Vụ cháu V.A. bị bạo hành: THƯƠNG XÓT XONG, RỒI LÀM GÌ? (1)

Thứ tư - 29/12/2021 13:18

(NCTG) “Trước khi đi gõ cửa hàng xóm, chính chúng ta phải tự trả lời “vậy mình sẽ vẫn tiếp tục đánh con?”. Nếu bạn cũng đánh con, thì việc đánh nhiều hay ít, nhẹ hay nặng, rất khó đong đếm. Tức là, bạn cũng như họ, làm sao bạn có tư cách ngăn cản họ, và quan trọng hơn, bạn có thực sự tin vào việc không nên đánh trẻ em?” - tác giả Bùi Uyên từ Paris tự vấn.

Thương tiếc khi mọi sự “đã rồi” không đủ... - Ảnh: dantri.com.vn

Thương tiếc khi mọi sự “đã rồi” không đủ... - Ảnh: dantri.com.vn

Vài hôm nay, sau khi nghe tin em nhỏ 8 tuổi thiệt mạng vì bạo hành gia đình, nổi lên làn sóng trách cứ hàng xóm “vô cảm”, không can thiệp kịp thời để ngăn hậu quả xấu. Một chút “dậy sóng” này sẽ có thể khiến nhiều người phải suy nghĩ, nhưng trên thực tế, chúng ta sẽ phải thay đổi hành động như thế nào?

Ngày mai, khi thấy trẻ con nhà hàng xóm khóc, chúng ta sẽ sang gõ cửa? Ông bố/ bà mẹ đang cầm roi bảo “tôi dạy con tôi” thì bạn sẽ làm gì? Bạn có căn cứ gì để can thiệp? Nếu trẻ không bị thâm tím, không chảy máu? Trẻ nào chả la khóc khi bị mắng, một xã hội đông trẻ con như Việt Nam, thì có khi một tối ba nhà hàng xóm nghe tiếng trẻ khóc, bạn làm gì được?

Vậy thì cái gì có thể thay đổi được? Trước khi đi gõ cửa hàng xóm, chính chúng ta phải tự trả lời “vậy mình sẽ vẫn tiếp tục đánh con?”. Nếu bạn cũng đánh con, thì việc đánh nhiều hay ít, nhẹ hay nặng, rất khó đong đếm. Tức là, bạn cũng như họ, làm sao bạn có tư cách ngăn cản họ, và quan trọng hơn, bạn có thực sự tin vào việc không nên đánh trẻ em?

Nếu sự kiện đau lòng lần này thực sự làm bạn thay đổi, thì chỉ có thể là lựa chọn ĐÁNH hay KHÔNG ĐÁNH con, vậy thôi. Không có cái lưng chừng ở giữa. Nếu bạn có thể tát con 1 cái, thì ngày mai, ai ngăn bạn không tát 2-3 cái? Mạnh hơn? Khi nóng giận hơn, mất tự chủ hơn?

Bạn có làm được không? Nếu không, thì thôi, đừng thắp nến và cầu nguyện cho em bé hôm nay làm gì nữa. Những kẻ gây cho em bé tử vong, có thể cũng giống bạn thôi, họ chỉ dữ đòn hơn một chút, quen tay đánh hơn một chút, ít kiềm chế hơn một chút, hay cứ cho là em bé ấy khó bảo hơn một chút, và họ ít tình cảm hơn vài chút...

Chúng ta chửi rủa họ là ác quỷ, nhưng nhìn kỹ xem, họ giống chúng ta - những người vẫn sẽ tiếp tục đánh con - chỉ mỗi thứ thêm một chút thôi, một chút mong manh khó đong đếm, là đã thành tội ác không thể dung thứ rồi!
 
Cần thức tỉnh, rằng bạo lực không phải là giải pháp trong giáo dục và hành xử - Ảnh: Internet
Cần thức tỉnh, rằng bạo lực không phải là giải pháp trong giáo dục và hành xử - Ảnh: Internet

Nếu phẫn nộ xong, vẫn từng đó phụ huynh tiếp tục dạy con bằng roi như thế, sẽ không ngạc nhiên, những chuyện trẻ bị bạo hành, tinh thần hay thể xác vẫn tiếp diễn quanh ta. Vì chính chúng ta cũng đâu có thể chịu vất vả thay đổi chính mình? Thì đòi hỏi sao được hàng xóm xung quanh?

Còn nếu chọn không đòn roi, thì cha mẹ phải kiên trì và dành tâm sức rất nhiều cho việc đối thoại với con. Viết ra một câu thì đơn giản, thực hiện từng ngày là một thử thách không nhỏ. Không phải là sự chiều chuộng nhu nhược, mà là cách giáo dục nghiêm khắc, kỷ luật bằng đối thoại.

Sâu xa hơn, phải thay đổi phần nào tư duy Nho giáo với suy nghĩ “người lớn, người trên luôn đúng, nói phải nghe, không được cãi”. Đó cũng là một tư duy hằn sâu vào nếp nghĩ của người Việt, không dễ gì xoá bỏ.

Lựa chọn không áp đặt, không đánh phạt, là lựa chọn tôn trọng đứa trẻ như một cá nhân bắt đầu có năng lực tư duy, và thuyết phục, giảng giải để con chấp thuận làm theo.

Để làm được, phải cố từng ngày, đôi khi rất mệt mỏi và khó khăn khi chọn không đánh con. Khả năng là chúng ta không thể thay đổi ngày một ngày hai, nhưng nếu thương em bé vừa thiệt mạng, và tin là cần thay đổi, thì hãy thử bắt đầu lại, từng bước, như đứa trẻ tập đi.

Bằng tình yêu với con cái, rồi các con sẽ hiểu...

Xem Phần 2 của loạt bài.

Bùi Uyên, từ Paris - Còn tiếp


 
 Từ khóa: bạo hành trẻ em
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn