“GIỌT MƯA TRÊN LÁ” VÀ HÌNH BÓNG DÂN TỘC

Thứ ba - 14/12/2021 00:51

(NCTG) “Chỉ với những ai đã trải qua những sự kiện sinh tử mới thực sự muốn đánh một dấu lặng cho suốt dòng nhạc cuộc đời của mình, để nhìn thấy mình có lúc mong manh như một “giọt mưa trên lá…” - những trăn trở của tác giả Phúc Lai về ý nghĩa cuộc sống và tử sinh nhân mùa dịch bệnh.

“Giọt mưa trên lá” nhắc nhớ “Thế giới lạc loài, chưa thoát ra phận người…” - Ảnh: Internet

“Giọt mưa trên lá” nhắc nhớ “Thế giới lạc loài, chưa thoát ra phận người…” - Ảnh: Internet

Năm đầu tiên của thập kỷ thứ ba, thế kỷ 21 loài người lại đang vật lộn với một cuộc chiến tranh mới.

Hai mươi năm đầu, không ai nghĩ đến với những tiến bộ của khoa học và công nghệ, ngày nay loài người lại có thể bị thiệt hại đến như vậy vì một dịch bệnh. Cho đến ngày hôm qua (6/12/2021), toàn thế giới đã có 5.277.824 người chết, sau gần hai năm của đại dịch Covid-19.

Chỉ cần hình dung, Thế chiến thứ nhất sau bốn năm đã cướp đi sinh mạng của 5.525.000 quân nhân phe Đồng Minh và 4.386.000 bên phía Liên minh Trung tâm (phe Đức.) Nghĩa là cho tới giờ, qua hai năm, tổn thất vì dịch bệnh đã gần bằng của một bên tham chiến thời ấy, và nếu như thế giới không có những biện pháp quyết liệt, thì sau bốn năm dịch Covid-19 hoàn toàn có thể gây ra tổn thất nhân mạng tương đương cuộc Đệ nhất Thế chiến này.

Những ngày cuối năm 2021, tình cờ tôi “được” vào tá túc ở khoa cấp cứu một Bệnh viện lớn cấp trung ương ở Hà Nội đến cả chục ngày. Những ngày nằm viện, có lẽ là “bát tử nhất sinh còn nhị phần dành cho số phận” tôi cũng được nghe rất nhiều chuyện. Từ câu chuyện những ca thanh niên trẻ măng vừa được tiêm vaccine kháng Covid-19 và sốc phản vệ phải vào cấp cứu, mà phần lớn không cứu được…

Đặc biệt là chuyện các bác sĩ và điều dưỡng viên vừa hết cách ly: trở về Hà Nội từ “chiến trường” Sài Gòn, những câu chuyện của họ còn nóng hổi như khói thuốc súng còn chưa tan hết sau trận đánh. Họ kể về mấy dòng chữ đính trên chiếc máy pha cà phê “Quà tặng của gia đình ông…” mà mới chỉ pha uống được hai tuần, chính gia đình người tặng được đưa vào bệnh viện và ra đi gần hết. Mỗi lần pha cà phê uống để chuẩn bị vào ca, họ lại đọc được dòng chữ đó, dòng chữ cứ ám ảnh họ trong suốt thời gian ở trong đó và cả bây giờ vẫn chưa phai. Những câu chuyện về các gia đình Sài Gòn, 8 người chết 5, 5 người chết 3… 

Lúc này đây, có thể hình dung ra tổn thất của xã hội mà cuộc “chiến tranh” này để lại cho toàn thế giới là quá lớn với sự mất mát về nhân mạng như vậy. Nằm trên giường bệnh vào những ngày mà ngoài trời, lướt thướt những cơn mưa cuối thu, tôi suy nghĩ rất nhiều về kiếp nhân sinh. Hàng trăm người nhà bệnh nhân từ các tỉnh lẻ lên Thủ đô chăm người nhà, đêm đêm ngủ ngoài trời, không chỉ phải chống đỡ với mưa lạnh mà còn cả với bàn tay rờ rẫm tìm những đồng tiền gom góp, vay mượn, những chiếc điện thoại dù được giấu rất sâu, vẫn bị tìm ra mà lấy mất.

Nhìn những giọt mưa rơi xuống từng chiếc lá ngoài trời, mưa to thì chảy đi nhanh, rồi mưa ngớt dần, chúng được dừng lại lâu hơn rồi cũng dứt duyên với mặt lá xanh mà trở về với đất, tôi cứ nghĩ đến cuộc đời con người… Có lẽ không phải chỉ có người phụ nữ “thân gái như giọt mưa sa” mà bất cứ ai trong chúng ta, chẳng biết có ngày số phận sẽ đưa đẩy mình đến đâu. Hình như mình đã gặp những suy nghĩ đó ở đâu rồi, tôi cứ ngờ ngợ vậy rồi một lúc nào đó chợt nhớ ra, mình gặp Phạm Duy
 
Trong mùa dịch bệnh, ý nghĩa cuộc sống và tử sinh được gợi nhớ - Ảnh: Internet
Trong mùa dịch bệnh, ý nghĩa cuộc sống và tử sinh được gợi nhớ - Ảnh: Internet

Nhạc sĩ đau đáu với hình ảnh người mẹ già ôm xác con lạnh giá, người con có thể là một chiến binh dù ở bên nào của cuộc chiến, hoặc chỉ là một người nông dân vừa bị giết lúc chiều bởi một viên đạn pháo lạc… Nhưng Phạm Duy không dừng lại ở niềm đau của dân tộc trong cuộc chiến nồi da xáo thịt, mà còn làm tâm hồn chúng ta dịu lại với tiếng khóc “oa oa” của đứa trẻ mới ra đời, đem lại tiếng cười cho những người đang mong chờ sự ra đời của nó. Cuộc sống là như vậy, cái chết đem người này đi thì lại mang một sinh linh khác đến với đời. Và ở đâu đó trong ca khúc, hình ảnh Đức Phật đến như dòng nước mát xoa dịu nỗi đau của dân tộc, và hình ảnh Đức Chúa xin được đóng đinh hy sinh vì loài người.

Thật tình cờ, năm nay cũng là tròn 10 năm ca khúc “Giọt mưa trên lá” của Phạm Duy được cấp phép biểu diễn trên toàn quốc, cùng 7 ca khúc khác của ông. Ca khúc này được ông viết năm 1965, chỉ một năm sau sự kiện mà chúng ta vẫn được dạy theo chương trình lịch sử phổ thông XHCN, là “giặc Mỹ vào miền Nam”, như dự cảm cho giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến sắp đến sẽ kéo theo những nỗi đau. Ngẫm đến Phạm Duy là nhớ tới hai lần “ra đi” thật đặc biệt của ông, một lần chia tay miền Bắc vào Nam, và 10 năm sau “Giọt mưa trên lá” là lần ra đi thứ hai, lần ly hương thực sự xa xôi.

Tôi nhớ vào đầu thập niên 1990, có một bài báo so sánh hai bài hát “Lời người ra đi”“Người về” và cố nêu bật sự khác biệt giữa một người viết về “ra đi” nhưng ở lại kháng chiến và lên đến Bộ trưởng, còn người kia thì “Người về” nhưng cuối cùng thì ra đi, bỏ lại dân tộc… Chúng ta sẽ không phán xét bất cứ điều gì, bất cứ ai ở đây, nhưng mỗi người có một số phận và đứng trước hoàn cảnh đưa đẩy, không phải ai cũng có lựa chọn giống ai. Sự phán xét đúng sai không bao giờ giống nhau ở tất cả mọi người và thế hệ con cháu chúng ta sẽ còn tranh cãi mãi về điều đó…

Có điều, “Người về” cũng như “Giọt mưa trên lá” của Phạm Duy êm dịu cả về nét nhạc và ca từ, như một bài hát ru tâm hồn dông bão của chúng ta về hình ảnh Mẹ thân yêu, nhưng không quên nhắc chúng ta nỗi đau qua vòng hương trắng xóa gửi tới người chiến sĩ chết trong xa mờ. Có lẽ Phạm Duy có lý riêng khi ông không chọn cho mình con đường phải hòa vào cuộc chiến, mà chọn cách xoa dịu nỗi đau của thế nhân bằng hình ảnh “Me ơi, me ơi, chuông chùa nào la đà…”. Ông viết “Người về” đúng năm ra đi, 1954, và mấy chục năm sau ông mới thực sự được về với Hà Nội, nhưng tính ra với tiến độ của “Hà Nội không vội được đâu” thì đến năm 140 tuổi, số ca khúc của ông (cỡ 1.000 bài) mới được cấp phép biểu diễn hết.

Còn với chúng ta, những người đang phải sống với mối lo dịch bệnh và cả những vấn đề môi trường và xã hội, thì vẫn như đang sống với cuộc chiến và dường như người Việt đã quen với thời chiến rồi, nên mọi thứ vẫn đang hết sức… bình thường. “Em vẫn phóng xe ra phố, anh vẫn tìm bạn vui cũ...”, người đang sống nhanh chóng quên đi những đau thương mất mát vừa mới đó thôi, để cuộc sống được tiếp tục, âu cũng là điều tốt.

Chỉ với những ai đã trải qua những sự kiện sinh tử mới thực sự muốn đánh một dấu lặng cho suốt dòng nhạc cuộc đời của mình, để nhìn thấy mình có lúc mong manh như một “giọt mưa trên lá…”. Và có lẽ hình như chỉ trong vài đoạn ca khúc như mấy khổ thơ ngắn, hình bóng dân tộc đã được người nhạc sĩ gói gọn với một niềm đau nhân thế không phải ai cũng tìm ra lối thoát. “Thế giới lạc loài, chưa thoát ra phận người…”.

(*) Tác giả là luật sư, blogger, nhà nghiên cứu giáo dục, người truyền cảm hứng cho các em nhỏ qua các khóa “Cảm thụ văn học” miễn phí. Đã xuất bản 4 cuốn sách về đề tài giáo dục và đồng hành với trẻ em.

Phúc Lai, từ Hà Nội - Ngày 6/12/2021


 
 Từ khóa: Phạm Duy
Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 5 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn