MÙI HƯƠNG KÝ ỨC

Thứ hai - 04/02/2008 22:08

(NCTG) Buổi chiều tất niên ở nhà tôi ngập hương nước lá mùi. Nước lá mùi thơm từ ngày bé cho đến giờ.

Khi ở xứ lạ, chẳng có lá mùi mà nấu nước, tôi vẫn thấy mùi hương ấy thoang thoảng trong những ngày giáp Tết. Đó gọi là mùi của ký ức. Mà đúng thật, cứ thử để ý mà xem, rất nhiều khi ta gặp một mùi hương thân quen thoảng qua trên đường, khiến ta lặng đi một chút, chân bước chậm lại một chút, và chỉ vài giây thôi lạc về miền nhớ thương nào đó xa xôi. Những khoảnh khắc như thế hẳn không phải là hiếm đối với bất kỳ ai. Tôi cũng vậy, rất hay rơi vào những phút ký ức bừng dậy chỉ bằng một làn hương mơ hồ trong không khí. Đi đường rất hay bị… va chạm xe cộ là vì thế!

Buổi chiều 30 Tết, tôi hay cùng bố đi chợ hoa. Những bà bán hoa quê đã muộn rồi vẫn cố trụ lại để bán nốt mớ hoa cuối cùng... Đấy, viết đến đây, tôi lại thấy rõ cái mùi đặc biệt của chợ hoa... Hương thơm của các loài hoa thường chỉ nồng nàn vào buổi sớm. Còn buổi chiều, khi chợ hoa đã vãn thì chỉ dậy lên mùi... nồng nồng, ung ủng của những gốc hoa ngâm nước cả ngày. Tôi không thấy mùi đó là khó chịu, mà thậm chí còn thấy thân thương nữa. Tôi thích mùi lá hoa cúc âm ấm, mùi thân hoa thược dược cay cay làm nhức mũi và mùi thanh thanh của cành hoa cẩm chướng khẳng khiu. Tôi yêu chợ hoa Tết cuối ngày, khi chỉ còn dăm chục người bán hàng tần tảo chưa nỡ về, lơ vơ những chiếc xe đạp cà khổ, những chiếc nón lá ngoắc trên ghi-đông, dăm gốc đồng tiền hay chục cành dơn trắng hồng, lơ thơ mấy bông cúc đại đóa để lẫn cùng bó violet mảnh mai, màu tím nhòa đi cùng chiều muộn.

Nói ra thì xấu hổ, nhưng bố con tôi đi chợ hoa giờ ấy, cũng chỉ mong mua được mớ hoa rẻ. Những năm khó khăn ấy, bố mẹ tiết kiệm từng xu mới đủ cho chúng tôi ăn, mặc, nói gì đến hoa! Nhưng cũng vì đi chợ muộn mà chúng tôi không phải mặc cả, người ta nói giá nào là mua ngay. Vì họ cũng chẳng lấy đắt làm gì, những cành hoa sót lại sau bao nhiêu lựa chọn, sau những mắt nhìn soi mói và nghiêm khắc của khách hàng ban ngày. Tôi thích cái sự mua không phải mặc cả, đôi co. Cho đến bây giờ vẫn vậy, tôi sợ đi mua hàng ở Việt Nam, cái gì cũng phải trả giá, vừa sợ phật ý người ta, vừa sợ mình bị hớ. Cảm giác khoan khoái khi mua đồ bị giảm đi nhiều!

Cuối cùng, bố con tôi trở về nhà với một bó hoa dành cho ngày Tết rẻ mà vẫn đẹp. Vì đã là hoa, có hoa nào xấu đâu! Vào đến nhà, những bông hoa muộn ấy lại tỏa hương dịu dàng ngay, không còn lẫn lộn mùi ẩm ướt của đường phố nữa. Kỳ lạ thật, tôi thấy chúng thơm bằng thân, bằng lá, bằng cành... Vì thế, đối với tôi, chẳng có bông hoa nào là không có hương cả. Kể cả violet.

Ngày ấy, lọ hoa Tết nhà nào cũng như nhau, thường có violet làm nền. Những bông tím cành thanh mềm kết thành lưới giằng cho những bông cúc, thược dược, đồng tiền... nổi bật lên. Bó hoa vừa mềm mại vừa đa dạng về màu sắc, tím, hồng, vàng, xanh, đỏ... cứ xôn xao như những nụ cười mùa Xuân. Rõ ràng, bó hoa ngày Tết nói hộ những điều nôn nao trong lòng người, khi mà xung quanh phố phường, cảnh vật, cả con người nữa... thời ấy vẫn mang màu chủ đạo là một màu xam xám, xanh xao. Trong ký ức tôi, thời bao cấp là thời của những tấm ảnh đen trắng, còn thời bây giờ là thời của ảnh màu rực rỡ, đôi khi rực rỡ đến nhức mắt, đến không thật như những tấm ảnh chụp trong studio vậy. Không, không, tôi chẳng so sánh thời nào với thời nào... Tôi chỉ thương nhớ một thời "đen trắng" đã qua mà thôi!

Nhớ những buổi chiều tất niên, tôi còn nghe mùi nước sôi nóng rực hắt ra từ bếp than trong bếp. Mẹ làm gà, đồ xôi. Có mùi nhang trầm từ nhà hàng xóm bay qua từ khi bố tôi còn chưa thắp hương trên bàn thờ. Tôi thấy lòng mình chùng xuống, yên ổn. Chưa Giao thừa đã thấy mùi thuốc pháo thơm thơm luồn vào nhà theo cơn gió Bấc. Thì lúc ấy, lòng lại bắt đầu nôn nao...

Mùa Xuân. Mưa phùn. Tết... Tôi nhớ ngày xưa lắm! Những mùi hương bây giờ còn lại trong tôi là những mùi hương nao niết của những ngày gió rét mà ấm bàn tay. Bàn tay cắm hoa. Bàn tay sắp mâm ngũ quả. Bàn tay thắp hương lên bàn thờ. Bàn tay nâng chén rượu màu be bé chúc mừng nhau trong bữa cỗ tất niên. Bàn tay châm băng pháo Giao thừa... Bây giờ, đưa bàn tay áp vào má, vẫn thoảng mùi hương xưa...

Nguyễn Thụy Anh, từ Liên bang Nga – tháng 1-2008


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn