Vụ cháu V.A. bị bạo hành: HẬU QUẢ “CHÌM” CỦA HỌC TẠI NHÀ QUÁ DÀI? (2)
Thứ năm - 30/12/2021 02:15
(NCTG) “Dường như những nguy cơ, ảnh hưởng tới giáo dục và sức khỏe toàn diện của trẻ em do phải học online đã không được cân nhắc kỹ lưỡng?” - tác giả Bùi Uyên từ Paris đặt câu hỏi, nhân cái chết đau xót mới đây của cháu bé 8 tuổi ở Việt Nam.
Học từ xa thời dịch bệnh với những hệ lụy cần lưu tâm - Minh họa: Yến Anh (nld.com.vn)
Nhìn từ một khía cạnh khác trên tầm vĩ mô hơn, liệu có mối liên quan nào giữa vụ việc thương tâm mới đây của cháu bé V.A. với việc trẻ em phải ở nhà, học từ xa do đại dịch Covid-19?
Từ hai năm nay, trong những khoảng thời gian dài, trẻ em Việt Nam phải học tại nhà khiến nhiều phụ huynh ở thành phố phàn nàn vất vả dạy con, và các cháu thì không được gặp gỡ nhau và hoạt động thể chất... Những khó khăn ở các hộ gia đình nghèo và vùng sâu, vùng xa khi thu xếp cho con học từ xa có được nêu ra, nhưng biện pháp ứng phó thì dường như còn hạn chế, một số nơi quyên góp ủng hộ máy vi tính cho học sinh, nhưng chắc không thể phủ hết đến các nơi xa. Còn lại, chỉ phát bài vở cho các em tự học tại nhà.
Quanh chuyện cháu bé bị bạo hành trong suốt 1 năm trời, cũng trùng với khoảng thời gian các em học sinh ở Việt Nam phải học online tại nhà. Nếu cháu được đến trường, thì có thể những vết tím bầm sẽ được bạn bè, thầy cô phát hiện, bạo hành có thể sớm được ngăn chặn. Câu hỏi đặt ra là dường như những nguy cơ, ảnh hưởng tới giáo dục và sức khỏe toàn diện của trẻ em do phải học online đã không được cân nhắc kỹ lưỡng?
Nhà có hai con nhỏ học cấp 1 và mẫu giáo, điều khiến tôi hài lòng nhất với chính sách chống dịch Covid-19 tại Pháp là việc nước này có số ngày trẻ em phải học tại nhà ít nhất trong số các quốc gia phải có biện pháp chống dịch. Cụ thể, thời gian các cháu học online chỉ kéo dài từ đợt lockdown đầu tiên (từ giữa tháng 3/2020 đến cuối tháng 5/2020), tức là tầm 2 tháng rưỡi, trong đó có 2 tuần nghỉ xuân.
Kể từ đó đến nay, dù liên tục bị chỉ trích, và các nước láng giềng đóng cửa trường học vì lo ngại Covid-19, chính phủ Pháp đương nhiệm vẫn nhất quán với quan điểm trong bất cứ hoàn cảnh nào, việc trẻ em được đến trường phải là ưu tiên số một.
Lý do cho lựa chọn này cũng không khác với các vấn đề đặt ra ở nước khác, đó chính là sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục của trẻ em khi phải học từ xa.
1-. Chất lượng học: thống kê ngay sau đợt lockdown đầu tiên cho thấy trẻ em ở gia đình đông con, gia đình nghèo không có đủ trang thiết bị kỹ thuật, một số không nhỏ đã bỏ học, không theo kịp bài vở.
2-. Dinh dưỡng: với trẻ em nghèo, việc trường học mở cửa đồng nghĩa với việc được ăn tại căng-tin của trường với giá gần như miễn phí 1 bữa ăn đủ dinh dưỡng và 2 bữa phụ (ăn sáng, ăn chiều). Người ta lo ngại việc trẻ phải học ở nhà sẽ là gánh nặng kinh tế lên các gia đình nghèo không đủ tiền trang trải tiền ăn cho con, khiến trẻ có thể bị ăn thiếu chất, thậm chí nhịn đói.
3-. Nguy cơ bạo hành tại nhà: cũng ngay sau đợt lockdown đầu, con số báo động về số vụ bạo hành gia đình báo cảnh sát tăng khoảng 30%, trong đó có bạo hành vợ/ chồng, bạo hành cha mẹ/ con cái.
4-. Nguy cơ trầm cảm do bị cô lập, thiếu giao tiếp bạn bè, xã hội...
Về y tế, các lập luận liên quan đến việc duy trì cho trẻ em đến trường, là:
1-. Ngay từ khi chưa có vaccine, thống kê cho thấy trẻ em là thành phần ít bị tác động lây nhiễm có triệu chứng, và rất hiếm ca nặng tử vong. Vì vậy, cân bằng giữa các thiệt hại lâu dài về giáo dục, sức khỏe tâm lý và thể chất nếu không được đi học và “lợi ích” ít ỏi của việc học từ xa lên sức khỏe của trẻ trước dịch Covid-19, chính phủ Pháp chọn cho trẻ em đến trường.
2-. Nguy cơ trẻ em truyền bệnh cho người lớn là có, nhưng một lần nữa, nhóm nguy cơ cao là người già, người bị bệnh nền, chứ không phải chính đứa trẻ. Nên giải pháp tránh cho trẻ tiếp xúc người già, người bệnh, chứ không phải “hy sinh” việc học và phát triển của trẻ em để bảo vệ các nhóm tuổi khác.
Với cá nhân tôi, trong gia đình không có ông bà trông giúp, việc các con được đi học là một sự hỗ trợ lớn. Bên cạnh việc bố mẹ vẫn được đi làm không gián đoạn, các con cũng vui vẻ và có một cuộc sống khá “bình thường”.
Tuy có trường hợp cô hoặc trò bị nhiễm virus thì cả lớp phải học từ xa 1 tuần, nhưng tính bình quân vẫn là rất nhỏ so với việc 1 năm phải học hoàn toàn từ xa. Việc tổ chức trường lớp phức tạp hơn, nhưng học sinh thì vui vẻ vì được đến trường.
Ngoài chuyện phải đeo khẩu trang và một số hoạt động bị giới hạn, thì trường học là một thế giới riêng không vướng bận, để trẻ em được bảo vệ học và chơi một cách vô tư. Dù bên ngoài, người lớn đang vật lộn giữa những sóng gió Covid-19 to lớn ảnh hưởng đến tâm lý, kinh tế và vận hành của đời sống .
Chính sách với giáo dục đó rất tương đồng với tư duy của bất cứ phụ huynh nào, rằng cho dù cuộc sống có khó khăn, vất vả đến đâu, thì trẻ em phải là đối tượng được bảo vệ ưu tiên nhất, được sống bình thường vô tư nhất. Không cha mẹ nào bắt con nhỏ chịu phần thiệt, phải gánh chung lo toan cuộc đời với mình quá sớm.
Bối cảnh Việt Nam có phần khác là ở chỗ tại nhiều gia đình, có nhiều thế hệ sống chung, trẻ em hay được ông bà trông, nên cho học ở nhà dường như không ảnh hưởng đến việc đi làm của phụ huynh. Nhưng tôi thường chạnh lòng cho lũ trẻ khi nghe tin bài và hình ảnh cuộc sống tại Việt Nam những lúc không bị lockdown, người lớn vẫn đi làm và đi chơi, tụ tập, thì con cái lại triền miên bị giam trong nhà.
Về sâu xa, chúng ta có xem nhẹ tác động lâu dài của việc “học tại gia” ấy lên tương lai con em mình?
Ngay cả khi gia đình bạn có điều kiện và mỗi cháu có một máy tính học ở nhà với điều kiện ăn uống tốt, điều hòa mát mẻ, thì nhìn ra ngoài kia, chắc đôi lần sẽ tự hỏi, con của người lao động phổ thông trên đường phố, những gia đình nông thôn, đang vật lộn ra sao với “học online”? Ngày mai, những đứa trẻ bằng tuổi con bạn, cùng phải thi vào đại học, phải chăng đã bị thiệt thòi ít nhất 2 năm so với những đứa trẻ nhà có máy tính, có Internet... đầy đủ?
Và dù may mắn không bị tử vong như em bé kia, có ai thống kê bao nhiêu trẻ bị bạo hành trong gia đình trong suốt 2 năm qua khi 24/24h ở nhà? Bao nhiêu đứa trẻ có 2 năm học “trắng” hoặc trầm cảm? Có nghịch lý không, khi ít bị tác động bởi virus nhất, thì trẻ em lại bị thiệt thòi nhất trong cái quyền cơ bản “được học hành” và giao tiếp xã hội của chúng?
Điều đáng mừng là Việt Nam sắp phủ xong vaccine như theo báo chí công bố, cũng là để trẻ em mau được quay trở lại trường. Bảo vệ trẻ em, là để chúng được SỐNG bình thường nhất, chứ không phải nhốt lại để chúng TỒN TẠI.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...