CUỘC BẦU CỬ TỔNG THỐNG MÀ SỐ PHẬN VƯƠNG MIỆN ĐÃ ĐƯỢC ĐỊNH ĐOẠT TỪ LÂU

Chủ nhật - 02/03/2008 15:34

(NCTG) Hôm nay, ngày 2-3-2008, người dân Nga, lần thứ hai trong vòng 3 tháng lại được sử dụng đến “tiếng nói” của mình để thể hiện quyền lợi và nghĩa vụ công dân đối với đất nước.

Một phụ nữ Moscow đi ngang qua tấm bích chương vận động tranh cử - Ảnh: AFP

* Bỏ phiếu kèm tham dự lễ hội

Thời tiết xám xịt và ảm đạm nhưng các điểm bầu cử trên cả nước đều có chung một không khí lễ hội. Cử tri tham gia bỏ phiếu chắc chắn sẽ đông hơn cuộc bầu cử vào Duma Quốc gia tháng 12-2007. Theo dự đoán của Trung tâm nghiên cứu ý kiến xã hội toàn Nga (VITsIOM), số người đi bầu sẽ đạt tới hơn 70%.

Còn nhớ, trong cuộc bầu cử vào Hạ viện Nga, có nhiều điểm bầu ghi nhận lượng cử tri bỏ phiếu còn vượt quá dự đoán, với chỉ số có thể nói là kỷ lục. Ví dụ, ở Chechnia: 99,5%, ở Ingushechia; 98,3%, Mordovia: 94,5% và Kabardino-Balkaria: 96,7%... Điều này đã khiến rất nhiều người nghi ngờ. Và, để không tồn tại sự hoài nghi như thế trong cuộc bầu cử quan trọng ngày hôm nay, chủ tịch Ủy ban Bầu cử Trung ương (UBBCTƯ) Vladimir Churov đã đề nghị các địa phương có những biện pháp cụ thể nhằm chứng minh rằng diễn biến bầu cử ở Nga là trung thực. Chẳng hạn, đặt máy quay video, thu lại hình ảnh dòng người đang tươi cười tiến vào các điểm bầu cử!

Đề nghị của ông Churov không được nhiều người ủng hộ vì người ta cho rằng, dù có dùng các biện pháp chứng minh sự trong sạch thế nào đi chăng nữa, ở mọi cuộc bầu cử nói chung vẫn không tránh khỏi lời ong tiếng ve, nhất lại là ở Nga, nơi Phương Tây vẫn luôn chỉ trích rằng không có dân chủ đúng nghĩa!

Nói thế nào thì nói, người viết bài này đang được chứng kiến cảnh lễ hội thực sự dân Nga trên đường đi bỏ phiếu. Nhạc, đèn, kèn, trống… đầy đủ cả. Cũng như khi chuẩn bị cho cuộc bầu cử tháng Chạp năm trước, các Ban điều hành bầu cử địa phương vẫn đưa ra đủ các trò vui và “bổ ích” nhằm lôi kéo sự quan tâm của các cử tri. Những món quà đắt tiền đã được chuẩn bị cho một số cử tri may mắn rơi vào những “con số đẹp”. Các hoạt động thể thao, văn nghệ được tổ chức ngoài trời. Nhiều địa phương mở các Hội chợ nướng bánh, hội chợ bán các đồ thủ công do các em thiếu nhi làm ra, và đặc biệt, Lễ hội tống tiễn mùa đông diễn ra đúng vào ngày bầu cử (đây vốn là một ngày lễ dân gian truyền thống, hàng năm lôi cuốn rất nhiều người tham gia). Những chương trình khuyến mãi tổ chức trực tiếp ngay tại các điểm bầu cử. Ví dụ, theo Kênh truyền hình “Vesty” (Tin tức), ở Kemerovo, trên 97 điểm bầu cử, người ta tiến hành cái gọi là “Giờ sức khỏe” – khám bệnh miễn phí cho nhân dân với sự tham gia của 86 bác sĩ đa khoa và 36 bác sĩ nhãn khoa, ngoài ra còn có đủ các bác sĩ chuyên ngành như bác sĩ nhi, nha khoa, tâm lý, nội tiết. Nhiều điểm còn đặt máy siêu âm...

Với những động thái tích cực như thế từ Ban điều hành bầu cử các địa phương, hẳn con số cử tri cũng tăng lên đáng kể, và trên hết, là tạo được một nét hân hoan đáng yêu cho ngày trọng đại này của đất nước.

* Bầu cử Tổng thống LB Nga lần này có gì lạ?

Lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử nước Nga hiện đại, trên lá phiếu có ít dòng đến vậy: chỉ có 4 ứng viên, trong khi ban đầu, theo ông Churov, số người có ý định ứng cử là hơn 100!

Trong số bốn ứng viên, hai nhân vật có thể gọi vui là “ứng viên lão thành nhất” của chiếc ghế Tổng thống LB Nga: Vladimir Zhirinovsky, thủ lĩnh Đảng Dân chủ -Tự do Nga (lần thứ 4 tranh cử) và Genaddy Dyuganov, thủ lĩnh Đảng Công sản LB Nga (lần thứ 3 tranh cử). Andrei Boganov (38 tuổi), Đảng Dân chủ Nga, là ứng viên Tổng thống trẻ nhất trong bốn chính khách tham gia cuộc đua, đồng thời cũng là ứng viên Tổng thống Nga trẻ nhất từ trước đến nay. Song, tuy không trẻ nhất, cũng không kỳ cựu nhất về số lần tham gia tranh cử, trong những cái “nhất” của kỳ bầu cử này thì Dmitry Medvedev có được cái “nhất” đầy lợi thế: đứng đầu danh sách người được cử tri tín nhiệm - những 73%! Ông được nhiều chính đảng ủng hộ nhất: Đảng Nước Nga thống nhất, Đảng Nước Nga Công bằng, Đảng Nông nghiệp Nga, Đảng Sức mạnh Công dân. Và hơn thế, ông còn là người được tổng thống đương nhiệm V. Putin tín nhiệm – báo chí gọi ông là “người kế nhiệm” đã từ lâu, từ khi V.Putin công khai tuyên bố việc ủng hộ Medvedev trong cuộc chạy đua quyền lực này. Báo chí phương Tây chỉ trích: đây là một cuộc bầu cử kỳ quặc, bởi lẽ, chưa một cuộc bầu cử nào trên thế giới lại có sẵn một “người kế nhiệm” cả. Thế thì bầu bán còn ý nghĩa gì nữa?

Dmitry Medvedev với khẩu AK truyền thống của Nga: trong kỳ bầu cử hôm nay, nhà kỹ trị này hẳn không cần phải dùng súng để giành chiến thắng đã được đảm bảo từ trước! - Ảnh: AFP

Nói đến những cái “nhất” của các ứng viên, có một thông tin khá thú vị là, trong quá trình diễn ra vận động tranh cử, theo thống kê của UBBCTƯ, quỹ tranh cử của Dmitry Medvedev có cơ số thu lớn nhất là 190 triệu Rúp. Nhưng lượng chi ra cho các hoạt động quảng cáo lại do ông Vladimir Zhirinovsky dẫn đầu. Ông này tiêu tốn hết 153 triệu 349 ngàn Rúp, trong khi đó con số ấy của các ứng viên khác khá khiêm nhường. Medvedev: 29 triệu 830 ngàn Rúp, Diuganov: 56 triệu 956 ngàn Rúp, Bogdanov: chỉ có 4 triệu 372 ngàn Rúp! Andrei Bogdanov là ứng viên duy nhất chuyển vào quỹ tranh cử một khoản tiền riêng của mình – gần 1 triệu Rúp!

Lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử nước Nga, mục “Phản đối tất cả” bị bỏ! Điều này làm dấy lên một làn sóng (nhỏ thôi) phản ứng của dân và một số chính khách. Cách đây không lâu, tờ “Báo Độc lập” (Nezavisimaja gazeta) đã đăng tải tin về việc một nữ giảng viên trường Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Điện ở Saint-Peterburg chăng “truyền đơn” có in hình tổng thống đương nhiệm Putin cầm những lá bài có hình các ứng viên tổng thống, với dòng chữ: “Đừng chơi bài với kẻ cờ bạc bịp”, ở dưới có dòng chữ to hơn: “Phản đối tất cả!”

Giáo viên này có thể bị phạt một khoản tiền tương đương với 10 lần mức lương tối thiểu. Thủ lĩnh Đảng “Quả táo” ở Saint-Peterburg Maksim Reznik, ngược lại, lại cho rằng đó là một hành động dũng cảm của một công dân. Cựu nghị sĩ Hạ viện Vladimir Pưzhkov thì lên án hành động phạt vi cảnh của Ban giám hiệu trường đối với giáo viên: “Trong chương đầu của Hiến pháp có nhắc đến quyền và tự do con người, tự do có ý kiến riêng và quyền được phát biểu ý kiến đó.” Nhiều cử tri cũng thổ lộ rằng, nếu có mục “Phản đối tất cả”, có khi họ cũng đánh dấu mục đó. Bằng không, trong bốn ứng viên, chỉ có ông Medvedev là khả dĩ nhất, thì việc họ “đành phải bầu” cho Medvedev là chuyện đương nhiên.

Lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử nước Nga, cùng một lúc hai trung tâm thông tin được lập ra tại Moscow – một ở UBBCTƯ LB Nga nằm trên phố Bolshoy Cherkasky, một là trung tâm thông tin quốc tế “Bầu cử” được mở trong tòa nhà thương mại công nghiệp trên phố Ilinka. Trong ngày này sẽ có hơn 2.050 nhà báo Nga và nước ngoài từ 47 nước trên thế giới theo dõi tiến trình bầu cử tại nước Nga.

Chủ tịch UBBCTƯ Churov tính rằng, vào 10 giờ sáng giờ Moscow ngày mai (3-3-2008), ông đã có thể công bố kết quả sơ bộ từ 99,99% các điểm bầu cử trên cả nước. Kết quả chính thức “Ai là tân tổng thống” sẽ có vào ngày mùng 7-3.

* Những suy nghĩ ngoài lề

Trước thềm cuộc bầu cử, nhìn lại lịch sử nước Nga, có thể thấy rằng người Nga đã từng có những nhân vật xuất sắc, nổi trội, để lại dấu ấn đặc biệt (cả tích cực lẫn tiêu cực) đối với sự phát triển xã hội. Đó là Ivan Hung đế, là Piotr Đệ Nhất, là Stalin và gần đây, là Putin. Dân Nga vẫn giữ thói quen nhìn vào một cá nhân chính trị để mà tin tưởng và kỳ vọng. Rất nhiều người ủng hộ Putin mà không tin vào chính phủ. Và thời điểm này, những người ủng hộ đường lối chiến lược của Putin sẽ lại tiếp tục ủng hộ Medvedev.

Mức sống của dân Nga dường như đang đi lên, nếu xét theo số liệu thống kê của các nhà kinh tế. Ví dụ, chỉ số về sức mua tăng khá lớn trong những năm gần đây. Nhưng điều đó lại không đồng nghĩa với việc họ hài lòng với cuộc sống của mình. Thời điểm sau khi diễn ra bầu cử Duma Quốc gia, giá cả sinh hoạt tăng lên đột ngột khiến nhiều người dân hoang mang. Giờ đây, những cử tri ủng hộ ứng viên Medvedev đang kỳ vọng rằng, với tân thổng thống, giá cả thực phẩm, giá xăng dầu, tiền nước tiền nhà không tăng nữa, những gia đình trẻ được tạo điều kiện về nhà ở, tiếp tục đấu tranh với tham nhũng và lề thói quan liêu, vực dậy nền kinh tế và nền nông nghiệp từng là thế mạnh mà nay vốn đang mai một dần đi rất nhiều ở Nga, tạo thêm công ăn việc làm cho dân. Đây toàn là những vấn đề nóng bỏng mà nước Nga hiện đang phải đối mặt.

Mới biết, tại sao tổng thống Pháp Nikolas Sarkozy gần đây đã đề nghị những nhà kinh tế học phải thống kê thêm về vấn đề "sự hài lòng của dân chúng về cuộc sống của mình nói chung, không chỉ thể hiện ở mức thu nhập mà còn ở chất lượng cuộc sống, khả năng có thể thực hiện những tiềm năng của một con người"!

Mạc Thủy, ngày 2-3-2008, từ Liên bang Nga


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn