“Ở NHA TRANG MÀ NHỚ NHA TRANG”

Thứ bảy - 05/01/2008 20:52

(NCTG) Là một người Việt sống xa quê lâu năm nhưng mỗi khi nhớ về Tổ quốc, Nha Trang luôn là một địa chỉ mà tôi nhung nhớ, yêu mến. Mảnh đất này là nơi cô chú và các em tôi ở, là nơi đã chứng kiến những cái nhìn đắm đuối, những cái níu tay vội vàng gấp gáp giữa một cô cán bộ trẻ của một viện nghiên cứu và một anh sinh viên mới ra trường làm việc tại đây trên sân ga năm nào.

Núi Cô Tiên nhìn từ bãi biển Hòn Chồng (Nha Trang)

Và hơn hết là Nha Trang đã từng vô cùng đẹp và sạch. Một Nha Trang hiền hòa, nhã nhặn với những bờ cát rộng, sạch đẹp, với biển xanh, trời xanh và những hàng dừa xanh mát…

Tôi luôn giới thiệu với bạn bè Đức cũng như Việt của tôi về vẻ đẹp của Nha Trang, cũng như về con người Nha Trang mà tôi đã gặp, đã mến. Tôi rất hay về Nha Trang, khi còn ở trong nước lẫn khi đã sinh sống ở nước ngoài. Hầu như năm nào tôi cũng về thăm Nha Trang. Chỉ vì một lý do riêng mà 4 năm nay, tôi tuy có về nước mà không ra thăm Nha Trang được.

Sau 4 năm, hè này tôi về với anh chị và cháu gái tôi. Nha Trang thay đổi nhiều. Những chiều hướng tích cực thì thiết tưởng báo chí và các phương tiện đại chúng khác đã nói đến nhiều. Tôi chỉ muốn nói một vài cảm xúc của tôi khi về Nha Trang năm nay.

Xuống sân bay Cam Ranh, chúng tôi mua vé xe hàng không về thành phố. Đang lớ ngớ thì tôi thấy anh tài xế - nhân viên hãng taxi hàng không - sẵng giọng: “Bỏ va-li lên, lên xe đi!” Tuy đã thấy thái độ cấm cản trả lời nhát gừng của nhân viên hướng dẫn sân bay cho khách nên tôi không sốc lắm, nhưng tôi không tin là một người đủ tuổi chịu trách nhiệm về cách ứng xử xã hội của mình lại có thể nói năng vô văn hóa, cộc cằn như vậy. Nhưng, rất thông cảm với các nhân viên bởi không khí lộn xộn, nắng nôi, khó chịu mà lại phải tiếp xúc với đủ kiểu người trong ngày, và vì cũng là một người làm công tác xã hội nên tôi tự nhủ rằng, những chuyện vớ vẩn, bực bội, thô lỗ… nơi nào cũng có. Nên bỏ qua.

Bỏ lại những giây phút khó chịu khi vừa xuống sân bay, sau những hàn huyên với gia đình, tôi, anh chị và cháu tôi ra ngay biển. Chúng tôi phải tranh thủ vì thời gian ở Nha Trang không nhiều.

Nhưng… buồn ơi là buồn! Về cảnh quan với những công trình xây dựng mới thì xin nhường lời cho nhà chức trách và các cơ quan hữu quan. Còn biển Nha Trang thì… trời ơi, chỉ còn là trong ký ức tôi với bãi biển cát trắng sạch đẹp vào bậc nhất trong số các bãi biển ở Việt Nam, kể cả so với nhiều bãi biển trên thế giới mà tôi đã đặt chân đến. Sao mà bẩn đến thế?! Khắp nơi toàn là bao, bịch rác, to nhỏ, kích cỡ đủ loại! Từ bịch nước ngọt, lõi ngô, cóc, ổi, chôm chôm, bịch mắm ruốc, tiêu ớt… đến vỏ cua ốc, ruồi nhặng bay hàng đàn. Còn đâu bãi cát trắng sạch bong?! Thỉnh thoảng, trong làn nước xanh, lại vật vờ vài bịch ni-lông nổi lềnh phềnh. Tôi nổi hết gai ốc khi nhìn thấy, hoặc bị những bịch ấy quấn lấy chân tay, chạm vào người…

Tôi cũng không biết phải giải thích ra sao cho cô cháu gái 15 tuổi (cháu sinh ra và lớn lên ở nước ngoài) khi cháu hỏi đi hỏi lại: “Sao cô bảo Nha Trang sạch lắm, đẹp lắm, bãi biển tuyệt vời kia mà?”; “Tại sao người ta chỉ quét dọn bãi biển chỗ có người nước ngoài nhỉ?” (gia đình tôi nghỉ ở bãi Sailing Club); “Sao người ta không thấy khó chịu trước việc cả bãi biển rác khủng khiếp như vậy?”, v.v…

Trao đổi với một nhân viên của Sailing Club (tôi nghĩ đó là một người Nha Trang còn tâm huyết với Nha Trang), khi tôi hỏi sao mới có 4 năm mà Nha Trang lại như thế này, anh xác nhận với tôi rằng tình hình vệ sinh của Nha Trang đã xuống cấp rất nhiều, nhất là khi mùa du lịch qua, Nha Trang “điêu tàn” lắm, cho đến tận tết Tây mới dọn sạch được. Và rác thải trong nước biển đã nghiêm trọng đến mức du khách đi tàu, thuyền sang đảo Vinapearl cũng đã được lưu ý về điều này.

Tôi cứ phải an ủi cháu tôi rằng có lẽ sáng hôm sau sẽ có người dọn dẹp sạch sẽ hơn vì bây giờ là chiều rồi, cả ngày khách ở bãi biển đông như vậy… Sáng tinh mơ hôm sau, cả nhà tôi dậy ra đón bình minh ngoài bờ biển. Nha Trang đông vui ngay từ sáng sớm. Đi dọc bờ biển, chao ôi, vẫn là rác như ngày hôm trước! Thậm chí còn tệ hơn bởi qua đêm, rác rưởi táp vào bờ, hoặc thêm rác của những hàng quán bán rong đêm trước. Và chỗ tôi ngồi hôm qua, nơi có một nhóm thanh niên Âu ngồi nghỉ thì đầy khắp nơi là vỏ chai, đầu lọc thuốc lá, vỏ cua… Tôi mới nghiệm ra rằng khi người nước ngoài họ thấy bản thân mình còn không có ý thức phải giữ gìn môi trường, cảnh quan của chính mình, thì… Cái tốt mới khó học chứ cái xấu, cái tùy tiện thì nhanh lắm!

Viết đến đây, tôi lại nhớ đến “con đường thiên lý” của chúng ta - xuyên Bắc – Nam gần hai ngàn cây số - hai bên đường ngổn ngang toàn rác thải. Hay ở suối Yến (Chùa Hương), ở vịnh Hạ Long, ở trung tâm hồ Núi Cốc…, đâu đâu cũng ngập ngụa rác; những nơi ấy, tôi và các bạn Đức những năm trước đã đi qua và tôi không biết trả lời họ ra sao khi được hỏi về tình hình rác và dân trí ở Việt Nam, cũng như mối quan hệ hữu cơ của chúng. Nay, tôi đã được cháu gái tôi trả lời phần nào khi cháu bảo, cháu thấy nhân viên nhà tàu (Đường sắt Việt Nam) thả các bịch rác xuống hai bên đưòng tàu. Hoặc, tôi đã từng thấy một ông trung niên đi xe đạp, ghi-đông lủng lẳng bịch rác và điềm nhiên quẳng xuống giữa… phố Gia Lâm. Khủng khiếp hơn, một bận cách đây vài năm, ở resort đảo Phú Quốc, tôi được “mục sở thị” một đoàn cán bộ đội mũ Tổng cục Đường sắt đứng tắm dưới bể bơi nước trong leo lẻo mà kỳ cọ, móc ngoáy và ghê gớm nhất là còn khạc nhổ thẳng xuống bể bơi họ đang ngâm mình, ngay trưoơc sự chứng kiến của rất nhiều khách nghỉ xung quanh…

Vậy, vấn đề Nha Trang không phải chỉ còn là vấn đề của riêng Nha Trang nữa rồi. Ngậm ngùi, tôi phải mượn hai câu thơ của thi sĩ Nguyễn Bính xưa mà cảm thán:

Hôm nay có một người du khách
Ở Nha Trang mà nhớ Nha Trang

Hoài Thu, từ Berlin – Hè 2007


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn