(NCTG) “Covid chính là một phép thử để xem sự khoan dung, sự chịu đựng giữa con người với nhau có giới hạn như thế nào” - góc nhìn của tác giả Hải Lý từ Canada, về thái độ ứng xử nên có với một thiểu số trong cộng đồng được gọi bằng cái tên “unvaxxed”.
Một cuộc biểu tình ở Montreal phản đối các biện pháp được xem là giúp hạn chế sự lây lan của Covid-19: có nên mạt sát những người xuống đường? - Ảnh: Graham Hughes (CP)
Trong những năm tháng đầu của trận dịch Covid-19, người ta vẫn hay dùng câu khẩu hiệu “We’re in this together!” (tạm dịch: “Chúng ta cùng chung hoạn nạn này!”) để động viên, để nhắc nhở nhau là dù mọi sự có tồi tệ đến đâu thì con người vẫn gắn bó, vẫn cố gắng giúp nhau vượt qua. Tôi còn nhớ những lời ca ngợi các nhân viên y tế nơi đầu trận tuyến như những vị anh hùng, thậm chí là siêu anh hùng.
Sau hơn hai năm dịch bệnh, xã hội mệt mỏi không những vì các biện pháp phòng ngừa và giãn cách, vì các cuộc lock-down, vì áp lực kinh tế, mà còn vì những chia rẽ và thù hằn gay gắt trong chính trị và xã hội. Người ta gần như mất hết kiên nhẫn trước một tương lai khá mịt mù, không biết khi nào dịch bệnh sẽ chấm dứt và cuộc sống sẽ trở lại bình thường.
Và nhiều người trút giận lên đầu một nhóm thiểu số trong xã hội: những kẻ không chịu tiêm phòng vì một nguyên nhân nào đó, gọi chung là unvaxxed.
Các truyền thông và báo chí dòng chính cũng giữ một vai trò không nhỏ trong việc châm dầu vào lửa: các headlines về các ca tử vong và bệnh nặng luôn nhắc đến người unvaxxed. Báo, đài, Internet, thậm chí cả các chính khách đều nhắc đến unvaxxed như là những kẻ tội đồ gây ra tình cảnh ngày hôm nay.
Như Thủ tướng Justin Trudeau của Canada đã dùng những lời lẽ vô cùng gây chia rẽ và đầy thù hằn khi nói về unvaxxed (tháng 9/2021): “Đây là những tên cực đoan không tin vào khoa học, đa số chúng là kẻ ghét đàn bà và kỳ thị chủng tộc…” (They are extremists who don’t believe in science, they’re often misogynists, also often racists…)và đặt ra câu hỏi: “Chúng ta có cần chịu đựng bọn người này không?” (Do we tolerate these people?).
Đầu năm 2022, ông Trudeau tiếp tục đổ tội cho những người unvaxxed khi bệnh viện phải tạm dừng các dịch vụ chăm sóc các bệnh nhân khác, và tạm dừng các ca mổ không cần thiết, để nhường giường cho bệnh nhân Covid-19. Rồi các lock-down hiện giờ cũng là vì những người unvaxxed - họ là mối nguy hiểm cực lớn cho xã hội!
Sau những thù hằn, giận dữ trút lên đầu người unvaxxed, chúng ta hãy bình tâm suy nghĩ một chút nhé:
1. Người ta đem unvaxxed lên như những con dê tế thần
Đây là đích nhắm vô cùng dễ dàng và tiện lợi: nhiều trong số các bệnh nhân phải nằm viện hoặc phòng hồi sức đặc biệt là unvaxxed.
Nhưng theo Zain Velji (một nhà bình luận chính trị trên đài CBC), đem unvaxxed để làm dê tế thần để các chính trị gia không phải nhắc đến những vấn đề trầm trọng kinh niên trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Canada: đó là thiếu ngân sách, thiếu giường bệnh, và thậm chí thiếu cả nhân viên y tế - vốn đã hiện diện từ lâu trước khi có Covid.
Trong thời bình yên, các bệnh viện có thể cầm cự một cách tạm chấp nhận được, nhưng hệ thống này sẽ chóng sụp đổ khi phải đối đầu với số lượng lớn bệnh nhân mà qua Covid, điều này đã được thấy rõ.
Vì thế, để tránh cảnh bệnh viện quá tải, Canada không còn cách nào hơn là phải lock-down. Và cảnh lock-down cứ phải lập đi lập lại khi mà có một biến chủng nguy hiểm nào đó xuất hiện. Không ai có một kế hoạch, một chiến lược, hoặc một giải pháp có tầm nhìn xa nào cả. Tất cả những biện pháp hiện nay đều có tính phản ứng nhất thời, tạm bợ, như dán miếng băng keo lên một vết thương đã loang lở quá nhiều.
Một ví dụ cho sự yếu kém trong hoạch định của Canada là hiện nay ngành y tế đang thiếu trầm trọng các PCR test kits - vốn là loại test kits có tính chính xác cao nhất. Bây giờ, nhiều người mắc các triệu chứng như ho, sốt, nhức đầu, đau họng, v.v… không thể nào nhận được PCR test để xem có phải mình nhiễm Covid hay chỉ là cảm cúm thường, và ngành y tế khuyên rằng thôi cứ cho là mình bị Covid đi, rồi tự cách ly tại nhà!
Thế nên, hiện giờ chính phủ không màng đếm số ca nhiễm nữa vì số liệu này đã ra ngoài tầm kiểm soát!
Có hợp lý không khi đổ mọi sự này lên đầu người unvaxxed?
2. Dân không tin chính quyền, có phải chỉ tại “thằng dân ngu quá lợn” không?
Về chuyện tin hay không tin chính quyền (và/ hoặc vaccine), có hai điểm chính tôi muốn nhắc đến ở đây:
a. Theo thống kê, hiện nay có khoảng 82% dân số Canada đã tiêm ít nhất một liều vaccine, trong đó khoảng 76% đã tiêm chủng hoàn toàn (theo định nghĩa là tiêm ít nhất hai liều). Như vậy, tỷ lệ tiêm chủng ở Canada khá cao, và người unvaxxed (không tiêm) chỉ là thiểu số - khoảng 10-15%. Và có thể nói số 10-15% này không tin tưởng chính quyền, không tin tưởng vào độ an toàn của vaccine, hoặc không tiêm vì nhiều lý do khác.
Sẽ rất không thực tế nếu chúng ta đòi hỏi 100% dân chúng phải tin vào chính quyền hoặc các chính sách mà họ đưa ra. Ở trong xã hội dân chủ, có khi nào ta thấy một đảng phái nào thắng bầu cử một cách áp đảo - 80-100% - hay không? Thắng khoảng 60-70% đã là may. Thắng từ 90-100% thì họa chăng chỉ có ở các chế độ độc tài.
Tương tự, đòi hỏi 100% người dân phải ngoan ngoãn tin và nghe lời chính phủ đi tiêm vaccine là một đòi hỏi phi thực tế, và có phần lộ tính độc tài và độc đoán. Trong một xã hội dân chủ, sẽ vẫn luôn tồn tại một thành phần thiểu số không tin và thậm chí chống đối chính phủ. Chúng ta dù không thích, nhưng trên nguyên tắc vẫn phải chấp nhận họ.
b. Việc một bộ phận dân chúng không tin tưởng chính quyền, tôi e, một phần cũng là do lỗi của chính quyền và truyền thông, nhất là ở hai khâu: thông tin và xử lý khủng hoảng.
Thông tin vô cùng lộn xộn và bát nháo: lúc đầu thì bảo Covid không hơn gì loại cúm thường; khi Covid lây lan mạnh hơn và cướp đi nhiều mạng sống thì chính quyền bắt đầu áp dụng lock-down, bảo dân chịu khó chỉ vài tuần (hay vài tháng) thôi thì cuộc sống sẽ trở lại bình thường, và kết quả như thế nào chúng ta đã thấy; và cuối cùng, hứa hẹn sau hai liều vaccine thì mọi việc sẽ ổn, nhưng bây giờ thì chúng ta phải tiêm hết mũi tăng cường này đến mũi tăng cường khác.
Và xử lý khủng hoảng - như đã nói ở trên, chỉ là những biện pháp vá víu, tạm bợ, theo kiểu mua thời gian để hệ thống y tế khỏi sụp đổ. Trong khi đó, dường như không một ai hiểu con Covid-19 này có nguồn gốc như thế nào, tại sao có thể tạo ra những biến chủng lây lan nhanh và nguy hiểm như thế, v.v… Có bao nhiêu câu hỏi từ xã hội mà chính quyền và các đại diện y tế không có khả năng trả lời, hoặc trả lời không thỏa đáng.
Chưa kể, một số lãnh đạo, chính khách và các quan chức đứng đầu ngành y một mặt thì kêu gọi giãn cách xã hội, không tụ họp đông người, phải đeo khẩu trang trong không gian kín, v.v… nhưng mặt khác lại tụ họp, ăn chơi vô độ, không giãn cách xã hội mà cũng không khẩu trang. Những người này phá nát chính các luật lệ và biện pháp phòng ngừa mà họ đưa ra.
Trước một chính quyền nhập nhằng, bát nháo trong thông tin, bất lực trong xử lý khủng hoảng, thậm chí đạo đức giả, thiết nghĩ, rất khó mà mong dân tin tưởng vào họ một cách toàn tâm toàn ý.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...