, giới trẻ tự đồng nghĩa các phong trào của mình với phương hướng điều hành đất nước của Putin, họ không muốn bất kỳ sự thay đổi nào về mặt chính trị, ủng hộ sự ổn định hiện đang có ở nước Nga. Theo ông này, họ là những con rối mà “Kremlin có thể nhào nặn theo ý muốn”.

Liệu “những thanh niên của Putin” có phải là một tổ chức dễ nặn thành một hình nhân người tuyết tròn trịa dành cho năm mới 2008 không, điều này sẽ được phân tích tiếp trong phần 2: “Hành động cụ thể của những thanh niên thế hệ Putin. Những ý kiến trái chiều”.

Chú thích:

(1) Boris Vasiliev là nhà văn Xô-viết nổi tiếng với những tác phẩm: “Đừng bắn thiên nga trắng”, “Và nơi đây bình minh yên tĩnh”, “Ngày mai đã là chiến tranh”…

(2) Trích lời phát biểu của ông Vladislav Surkov, phó chánh Văn phòng Tổng thống tại Đại hội toàn quốc “Nashi” lần thứ III (25-12-2007).

(*) Một phần của bài viết đã được trích đăng trên “Tuổi Trẻ”.

Mạc Thủy, từ Liên bang Nga, 12-2007


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn