(NCTG) “Chỉ chưa tròn một tuần, trật tự thế giới đã thay đổi khi các quốc gia đều chọn lương tâm Ukraine để ủng hộ. Một điều khó hình dung trước khi cuộc xâm lăng Ukraine xảy ra” – bài viết của tác giả Lâm Bình Duy Nhiên từ Lausanne, Thụy Sĩ.
Thế giới đứng về phía Ukraine - Ảnh: index.hu
Trong cuộc xâm lược Ukraine, theo giới chuyên môn về quân sự, Nga có một lực lượng quân đội hùng mạnh thứ nhì thế giới. Tuy nhiên, những gì xảy ra tại chiến trường đã cho thế giới thấy rằng sự thật không đẹp như thế!
Khi quân đội Ukraine chặn đánh và hốt hàng loạt xe cơ giới và xe tăng, các nhà chuyên môn đều nhận định rằng tất cả đều lỗi thời. Súng ống cũng không thuộc loại tối tân.
Binh lính cũng không thiện chiến và đáng sợ như những nhận định của giới quan sát.
Chưa kể chiến thuật và chiến lược của Putin hoàn toàn bị phá sản trước tinh thần quật khởi và can đảm của quân đội và người dân Ukraine.
Tuy nhiên, cần cẩn thận vì Putin như con thú dữ bị thương. Ắt hẳn ông ta sẽ tự ái và có thể ra lệnh “vùi dập” Ukraine bằng mọi giá.
Cho nên mới có chuyện đàm phán nhưng không quân Nga vẫn oanh tạc kịch liệt nhằm vào thường dân vô tội kể cả trẻ em. Ít nhất đã có 11 người chết trong cuộc ném bom vào một khu dân cư tại thành phố Kharkiv. Thủ tướng Anh, Boris Johnson đã lên án “cuộc không kích man rợ” này.
Liệu không quân Nga có thể sẽ oanh tạc Kiev, thủ đô của Ukraine? Cần nhắc lại, trong cuộc chiến Chechnya lần thứ hai, Putin đã ra lệnh bỏ bom và tàn phá hoàn toàn thành phố Grozny. Theo nhiều số liệu, có khoảng 175 ngàn đến 300 ngàn dân thường bị chết trong cuộc chiến này, tức khoảng 15% đến 26% dân số Chechnya.
Kiev là cái nôi của nền văn minh Đông Slave. Putin luôn luôn có ý đồ thôn chiếm Ukraine và Kiev nhưng ông ta không thể nào ra lệnh tàn phá Kiev và Quảng trường Độc Lập (Maidan) tại đây. Kiev là một biểu tượng quá đỗi quan trọng trong cái nhìn của người Nga.
Cho nên rất có thể Kiev sẽ được gìn giữ, bất chấp các cuộc giao tranh khốc liệt và cái chết của những nạn nhân vô tội của cuộc xâm lược.
Nhưng chắc chắn quân đội Nga sẽ gặp phải sự kháng cự dũng cảm của người Ukraine. Như lời nhắn nhủ: “Mảnh đất của chúng tôi sẽ trở thành mồ chôn của họ” hay “Chúng tôi sẽ cho họ một bài học của cuộc đời họ”.
Sau 5 ngày giao tranh, một sự kiện quan trọng đã diễn ra, đó là việc Châu Âu đoàn kết đối đầu với Putin. Điều chưa từng xảy ra trong suốt lịch sử tồn tại của Liên minh Châu Âu (EU).
Hôm nay, trong cuộc phỏng vấn với Đài Phát thanh France Inter (Pháp), bà Salomé Zourabichvili, Tổng thống Cộng hoà Georgia đã phát biểu rằng chính Putin đang “gây ra mọi thứ mà ông ta luôn muốn tránh”.
Bà tổng thống nước cộng hoà nhỏ bé, nạn nhân của cuộc xâm lược do Putin ra lệnh vào năm 2008, nhận xét rằng: “Tất cả những gì Putin lo sợ là có những quốc gia đoàn kết, thống nhất và vững mạnh về quân sự tồn tại bên cạnh nước Nga: ông ấy sẽ có tất cả những điều đó”.
Nước cờ sai lầm của Putin là đã đánh giá thấp chính quyền và nhân dân Ukraine. Ông ta cũng quá tự tin khi xem thường sự đoàn kết của các quốc gia thành viên của EU và kể cả Hoa Kỳ của một Biden lớn tuổi. Putin quên rằng tất cả đều là những “con cáo già” về chính trị quốc tế và một khi cơ hội xuất hiện để đánh gục một cường quốc nguyên tử như nước Nga của Putin, họ sẽ không bỏ qua.
Từ Pháp, Ý, Anh và Đức, tất cả đều vượt qua mọi bất đồng để chung sức trừng phạt Putin về kinh tế, tài chính, quân sự, văn hoá và cả thể thao.
Ngay cả những quốc gia từ Châu Mỹ hay Châu Á cũng đứng vào hàng ngũ những quốc gia lên án và trừng phạt Nga của Putin.
Phần Lan hôm nay cũng đã viện trợ vũ khí cho Ukraine.
Bà Bộ trưởng Ngoại giao Anh Quốc, Liz Truss, ủng hộ lời kêu gọi công dân nước ngoài cầm súng bảo vệ Ukraine.
Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ, cách đây vài ngày còn do dự, chưa kiên quyết trừng phạt Nga. Nhưng với những cuộc biểu tình rầm rộ ủng hộ Ukraine cũng như lời kêu gọi của mọi đảng phái chính trị (trừ UDC, đảng cực hữu và là đảng lớn nhất), Hội đồng Chính phủ Liên bang đã áp dụng mọi biện pháo trừng phạt Nga do EU đưa ra.
Thụy Sĩ còn đóng băng tất cả các tài khoản của Putin và giới oligarque (tài phiệt). Đó là một quyết định mang tầm vóc lịch sử của quốc gia trung lập này.
Một quyết định lịch sử đi liền với một tuyên bố cũng lịch sử không kém của Tổng thống Liên bang, ông Ignazio Cassis: “Làm lợi cho kẻ xâm lược là không trung lập. Là nơi được ký thác các Công ước Geneva, Thụy Sĩ không thể tự bằng lòng với việc xem các giới luật về nhân đạo bị chà đạp”.
Vậy là chỉ chưa tròn một tuần, trật tự thế giới đã thay đổi khi các quốc gia đều chọn lương tâm Ukraine để ủng hộ. Một điều khó hình dung trước khi cuộc xâm lăng Ukraine xảy ra.
Và chỉ trong vòng một tuần, một Liên Âu gắn bó và đoàn kết đã hồi sinh. Một tín hiệu lạc quan cho một Liên minh vốn bị nhiều chỉ trích và được cho là yếu đuối, không còn vị thế quan trọng trên bàn cờ chính trị quốc tế.
Nước Nga của Putin đã và đang bị bao vây và cô lập tứ bề. Putin chưa bao giờ phải đối mặt với nhiều sức ép và chỉ trích như những ngày này. Oleg Deripaska, một tài phiệt gần gũi với Putin đã công khai lên án lối điều hành của ông chủ Điện Kremlin.
Có lẽ thế giới phải nói lời “Cảm ơn” Putin. Chính ông chứ không ai hết đã khuấy động sự đoàn kết của các quốc gia trên thế giới và cũng chính cuộc xâm lăng Ukraine đã làm đánh động lương tâm nhân loại để bảo vệ Ukraine.
Vì qua cuộc xâm lược điên rồ ấy, nhân loại đã cảm nhận được những giá trị phổ quát về Tự do và Dân chủ đang bị quyền lực chính trị độc tài uy hiếp.
Bảo vệ Ukraine, tức bảo vệ chính nghĩa và những giá trị thiêng liêng của một xã hội tiến bộ.
Đây là một bài học cho mộng bá quyền và chà đạp lên luật pháp của thế giới văn minh của Putin.
Hy vọng đó cũng là sự cảnh cáo cho những thế lực độc tài, ngạo mạn bất chấp chủ quyền dân tộc của các quốc gia lân cận.
Lâm Bình Duy Nhiên, từ Lausanne (Thụy Sĩ) - Ngày 28/2/2022
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...