GIỌT MÁU

Thứ ba - 23/03/2021 13:58

(NCTG) “Chỉ có Nguyễn Huy Thiệp, bằng con mắt sắc lạnh như dao, đã mổ vào vết đau dân tộc ấy”.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950-2021), người mổ xẻ vết đau dân tộc bằng con mắt sắc lạnh như dao

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950-2021), người mổ xẻ vết đau dân tộc bằng con mắt sắc lạnh như dao

“Văn chương có cái gì từa tựa lẽ phải” (Nguyễn Huy Thiệp)

Đọc “Giọt máu” của Nguyễn Huy Thiệp, tôi nhớ về những câu thơ đã thành câu hát của Nguyễn Bính. 

Vì tằm tôi phải chạy dâu
Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay
Chồng tôi thi đỗ khoa này
Bõ công kinh sử từ ngày lấy tôi
Kẻo không rồi chúng bạn cười
Rằng tôi nhan sắc cho người say sưa
Tôi hằng khuyên sớm khuyên trưa
“Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng”
(1)

Nguyễn Bính là nhà thơ của nhân dân, thơ ông hồn nhiên và chân thật mang hồn dân tộc. Những câu thơ trên của ông được rất nhiều người yêu thích, đồng cảm, và coi là hiển nhiên.

Bởi vì có lẽ phần đông dân ta, từ muôn đời nay, coi cái việc thi là mục đích nếu không nói là duy nhất thì cũng là tối thượng của việc học. Anh học cả đời mà thi không đỗ thì không chỉ xã hội chẳng coi anh ra gì, mà vợ anh - người tần tảo sớm hôm yêu thương chiều chuộng anh, nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa, không cho anh bắt chân động tay vào việc gì, chỉ ăn rồi ra võng nằm nghêu ngao; người túi bụi tất bật từ lo tiền ngoài xã hội đến lo cơm bưng nước rót cho anh - cũng chả coi việc học của anh ra gì, thậm chí tước luôn của anh cái quyền cơ bản và chính đáng của một đức ông chồng.

Và những người vợ ấy, mong ngóng anh đi thi trong “Lều chõng”, anh chơi cô đầu phố Khâm Thiên thì không sao, nhưng anh phạm huý bị cấm thi thì coi là đại họa.

Tất cả những điều này, tôi và có lẽ chúng ta luôn coi là bình thường, thậm chí dường như có đôi chút tự hào về truyền thống học hành thi cử. Tôi còn nhớ trong một lần đưa các đồng nghiệp Pháp đi tham quan Văn Miếu, tôi có giới thiệu về hệ thống thi cử của nước ta ngày xưa, các bạn Pháp đùa “ô, thế xem ra nền dân chủ ở nước mày có từ trước xa ở nước chúng tao, khi mà một người nghèo có thể thay đổi cuộc đời, và không chỉ thế, còn làm quan to triều đình nhờ vào việc học hành; còn ở nước tao trong suốt nhiều thế kỷ dài thì không thể có chuyện đó, nhà giàu cứ hưởng giàu đời này nối đời khác, nhà nghèo khó mà ngóc đầu lên được”.

Chỉ có Nguyễn Huy Thiệp, bằng con mắt sắc lạnh như dao, đã mổ vào vết đau dân tộc ấy. Trong “Giọt máu”, một truyện ngắn thời kỳ đầu, ông viết về một gia đình nhiều đời làm nghề nông và nghề bán thịt lợn ở quê, ăn nên làm ra giàu có và hiền hoà được cả làng trọng vọng. Hiềm một nỗi chưa có ai học hành đỗ đạt cho mở mày mở mặt. Vì thế khi có một đứa cháu đich tôn thông minh đĩnh ngộ hơn người, người ông đã tìm bằng được thầy giỏi cho cháu mình. Đoạn đối thoại sau đây thật là điển hình (tôi ghi lại theo trí nhớ). Thầy giáo hỏi:

- Ông muốn cho cháu học, thì mục đích của việc học là gì?

- Thưa thầy, tôi dốt nát không biết gì, cứ đem việc mình quen ra mà so, phàm trong nghề bán thịt lợn, có miếng thịt thăn nạc ngon, có miếng thịt mỡ, có miếng thịt dọi, có miếng đầu, miếng chân, thì miếng thịt dọi là miếng vừa miệng, lúc nào cũng bán chạy, chẳng bao giờ lo ế. Vậy nên tôi cũng nhìn việc học như vậy ạ.

Thầy giáo cười mà nói:

- Ông nói vậy là tôi hiểu rồi, vậy là ông mong cho cháu học để sau này ra làm quan.

Và người cháu ấy đã được học, đã rất giỏi, và từ đó cả dòng họ lao vào cảnh tao loạn, tội lỗi, bạc bẽo, oán thù... (2)

Cho đến cuối cùng, sau nhiều đời, một người lẽ mọn có đứa con trai xinh xắn, đã để con ở làng, sống hiền hòa ở làng, cậu bé học nhiều và đọc nhiều nhưng không đi thi, tránh xa xã hội phù du, và dòng họ từ sau đó tồn tại.

Đọc truyện của Nguyễn Huy Thiệp, như vẫn thế, luôn đau. Và mặc dù chúng ta không thích, không thể chấp nhận, bởi vì có phải ai cũng bị tẩu hoả nhập ma như gia đình ấy đâu, bởi vì việc học luôn là một điều đáng trân trọng, nhưng nó làm ta suy nghĩ, và thấy rất đau. Dường như nó là sự đối trọng, để cán cân đừng nghiêng hẳn về “phe Nguyễn Bính”?

Đi lên bằng việc học chắc hẳn là con đường đi lên đẹp nhất, nhưng nếu coi đi lên là mục đích của việc học thì đã làm tầm thường việc học mất rồi.

Tôi chợt nghĩ đến câu nói vui của những đồng nghiệp Châu Âu, phải chăng trong quá khứ họ đã không thể lấy việc học làm mục đích thay đổi cuộc đời, nên nhiều người tìm đến việc học chỉ là vì thú vui? Thú vui của việc tìm hiểu về con người, về cuộc sống, về thế giới, về vũ trụ. Thú vui được ước mơ bay lên như cánh chim đến nỗi thả mình từ trên tầng cao xuống và rơi, thú vui được tạo ra ánh sáng.

Phải chăng họ mơ mộng hơn chúng ta, và vì thế sáng tạo hơn chúng ta?

Ghi chú:

(1) Bài thơ “Thời trước” (1936) của Nguyễn Bính.

(2) Không dám thất lễ, tìm nguyên bản đoạn đối thoại Nguyễn Huy Thiệp viết

“... Ông Bình Chi rước ông Gia vào nhà, hỏi nguyện vọng. Ông Gia tự giới thiệu, một điều bẩm, hai điều bẩm, cung kính lắm. Ông Bình Chi hỏi mục đích học hành của Chiểu. Ông Gia chẳng biết trả lời ra sao, chỉ nói: “Tôi thấy văn chương có cái gì từa tựa lẽ phải. Muốn cho cháu học thầy vì thế”. Ông Bình Chi bảo: “Văn chương có nhiều thứ lắm. Có thứ văn chương hành nghề kiếm sống. Có thứ văn chương sửa mình. Có thứ văn chương trốn đời, trốn việc. Lại có thứ văn chương làm loạn”. Ông Gia bảo: “Tôi hiểu rồi. Tôi là nghề đồ tể, tôi biết. Cũng như có thịt mông, thịt thủ, thịt sấn, thịt dọi, Nhưng cũng là thịt cả thôi”. Ông Bình Chi bảo: “Ðúng đấy. Thế ông định cho cháu học thứ văn chương nào?”. Ông Gia bảo: “Tôi suy rằng thịt dọi là thứ vừa phải, nhiều người mua, chẳng bao giờ ế. Vậy có thứ văn chương nào tương tự như thế không, chỉ vừa phải, nhiều người theo thì cho cháu học”. Ông Bình Chi bảo: “Tôi hiểu rồi. Ðấy là thứ văn chương học để làm quan”. Ông Gia vỗ tay reo: “Phải”. Nói xong, gọi Chiểu vào, bảo lạy ba lạy, lấy ra một xấp lụa Hà Ðông, năm xâu tiền đồng, xin ông Bình Chi thâu nạp học trò...”.

Phan Thị Hà Dương, từ Hà Nội


 
 Từ khóa: Nguyễn Huy Thiệp
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn