VÀI GHI CHÚ THÊM VỀ CÂU CHUYỆN “LỜI HỨA MIỆNG”

Thứ hai - 21/02/2022 20:33

(NCTG) “Liên Xô không đồng nghĩa với Nga, như rất nhiều cựu DHS Việt Nam ở Nga - Xô tới giờ vẫn tâm niệm”.

Sự đối đầu một thời giữa hai liên minh quân sự và chính trị NATO và Warszawa - Ảnh: Wikipedia

Sự đối đầu một thời giữa hai liên minh quân sự và chính trị NATO và Warszawa - Ảnh: Wikipedia

Trong những trao đổi trên nhiều diễn đàn Internet hiện tại về lời hứa miệng” rằng NATO sẽ không mở rộng về phía Đông trong khuôn khổ những cuộc hội đàm liên quan tới vấn đề thống nhất nước Đức đầu năm 1990 (thường gọi là Hội đàm 2+4), một thông tin hay được nhắc lại, rằng Ngoại trưởng Tây Đức Hans-Dietrich Genscher đã phát biểu sau khi hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ James Baker:

Chúng tôi nhất trí rằng không có ý định mở rộng khu vực phòng thủ của NATO về phía Đông. Điều đó không chỉ áp dụng cho CHDC Đức mà là nói chung”. Và sau đó, lãnh đạo Liên Xô đã tin vào những “hứa hẹn miệng” không hề được đưa vào bất cứ văn bản thỏa thuận chính thức nào, để rồi sau này bị Phương Tây “bội phản”, “đánh lừa”!

Thật ra, câu chuyện lịch sử ở đây rất lý thú, chứ không đơn thuần trắng, đen như chúng ta có thể nghĩ.

1. Ở vào thời điểm đầu năm 1990, liệu Liên Xô có tính đến chuyện nước này sẽ tan rã trong thời gian ngắn không? Nhìn về hậu thì rất đơn giản, nào là Đông Âu đã dân chủ, Khối Hiệp ước Warszawa “chết lâm sàng”, v.v... nhưng không có gì cho thấy khi đó, bản thân Liên bang Xô-viết ý thức được là mình sẽ tan thành nhiều mảnh chẳng bao lâu sau.

Vì nếu có, để đảm bảo cho an ninh sau này, chắc chắn Gorbachev phải đòi hỏi, bằng mọi giá, một thỏa thuận chính thức trên giấy tờ, rằng NẾU Liên Xô tan rã thì NATO không được mở rộng sang TẤT CẢ CÁC NƯỚC cộng hòa cũ, chứ không riêng gì Ukraine hay Đông Âu.

Tại sao như thế? Vì Liên Xô không đồng nghĩa với Nga, như rất nhiều cựu DHS Việt Nam ở Nga - Xô tới giờ vẫn tâm niệm.

2. Liệu Gorbachev có thể đòi hỏi như vậy được không? Nếu muốn đi nữa, khả năng là KHÔNG, vì NATO là một liên minh dân chủ của rất nhiều nước, không phải của riêng Mỹ hay Tây Đức. Việc “cấm cửa” một số quốc gia hay miền lãnh thổ, nếu muốn, phải dẫn tới việc thay đổi hợp đồng cơ bản (Hiến chương NATO) về việc gia nhập NATO, đây là điều bất khả vì không thành viên nọ thì thành viên kia cũng sẽ veto.

Chuyện một cá nhân hay một thành viên nào đó của NATO hứa hẹn miệng gì đó, hoàn toàn không có giá trị và cơ sở pháp lý đối với toàn NATO. Nhất là điều hứa hẹn miệng ấy chỉ được đưa ra trong các đám phán ngoài lề, cân nhắc hơn thiệt, và không xuất hiện trong chương trình nghị sự chính thức của Hội đàm 2+4 về vấn đề thống nhất nước Đức, hoặc trong một hội nghị thượng đỉnh cấp cao khác nào đó giữa đôi bên.

3. Gorbachev hẳn cũng phải biết điều này, cho nên ông ta đã không yêu cầu. Vả lại, bất cứ một thỏa thuận chính thức nào cũng có thời điểm đi vào thực hiện (để nó có hiệu lực) và thời hiệu của nó. Nếu giả sử (tất nhiên chuyện này không thể xảy ra) có một thỏa thuận giữa NATO là kể từ khi Liên Xô sụp đổ, trong vòng 10 năm, NATO sẽ không kết nạp thành viên TẤT CẢ các nước cộng hòa cũ, thì hết 10 năm họ sẽ kết nạp cũng không sao.

Tuy nhiên, Nga - Xô đâu có nghĩ tới điều đó, vì bản thân họ thời đầu tiên cũng đã bàn về kế hoạch có thể gia nhập NATO kia mà, nếu bắt NATO cấm thì làm sao mà “vào” được? Cho nên, câu chuyện về “lời hứa miệng” chỉ một mớ bòng bong không hơn không kém mà lãnh đạo Nga bây giờ chỉ bám vào nó để “cãi cùn” và gây gổ!

4. Gia nhập NATO để được bảo vệ, để được kích hoạt điểm 5 của Hiến chương NATO (khi một thành viên của liên minh bị tấn công, thì tổ chức này sẽ coi đó là sự tấn công đối với toàn khối - từ đó, việc đáp trả lại cuộc tấn công sẽ dựa trên nguyên tắc phòng thủ tập thể) là mong muốn của các nước nhỏ, muốn được bảo vệ trước khả năng bị gây hấn từ bên ngoài.

Nó hoàn toàn không đồng nghĩa với việc lập tức NATO bỗng dưng sẽ vác tên lửa đầu đạn hạt nhân hay mang trăm ngàn quân tới đồn trú ở nước đó (như trường hợp Khối Warsaw đã làm trong nhiều dịp). Phương Tây có xung đột với Nga đi nữa, trước sau họ vẫn dùng rất nhiều biện pháp khác (ngoại giao, trừng phạt kinh tế...) để xử lý, chứ ai “ngu” mà đi đánh nhau với Nga?

Ngược lại, Nga có toàn quyền tập trận, huy động quân đội, giễu võ giương oai... trên toàn lãnh thổ nước này, không ai kêu ca gì, miễn là đừng có gây hấn với nước khác. Nhưng muốn Nga chắc chắn không gây hấn, cần có sự bảo vệ và hỗ trợ của một liên minh phòng thủ, đó là lý do Ukraine muốn gia nhập NATO, không phải để... tấn công Nga, mà để được yên thân, đừng bị Putin dọa nát, hạch sách vô cớ.

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: NATO
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn