10/12: QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN

Thứ sáu - 10/12/2021 14:01

(NCTG) Ngày 10/12/1948, tại Palais de Chaillot (Paris), bản “Tuyên ngôn Phổ quát về những Quyền con người” (Universal Declaration of Human Rights*) do nhóm tác giả John Peters Humphrey (Canada), René Cassin (Pháp), P. C. Chang (Trung Quốc), Charles Malik (Libanon), Eleanor Roosevelt (Hoa Kỳ)... soạn thảo đã được thông qua với 48 phiếu thuận và 8 phiếu trắng. Kể từ đó, 10/12 trở thành Ngày Nhân quyền Quốc tế.

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua “Tuyên ngôn Phổ quát về Quyền con người” tại Palais de Chaillot (Paris, Pháp) vào ngày 10/12/1948 - Ảnh: AFP

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua “Tuyên ngôn Phổ quát về Quyền con người” tại Palais de Chaillot (Paris, Pháp) vào ngày 10/12/1948 - Ảnh: AFP

Ủy ban Helsinki Hungary (MHB), một trong những tổ chức bảo vệ nhân quyền và dân quyền quan trọng nhất của quốc gia này nhận xét rằng, họ có cảm tưởng, ngày nay, khó mà có khả năng phê chuẩn một văn kiện như thế. “Điều quan trọng là cha ông chúng ta đã cho ra đời được bản tuyên ngôn này một cách kịp thời để đến giờ, Luật Quốc tế cũng vẫn đảm bảo những quyền con người cho chúng ta”, MHB nhận định.

“Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền” (1948) - cùng “Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa” và “Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị” được Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 1966 - là những nội dung cốt yếu của “Bộ Luật Nhân quyền Quốc tế”, đặt nền móng hướng tới một thế giới nhân văn và văn minh, và đương nhiên là những văn kiện quan trọng nhất của nhân loại tính đến nay.

Dầu vậy, những quyền con người - nếu không đấu tranh, kể cả giành giật - nhiều khi chỉ có trên giấy tờ. Một tỷ lệ lớn người dân không hề biết mình có quyền gì, và do đó, cũng thờ ơ, không quan tâm đến chủ đề này, coi là không có ý nghĩa gì đáng kể bên cạnh những vấn đề thường nhật “cơm - áo - gạo - tiền”. Ít người ý thức được rằng, nhân quyền nhiều khi là tiền đề cho sự phát triển xã hội, trong đó có cả phát triển kinh tế.
 
Giáo dục nhân quyền, một môn học trọng yếu cần được dạy cho trẻ em từ nhỏ - Ảnh: Mark Garten (UN Photo)
Giáo dục nhân quyền, một môn học trọng yếu cần được dạy cho trẻ em từ nhỏ - Ảnh: Mark Garten (UN Photo)

Vì thế, thế giới đặt trọng tâm vào giáo dục nhân quyền, điều không thể thiếu được để người dân thấu triệt được các quyền và lợi ích của mình, và không chờ đợi ai ban phát, tự đứng lên giành lấy cho mình. “Giáo dục nhân quyền không chỉ là một bài học tại các trường học hay một chủ đề cho một ngày, nó là một quá trình trang bị cho con người những công cụ mà họ cần để sống một cuộc sống an toàn và được tôn trọng” (**).

Trong năm 2021, chủ đề Ngày Nhân quyền Quốc tế 10/12  được Liên Hiệp Quốc chọn là “Bình đẳng - Giảm bất bình đẳng, thúc đẩy nhân quyền”, bởi Điều 1 của “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền” tuyên bố rằng “mọi con người sinh ra đều tự do và bình đẳng về quyền và nhân phẩm”. Vì thế, các nguyên tắc bình đẳng và bất phân biệt đối xử phải là trọng tâm của quyền con người, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Ghi chú​:

(*) Thường được gọi tắt là “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền”.

(**) Lời Kofi Annan, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc thời kỳ 1997-2006, đồng Giải Nobel Hoà bình với Liên Hiệp Quốc vào năm 2001 “vì những nỗ lực giúp kiến tạo một thế giới an bình hơn và được tổ chức tốt hơn”.

NCTG


 
 Từ khóa: nhân quyền
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn