TRUYỀN BÁ THÔNG TIN SAI SỰ THẬT VỀ VACCINE KHÁNG COVID-19 CÓ NÊN BỊ COI LÀ PHẠM PHÁP?

Thứ hai - 22/03/2021 01:57

(NCTG) “Thế giới sẽ là một nơi tốt đẹp hơn nếu không có thông tin sai lệch, hoặc vì lợi ích công cộng mà thông tin sai trái về vaccine không tồn tại. Nhưng đưa tin sai trái có phải là bất hợp pháp?” - vấn đề được đặt ra và thảo luận tại Đan Mạch và nhiều nước Phương Tây hiện tại trong mùa dịch bệnh Covid-19.

Tin thất thiệt nở rộ trong đại dịch Covid-19, và không chừa vaccine, được coi là lối thoát khả dĩ duy nhất cho nhân loại - Ảnh: BBC

Tin thất thiệt nở rộ trong đại dịch Covid-19, và không chừa vaccine, được coi là lối thoát khả dĩ duy nhất cho nhân loại - Ảnh: BBC

Lời Tòa soạn: Những thông tin sai lệch về vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 tràn ngập trên mạng Internet có thể gây nhiều thiệt hại. Nhưng ở một nước coi trọng tự do dân chủ như Đan Mạch, thì việc thắt chặt luật pháp để chống lại tin giả vẫn còn được tranh cãi rất nhiều.

Bài viết sau đây cho chúng ta thêm thông tin đa chiều về những gì được đặt lên bàn cân ở Đan Mạch trong việc quản lý thông tin, kể cả những thông tin bịa đặt có thể dẫn tới chết người. Bản dịch Việt ngữ của Lan Trần (nhóm “Xứ Đan Mạch”). Trân trọng giới thiệu! (NCTG)
 
Làm sao vừa tôn trọng quyền tự do ngôn luận và ý kiến, quan điểm, vừa loại trừ được những thông tin thất thiệt gây hại cho cộng đồng? - Ảnh: Shutterstock (videnskab.dk)
Làm sao vừa tôn trọng quyền tự do ngôn luận và ý kiến, quan điểm, vừa loại trừ được những thông tin thất thiệt gây hại cho cộng đồng? - Ảnh: Shutterstock (videnskab.dk)

Bạn đăng nhập vào Facebook, và điều đầu tiên đập vào mắt bạn là một bài đăng của một người phụ nữ bị sốc: “Ôi trời, họ vừa tìm thấy cô tôi đã chết! Cô ấy là một trong những y tá vừa được tiêm vaccine kháng Coronavirus ngày hôm nay”, dòng trạng thái (status) viết. Đó là thông điệp mà nhiều người dùng Facebook đọc được vào tháng 12 năm ngoái, khi câu chuyện về cái chết của một nữ y tá ở Alabama lan truyền như cháy rừng trên mạng.

Nhưng không lâu sau đó, các quan chức y tế của Alabama đã xác định không có y tá nào của bang này tử vong sau khi tiêm vaccine. Câu chuyện hoàn toàn là bịa đặt. Những tin đồn dối trá như thế này hiện đang khiến các nhà nghiên cứu thảo luận về việc có nên coi việc truyền bá những tin sai lệch về vaccine kháng Coronavirus là bất hợp pháp hay không.

Chúng ta nên xem xét việc đưa ra hình phạt cho những người cố tình làm hại người khác thông qua những thông tin sai lệch”, nhà xã hội học Melinda Mills, giáo sư tại Đại học Oxford, nói. “Không nên kéo dài quyền tự do tranh luận và cho phép công chúng nêu lên những lo ngại về vaccine đã được phê duyệt​ để gây ra tác hại xấu”.

Bà đã đưa vấn đề này lên tạp chí khoa học BMJ, nhưng gặp phải bất đồng từ một nhà nghiên cứu Phần Lan. “Không nghi ngờ gì, thế giới sẽ là một nơi tốt đẹp hơn nếu không có thông tin sai lệch, hoặc vì lợi ích công cộng mà thông tin sai trái về vaccine không tồn tại. Nhưng đưa tin sai trái có phải là bất hợp pháp? Không!” - Jonas Sivelä, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Y tế và Phúc lợi Phần Lan viết.

Bài viết này sẽ đưa ra lập luận từ hai nhà nghiên cứu trên, cộng thêm ý kiến từ một nhà nghiên cứu Đan Mạch về việc phản đối vaccine.

Mối đe dọa sức khỏe trên toàn thế giới

Nếu nhiều người nói “không” với vaccine kháng Covid-19, sẽ có nhiều người bị thiệt mạng. Bởi vậy GS. Melinda Mills tin rằng điều đó là lý do đủ để việc cố tình lan truyền những câu chuyện giả về vaccine là bất hợp pháp.

Việc chia sẻ những câu chuyện giả về vaccine đang và sẽ rất có hại, bất kể người ta cố tình chia sẻ dù biết tin thất thiệt, hay là họ tin và chia sẻ chúng một cách thiện chí.

Cả hai trường hợp đều có thể làm dấy lên nghi ngờ về vaccine, điều mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định là một trong 10 mối đe dọa sức khỏe lớn nhất. Hậu quả là có thật. Mặc dù vaccine sởi đã cứu sống 23 triệu người, nhưng thông tin sai lệch có liên quan tới sự bùng phát trở lại của căn bệnh này” - GS. Melinda Mills, Viện trưởng tại Trung tâm Khoa học Nhân khẩu học Leverhulme viết.

Mặc dù lịch sử đã chỉ ra rằng thông tin sai lệch có thể làm suy yếu sự ủng hộ đối với vaccine, nhưng vẫn chưa có gì khẳng định những câu chuyện thất thiệt về vaccine ngừa Covid-19 đã thực sự gây ra thiệt hại như thế nào đối với việc người Đan Mạch sẵn sàng tiêm chủng.

Việc phản đối với vaccine không phải là vấn đề, nếu sự phản đối đó đủ nhỏ. Nghiên cứu của Đan Mạch chỉ ra rằng khoảng 80% sẵn sàng được tiêm chủng, và chừng đó là đủ để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. Nhưng rõ ràng thông tin sai lệch có thể làm gia tăng nhóm người không muốn tiêm chủng và câu hỏi đặt ra là chúng ta nên đối phó với nó như thế nào” - Thomas Søbirk Petersen, nhà nghiên cứu về đạo đức y học, triết lý pháp lý và sự hoài nghi về vaccine tại Đại học Roskilde cho biết.

Cấm đoán chỉ như đổ dầu vào lửa

Về cơ bản, Jonas Sivelä phản đối việc coi phao tin giả về vaccine là bất hợp pháp vì điều đó sẽ vi phạm quyền dân chủ được lên tiếng của người dân. Theo ông, có một lý do quan trọng khác khiến việc cấm các tin giả về vaccine là một ý kiến tồi.

Thông tin sai lệch về phản đối vaccine, các thuyết âm mưu và tin tức giả thường có thể được coi là việc phản bác - biểu hiện của sự phản đối”, Jonas Sivelä viết và nói thêm: “Ra luật điều chỉnh những thông tin này có thể bị coi là hình sự hóa quyền bày tỏ mối quan tâm chính đáng, hoặc việc đặt câu hỏi sẽ chỉ tạo ra nhiều thông tin sai lệch hơn”.

Nói cách khác, nó có thể cung cấp cho những người hoài nghi vaccine một lập luận xác đáng về lý do tại sao họ nên nghi ngờ các cơ quan chức năng, nếu mối quan tâm của họ bị ngăn chặn bởi luật pháp, “đó sẽ là đổ dầu vào ngọn lửa hoài nghi” - Thomas Søbirk Petersen (Viện Truyền thông và Nhân văn tại RUC) ví von.

Dù không nghi ngờ việc phát tán trên mạng các câu chuyện giả về vaccine là sai về mặt đạo đức vì điều đó có thể đồng nghĩa với việc có người sẽ bị nhiễm Covid-19 và thiệt mạng, nhưng Thomas Søbirk Petersen chống lại việc biến nó trở thành hành vi bất hợp pháp.

Ủy ban Y tế Quốc gia phải sắc bén hơn trên mạng xã hội

Ngoài sự trừng phạt của pháp luật, có rất nhiều công cụ khác mà chúng ta chưa tận dụng hết. Đây chính là lý do tại sao Thomas Søbirk Petersen không tin rằng chúng ta nên dùng pháp luật để chống lại việc phao tin giả về vaccine. 

Chúng ta có thể giáo dục ngay từ cấp phổ thông, nơi học sinh nên học thêm về phản biện nguồn thông tin. Tôi cũng tin rằng các cơ quan chức năng như Ủy ban Y tế Quốc gia cần phải sử dụng mạng xã hội tốt hơn để họ có thể nhận được nhiều hơn lượt thích (like) và lượt xem (view). Họ nên tạo ra những câu chuyện mà mọi người có thể thấy mình trong đó, thay vì chỉ sử dụng các con số và sơ đồ” - ông nói.

Kể từ năm 2018, Chính phủ Đức đã chỉ thị các mạng truyền thông xã hội ở Đức xóa những lời thù hận và thông tin sai lệch trong vòng 24 giờ. Nếu không, các mạng này có thể sẽ hứng một khoản tiền phạt khổng lồ lên tới 300 triệu Kroner. Tuy nhiên, Thomas Søbirk Petersen không nghĩ rằng Đan Mạch nên đi theo hướng đó. Ông nói: “Nếu chúng ta có những quy định quá cứng nhắc, thì điều đó khiến loại bỏ quá nhiều ý kiến của người dân”.

Luật pháp của Đức vừa bị cáo buộc đã loại bỏ quá nhiều bài đăng trên các mạng xã hội. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW), luật này đã khiến mạng xã hội xóa quá nhiều nội dung được đăng tải, do đó làm suy yếu quyền tự do ngôn luận.

Cho người sử dụng biết mức độ tin cậy của bài đăng

Một trong những đề xuất về luật mà GS. Melinda Mills đang đưa ra là sử dụng mạng xã hội để tạo ra một hệ thống chứng nhận đánh giá mức độ đáng tin cậy của nội dung thông tin. Ví dụ: dựa trên mức độ dễ dàng để tra nguồn xem có xung đột lợi ích hiển nhiên hay không và nội dung có phi đạo đức hay không.

Tôi nghĩ đó là một ý tưởng thực sự hay. Trong 10 năm qua, người ta tập trung rất nhiều vào việc liệu các bác sĩ có phải là tay trong của ngành dược hay không, và đã có một sự phát triển thực sự tích cực, vì vậy bây giờ với tư cách là một nhà nghiên cứu y khoa, người ta phải nêu ra những xung đột lợi ích. Theo cách tương tự, người ta có thể đặt ra các quy định từ phía nhà nước, yêu cầu các mạng xã hội khai báo nội dung” - Thomas Søbirk Petersen nói.

Khó khăn với việc điều chỉnh các mạng xã hội theo cách này là ở chỗ họ không được coi là người đưa tin giống như báo, đài và truyền hình. “Rất có thể các mạng xã hội sẽ phản hồi lại rằng họ không phải là người đưa tin, nhưng họ cũng là trụ cột quảng cáo. Đã có rất nhiều nội dung mà mạng xã hội tự loại bỏ, và nếu điều đó là không đủ, nhà nước có thể can thiệp bằng các yêu cầu - nhưng không phải bằng tiền phạt như ở Đức”, vẫn theo Thomas Søbirk Petersen.

Nguy cơ bóp nghẹt tranh luận lành mạnh

Có một số lý do khác nhau khiến mọi người chia sẻ sự hoài nghi của họ về vaccine trên các mạng xã hội. Đó có thể là các công ty cố tình truyền bá thông tin sai lệch về vaccine để bán sản phẩm của họ, nhưng cũng có thể là những cá nhân có mối quan tâm thực sự về vaccine. Jonas Sivelä nói, bằng cách trừng phạt việc chia sẻ những câu chuyện sai lầm về vaccine, chúng ta có nguy cơ trừng phạt những người nghi ngờ.

Ông viết: “Nếu chúng ta không tính đến mối quan tâm của mọi người và thay vào đó bóp nghẹt các cuộc thảo luận có liên quan, thì điều đó sẽ chỉ dẫn đến việc gia tăng sự ngờ vực và gia tăng thông tin sai lệch”.

Thomas Søbirk Petersen đồng ý rằng các loại thông tin sai lệch khác nhau gây khó khăn cho việc đưa ra hình phạt chung cho việc chia sẻ câu chuyện giả về vaccine. “Thông tin sai lệch là khi bạn phát tán thông tin sai trái với thiện ý. Thông tin giả có vấn đề về mặt đạo đức hơn vì bạn cố tình truyền bá thông tin sai lệch - ví dụ có thể do có lợi ích kinh tế”, ông nói.

Cho đến nay, Pháp, Đức, Malaysia, Nga và Singapore đã đưa ra nhiều điều luật khác nhau để ngăn chặn sự lan truyền của tin tức giả mạo và thông tin sai lệch về sức khỏe. Tuy nhiên, Đan Mạch không có luật đặc biệt nào quy định nội dung trên mạng xã hội.

Lan Trần chuyển ngữ, từ Đan Mạch


 
 Từ khóa: Covid-19
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn