(NCTG) “Không phải cứ các cụ nói là phải đúng” - phản biện của Facebooker Hoàng Thị Mai Hương từ TP. Hồ Chí Minh.
Ý nghĩa của khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” đang được tranh cãi... ỏm tỏi trên mạng và các mặt báo - Minh họa: Internet
Mới đây, GS. Trần Ngọc Thêm có đưa ra đề nghị bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” trong nhà trường, và lập tức nhận được nhiều "gạch đá". Một số ý kiến phản đối, cho rằng bỏ khẩu hiệu ấy tức là bỏ giáo dục đạo đức, bỏ giá trị văn hóa dân tộc..., chỉ dạy kiến thức thôi.
Tôi nghĩ rằng, các bạn đã hiểu sai ông ấy rồi.
Trước hết, tôi cũng chả thích cái câu khẩu hiệu ấy. Câu Hán - Việt, triết lý quân tử Tàu không phải của tổ tiên ta để lại mà nghe đâu là mượn của ông Khổng Tử.
Thứ hai là không phải cái gì các cụ nói cũng đúng. Việc gì phải học lễ trước rồi mới học văn? Học cùng lúc được không?
Thứ ba, là “lễ” trong câu này chính là khuôn phép lễ nghĩa, lễ giáo, chứ không phải đạo đức. “Lễ” của các cụ là tam tòng tứ đức (đối với phụ nữ), có bạn nào giờ còn tin và thực hiện “4 chữ vàng” ấy không ta?
Không phải cứ các cụ nói là phải đúng. Thế thì các câu như “dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về” hay “đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu” có phải đạo không? Ông giáo sư ý muốn nói là giáo dục phải dạy được cho các em kiến thức để phục vụ cuộc sống tương lai của các em và của xã hội. Bỏ đi những khuôn sáo chuẩn mực đã cũ.
Ngay cả như các bạn lý luận là “lễ” ở đây có thể hiểu là đạo đức, “văn” đây là kiến thức... thì tôi cũng xin hỏi người không có kiến thức làm sao biết được thế nào là đúng sai để mà làm cho đúng đạo đức? Ví dụ không có kiến thức dẫn đến đánh đập người thân bị điên để “đuổi tà ma”. Có kiến thức thì biết lo cho bố mẹ là làm sao để ông bà vui, có cuộc sống tích cực, thay vì hiếu đễ mà ngu dốt đi mua mật gấu về cho ông bà uống chữa ung thư.
Đứa trẻ mới sinh ra trước tiên là học ăn, học nói, rồi cần dạy nó biết giữ an toàn cho bản thân, không sờ dây điện không nhảy xuống ao... trước, đó là “văn”, là kiến thức đấy . Rồi lúc nó lớn dần mới dạy nó cái hay cái dở chứ? Theo tôi, chuyện dạy chúng biết đạo lý, nghiễm nhiên không bao giờ có thể bỏ nhưng đó là chuyện của toàn xã hội và bố mẹ có trách nhiệm cao nhất.
Các bạn bảo bỏ câu ấy đi thì con cái ta hư hết. Tôi nói thật, câu ấy chả giúp gì cho việc ngoan hay không ngoan của con cái ta. Tự cho dân tộc ta có đạo lý hơn người nhờ câu khẩu hiệu “quân tử Tàu” ấy là quan điểm vừa ngu dốt vừa kém đạo đức.
Đạo đức là một phạm trù tương đối theo thời gian, theo địa phương và theo thể chế chính trị. Giá trị đạo đức còn phụ thuộc nhiều vào nền tảng VĂN HÓA , PHÁP LÝ... là những thứ thuộc về “văn” đấy các bạn ạ. Con cái chúng ta về đại thể chắc chắn là cũng ngoan cũng hư như con cái nhà Mỹ nhà Pháp. Ai dám bảo con cái chúng ta ngoan hơn, đạo đức hơn thì giơ tay?
Kể cả các vị đang lo sợ câu khẩu hiệu đẹp tai kia bị mất đi, tôi thấy khi các bạn khoe con, toàn khoe học trường "xịn", học giỏi thi điểm cao, ra trường đi làm ở chỗ nhiều tiền... Có bạn nào khoe “con mình học dốt nhưng được cái có đạo đức lắm” đâu nhỉ?
Giờ tôi xin chia sẻ một số câu khẩu hiệu nhặt đại khái trên mạng của các cơ sở giáo dục Phương Tây nhé:
- Sáng Tạo, Tò mò, Dũng cảm.
- Luôn thách thức điều được cho là đúng.
- Luôn kiếm tìm sự thật.
- Trung thực, Tự trọng, Dũng cảm, Sáng tạo.
- Khám phá những gì bạn không biết là bạn không biết, v.v...
Đại khái thế. Cho nên nước Mỹ mỗi năm có mấy trăm bằng phát minh, luôn đi đầu chế ra cái mới từ điện thoại thông minh đến thuốc chữa Covid-19.
Còn nước ta thì nhiều tiến sĩ giáo sư lắm mà chưa phát minh ra cái gì hay. Mà có lẽ hơn Mỹ ở khoản đạo đức?
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...