NHỮNG KẺ KHIÊU KHÍCH, XƯA VÀ NAY

Thứ tư - 14/04/2021 15:55

(NCTG) “Họ không thể về nhà thì không sao, nhưng ai bảo họ đến Afghanistan?”.

Nữ ký giả Franziska Tschinderle, người đã “dám” đặt câu hỏi “khiêu khích” nhóm nghị sĩ FIDESZ trong Nghị viện Châu Âu - Ảnh: Internet

Nữ ký giả Franziska Tschinderle, người đã “dám” đặt câu hỏi “khiêu khích” nhóm nghị sĩ FIDESZ trong Nghị viện Châu Âu - Ảnh: Internet

Bài viết của ký giả Göbölyös N. László (*) đăng trên mạng szmo.hu nhân sự kiện một nữ ký giả Áo do đặt câu hỏi không vừa ý chính quyền, đã bị bôi nhọ trên Đài Truyền hình Quốc gia Hungary M1 với lý do cô “dám” “đặt những câu hỏi khiêu khích”.
 
Ký giả László N. Göbölyös tại Roma (Ý) - Ảnh: orokvaros.network.hu
Ký giả László N. Göbölyös tại Roma (Ý) - Ảnh: orokvaros.network.hu

“Nhà báo đặt những câu hỏi khiêu khích” - tiêu đề này xuất hiện trên màn hình chương trình “Thời sự” của truyền hình công cộng. Thử hỏi, thế giới sẽ đi về đâu nếu các nhà báo dám đặt câu hỏi? “Ca” này khiến tôi nhớ lại một câu chuyện từ 34 năm trước.

Đầu mùa thu năm 1987, tôi làm BTV bản tin đối ngoại của Hãng Thông tấn Hungary (MTI). Cùng với 3 đồng nghiệp, tôi nhận được lệnh gọi từ Quân đội Nhân dân Hungary về việc tham dự đào tạo sĩ quan dự bị. Chúng tôi được mời đến khu nghỉ mát của Đảng ở Balatonatoniga trong 10 ngày. Khi đến nơi, chúng tôi được biết rằng cùng nhiều tên tuổi xuất chúng trong nghề báo, chúng tôi được giao nhiêm vụ kiểm duyệt thông tin quân sự nếu chiến tranh xảy ra.

Một đội ngũ tuyệt vời đã tập hợp cùng nhau ở đây: Mester Ákos và Bölcs István, hai nhà sáng lập của tờ “168 giờ” (168 óra), Sebes György từ chương trình “Thời sự”của MTV, Érdi Sándor và Kepes András từ chương trình “Stúdió”, Déri János từ “Sự gặp gỡ của thế giới số 0”, Barcs Endre và Sztevanovity Dusán từ các đài phát thanh - ở đây tôi chỉ đề cập đến những nhân vật quen biết nhất.

Đủ các loại đại tá, trung tá giảng dạy cho chúng tôi 5-6 giờ một ngày, trên cơ sở nguyên tắc nghiêm ngặt. Một cách vô vọng, họ cố gắng truyền cho chúng tôi một thứ thế giới quan nào đó, đã tỏ ra lạc hậu kể cả trên các phương tiện truyền thông Hungary, trong khi không chỉ kiến thức của họ là rất có vấn đề, đặc biệt là với một nhóm ký giả ở tầm như vậy, mà đôi khi họ còn nói những điều dở hơi và vô lý đến mức chúng tôi khó có thể nhịn cười.

Vào ngày thứ x nào đó, một trong những “tá” nói về “tình hình xung quanh Afghanistan” - đây là thuật ngữ chính thức của Liên Xô về cuộc chiến đã kéo dài 8 năm giữa những kẻ chiếm đóng được gọi là “sự giúp đỡ chí tình” và Osama bin Laden, kẻ sau này khét tiếng khắp thế giới cùng các chiến binh Hồi giáo do CIA tài trợ và tuyển dụng cho cuộc Thánh chiến chống cộng sản đó.

Sĩ quan chính cố giải thích cho chúng tôi rằng lẽ ra các đồng chí Liên Xô đã từ Afghanistan về nước từ lâu, nhưng đế quốc Mỹ và bọn chư hầu sẽ không cho phép chủ nghĩa xã hội ở Afghanistan phát triển trong hòa bình. Như mọi khi, lần này cũng có thể đặt câu hỏi. Déri Jancsi tội nghiệp đứng lên phát biểu, và chúng tôi biết ngay rằng sẽ chẳng có gì tốt đẹp xảy ra, vì cũng như trong các buổi giảng trước đó, anh có thể làm bất cứ điều gì nếu cần.

Và câu hỏi được đặt ra: “Họ không thể về nhà thì không sao, nhưng ai bảo họ đến Afghanistan?”.

“Tá” của chúng tôi mặt mày tái mét, lẩm bẩm một cái gì đó không đầu không đuôi. Để cứu vãn tình hình, người tổ chức chính của khóa học ngỏ lời với các học viên: “Yêu cầu các đồng chí nhà báo không được khiêu khích các đồng chí giảng viên”.

Câu chuyện xảy ra cách đây 34 năm, trong những năm cuối của chính thể độc tài, thậm chí là trong môi trường “quân đội nhân dân”. Hai năm sau, chính thể độc tài chấm dứt và nhanh chóng, quân đội nhân dân cũng chẳng còn, giới báo chí thì chìm vào ảo tưởng rằng ở một nước Hung mới, chất vấn sẽ là một quyền cơ bản chứ không phải là chuyện “khiêu khích”.

Như với nhiều thứ khác, chúng tôi cũng đã sai trong vụ này!

(*) Tốt nghiệp Khoa Lịch sử, Tiếng Pháp và Văn học Đại học Tổng hợp ELTE (Budapest), ký giả László N. Göbölyös trước đây là BTV và PV tin tức, đã có hơn 40 năm kinh nghiệm làm báo từ công việc tại Hãng Thông tấn Hungary (MTI) đến báo chí trực tuyến. Một số cơ quan truyền thông mà ông đã làm việc: BBT Đối ngoại MTI, các nhật báo “Kurír”, “Tiếng Dân” (Népszava), tuần báo “168 giờ” (168 óra). Hiện tại, ông là nhà báo và blogger tự do.

László N. Göbölyös là tác giả của nhiều đầu sách chủ yếu tập trung vào đề tài lịch sử văn hóa trong 50 năm qua. Ông đã giảng dạy tại Cao đẳng Truyền thông Budapest (BKF) và Đại học Metropolitan Budapest (METU) từ năm 2006. Hiện ông đang viết một cuốn sách về những tên khủng bố và sát thủ của thế kỷ 20, những kẻ đã trở thành ngôi sao truyền thông, và nghiên cứu lịch sử nhạc Pop-Rock những năm 70 thế kỷ trước, gắn liền với lịch sử - chính trị của thập kỷ 70.

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: báo chí
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn