Từ những chuyến đi: NGÀY 8/3 VÀ ROSA LUXEMBURG

Thứ hai - 08/03/2021 04:51

(NCTG) “Tự do dành riêng cho những ai ủng hộ chính phủ, dành riêng cho thành viên một đảng – cho dù đông đảo đến mấy – cũng không phải là tự do. Tự do, luôn phải là tự do của những người khác chính kiến” (Rosa Luxemburg, 1918).

Nơi Rosa Luxemburg bị sát hại. Berlin, tháng 9/2011 - Ảnh: Trần Lê (NCTG)

Nơi Rosa Luxemburg bị sát hại. Berlin, tháng 9/2011 - Ảnh: Trần Lê (NCTG)

Cảm giác khi mình đặt chân tới chỗ này rất lạ, như có cái gì đó vừa thiêng liêng vừa bồi hồi. Kênh đào này là nơi thi thể Rosa Luxemburg - sau khi bị những kẻ quá khích đánh đập bằng báng súng rồi bị bắn vào đầu - bị quẳng xuống làn nước đục vào ngày 15/1/1919, theo lời thuật lại của các nhân chứng.

Sau thất bại của cuộc khởi nghĩa do Liên đoàn Spartacus (tiền thân của Đảng Cộng sản Đức) tổ chức, hai sáng lập viên của Liên đoàn là Karl Liebknecht và Rosa Luxemburg đã bị thủ tiêu như vậy, và gần 6 tháng sau, người ta mới tìm thấy một xác được coi là của nhà cách mạng cánh tả kiệt xuất này.

Bà được mai táng tại nghĩa trang Friedrichsfelde, bên cạnh mộ người đồng chí Karl Liebknecht. Tuy nhiên, những chi tiết về vụ án mạng không được rõ ràng và nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đã đưa ra một số hồ nghi liên quan tới cái chết của bà. Hồi 2009, có tin thi hài của bà được giữ tại Học viện Pháp y Berlin.

Mình không theo dõi được diễn biến vụ việc, nên không biết mọi sự rốt cục ra sao. Mộ phần của nhà cách mạng, triết gia quả cảm và lỗi lạc ấy, tại nghĩa trang Friedrichsfelde, mình cũng đã có dịp thăm viếng. Nhưng tại đó, lạ lùng, mình không có được cảm giác mạnh mẽ và đắm chìm như ở bên kênh đào nọ.

Những dòng đầy tính tiên tri và kinh điển của bà, tới nay vẫn luôn được nhắc lại và trích dẫn. Thử đọc lại: “Tự do dành riêng cho những ai ủng hộ chính phủ, dành riêng cho thành viên một đảng – cho dù đông đảo đến mấy – cũng không phải là tự do. Tự do, luôn phải là tự do của những người khác chính kiến”.
 
Các lãnh tụ cộng sản, những nhà đấu tranh cho nữ quyền Clara Zetkin và Rosa Luxemburg (1910) - Ảnh tư liệu
Các lãnh tụ cộng sản, những nhà đấu tranh cho nữ quyền Clara Zetkin và Rosa Luxemburg (1910) - Ảnh tư liệu

Dân chủ XHCN không phải gì khác, chính là sự chuyên chính (độc tài) của giai cấp vô sản. Đúng: chuyên chính! Nhưng đó là sự chuyên chính để áp dụng dân chủ, chứ không phải để thủ tiêu dân chủ (…) Nhưng sự chuyên chính ấy phải là sản phẩm của một giai cấp, chứ không phải của một thiểu số lãnh đạo nhân danh giai cấp ấy.

Nghĩa là, từng bước, nó phải được hình thành với sự tham gia tích cực của quần chúng, cần phải được đặt dưới ảnh hưởng trực tiếp, dưới sự giám sát hoàn toàn của sự công khai, phải được ra đời từ trình độ nhận thức chính trị ngày càng được nâng cao của quần chúng nhân dân
”. (*)

Nhưng đó là khi bà đang ngồi tù, và có những chỉ trích rất gay gắt và thẳng thừng dành cho hai lãnh tụ tối cao của cuộc cách mạng Nga - Lenin và Trotsky - gần 1 năm sau khi cuộc chính biến tháng Mười 1917 thành công. Giả thử Rosa Luxemburg lên nắm quyền, bà có thực hiện được những gì bà trăn trở?

Nói đến chuyện này, tức là phải nhắc đến mô hình thể chế, làm sao giảm thiểu rủi ro của tệ nạn lạm quyền và độc đoán của những cá nhân và tổ chức. Dĩ nhiên, đây vẫn là lời cảnh báo nghiêm khắc cho các thứ vốn dĩ mang danh xưng cộng sản, nhưng đi ngược lại với nguyên tắc cơ bản của dân chủ và tự do.

Nguồn gốc của Quốc tế Phụ nữ 8/3, tới giờ chắc không nhiều người nhớ và để tâm. Còn tồn tại chủ yếu ở một số quốc gia mang hơi hướng (cựu) cộng sản, 8/3 trở thành ngày... tặng hoa cho phụ nữ nói chung, điều không hẳn là dở, nhưng bên cạnh đó, nên chăng, hãy nhớ tới người cần tặng hoa hơn cả?

(*) Trích “Về cuộc cách mạng Nga” (Zur russichen Revolution, 1918).

Bài và ảnh: Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Rosa Luxemburg
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn