(NCTG) “Mỗi cá nhân có thể ủng hộ chuyện tiêm chủng hoặc không, và hai nhóm đều xứng đáng được lắng nghe và tôn trọng. Có thể đưa ra những thông tin, những câu chuyện để nêu quan điểm của mình, nhưng việc mong muốn dùng các biện pháp giới hạn, cưỡng chế người khác là thực sự không nên” - góc nhìn của tác giả Nguyễn Hồng Yến từ Budapest.
Giờ là lúc cần lắng nghe từ nhiều phía, tại sao ủng hộ và không ủng hộ việc chích ngừa? - Ảnh: koronavirus.gov.hu
Một số bình luận trong giai đoạn hiện tại của dịch bệnh cho rằng chính quyền nên có hình thức mang tính “cưỡng bức” đối với những người lần chần, chưa chịu đăng ký tiêm chủng, vì lợi ích chung của cộng đồng và vì chính lợi ích của chính cá nhân ấy. Chẳng hạn, quy định những “bổng lộc” cho người đã tiêm, “phạt” người không chịu tiêm, loại trừ người chưa tiêm khỏi một số loại hình hoạt động, v.v...
Thử xem, sử dụng “biện pháp mạnh” với “phe đối lập” - những người vì những lý do khác nhau, chưa hay không muốn chích ngừa - có là điều nên làm?
Cá nhân tôi nghĩ, những ý kiến theo hướng đó có tính chia rẽ hơn là đóng góp. Mỗi cá nhân có thể ủng hộ chuyện tiêm chủng hoặc không, và hai nhóm đều xứng đáng được lắng nghe và tôn trọng. Có thể đưa ra những thông tin, những câu chuyện để nêu quan điểm của mình, nhưng việc mong muốn dùng các biện pháp giới hạn, cưỡng chế người khác là thực sự không nên.
Xét về “động cơ” để chích ngừa, theo tôi, lý do rõ ràng nhất ở thời điểm hiện tại là bảo vệ bản thân và gia đình mình. Lý do tạo miễn dịch cộng đồng, bảo vệ người khác... rất mơ hồ.
Cần nhìn nhận rằng, tiêm chủng để đạt được miễn dịch cộng đồng có thể nói là một trong những biện pháp quan trọng để ngăn chặn lây nhiễm, giảm bớt áp lực cho hệ thống y tế. Tuy nhiên, việc đạt được miễn dịch cộng đồng là chiến lược dài hơi và còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác ngoài con số tỷ lệ người được tiêm vaccine hoặc có được miễn dịch - như tốc độ điều chỉnh các loại vaccine so với tốc độ xuất hiện các loại biến chủng, thời gian tồn tại của miễn dịch sau khi tiêm chủng, việc thay đổi hành vi của cộng đồng, v.v...
Cái khó hiện tại là vì virus SARS-CoV-2 còn mới nên một số yếu tố vẫn còn đang trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu. Tất cả các quốc gia đều mong muốn tăng tỷ lệ tiêm chủng nhanh chóng để đạt được miễn dịch cộng đồng, nhưng bao nhiêu là “được” và liệu có đạt được hay không vẫn còn là điều rất khó nói.
Việc thuyết phục người khác làm việc gì vì mục tiêu lâu dài vốn dĩ đã không dễ dàng, huống chi trong tình huống này, lợi ích lâu dài là điều chúng ta chưa chắc chắn và chưa có kinh nghiệm thực tế. Vì hiệu quả hiện tại rõ ràng nhất vẫn là bảo vệ cho cá nhân, nên quyết định của từng cá nhân là điều nên được tôn trọng.
Một lý do khác có thể kể đến là hiện tại, trong trạng thái khẩn cấp, người chấp nhận tiêm chủng vaccine chịu hoàn toàn trách nhiệm cho những rủi ro có thể xảy ra, có thể là tức thì hoặc sau này. Một khi chúng ta không thể chịu phần trách nhiệm cho người khác, thì không nên cưỡng bức họ phải làm.
Thiển nghĩ, chúng ta phản đối các nhà chính trị cưỡng chế người dân trong nhiều việc, nhưng lại ủng hộ cưỡng chế việc mà mình cùng quan điểm thì là không nên. Có thể chúng ta có những lý do chính đáng cho ý kiến của mình, nhưng với sự việc đang diễn tiến một cách phức tạp, rất khó để phân định đúng sai và do đó, cần ủng hộ tự do quan điểm.
Giờ là lúc cần lắng nghe từ nhiều phía, tại sao ủng hộ và không ủng hộ việc chích ngừa? Như Esther Duflo và Abhijit Banerjee (**) có nêu trong loạt nghiên cứu về các chính sách công rằng không có một biện pháp, chính sách nào là đúng hay sai, điều chúng ta nên tập trung hơn là lắng nghe để hiểu đối tượng mà chúng ta muốn tác động, quan tâm đến cách thức mà chúng ta thực hiện các biện pháp hơn là con số báo cáo, và hãy tập trung vào mục tiêu của hành động hơn là việc ai đang làm gì sai.
Giai đoạn dịch bệnh là quãng thời gian khó khăn chung cho hầu hết mọi người. Tôi tin rằng chúng ta đều mong muốn được thấu hiểu, không ai muốn bị bỏ lại. Việc cập nhật và trao đổi thông tin một cách khách quan, khoa học cũng mang lại nhiều lợi ích. Chẳng hạn, có người không tiêm vì sợ tác hại, ảnh hưởng về mặt di truyền, thì có thể đưa ra thông tin về cách thức hoạt động của các vaccine “thế hệ mới” trên cơ sở công nghệ mRNA hiện đại, như NCTG đã làm, và cùng nhau bàn luận.
Đây là cách có vẻ tốn thời gian, đòi hỏi sự chuyên tâm và kiên nhẫn, nhưng bền vững, dân chủ và nhân văn hơn.
Ghi chú:
(*) Tác giả là dược sĩ, thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, hiện đang sinh sống và làm việc tại Budapest, Hungary.
(**) Nguyên tác: “Poor Economics”, bản tiếng Việt Nam: “Hiểu nghèo thoát nghèo” (Poor Economics), dịch giả: Ngô Bảo Châu và Phan Việt, NXB Trẻ 2015.
Esther Duflo và Abhijit Banerjee là 2 tác giả được Giải thưởng Nobel Kinh tế học 2019. Tác phẩm đã xuất bản tại Hungary: “Jó közgazdaságtan nehéz időkre - Meggyőzőbb válaszok legégetőbb kérdéseinkre” (Good Economics for Hard Times: Better Answers to Our Biggest Problems), HVG Könyvek Kiadó, 2021.
(***) Một số thông tin liên quan tới miễn dịch cộng đồng:
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...