Hành động cụ thể của những thanh niên thế hệ Putin: NHỮNG Ý KIẾN TRÁI CHIỀU (2)

Thứ sáu - 15/02/2008 20:59

(NCTG) “Những thanh niên của Putin” là thuật ngữ dùng để chỉ các phong trào thanh niên ở Liên bang (LB) Nga hiện thời, hoạt động với tôn chỉ “ủng hộ Putin và hướng điều hành đất nước mà ông đã vạch ra sau tám năm ở vị trí lãnh đạo cao nhất, kêu gọi vào hàng ngũ tối đa số lượng người trẻ có cảm tình với chính phủ đương thời, hậu thuẫn cho chính phủ trong trường hợp xảy ra chính biến, đồng thời chuẩn bị về nhân sự để có một lớp trẻ trong tương lai sẽ kế tục các vị tiền bối ở vai trò lãnh đạo đất nước”.

Một cuộc tuần hành của "Nashi", lực lượng “phò Putin” lớn nhất ở Nga hiện tại - Ảnh: AP

Lực lượng “vì Putin” lớn nhất hiện giờ là “Nashi”. Tiếp đó phải kể đến “Mestnye” và “Molodaia Gvardia”. Những chương trình hành động của họ nêu ra đều mang tính tư tưởng cao và có ý nghĩa sâu sắc về mặt xã hội. Đó là dự án “Quân đội của chúng ta” – động viên thanh niên nhập ngũ; dự án “Những thành phố nhỏ” – kêu gọi thanh niên tỉnh lẻ tích cực tham gia vào các hoạt động văn hóa xã hội, phát triển thành phố nhỏ, giữ gìn nề nếp và môi trường cho thành phố của mình; dự án chống phát-xít và phân biệt chủng tộc trong khuôn khổ chương trình “Những bài học hữu nghị”; và đặc biệt là trong năm 2008, “Nashi” chủ trương mở rộng hoạt động thiếu niên với phong trào “Mishki” (Những chú gấu con) tập hợp các em học sinh độ tuổi từ 8 đến 15. (Sau đợt bầu cử vào Hạ viện, “những chú gấu nhỏ” này đã gửi đến tổng thống Putin lời đề nghị ông đứng đầu tổ chức của họ. Song Putin chưa có hồi âm về việc này, mà việc để ứng viên tổng thống Medvedev thay thế vị trí đó - như một số tờ báo gợi ý - thì các em lại không muốn!)

“Molodai Gvardia” của Đảng Nước Nga thống nhất tỏ ra đi vào bề sâu hơn so với “Nashi”: những thành viên của họ tham gia khá tích cực vào các chương trình kinh tế chính trị và văn hóa của đất nước, chăm lo đến trẻ mồ côi, đề cao tinh thần yêu nước và sẵn sàng chiến đấu vì Tổ quốc (điều này thể hiện rõ qua tên gọi của tổ chức này – Đội cận vệ trẻ!)

Những thanh niên trong phong trào “Mestnye” là giới trẻ ngoại vi Moscow, kêu gọi việc giữ gìn môi trường sống với dự án “Ngoại ô Moscow sạch đẹp”. Gần đây, họ vừa tổ chức một ngày thứ Bảy lao động tổng vệ sinh, được sự hưởng ứng của 42 ngàn người. Buổi dọn dẹp thành phố trở thành cuộc tuần hành rước một hình tượng tháp gồm 70 ngàn chiếc túi đựng rác.

Những đề án thú vị của “thanh niên Putin” đã lôi cuốn sự chú ý của báo chí trong và ngoài nước, đương nhiên, của cả các tổ chức xã hội. Ngày 6-11-2007, trong cuộc thi giành Giải thưởng Tổng thống cho các Dự án phi thương mại lần thứ II, những người trẻ đã chứng tỏ được ảnh hưởng của mình, chí ít, là đối với chính phủ. “Nashi” đã nhận giải đặc biệt với 10 triệu Rúp tiền thưởng để tổ chức trại hè Selinger năm tới. “Molodai Gvardia” nhận 400 ngàn Rúp cho dự án “Chúng tôi phục vụ nước Nga”.

Tuy nhiên, bên cạnh những khía cạnh tích cực có thể nhận thấy ở lớp thanh niên mới này của nước Nga, vẫn không thể bỏ qua những ý kiến trái chiều về bản chất của họ.

Giới bình luận phương Tây cho rằng, những thanh niên của Putin mà “Nashi” là một đại diện lớn, thực chất là một tổ chức phát-xít kiểu mới, là công cụ thép trong tay chính quyền, là một dạng những con rối để Putin giật dây. Trước chỉ trích của báo chí phương Tây về quan hệ mật thiết giữa “Nashi” với Điện Kremlin, Vasilii Iakemenko, cựu thủ lĩnh của “Nashi”, từng hỏi lại: “Ủng hộ chính quyền, thì sao chứ? Chẳng lẽ điều đó là xấu?

Quả vậy, việc tổ chức thanh niên ủng hộ chính quyền chẳng có gì là xấu, thậm chí, còn là hiện tượng tích cực góp phần giữ vững sự ổn định về chính trị của đất nước. Vấn đề ở đây, có chăng, là sự quá khích trong các hành động của giới trẻ tạo nên nguyên cớ hợp lý cho mũi dùi của chính giới phương Tây chĩa vào.

Nhóm quân nhân đầu tiên trong chương trình “Quân đội của chúng ta”. Người cao nhất: chính ủy Aleksei Chernichkin của “Nashi”

Theo dõi những động thái của các tổ chức thanh niên ủng hộ Putin, dễ thấy họ sẵn sàng lao vào các “cuộc chiến” với phe đối lập bằng những phương cách mang tính chất kích động. Ví dụ, họ bêu riếu hình ảnh các nhân vật đối lập bằng cách ghép ảnh mặt nọ thân hình kia. Họ bao vây ĐSQ Estonia, xé quốc kỳ nước này, ném đá, la ó, hò hét, phản đối việc Estonia gỡ bỏ tượng đài thời Xô-viết. Tương tự, họ cũng xử sự như vậy đối với Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Moscow sau sự kiện đại sứ Anh tham dự đại hội “Một nước Nga khác” vào tháng 7-2006. Sự việc căng thẳng đến mức, ngày 17-1-2007, đích thân ngoại trưởng Sergei Lavrov phải điều đình với Vasilii Iakemenko về việc “Nashi” không nên làm phương hại đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Trên trang chủ của “Nashi”, những bài tường thuật về việc phản đối các lực lượng hay nhân vật đối lập - chẳng hạn, bài bác Nemtsov hoặc Zhirinovsky - cũng được viết bằng một giọng điệu không lành mạnh.

Trong dự án khuyến khích tăng dân số, những thành viên “Nashi” còn “làm gương” cho giới trẻ cả nước bằng cách kết hôn tập thể cùng một lúc 25 cặp vợ chồng tại trại Selinger, mặc những chiếc áo phông có hàng chữ “Muốn có ba người” và phô trương cách sống tính dục buông tuồng.

Với chương trình “Quân đội của chúng ta” (ý tưởng của sinh viên Trường Y Moscow Maksim Korobov), họ khiến người ta than rằng: “Bọn trẻ không phục vụ quân đội mà là trình diễn mình thì đúng hơn”. Mà có lẽ dư luận không sai, bởi theo tờ “Ogoniok” (Ngọn lửa nhỏ), chỉ trong vòng ba tháng rưỡi “phục vụ trong quân ngũ”, nhóm quân nhân “Nashi” đầu tiên đã lên màn hình của tất thảy các kênh truyền hình liên bang. Còn trên site của “Nashi”, nhật ký chính ủy Aleksei Chernichkin được “update” hàng ngày với sự ngóng đợi của hàng ngàn thành viên.

Vô hình trung, họ đã thể hiện mình dưới một sắc độ bất thường của đạo đức tuổi trẻ, trong một số trường hợp, họ không phát biểu ý kiến của mình mà chỉ muốn lăng nhục người đối diện. Theo Dmitry Bykov (tạp chí “Ogoniok”), “Nashi” áp dụng chủ trương “chống phát-xít” của mình với tất cả mọi đối tượng, trừ bọn phát-xít mới thực sự!

Các thành viên "Nashi" tung hô tổng thống Vladimir Putin trong lễ mừng sinh nhật ông 55 tuổi - Ảnh: AP

Với con số 3 năm quá ít ỏi kể từ khi thành lập, một tổ chức thanh niên vẫn có thể gọi là còn non nớt, lại phát triển với cấp số nhân về lượng thành viên, các chương trình hoạt động không ngừng đổi mới, những tưởng có thể là việc đáng mừng. Thế nhưng, lật lại vấn đề, nghe chừng có vẻ phi logic khi chỉ mất có từng ấy năm để tuyên truyền về lối sống và nhận thức chính trị, xã hội cho cả một thế hệ tuổi trẻ, những người mà, mới năm 2005, theo ông Leonid Farfionov, BTV của tờ “Newsweek Nga” (Tuần tin tức Nga), “tất thảy sự tự do cần thiết của họ nằm trong vòng phủ sóng của chiếc điện thoại cầm tay”. Cũng ngay từ năm 2005 ấy, việc “chính trị hóa” các tổ chức thanh niên ở Nga đã trở thành một mốt mới, và những thành viên tham gia các phong trào thanh niên “vì Putin - vì chính phủ”, cũng không thoát khỏi tầm ảnh hưởng của sự a-dua theo mốt ấy!

Cách đây không lâu, văn hào Nga nổi tiếng Aleksandr Solshenitsyn từng phát biểu với các chính khách rằng, ông lo ngại cho thực trạng đạo đức xuống cấp của xã hội Nga. Điều nhà văn đả động tới được rất nhiều yếu nhân trong chính phủ công nhận. Vì thế, thanh niên thế hệ Putin, nằm trong tầm ảnh hưởng của sự xuống cấp về đạo đức ấy, cũng thể hiện những bất cập đáng lo ngại trong những hành động tưởng chừng mang ý nghĩa rất cao đẹp. Việc gọi họ là tổ chức phát-xít xem chừng còn quá sớm, nhưng nếu bảo họ là những con rối cho chính phủ giật dây cũng chưa hẳn xác đáng, bởi dường như, tuổi trẻ với đầy đủ những mặt tích cực và tiêu cực của mình, nếu không có một sự hướng đạo cụ thể và bình tĩnh, thiếu các bước chiến lược, chiến thuật về tuyên truyền, thì họ sẽ vượt ra ngoài mọi tầm kiểm soát.

Cuối cùng, rất nên đánh giá vai trò chính trị của những thanh niên thế hệ Putin đặt trong mối tương quan với các tổ chức thanh niên khác của một nước Nga trẻ. Đây là chủ đề sẽ được đề cập trong phần sau.

(*) Một phần của bài viết đã được trích đăng trên “Tuổi Trẻ”.

Xem Phần 1 của loạt bài viết.

Mạc Thủy, từ Liên bang Nga - tháng 12-2007


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn