“ĐÂU PHẢI LÚC NÀO NGƯỜI PHẠM TỘI CŨNG NHẬN TỘI...”

Thứ hai - 29/11/2021 14:55

(NCTG) “Xét cho cùng, một nền tư pháp được đặt cơ bản trên sự ngụy tạo, dàn dựng, và sẵn sàng “đấu tranh” bằng mọi giá với bị can để đạt được “hiệu quả” như ý muốn, để sự “phá án” được ngoạn mục, để sớm có những lời khai theo “kịch bản” v.v... thì chuyện như thế này là bình thường. Lỗi hệ thống...”.

Hai bị cáo bị tạm giam - trong đó có một vị thành niên - ra tòa nhưng không thể tự đi đứng. Do “nghiệp vụ điều tra”?

Hai bị cáo bị tạm giam - trong đó có một vị thành niên - ra tòa nhưng không thể tự đi đứng. Do “nghiệp vụ điều tra”?

Nghe đài, đọc báo của ta...” nhiều khi rất... giải trí! Tỷ như, các bản tin của “Tuổi Trẻ” về vụ nhóm bị cáo (gồm 4 bạn, trong đó có 3 bạn ở tuổi vị thành niên) trong vụ án “Cướp tài sản” ở Vĩnh Long mới đây, nhiều chi tiết rất đáng chú ý.

Đại khái, căn cứ những gì mà Viện Kiểm sát (VKS) cáo buộc, thì mấy bạn trẻ này đã có hành vi trấn lột, dĩ nhiên là một hành động sai trái, không tốt, nếu bị chứng tỏ rõ ràng trước tòa thì sẽ có hậu quả không hay cho các bạn. Tuy nhiên, điều mình quan tâm là những lời khai nhận tội của các bạn đã được “chào đời” trong bối cảnh nào?

Những thông tin được các bị cáo và nhóm luật sư đưa ra, không lạ, nhất là sau khi những vụ như của ông Nguyễn Thanh Chấn hay Hàn Đức Long (ở đây chỉ nhắc tới 2 vụ “đình đám” nhất) được báo chí trong nước “bạch hóa” nhiều chi tiết “quý báu”, như kiểu điều tra viên (ĐTV) “dạy” thực nghiệm hiện trường theo kịch bản định sẵn.

Lời thuật lại trên mặt báo của ông Chấn rất chi là “ấn tượng”: “Có cán bộ thì hỏi, người tay cầm dao, lăm lăm đe doạ, có người còn cầm búa giơ lên dọa nếu không khai thì cho chết. Khi bị tạm giam, có đêm tôi bị chuyển 3 - 4 buồng. Trong hơn 1 tuần không được ngủ nên đầu óc quay cuồng, lâng lâng, không còn muốn phản kháng nữa. (...)

Để thực nghiệm hiện trường, các điều tra viên cho 1 tù nhân giả cô Hoan. Cán bộ còn đưa cho lúc cái thìa, khi cái lược để giả làm hung khí. Tôi phải tập nhiều lần cho đến khi thành thạo. Sau đó họ đưa đến một nhà dân để thực nghiệm hiện trường, bắt tôi diễn lại và quay phim
”. Những “biện pháp nghiệp vụ kiểu như vậy, còn rất nhiều!

Cố nhiên, so với những vụ kỳ án như trên, thì vụ các bạn vị thành niên chỉ là... muỗi, nên các “nghiệp vụ điều tra” cũng nhẹ nhàng, đại khái như vầy:

- Lấy lời khai bị can vị thành niên khi không có người giám hộ, bị dọa đánh, bắt giam không cho đi học, dọa sẽ bắt giam cha ruột, không cho ăn uống nên bị can phải viết bản tường trình nhận tội mới được cho về. Cái gọi là “tường trình” của một bị hại thì là do ĐTV tự viết rồi đưa cho bị hại ký.

- Lời khai có lúc được lấy vào ban đêm và kết thúc hỏi cung lúc 24h khuya, đương nhiên không có mặt cha mẹ hay luật sư. Đặc biệt, có bị can vị thành niên bị trưởng Công an xã nắm tóc giật ngược ra phía sau, còn bị can khác làm việc với ĐTV, “anh này bắt khai theo ý. Khai sai ý sẽ bị tát một cái”.
 
Bản “tường trình nhận tội” ra đời trong những hoàn cảnh đặc biệt
Bản “tường trình nhận tội” ra đời trong những hoàn cảnh đặc biệt

Theo tường thuật của báo chí, tại phiên tranh luận tại TAND huyện, luật sư của một bị cáo “đề nghị tòa làm rõ 120 điểm bất thường trong kết luận điều tra cũng như việc lấy lời khai bị cáo khi không có người giám hộ”, “làm rõ bản tường trình (của một bị hại) là do ĐTV tự viết rồi đưa cho bị hại ký”, v.v...

Do đó, vị luật sư đề nghị tòa trả hồ sơ điều tra lại từ đầu. Ngược lại, đại diện VKS bác các quan điểm của luật sư, giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị mức án từ 3,5 năm tới 6 năm tù cho mỗi bị cáo, do hành vi trấn lột 14 triệu VND được quy vào tội danh “đe dọa, thực hiện 6 lần cướp tài sản”.

Báo “Tuổi Trẻ” ghi nhận một thông tin cần lưu tâm: “Tại phiên xét xử, bị cáo Hải và Nhân (*) không thể tự đứng, cần đến sự hỗ trợ của cán bộ công an”. Người đọc nhìn chung có thể hình dung những gì đã diễn ra, nhưng trong những trường hợp thế này thì việc chứng tỏ sai phạm của CQĐT là cực khó.

Dầu vậy, đáng... khen là sự thật thà của đại diện VKS, đã không hề bác bỏ cáo buộc của giới luật sư. Thậm chí, họ còn lý giải rất dễ thương, rằng việc lấy lời khai không có người giám hộ là “đúng, không trái luật”, vì “dịch bệnh phức tạp, lực lượng công an phải xử lý tố giác tội phạm nên không thể chờ.

Đỉnh của đỉnh” là lời chia sẻ sau: “Còn việc nắm tóc giật là quá trình sử dụng “nghiệp vụ điều tra”, đâu phải lúc nào người phạm tội cũng nhận tội”. Lần đầu tiên, mình được nghe lập luận “chân chất” như vậy, nên nghĩ rằng các KSV rất tin tưởng vào điều đó, tin rằng họ làm đúng phận sự được giao.

Xét cho cùng, một nền tư pháp được đặt cơ bản trên sự ngụy tạo, dàn dựng, và sẵn sàng “đấu tranh” bằng mọi giá với bị can để đạt được “hiệu quả” như ý muốn, để sự “phá án” được ngoạn mục, để sớm có những lời khai theo “kịch bản” v.v... thì chuyện như thế này là bình thường. Lỗi hệ thống...

(*) Hải (19 tuổi) và Nhân (17 tuổi) là 2 bị cáo trong vụ án.

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: tư pháp
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn