NƯỚC ĐỨC 18 NĂM THỜI HẬU "DIE BERLINER MAUER”

Thứ năm - 08/11/2007 04:54

(NCTG) Ngày 9-11-1989 là một mốc đáng nhớ của lịch sử Cộng hòa Dân chủ Đức thế kỷ XX, cho dù nó khởi đầu một cách rất... bình thường.

* Từ một khẳng định „nhầm nhọt”

Bữa ấy, Ban lãnh đạo thượng đỉnh Đảng Công nhân Xã hội Thống nhất (Đảng Cộng sản) Đức họp bàn về việc sửa đổi đạo Luật Đi lại. Quyết định đưa ra trong phiên họp được Günter Schabowski - một lãnh tụ thuộc nhóm „cải cách” trong đảng - trình bày vào buổi tối tại một cuôc họp báo được truyền hình trực tiếp.

Günter Schabowski, người khiến bức tường Berlin sụp đổ "trước thời hạn" vì một khẳng định "nhầm nhọt" (đồng thời, cũng là lãnh tụ cao cấp duy nhất của Đảng Cộng sản Đông Đức, về sau, thừa nhận những tội lỗi đã phạm phải dưới thời cộng sản) - Ảnh chụp năm 2007

Sau họp báo, một ký giả Ý hỏi Schabowski rằng quyết định về việc giảm bớt những thủ tục phiền hà khi công dân Đông Đức muốn „xuất ngoại” sẽ có hiệu lực khi nào. Lúc ấy, Schabowski đã cất mục kỉnh, nên trong vài giây ông lúng túng giở giấy tờ rồi đáp: „À... ờ... Như tôi được biết, nó có hiệu lực ngay từ bây giờ... Đúng vậy, ngay bây giờ...

Khẳng định không lấy gì làm quả quyết ấy được truyền đi ngay vì các ký giả chưa tắt máy quay, dù cuộc họp báo đã kết thúc. Lập tức, chỉ trong vòng một giờ, hàng vạn công dân Đông Đức ngồi trước TV liền tụ tập tại đường biên giới chia cắt Đông – Tây ở thủ đô Berlin. Lính biên phòng Đông Đức chưa hề được nhận chỉ thị phải hành động ra sao, vì quyết định mới ra lẽ ra chỉ có hiệu lực từ nửa đêm (ngày 10-11-1989). Sự căng thẳng bao trùm đường ranh Đông - Tây, đám đông đòi phải mở biên giới và hét vang „Chúng tôi sẽ trở về, sẽ trở về!” Giới lãnh đạo cơ quan biên phòng nhận được chỉ thị cho phép những ai „to mồm” nhất rời Đông Đức, nhưng phải đóng dấu „cấm trở lại” vào giấy tờ của họ. Tuy nhiên, áp lực của người dân mạnh đến mức vào hồi 23 giờ, tại trạm biên phòng Bornholmer Strasse, việc kiểm tra giấy tờ bị bãi bỏ, rào chắn được mở và đám đông ồ ạt tràn sang Tây Berlin.

Vài ngày sau, „Bức tường ô nhục” Berlin dần dần bị phá, bị dỡ bỏ ở cả hai miền Đông và Tây, dẫn đến sự thống nhất của nước Đức trong lòng Châu Âu!

* Xã hội Đức vẫn chia rẽ sau 18 năm thống nhất

Mười tám sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, những người dân Đức ở phía Đông và phía Tây vẫn chưa trở thành một xã hội thống nhất. Đó là kết luận của tuần báo „Der Spiegel” sau khi tiến hành điều tra trong cả giới thanh niên lẫn thế hệ những người đứng tuổi.

Điệu nhảy hạnh phúc trên tường thành Berlin (tháng 11-1989). Có bao nhiêu người Đông Đức, đến giờ, giữ được trọn vẹn niềm vui đó?

„Der Spiegel” đã hỏi ý kiến 500 người thuộc 2 nhóm: nhóm ở độ tuổi từ 14 đến 24 (là những người hoặc không trải qua thời kỳ chia cắt nước Đức, hoặc là còn quá nhỏ để có thể nhớ về nó), và nhóm những người ở độ tuổi từ 35 đến 50 (trước đây từng là công dân của Cộng hòa Dân chủ Đức [CHDC] hoặc Cộng hòa Liên bang Đức [CHLB]).

Các điều tra cho thấy người dân Đông Đức vẫn nhớ về thời của CHDC Đức với nhiều tình cảm luyến tiếc. Có tới 92% những người đứng tuổi cho rằng vào thời ấy họ nhận được nhiều phúc lợi xã hội từ phía nhà nước hơn.

73% người đứng tuổi ở Đông Đức tin rằng CNXH không phải là một thể chế xấu, nhưng nó đã bị ứng dụng sai trong thực tế. 47% đại diện trẻ tuổi của Đông Đức cũng đồng tình với ý kiến này.

Nếu như hai nước Đức vẫn tiếp tục tồn tại thì hơn một phần ba người dân Đông Đức, không phụ thuộc vào lứa tuổi, vẫn muốn tiếp tục sống ở CHDC Đức, còn 90% người dân Tây Đức sẽ vẫn lựa chọn CHLB Đức.

Các kết quả thăm dò của „Der Spiegel” cho thấy sự chia rẽ trong thế hệ già lớn hơn là trong giới trẻ. Tuy nhiên, trong cả hai nhóm tuổi, phần lớn đều tin rằng có sự khác biệt giữa những người Đông Đức và Tây Đức.

* Bao nhiêu người đã chết khi tìm cách vượt Bức tường Berlin?

Mặc dù ngày 9-11 tới sẽ là ngày kỷ niệm 18 năm Bức tường Berlin sụp đổ, nhưng người ta vẫn chưa biết rõ số các nạn nhân đã chết khi tìm cách vượt qua biên giới này ở phía Đông Đức (cũ). Các sử gia Đức ngày nay muốn xác định chính xác con số này.

Tưởng niệm những nạn nhân của Bức tường Berlin

Theo nhật báo „Berliner Zeitung” số ra ngày 7-11-2007, các nhà nghiên cứu của Viện Lịch sử Đương đại tại Postdam đang chuẩn bị một đề án nghiên cứu với mục đích đưa ra con số chính xác bao nhiêu người đã chết khi tìm cách vượt Bức tường Berlin.

Các số liệu hiện có sai lệch nhau tới vài trăm người. Theo Viện Sử học Đương đại, 728 người đã bỏ mạng khi tìm cách bỏ trốn khỏi Đông Đức, 133 người chết khi vượt biên trái phép ở Bức tường Berlin. Trong khi đó, „Nhóm 13 tháng 8” - một tổ chức tư nhân lưu giữ các tài liệu về tội ác của chế độ CHDC Đức - đã đưa ra con số nạn nhân tổng cộng là 1.245. Theo tổ chức này, ít nhất là 231 người đã thiệt mạng khi vượt Bức tường Berlin.

Các nhà nghiên cứu ở Postdam muốn tiến hành nhanh việc nghiên cứu hồ sơ các cơ quan của cả hai nước Đức cũ để có thể xác định con số chính xác. Nếu dự án được chấp thuận, danh sách đầy đủ các nạn nhân của Bức tường Berlin sẽ được đưa ra vào năm tới.

Nhật Linh


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn