TÚM TÓC TÁT TAI

Thứ tư - 05/12/2007 08:20

Năm đó, chúng tôi quyết định cho con trai vào lớp 1 trường Việt. Vì không có hộ khẩu, không hy vọng gì xin vào được trường công. Chúng tôi tìm được một trường tư ở Quận 3.

Cô giáo Quỳnh Anh (ngoài cùng, bên trái) và em Phạm Phương Thảo (8 tuổi, học sinh lớp 3), "được" cô giáo dục bằng cách lấy thước phát vào mặt, rồi tát mạnh đến mức hằn đỏ vết tay, vì "tội" cháu quên không viết hoa... - Ảnh mang tính chất minh họa cho bài viết

Tôi xin gặp Ban giám hiệu, nói rằng con tôi học mẫu giáo ở nước ngoài, tiếng Việt chỉ học ở nhà, đọc và viết không bằng các bạn cùng lứa trong nước. Ban giám hiệu rất tử tế, hứa hẹn sẽ hết lòng nâng đỡ cho em hội nhập.

Chỉ trong vòng một tuần lễ đầu, em bị cô giáo 2 lần một tay túm tóc, một tay tát vào mặt vì em không đọc được hoặc đọc không đủ lớn. Đến chiều má vẫn còn dấu tay. Kim bị sốc kinh khủng vì từ bé chưa biết mùi "giáo dục" ở quê mẹ.

Nhà trường đã thất hứa, và cô giáo quá hung bạo. Tôi phải cho con chuyển trường. Nhưng ít nhất cũng phải đến túm tóc tát tai cô giáo đã chứ.

Tôi tưởng tượng một người phụ nữ ác độc, thô bạo. Nhưng khi đến lớp, tôi chỉ gặp một bà khá già, lụm khụm. Tôi phân vân không biết đó là cô giáo hay bà lao công. Khi mấy đứa trẻ xác nhận với tôi đó là cô giáo, tôi bắt đầu hỏi lý do bà đánh trẻ. Tôi nhận ra bà giáo không hiểu tôi nói gì, vì lãng tai nặng. Tôi vừa nói vừa la hét vào tai bà ấy, nhưng bà ấy cũng không hiểu hoặc là giả vờ không hiểu, trả lời không đâu vào đâu.

"Trẻ con mới vào lớp 1, không biết đọc thì dạy cho em đọc, chứ sao lại túm tóc đánh?"

"A, đây là lớp 1B, còn lớp 1A thì ở dãy bên kia. Có đến 4 lớp 1."

"Mới nhập học đã bị đánh như thế làm sao em mong tới trường nữa?"

"Tôi đi dạy đã hơn 30 năm."

"Làm cô giáo lâu năm không có nghĩa là có quyền đánh trẻ con."

"Trước tôi dạy trường công, hưu rồi chuyển qua trường tư. Học trò cả ngày la ầm ầm chịu không nổi."

Tôi ngạc nhiên, lãng tai như vậy sao lại chịu không nổi tiếng ồn. Lúc đó bọn học trò ngồi thin thít trong lớp, không có đứa nào dám động đậy.

Lúc rời trường, tôi hoang mang hơn lúc đến. Tôi vừa nói chuyện với một người lãng tai nhưng không muốn nhận điều đó, hoàn toàn không biết chuyện gì đang xảy ra chung quanh mình vì không nghe, không hiểu. Một người già, tướng khổ sở, bà ấy ở ngoài đường, nếu xòe tay ra, chắc chắc bạn sẽ móc tiền bỏ vào đó kèm một lời hỏi thăm. Một người bạn không chắc đã mất trí hay còn.

Hình ảnh một hung thần như thế sao? Tôi làm gì với bà ấy đây?

Kim nói rất giỏi, nhưng từ đó, nhất định không chịu học đọc tiếng Việt.

Đoàn Minh Phượng


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn