PHỎNG ĐOÁN VỀ VAI TRÒ CỦA KHÔNG QUÂN NGA TRONG CUỘC XÂM LƯỢC UKRAINE

Thứ hai - 07/03/2022 02:43

(NCTG) Thời đại hiện nay là thời đại của chiến tranh bằng trí tuệ nhân tạo, nhìn vào đó, có thể thấy Nga chưa đánh đã thua dứt điểm về tác chiến điện tử!

Ảnh: Nikolay Doychinov (AFP)

Ảnh: Nikolay Doychinov (AFP)

Trước cuộc chiến do Nga phát động tấn công vào nước láng giềng Ukraine, tình cờ tôi đọc một bài báo tiếng Anh bình luận về việc “Nga nếu tấn công Ukraine, sẽ không sử dụng hệ thống dẫn đường vệ tinh Glonass”. Với tôi đây là một thông tin khá bất ngờ, nhưng trước đó cũng đã từng tự đặt câu hỏi về khía cạnh tác chiến điện tử.

Nếu Nga không sử dụng hệ thống Glonass mà họ luôn coi là không thua kém, thậm chí còn vượt trội hơn so với hệ thống GPS của Hoa Kỳ, thì họ sẽ sử dụng hệ thống nào? Theo bài báo này, thì từ sau khi Nga chiếm đoạt trái phép bán đảo Crimea của Ukraine, đã tiến hành hàng loạt những vụ phá sóng, gây nhiễu, tạo tín hiệu GPS giả với quy mô lớn, tần suất cao và cường độ lớn hướng vào Ukraine. Việc này sẽ làm cho các phương tiện sử dụng GPS dẫn đường sẽ không bắt được GPS hoặc bị lạc đường mà vẫn tưởng là sử dụng sóng GPS thật. 

Song song với việc đó, Nga tái khởi động việc sử dụng một hệ thống rất cũ mà họ gọi là Chayka (Hải Âu hay Mòng Biển) đã dùng từ năm 1953. Phương Tây cũng dùng một hệ thống tương tự có tên gọi là Loran hay eLoran, cả hai trùng tần số với nhau do đó hai bên có thể chia sẻ để tăng mức độ phủ sóng. Với Phương Tây, chuẩn mới nhất của hệ thống này là Loran-C. Hệ thống đạo hàng kiểu này được dùng nhiều trên các tàu biển.

Gần đây nhất, Canada khai tử trạm Loran cuối cùng là vào năm 2009. Từ đó chỉ còn Nga là có thể sử dụng hệ thống của mình, mà trạm xa nhất của họ về phía Viễn Đông là trên một hòn đảo của Nhật Bản. Xung quanh lãnh thổ Ukraine, Nga có hai trạm Chayka trên đất liền gần biên giới phía Tây của nước này và một trạm trên bán đảo Crimea, tất cả đều có từ thời Liên Xô cũ. Ngoài ra họ cũng tái khởi động hàng loạt trạm di động có tên là Skorpion.

Về năng lực của hệ thống này, bài báo cho biết tầm phát của các trạm trên đất liền là 1.300 kilômét, còn trên biển là 1.600 kilômét. Nếu như nó đạt chuẩn Loran-C mới nhất, thì độ chính xác có thể đạt từ 5 đến 10 mét. Tôi không có chuyên môn về vấn đề này, nên phải tham khảo ý kiến của hai chuyên gia: một là về lĩnh vực viễn thám điện tử, một là về không quân để hiểu được vấn đề, nên ở đây chỉ xin ghi chép lại và đưa ra một số phỏng đoán.

Như đã viết trong bài “Putin, ông sai rồi!” về quan sát quanh cuộc Chiến tranh 5 ngày Nga – Georgia năm 2008, tôi nhận thấy Nga tiến hành chiến tranh bằng cách quá cũ kỹ. Lúc đó, Nga sử dụng với tần suất cao máy bay cường kích tấn công mặt đất Su-24 và một số loại mới hơn thì có ít hơn một chút, vì không thạo nên tôi không nhận ra đó là MiG-29 hay Su-27. Đến những hoạt động quân sự của Nga ở Syria, cũng thấy việc đó lặp lại và đáng chú ý là họ đều sử dụng những vũ khí “ngu” hay nói cách khác, vắng bóng các vũ khí thông minh có độ chính xác cao.

Trước khi bắt đầu cuộc Chiến tranh Nga – Ukraine, chúng ta đã bắt đầu tiếp cận với những thông tin là Ukraine phát triển mạnh và nhanh những vũ khí theo hướng tiên tiến phù hợp với thời đại, như sử dụng UAV hay drone. Nếu như vậy, chắc chắn họ phải phát triển được một hệ thống chỉ huy tác chiến điện tử, trong đó việc trinh sát chiến trường, chỉ huy tác chiến, gây nhiễu, phá sóng đối phương… đều là những khía cạnh của cuộc chiến này. Đến khi cuộc chiến nổ ra, lại có những thông tin hoàn toàn có thể tin được: chỗ này có ảnh vệ tinh cung cấp bởi công ty nào đó của Hoa Kỳ, chỗ kia có toàn bộ những cuộc gọi và tin nhắn của chỉ huy Nga với binh lính của mình trên chiến trường cung cấp bởi một công ty tình báo của Anh Quốc…

Đến lúc này tôi mới đặt câu hỏi: nếu như Nga đã tiến hành được quy mô lớn việc phá sóng, gây nhiễu tín hiệu GPS, thì liệu điều đó có xảy ra với tín hiệu Glonass của Nga không? Và nếu những thông tin của bài báo kia là thật, thì rõ ràng là họ (Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga chẳng hạn) phải hiểu rất rõ là Glonass có thể bị vô hiệu hóa hoặc bị phá hoại cho sai lệch. Đó cũng là lý do họ tái khởi động hệ thống Chayka sản xuất từ thời Nam Tống ra để sử dụng.

Trước cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014, tôi đã khá quan tâm đến năng lực quân sự Nga từ cả khía cạnh này, và hỏi một chuyên gia khác về kỹ thuật quân sự nhưng về lĩnh vực tự động hóa/ điều khiển học. Anh bạn này cho biết về con chip Elbrus của Nga nhưng thua kém khá xa bộ vi xử lý của Phương Tây. Tất nhiên anh cũng bỏ ngỏ khả năng là trong lĩnh vực quân sự tuyệt mật thì họ vẫn có thể phát triển được một vài bộ vi xử lý năng lực hơn chăng, nhưng cũng đặt dấu chấm hỏi cho công nghệ bán dẫn và điện tử Nga trong thời điểm hiện tại. Sau khi Nga chiếm Crimea và hứng chịu hàng loạt những đòn trừng phạt, thì khả năng tiếp cận công nghệ còn khó khăn nữa.

Vì thế, có lần “lạc bước” vào một nhóm trên Facebook ca ngợi sức mạnh vũ khí Nga, tôi có ngơ ngẩn hỏi một câu: “Điều gì sẽ xảy ra với nền quốc phòng của một nước khi mà tất cả, kể cả từ chỉ huy tác chiến chiến lược đến các hệ thống chiến thuật, đều dựa trên nền tảng Intel?”. Anh em thần tượng quân sự Nga không ai cho tôi được bất cứ một câu trả lời nào. Đó mới chỉ là câu hỏi của một tay ngoại đạo và chỉ đặt vấn đề từ những suy đoán của bản thân thôi, chứ nếu là chuyên gia thì câu hỏi còn cắc cớ hơn nhiều.

Quay lại với ý kiến của chuyên gia không quân, anh cho biết hiện nay thời tiết ở Ukraine không thuận lợi (sương mù) cho tiến hành các hoạt động của lực lượng không quân. Tôi đâm ra lại tiếp tục băn khoăn và đặt câu hỏi: “Vậy phải chăng khả năng hoạt động trong mọi thời tiết của không quân Nga có hạn chế?”. Vì là người học ở Nga nên anh trả lời thận trọng: “Có vẻ như thế”. Anh đoán là trong những ngày tới nếu thời tiết thay đổi thì không quân Nga sẽ hoạt động với tần suất cao hơn và quy mô lớn hơn.
 
Thiết bị dẫn đường Loran-C trên tàu thủy
Thiết bị dẫn đường Loran-C trên tàu thủy

Để có một lực lượng không quân tiên tiến tiếp cận với thời đại hiện nay, phải là sự phát triển đồng bộ cả một hệ thống hoàn chỉnh từ cảnh báo sớm, chỉ huy tác chiến hầm bà lằng đủ thứ, và bây giờ phải là khả năng tiến hành tác chiến điện tử quy mô lớn và hiệu quả cũng như phát triển thích đáng vũ khí thông minh có độ chính xác cao. Quay lại với các hoạt động của không quân Nga ở Syria, chúng ta thấy vẫn sử dụng “bom ngu”, “tên lửa ngu” nên máy bay phải bổ nhào để cắt bom bắn rocket và trở thành mồi ngon cho vũ khí phòng không cá nhân (vác vai).

Những thông tin trên đây còn được làm rõ hơn trong một bài báo đăng trên trang web của Al Jazeera: “Tại sao sau Nga không sử dụng sức mạnh không quân ở Ukraine?” ngày 2/3/2022 và giải thích: do yếu kém về chỉ huy tác chiến, không quân Nga không có khả năng hiệp đồng tốt và trơn tru với các lực lượng mặt đất. Ở đây, nếu chúng ta tưởng tượng ra việc dưới đất có hai lực lượng giao chiến có quân phục rất giống nhau, hơn thế nữa phía Ukraine đang tiến hành một cuộc “chiến tranh phi đối xứng” thì việc xác định được đâu là quân Nga, đâu là quân Ukraine cũng không hề dễ.

Đến đây phần nào chúng ta hình dung được bản chất đằng sau vấn đề:

– Từ khi bắt đầu cuộc chiến thì Nga chỉ mất có vài máy bay, do ít sử dụng không quân. Đồng thời các máy bay này cũng phần lớn là: vận tải thả dù, trực thăng, mấy chiếc Su-24 kiểu cũ và đâu như 1, 2 chiếc UAV.

– Vài ngày trở lại đây Su-30 của không quân Nga mất liên tục 2 chiếc. 

Về ý này, tôi xin cùng bạn đọc đến với một bài báo trên “Pháp luật TP. Hồ Chí Minh” dẫn lời một vị tướng của Việt Nam cho rằng: “Ngay từ đầu cuộc chiến Nga đã làm chủ bầu trời, dùng vũ khí có độ chính xác cao vô hiệu hóa hoàn toàn hệ thống phòng không của Ukraine, phá hủy nhiều máy bay trong đó có nhiều máy bay vẫn còn trên sân bay”. Tất cả những nhận định này không sai, thậm chí rất đúng. Đúng, Nga đã hoàn toàn làm chủ bầu trời Ukraine, một phần cũng vì lý do nếu xét về tiềm lực không quân truyền thống thì cả hai nước đều dựa trên cùng một nền tảng của không quân Xô-viết cũ.

Trong thời gian vừa qua, Nga có phát triển được còn Ukraine dậm chân tại chỗ, nếu như không muốn nói là thụt lùi về không quân. Điều này cũng đồng nghĩa với việc dường như, Ukraine ít nhất trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, cũng không cố phải “chơi đôi công” kiểu đối đầu với Nga về không quân làm gì. Đã “phi đối xứng” được ở dưới mặt đất thì cũng có nghĩa là “phi đối xứng” được ở trên trời. Bản thân việc làm chủ bầu trời Ukraine như thế này của Nga, cũng mới chỉ nửa phía Đông nước này, chứ nửa phía Tây thì vẫn thấy máy bay vận tải C-130 đáp xuống chở theo tên lửa Javelin hay Stinger.

Cá nhân tôi không bao giờ tin những câu chuyện kiểu “bóng ma Kyiv”: nhìn chung tôi không có xu hướng tin vào những chia sẻ trên mạng, kiểu như thiết bị dẫn đường được bổ sung buộc bằng chun vào buồng lái Su-24 của Nga, hay lính Nga liên lạc với nhau bằng bộ đàm hai chiều sóng FM của Baofeng (Trung Quốc). Tuy nhiên những suy đoán dựa trên thực tiễn thì càng ngày càng dẫn tới việc có thể tin được là những suy đoán đó gần với sự thật.

Quân Nga sau 10 ngày tiến hành cái gọi là “Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine” vẫn tiến quân một cách khá… không thần tốc và hoàn toàn không như ông tướng trong bài báo của “Pháp luật TP. Hồ Chí Minh” nói: làm chủ bầu trời, đánh què luôn hệ thống thông tin liên lạc chỉ huy tác chiến Ukraine… Ngược lại, Nga vẫn làm chủ bầu trời theo kiểu Nga còn Ukraine lại làm chủ bầu trời theo kiểu Ukraine. Ngày càng nhiều video chia sẻ trên mạng về thiết bị quân sự Nga bị tiêu diệt bởi UAV của Ukraine. Đây không phải tác chiến điện tử thì là cái gì chứ!

Còn về thông tin liên lạc thì thấy dân Ukraine “live stream” liên tục trong khi đó họ chế giễu đến lính dù Nga rơi xuống còn không biết mình ở đâu, hướng tấn công sẽ như thế nào. Đơn cử chỉ cần nhắc đến một chi tiết: Google vô hiệu hóa tính năng bản đồ ở Ukraine để quân đội Nga không lợi dụng được cũng đủ buồn cười. Tôi thì tin là việc này có tác động không nhỏ đến khả năng định vị và định hướng của người lính và khí tài Nga trên chiến trường.

Đến đây, tôi nhắc đến câu nói của một chuyên gia quân sự Phương Tây: “Nga đã thua ngay từ đầu vì Putin và các tướng lĩnh của ông ta coi thường thời đại”. Chiến tranh Thế giới thứ nhất là chiến tranh của những khẩu pháo yếu ớt cùng súng trường cổ lỗ dài ngoằng, làm cho nó trở thành chiến tranh trận địa người lính phải đào hầm hào sâu xuống mặt đất. Thế giới thứ hai là cuộc chiến của xe tăng. Cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất là cuộc chiến của thông tin liên lạc khi Mỹ và liên quân đánh tê liệt khả năng chỉ huy của Iraq. Còn thời đại hiện nay là thời đại của chiến tranh bằng trí tuệ nhân tạo.

Vì thế tôi xin lấy câu nói của anh chuyên gia về tác chiến và viễn thám điện tử: “Nga chưa đánh tôi đã nói là thua dứt điểm về tác chiến điện tử rồi”.

Phúc Lai, từ Hà Nội


 
 Từ khóa: Ukraine
Tổng số điểm của bài viết là: 31 trong 7 đánh giá
Xếp hạng: 4.4 - 7 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn