CÓ NÊN KÊU GỌI LÃNH ĐẠO TIÊM SINOPHARM “LÀM GƯƠNG”?

Thứ bảy - 14/08/2021 17:39

(NCTG) Có thể và có nên gia tăng sự tin tưởng đặt vào một loại vaccine nào đó, đơn thuần thông qua việc một vài lãnh đạo tiêm và đưa tin “làm gương” cho cộng đồng hay không? Góc nhìn của Nguyễn Vi-Yên từ Thụy Điển.

Tổng thống Hungary Áder János “khoe” ảnh tiêm chủng vaccine Sinopharm của Trung Quốc. Như vậy, phải chăng loại thuốc chích ngừa này là đáng tin cậy hơn? - Ảnh: Bruzák Noémi (MTI)

Tổng thống Hungary Áder János “khoe” ảnh tiêm chủng vaccine Sinopharm của Trung Quốc. Như vậy, phải chăng loại thuốc chích ngừa này là đáng tin cậy hơn? - Ảnh: Bruzák Noémi (MTI)

Những ngày qua, có không ít ý kiến kêu gọi các lãnh đạo chính trị nên đứng ra tiêm vaccine Sinopharm của Trung Quốc để “làm gương”, như một cách thuyết phục công chúng chọn tiêm loại vaccine này.

Đề xuất này dựa trên hai giả định. Thứ nhất, khi một lãnh đạo chọn tiêm vaccine Sinopharm, đồng nghĩa với việc vị lãnh đạo ấy thừa nhận rằng vaccine này tốt, hoặc ít nhất là nó đủ an toàn cho cơ thể, có thể chấp nhận được. Điều này dẫn đến giả định thứ hai, rằng khi các lãnh đạo chính trị lấy bản thân mình ra để chứng thực một loại vaccine là an toàn, công chúng sẽ thấy thuyết phục để tiêm theo.

Đây là một kỹ thuật rất phổ biến trong tuyên truyền chính trị, gọi là tuyên truyền chứng thực (testimonial propaganda): Các chính trị gia sử dụng chính mình, hoặc kêu gọi các cá nhân nổi tiếng hoặc có chuyên môn, đứng ra xác nhận chất lượng hay hiệu quả của một sản phẩm/chính sách, nhằm xây dựng niềm tin trong công chúng, từ đó thuyết phục công chúng ủng hộ sản phẩm/chính sách ấy.

Tính đến hiện tại, tôi chưa thấy một chính trị gia nào ở Việt Nam sử dụng kỹ thuật này để vận động công chúng tiêm vaccine Sinopharm, dù dư luận liên tục kêu gọi. Tuy nhiên, nếu có một vị nào đó đứng ra tiêm thật, thì chúng ta nên suy xét thận trọng, hơn là cảm thấy hài lòng.

Bởi lẽ, tuyên truyền chứng thực thường được coi là một dạng thao túng (manipulation) tinh vi, khi nó tác động đến tâm lý của công chúng, khiến họ hành động mà không đánh giá các nguy cơ một cách đủ kỹ lưỡng. Điều này, trong ngắn hạn, tất nhiên là nguy hiểm. Câu hỏi đặt ra là: thứ nhất, người đứng ra chứng thực có đủ thẩm quyền và chuyên môn để chứng thực không, và thứ hai, họ sẽ chịu trách nhiệm ở mức nào nếu lời chứng thực ấy có vấn đề? Tức là, nếu một vị lãnh đạo chọn tiêm một loại vaccine, điều đó có chứng minh rằng loại vaccine ấy đủ an toàn? Nếu loại vaccine ấy không đủ an toàn, họ sẽ chịu trách nhiệm ra sao?

Về dài hạn, việc sử dụng tuyên truyền chứng thực càng có hại ở chỗ, sự tín nhiệm vào các chính trị gia - chứ không phải bản thân chất lượng sản phẩm/ chính sách - được đem ra làm phương tiện thuyết phục công chúng. Mối quan hệ giữa người dân và chính quyền chỉ nên được coi là lành mạnh khi nó được thành lập trên cơ sở thông tin minh bạch và trách nhiệm giải trình, chứ không phải là trên cơ sở tín nhiệm đơn thuần. Cổ vũ cho lối tuyên truyền chứng thực là cổ vũ cho một loại giao tiếp chính trị bằng hình thức hơn là bằng thực chất.

Thay vì đi tìm cách trả lời cho câu hỏi “làm sao để kêu gọi người dân tiêm vaccine Sinopharm?”, tôi cho rằng, các nhà truyền thông chính trị nên giải quyết câu hỏi “làm sao để người dân có hiểu biết tốt nhất về các loại vaccine, từ đó đưa ra lựa chọn tốt nhất cho chính mình và xã hội?”.

Thông tin về các loại vaccine càng đầy đủ và minh bạch, cách truyền tải càng dễ hiểu và dễ tiếp cận cho mọi nhóm công chúng, thì người dân sẽ có thể tự xem xét và đưa ra quyết định dựa trên đánh giá của mỗi người. Cách tiếp cận này vừa thể hiện sự tôn trọng đối với sự tự chủ của công dân, vừa cổ vũ cho các hành động dựa trên cơ sở lý tính (thay vì cảm tính).

Không có kỹ thuật truyền thông nào tốt hơn việc sử dụng sự thật.

Nguyễn Vi-Yên, từ Thụy Điển


 
 Từ khóa: Covid-19
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn