“Con đường Baltic”: NHỮNG CÁI NẮM TAY ĐOÀN KẾT CỦA “KẺ YẾU”

Chủ nhật - 27/02/2022 09:43

(NCTG) “Nếu không chìa được một cánh tay, một lời nói ủng hộ trong cảnh đau thương của một nước khác, thì có lẽ, nên im lặng và ngẫm nghĩ vì sao, mình vẫn mãi tâm thế của kẻ yếu?” - tác giả Bùi Uyên từ Paris đặt câu hỏi, thông qua việc ôn lại “Con đường Baltic” và những diễn biến ở Ukraine mới đây.

Những cái nắm tay vượt lên trên bạo quyền để hướng tới tương lai - Ảnh tư liệu

Những cái nắm tay vượt lên trên bạo quyền để hướng tới tương lai - Ảnh tư liệu

Ngày thứ 3 của chiến tranh xâm lược Ukraine đã diễn ra bởi một nước mang vũ khí và quân đội bước qua biên giới nước láng giềng độc lập, có chủ quyền, có quyền tự quyết, đang yên sống hòa bình.

Tôi phải viết dòng này đầu tiên, nhắc lại những khái niệm cơ bản về xâm lược một quốc gia độc lập có chủ quyền. Bởi vì dường như, cũng như phát biểu của Trung Quốc, nhiều người từ cơ bản, đã không nhìn nhận đây là một cuộc chiến tranh xâm lược.

Khi đáng buồn đọc thấy, rất nhiều những lời phát biểu của những người quen trên mạng Facebook, nói về những khái niệm “ông anh – thằng em một nhà”, “dạy cho thằng em chơi với bạn xấu một bài học” hay “nước nhỏ còn đòi nọ, đòi kia”...

Mọi lý giải để “hợp thức hóa”, “thông cảm” cho sự tấn công vũ trang đều là biện minh một cuộc xâm lược. Đều tự chấp nhận tiền lệ cho bất cứ quốc gia cho mình là “lớn” nào, được đem quân xâm lược láng giềng nhỏ, yếu hơn.

Mọi chê trách nước nhỏ “không biết ứng xử”, “tham nhũng tràn lan”, giống như cách người ta quay lại đổ lỗi cho nạn nhân, gián tiếp thỏa hiệp với bạo lực của thủ phạm. Tự hỏi, từ khi nào, một quốc gia tham nhũng thì đáng bị dội bom hơn? Một quốc gia chọn chơi với kẻ này, thì kẻ khác được quyền nã súng?

Tất nhiên trên bàn cờ địa chính trị, thực tế có nước yếu, nước mạnh, có những liên minh, bè phái để kiềm tỏa nhau, để giữ tầm ảnh hưởng, lợi ích kinh tế, an ninh quốc phòng. Cá nhân tôi, không thể chối bỏ thực tế đó, nhưng không thích cách vận hành này.

Việt Nam là một ví dụ sống động, và đau lòng, cho vị thế của một “nước nhỏ”. Khi lịch sử phần lớn là chiến tranh, đau thương, chia cắt, đô hộ,.. cũng chỉ vì cái vị thế nước nhỏ chia chung đường biên với một nước “lớn” đầy tham vọng bành trướng, bá quyền.

Những cuộc chiến tranh cận đại, thì bản chất là bãi chiến trường cho những cuộc đối đầu của các “ông lớn”. Và là một nước nhỏ muốn kiếm tìm hòa bình, đất nước Việt khốn khổ luôn phải loay hoay tìm phe, tìm kẻ che chở, chông chênh hai hàng, mà lịch sự gọi là “ngoại giao mềm dẻo” hay văn vỉa hè là “đu dây”.

Chúng ta, người Việt, hơn ai hết hiểu cái khó, cái khổ của một vị thế thấp cổ bé họng ấy. Nó biện minh cho những thái độ bị coi là “hèn”, là “nhu nhược”. Nó gây chia rẽ trong nội bộ người dân vì những luồng tư tưởng trái nhau, bị kìm hãm và cấm đoán. Nó nhân cơ hội ở cho sự trì trệ, tham nhũng, lũng đoạn.

Càng bị cản lối bởi trì trệ, người dân càng chậm nâng cao dân trí, càng xa khả năng từng bước mong muốn, rồi tìm cách lựa chọn, tự quyết, giảm bớt lệ thuộc hơn cho dân tộc mình. 

Nghe nhiều biện minh, lý giải cho kẻ xâm lược, cho kẻ mạnh. Còn tôi, từ vị thế một người Việt, tôi hay tìm kiếm, và cổ vũ cho những nỗ lực của những nước nhỏ. Ví dụ không thiếu, dù thành công thì không nhiều. Cũng là điều dễ hiểu, có con đường nào để cứu mình, của nước bên rìa những kẻ mạnh luôn muốn bá chủ, lại dễ dàng, không khó khăn, cản trở?
 
“Con đường Baltic” - Ảnh tư liệu
“Con đường Baltic” - Ảnh tư liệu

Tôi xin kể lại câu chuyện “Con đường Baltic” mà nhiều người đã biết khi 3 nước bé nhỏ vùng Baltic được độc lập tách khỏi Liên bang Xô-viết nhờ một cuộc biểu tình hòa bình có tầm ảnh hưởng và truyền cảm hứng đến tận ngày nay.

Latvia, Lithuania và Estonia là các quốc gia độc lập cho đến năm 1940. Thỏa thuận “ngầm” phân chia ảnh hưởng của hai nước lớn Đức- Liên Xô mang tên Molotov-Ribbentrop ký vào cuối tháng 8/1939 đã buộc 3 nước độc lập này phải sát nhập vào Liên bang Xô-viết.

Cái gọi là “bí mật” đó thế giới đều biết, nhưng ở Liên Xô đã bị che giấu nửa thế kỷ. Chỉ khi cuối thập niên 80, những thông tin dần bị hé lộ, dưới áp lực của quốc tế, và đặc biệt là phản ứng của nhân dân 3 nước này, Moscow đành công nhận sự tồn tại của thỏa thuận và 2 năm sau, công nhận trả lại độc lập cho 3 nước vùng biển Baltic.
 
Trước đó, để bảo vệ tính chính danh của việc chiếm đóng quân sự kép dài suốt nửa thế kỷ và để dập tắt sự phản đối của người dân, Liên Xô vẫn cáo buộc các cuộc biểu tình phản đối đòi độc lập cuối những năm 80 là của những phần tử phát-xít, cực đoan chống phá!

Để đáp lại và chứng minh quyết định đòi độc lập của mình là của những người dân yêu chuộng hòa bình, đoàn kết và tự quyết, một ý tưởng đặc biệt đã nhanh chóng được quyết định. Ngày 23/8/1989, đúng nửa thế kỷ sau khi bản hiệp ước bí mật kia được ký kết, ước tính có hơn 2 triệu người dân của 3 nước đã nắm tay nhau nối thành một con đường, một sợi dây dài 687km, kết nối 3 thủ đô.
 
Cuộc biểu tình mang tên “Con đường Baltic” đã gây chấn động và thu hút sự quan tâm của toàn thế giới, góp phần quan trọng vào việc Liên Xô phải trả lại độc lập cho 3 quốc gia này. “Con đường Baltic” sau này đã được lưu vào danh sách “Ký ức nhân loại” (Mémoire du monde) của tổ chức UNESCO năm 2009.

Luôn là hình ảnh biểu tượng của tình đoàn kết, đòi quyền độc lập và tự quyết của người dân những dân tộc “nhỏ” bị chèn ép, không được quyết định vận mệnh của chính mình, sau này, hình ảnh những chuỗi người cùng nắm tay nhau đã được lặp lại tại Đài Loan, rồi gần đây là Hồng Kông, để thể hiện cùng ước mơ và ý chí.

Lâu lắm rồi, những ước mơ và đấu tranh tìm con đường tự quyết của nhiều quốc gia được coi là yếu, bé nhỏ vẫn âm ỷ và hàm chứa nhiều khổ đau. Dù từ đó đến nay vẫn chưa có câu chuyện nào có kết cục đẹp như “Con đường Baltic”, nhưng chúng ta vẫn chứng kiến những chiếc ô vàng ở Hồng Kông, những bạn trẻ đổ máu ở Miến Điện, những giằng co chưa bao giờ ngừng nghỉ ở Đài Loan, những “Mùa xuân Ả Rập” chìm trong bất ổn.

Nhưng không làm thì không thể có hy vọng gì và chẳng bao giờ tự tạo được cơ hội nào cho chính mình, ngoài trông chờ sự đẩy đưa của những “ông lớn”. Ngay cả chúng ta chọn một cách khác, sao có quyền bỉ bôi những quốc gia nhỏ và công dân của họ khi họ ước mơ vươn lên, thay đổi vận mệnh của mình?
 
Cần biết khát vọng và ước mơ... - Ảnh tư liệu
Cần biết khát vọng và ước mơ... - Ảnh tư liệu

Những kẻ phủ nhận mơ ước và khát vọng của những quốc gia ít nhiều đồng cảnh cũng đang khép cánh cửa mong tiến bộ cho vận mệnh nước mình! 

Những cái nắm tay đoàn kết đã góp phần dành độc lập cho 3 nước vùng Baltic. Nếu không chìa được một cánh tay, một lời nói ủng hộ trong cảnh đau thương của một nước khác, thì có lẽ, nên im lặng và ngẫm nghĩ vì sao, mình vẫn mãi tâm thế của kẻ yếu?

Bùi Uyên, từ Paris


 
 Từ khóa: Baltic
Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 4.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn