TÂM SỰ VỚI CON NHÂN NGÀY QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN 22-12

Thứ sáu - 21/12/2007 23:40

(NCTG) "Nhớ mấy năm trước, mình mất Ải Nam Quan với Thác Bản Giốc. Tiếc quá, mẹ con mình chưa được đến thác Bản Giốc, nhìn ảnh bạn bè mẹ chụp mà thèm. Giờ là của… nước ngoài rồi".

Ải Nam Quan

Năm 1979, ông ngoại con từng viết trong nhật ký cho mẹ rằng Việt Nam đang chuẩn bị cho một cuộc chiến mới.

Những dòng chữ ngoáy vội của ông hồi ấy, bây giờ đọc lại, vẫn khiến mẹ cảm thấy nôn nao vì lo lắng, vì một điều gì hệ trọng đã, đang và sẽ xảy ra... Ông bảo: "Có thể phải đi sơ tán, biên giới phía Bắc đang phức tạp lắm và bố sẽ phải lên biên giới, để hai đứa lại cho ông nội và bác Thư trông nom... Chiến tranh khổ lắm các con ạ, không ai muốn có. Bố chỉ mong các con được sống trong hòa bình. Nhưng một khi bọn bành trướng đã xâm phạm lãnh thổ chúng ta, thì bố vẫn lên đường và các con hãy cố gắng chịu đựng, vì Tổ quốc..."

Hồi đó bà đang ở nước ngoài, ông lên biên giới và mẹ được gửi vào Đà Nẵng nhờ các bác trông coi. Mẹ còn nhớ, một lần, nghe có tiếng còi vọng dài... và tất cả xôn xao, bảo rằng chiến tranh đã xảy ra!

Nhưng cuối cùng thì không đến mức như vậy, cuộc chiến chỉ diễn ra ác liệt ở vùng biên giới. Và ngày ấy đã qua lâu rồi, gần 30 năm rồi còn gì!

Hôm nay là ngày 22-12, ngày truyền thống của gia đình mình, có "Chục chẵn cha con hai chú rể - Ba đời ông cháu một hàng quân". Mẹ lại nhớ các cụ, nhớ ông ngoại của con, nhớ các ông bà. Những người đã khuất và những người còn sống, đều từng mang trên mình bộ quân phục màu xanh. Một thời chiến tranh dài hơn những ngày yên ấm, gia đình nào chả có vài người trong quân ngũ. Nên chắc ngày 22-12, cũng là ngày kỷ niệm của rất nhiều gia đình.

Nói đôi chút về chính trị, là thứ mẹ vốn không mấy hiểu và trước kia, khi có người nói đến thì mẹ thường xin phép được "mũ ni che tai". Không biết và không muốn biết, để đỡ đau đầu và sống cho nó nhẹ nhàng hơn. Nhưng bây giờ, mẹ lại nghĩ khác. Kể ra, chuyện chính trị, mình không biết cũng chẳng sao, sống trong một xã hội, có thể mình là con sâu, cái kiến và là một con rối nhỏ trong cả một rạp múa rối. Có điều, nếu tìm hiểu thêm chút, biết biết gì thêm một chút, thì mình cũng vẫn là con rối nhỏ ấy, nhưng đôi khi cũng biết nghĩ ngợi và chạy loăng quăng đôi chút, và sẽ tự do hơn, dù chỉ là tự do trong tâm tưởng, không chỉ bó gọn trong những vai diễn hàng ngày dưới sự giật dây của ai đó.

Tìm hiểu, suy nghĩ về chính trị, sẽ khiến con người không đơn thuần chỉ là vai diễn hàng ngày dưới sự giật dây của ai đó… - Ảnh: một áp-phích của giới thanh niên yêu nước Việt Nam

Đợt này, mọi người trên Mạng đâu đâu cũng nói về chuyện ta và Tàu, chuyện biểu tình phản đối chính quyền Trung Quốc, chuyện Sài Gòn gỡ những tấm banner lịch sử ghi chép những chiến công chống ngoại xâm phương Bắc... Đủ thứ chuyện. Ấy thế mà đài báo bên này tịnh chẳng có nhắc gì đến sự vụ ấy. Đài báo thế giới thì mẹ không thủng vì chẳng theo dõi được. Chứng tỏ rằng biểu tình thế vẫn chưa gây được tiếng vang nào đối với quốc tế. Nhưng mà, cứ bảo chẳng giải quyết được gì, chứ góp lời, theo mẹ, là quan trọng lắm. Không thì thế giới họ thích biểu tình làm gì! Nghe bảo đâu đó, người Việt đã rủ nhau quyên góp tiền nong. Mẹ thì lại nghĩ, tại sao phải quyên tiền mà không góp lời trước đã? Một lời nói đôi khi mạnh hơn cả mớ tiền! Thế mới nói đến chuyện sức mạnh của công luận với chả... dư luận chứ! Chuyện chính phủ ta nhẫn nhịn với Tàu thì mọi người nói mãi rồi, mẹ cũng không hiểu nhiều lắm để mà bàn, nhưng tự hỏi, mọi sự sẽ ra sao nếu các anh hùng, các bậc tiền nhân Việt Nam một lần hiện được về đây trong những ngày này?

Ôi! Giá như ông ngoại con còn trên đời, mẹ cũng không tin là ông sẽ im lặng cùng tất cả những người có trách nhiệm như vậy đâu. Nhưng biết đâu được, có khi ông cũng phải theo chỉ đạo của trên, nhỉ? Chuyện... chính trị, khó hiểu thế đấy!

Banner giới thiệu các danh nhân và sự kiện lịch sử trong khuôn khổ chương trình “Dân Ta Phải Biết Sử Ta”, mới đây đã bị gỡ ở đoạn đường gần LSQ Trung Quốc, đúng vào thời điểm nhạy cảm khi Trung Quốc đang gây sức ép với Việt Nam về chủ quyền hai quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa - Ảnh minh họa: blog Cô gái Đồ Long

Còn cái vụ treo banner lịch sử trên đường phố để “Dân ta phải biết sử ta - Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” (Cụ Hồ), ai nghĩ ra thì cũng là hay rồi, nhưng tại sao không làm thành những bức bia đồng, khắc ốp vào tường phố ấy, cho nắng mưa không làm phai mòn, cho không phải lúc nào ai hứng lên cũng gỡ bỏ được. Để bất cứ cá nhân hay đoàn thể nào, và nhất là vì lý do chính trị, người ta chớ có tự tiện tháo dỡ!

Nhớ mấy năm trước, mình mất Ải Nam Quan với Thác Bản Giốc. Tiếc quá, mẹ con mình chưa được đến thác Bản Giốc, nhìn ảnh bạn bè mẹ chụp mà thèm. Giờ là của… nước ngoài rồi.

Mới hay, đâu cứ phải tiến hành một cuộc chiến thì người ta mới bành trướng được! Pháp, Mỹ năm xưa đâm ra là dốt, không thâm như “ông anh cả môi hở răng lạnh” Trung Quốc nhà mình!

Nói những chuyện này vào 22-12, Ngày Quốc phòng Toàn dân, sao mà buồn!

Song Yến


 
 Từ khóa: 22-12
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn