BÀI HỌC TỪ ĐẠI DỊCH COVID-19 (Phần 2)

Thứ hai - 15/03/2021 00:13

(NCTG) “Ngay cả những người giàu nhất ở các nước phát triển nhất cũng có lợi ích cá nhân để bảo vệ những người nghèo nhất ở các nước kém phát triển nhất. Nếu một loại virus mới nhảy từ dơi sang người trong một ngôi làng nghèo ở một khu rừng hẻo lánh nào đó, thì trong vài ngày tới virus đó có thể xâm nhập vào Phố Wall”.

Virus SARS-CoV-2 đặt thế giới vào một tình cảnh không thể ngờ được - Ảnh: Rafael Heygster & Helena Manhartsberger (ft.com)

Virus SARS-CoV-2 đặt thế giới vào một tình cảnh không thể ngờ được - Ảnh: Rafael Heygster & Helena Manhartsberger (ft.com)

Lời Tòa soạn: Sử gia nổi tiếng, nhà bình luận người Israel - ông Yuval Noah Harari, tác giả những đầu sách rất được ưa thích như “Sapiens: A Brief History of Humankind” (Lược sử loài người, 2011), “Homo Deus: A Brief History of Tomorrow” (Lược sử tương lai, 2016) hay “21 Lessons for the 21st Century” (21 Bài học cho Thế kỷ 21, 2018) - mới đây đã có phân tích về những gì nhân loại cần rút ra từ đại dịch Covid-19.

Phần 1 của bài viết đã được NCTG đăng tải tại đây. Trong phần kết, tác giả nhắc đến và lý giải những vấn đề cần suy ngẫm: sự hạn chế của sức mạnh khoa học và công nghệ, tầm quan trọng của chính trị, làm sao tránh được chế độ độc tài kỹ thuật số ngay cả trong thời dịch bệnh, tầm quan trọng của sự hợp tác chính trị quốc tế và sự cần thiết phải tạo dựng bộ khung của hệ thống chống bệnh dịch toàn cầu, v.v...

Bản dịch tiếng Việt do Lan Trần - Quản trị viên (Admin) “Xứ Đan Mạch”, nhóm chia sẻ, trao đổi, tổng hợp các bài về đất nước Đan Mạch của cộng đồng nói Tiếng Việt - thực hiện. Có thể tham khảo bản Anh ngữ tại đây. Trân trọng giới thiệu! (NCTG).

 
Sử gia Yuval Noah Harari - Ảnh: medium.com
Sử gia Yuval Noah Harari - Ảnh: medium.com

Phần 2:

Vào năm 2020, giám sát diện rộng đã trở nên hợp pháp và phổ biến hơn. Chiến đấu với bệnh dịch là quan trọng, nhưng nó có đáng để chúng ta phá hủy tự do trong quá trình này không?

Những gì cần được tính đến?
 
Năm Covid đã cho thấy một hạn chế quan trọng của sức mạnh khoa học và công nghệ. Khoa học không thể thay thế chính trị. Khi chúng ta đi đến quyết định về chính sách, chúng ta phải tính đến nhiều lợi ích và giá trị, và vì không có phương pháp khoa học nào để xác định lợi ích và giá trị nào quan trọng hơn, nên không có cách thức khoa học để quyết định những gì chúng ta nên làm.

Ví dụ khi quyết định ra lệnh phong tỏa xã hội hay không, sẽ không đủ nếu chỉ hỏi: “Có bao nhiêu người sẽ mắc Covid-19 nếu chúng ta không áp đặt lệnh phong tỏa?”. Chúng ta còn cần phải hỏi: “Có bao nhiêu người sẽ bị trầm cảm nếu chúng ta ra lệnh phong tỏa? Bao nhiêu người sẽ bị thiếu dinh dưỡng? Bao nhiêu người sẽ nghỉ học hoặc mất việc làm? Bao nhiêu người sẽ bị bạn đời của họ hành hung hoặc sát hại?”.

Ngay cả khi tất cả dữ liệu của chúng ta là chính xác và đáng tin cậy, chúng ta cần luôn hỏi: “Chúng ta tính đến những cái gì? Ai là người quyết định tính cái gì? Làm thế nào để chúng ta đánh giá các con số với nhau?”. Đây là một nhiệm vụ chính trị hơn là khoa học. Chính các chính trị gia phải cân bằng giữa các cân nhắc về y tế, kinh tế và xã hội và đưa ra một chính sách toàn diện.

Tương tự, các kỹ sư đang tạo ra các nền tảng kỹ thuật số mới giúp chúng ta sống và làm việc khi xã hội bị phong tỏa và các công cụ giám sát mới giúp chúng ta phá vỡ các chuỗi lây nhiễm. Nhưng việc số hóa và giám sát gây nguy hiểm cho quyền riêng tư của chúng ta và mở đường cho sự xuất hiện các chế độ toàn trị chưa từng có. Vào năm 2020, giám sát diện rộng đã trở nên hợp pháp và phổ biến hơn. Chiến đấu với bệnh dịch là quan trọng, nhưng nó có đáng để chúng ta phá hủy tự do trong quá trình này không? Công việc của các chính trị gia chứ không phải của các kỹ sư là tìm ra sự cân bằng phù hợp giữa việc giám sát hữu ích và cơn ác mộng Dystopian về một xã hội mất nhân tính và đáng sợ.

Ba quy tắc cơ bản sau có thể giúp bảo vệ chúng ta lâu dài khỏi các chế độ độc tài kỹ thuật số, ngay cả trong thời kỳ bệnh dịch.

Đầu tiên, bất cứ khi nào bạn thu thập dữ liệu về mọi người - đặc biệt là về những gì đang xảy ra bên trong cơ thể họ - dữ liệu này nên được sử dụng để giúp những người này hơn là để thao túng, kiểm soát hoặc làm hại họ. Bác sĩ riêng của tôi biết nhiều điều cực kỳ riêng tư về tôi. Tôi đồng ý với điều đó, vì tôi tin tưởng bác sĩ của tôi sử dụng dữ liệu này vì lợi ích của tôi. Bác sĩ của tôi không được bán dữ liệu này cho bất kỳ công ty hoặc đảng phái chính trị nào. Điều này cũng phải được áp dụng với bất kỳ loại “cơ quan giám sát dịch bệnh” nào mà chúng ta có thể thiết lập.

Thứ hai, giám sát luôn phải đi theo cả hai hướng. Nếu sự giám sát chỉ đi từ trên xuống dưới, thì đây là con đường nhanh nhất dẫn đến chế độ độc tài. Vì vậy, bất cứ khi nào bạn tăng cường giám sát các cá nhân, bạn cũng nên đồng thời tăng cường giám sát chính phủ và các tập đoàn lớn. Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng hiện nay, các chính phủ đang phân phối một lượng tiền khổng lồ. Quy trình phân bổ kinh phí cần được minh bạch hơn. Với tư cách là một công dân, tôi muốn có thể dễ dàng xem ai nhận được gì và ai là người quyết định số tiền đi đâu. Tôi muốn đảm bảo rằng tiền sẽ được chuyển đến các doanh nghiệp thực sự cần nó hơn là vào một tập đoàn lớn mà chủ sở hữu là bạn của một bộ trưởng. Nếu chính phủ nói rằng quá phức tạp để thiết lập một hệ thống giám sát như vậy giữa một đại dịch, đừng tin vào điều đó. Nếu không quá phức tạp để bắt đầu giám sát những gì bạn làm - thì cũng không quá phức tạp để bắt đầu giám sát những gì chính phủ làm.
 
Các nhà nghiên cứu tại Viện Vi sinh vật học Bundeswehr (Munich), một cơ sở nghiên cứu quân đội đã chẩn đoán ca bệnh Covid-19 đầu tiên của Đức - Ảnh: Rafael Heygster & Helena Manhartsberger (ft.com)
Các nhà nghiên cứu tại Viện Vi sinh vật học Bundeswehr (Munich), một cơ sở nghiên cứu quân đội đã chẩn đoán ca bệnh Covid-19 đầu tiên của Đức - Ảnh: Rafael Heygster & Helena Manhartsberger (ft.com)

Thứ ba, không bao giờ cho phép tập trung quá nhiều dữ liệu ở một nơi. Không cho phép trong thời kỳ dịch bệnh, và cũng không không cho phép khi dịch bệnh kết thúc. Độc quyền dữ liệu là một công thức tạo nên chế độ độc tài. Vì vậy, nếu chúng ta thu thập dữ liệu sinh trắc học trên người để ngăn chặn dịch bệnh, điều này nên được thực hiện bởi một cơ quan y tế độc lập hơn là bởi cảnh sát. Và dữ liệu về kết quả nên được giữ tách biệt với các kho dữ liệu khác của chính phủ và các tập đoàn lớn. Chắc chắn, nó sẽ tạo ra sự dư thừa và kém hiệu quả. Nhưng sự kém hiệu quả là một tính năng, không phải là một lỗi. Bạn muốn ngăn chặn sự gia tăng của chế độ độc tài kỹ thuật số? Giữ mỗi thứ ít nhất là một chút không hiệu quả.

Bàn về các chính trị gia

Những thành công chưa từng có về khoa học và công nghệ của năm 2020 không giải quyết được cuộc khủng hoảng Covid-19. Chúng đã biến dịch bệnh từ một thiên tai thành một tình thế tiến thoái lưỡng nan về chính trị. Khi dịch “Cái chết Đen” giết hàng triệu người, không ai mong đợi nhiều từ các vị vua và hoàng đế. Khoảng một phần ba tổng số người Anh đã chết trong làn sóng đầu tiên của dịch “Cái chết Đen”, nhưng điều này không khiến Vua Edward Đệ tam của Anh mất ngôi. Rõ ràng ngăn chặn dịch bệnh vượt quá khả năng của những người cai trị, vì vậy không ai đổ lỗi cho họ về sự thất bại.

Nhưng ngày nay loài người có các công cụ khoa học để ngăn chặn Covid-19. Một số quốc gia, từ Việt Nam cho tới Úc, đã chứng minh rằng ngay cả khi không có vaccine, các công cụ sẵn có vẫn có thể ngăn chặn dịch bệnh. Tuy nhiên, những công cụ này có giá kinh tế và xã hội cao. Chúng ta có thể đánh bại virus - nhưng chúng ta không chắc mình sẵn sàng trả giá cho chiến thắng. Đó là lý do tại sao các thành tựu khoa học đã đặt một trách nhiệm to lớn lên vai các chính trị gia.

Thật không may, quá nhiều chính trị gia đã không thực hiện được trách nhiệm này. Ví dụ, tổng thống theo chủ nghĩa dân túy của Mỹ và Brazil đã hạ thấp sự nguy hiểm, từ chối để ý đến các chuyên gia và thay vào đó bằng các thuyết âm mưu. Họ đã không đưa ra một kế hoạch hành động liên bang hợp lý và đã phá hoại những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của các chính quyền tiểu bang và thành phố. Sự cẩu thả và thiếu trách nhiệm của chính quyền Trump và Bolsonaro đã dẫn đến hàng trăm nghìn cái chết có thể ngăn ngừa được.

Ở Anh, ban đầu chính phủ dường như bận tâm đến Brexit hơn là tới Covid-19. Trong tất cả các chính sách phân cách của mình, chính quyền Johnson đã thất bại trong việc cô lập nước Anh khỏi một thứ thực sự quan trọng: virus. Đất nước Israel quê hương của tôi cũng đã phải chịu đựng sự quản lý chính trị yếu kém. Giống như Đài Loan, New Zealand và đảo Cyprus, Israel trên thực tế là một “quốc đảo” có biên giới khép kín và chỉ có một cửa khẩu nhập cảnh chính - Sân bay Ben Gurion. Tuy nhiên, vào đỉnh điểm của đại dịch, chính phủ Netanyahu đã cho phép du khách đi qua sân bay mà không phải cách ly hoặc thậm chí là kiểm dịch thích hợp và đã bỏ qua việc thực thi các chính sách phong tỏa xã hội.

Cả Israel và Anh sau đó đều đi đầu trong việc triển khai vaccine, nhưng những đánh giá sai lầm ban đầu của họ đã khiến họ phải trả giá đắt. Ở Anh, đại dịch đã cướp đi sinh mạng của 120.000 người, đứng thứ sáu trên thế giới về tỷ lệ tử vong trung bình. Trong khi đó, Israel có tỷ lệ trường hợp được xác nhận ca nhiễm trung bình cao thứ bảy, và để chống lại thảm họa, họ đã sử dụng một thỏa thuận “vaccine đổi dữ liệu” với tập đoàn Pfizer của Mỹ. Pfizer đã đồng ý cung cấp đủ vaccine cho Israel để đổi lấy lượng lớn dữ liệu có giá trị, làm dấy lên lo ngại về quyền riêng tư và độc quyền dữ liệu, đồng thời chứng minh rằng dữ liệu của công dân hiện là một trong những tài sản nhà nước có giá trị nhất.

Trong khi một số quốc gia thực hiện tốt hơn nhiều, nhân loại nói chung cho đến nay đã thất bại trong việc ngăn chặn đại dịch hoặc đề ra một kế hoạch toàn cầu để đánh bại virus. Những tháng đầu năm 2020 diễn ra giống như ta chứng kiến một vụ tai nạn với chuyển động chậm. Truyền thông hiện đại giúp mọi người trên toàn thế giới có thể nhìn thấy trong thời gian thực những hình ảnh đầu tiên từ Vũ Hán, sau đó từ Ý, sau đó từ nhiều quốc gia hơn - nhưng không có lãnh đạo toàn cầu nào xuất hiện để ngăn chặn thảm họa đang nhấn chìm thế giới. Các công cụ đã sẵn có ở đó, nhưng đã thường xuyên thiếu vắng sự khôn ngoan chính trị.

Sự hợp tác cần thiết

Một lý do giải thích cho khoảng cách giữa thành công khoa học và thất bại chính trị là các nhà khoa học hợp tác trên toàn cầu, trong khi các chính trị gia có xu hướng thù địch. Làm việc trong điều kiện căng thẳng và không chắc chắn, các nhà khoa học trên khắp thế giới đã tự do chia sẻ thông tin và dựa trên những phát hiện và kiến thức của nhau. Nhiều dự án nghiên cứu quan trọng đã được thực hiện bởi các nhóm quốc tế. Ví dụ, một nghiên cứu quan trọng chứng minh hiệu quả của các biện pháp phong tỏa đã được các nhà nghiên cứu từ 9 tổ chức đồng tiến hành - một ở Anh, ba ở Trung Quốc và năm ở Mỹ.

Ngược lại, các chính trị gia đã thất bại trong việc thành lập một liên minh quốc tế chống lại virus và thỏa thuận một kế hoạch toàn cầu. Hai siêu cường hàng đầu thế giới, Mỹ và Trung Quốc, đã cáo buộc nhau không giữ kín thông tin quan trọng, phổ biến thông tin sai lệch và các thuyết âm mưu, và thậm chí cố tình phát tán virus. Nhiều quốc gia khác rõ ràng đã làm sai lệch hoặc giữ lại không công bố những dữ liệu về diễn biến của đại dịch.
 
Các phòng thí nghiệm Bioscientia, nơi chẩn đoán, đánh giá và lưu trữ các xét nghiệm Coronavirus - Ảnh: Rafael Heygster (ft.com)
Các phòng thí nghiệm Bioscientia, nơi chẩn đoán, đánh giá và lưu trữ các xét nghiệm Coronavirus - Ảnh: Rafael Heygster (ft.com)

Sự thiếu hợp tác toàn cầu không chỉ thể hiện trong các cuộc chiến thông tin mà còn thể hiện nhiều hơn trong các cuộc xung đột do khan hiếm thiết bị y tế. Mặc dù đã có nhiều ví dụ về hợp tác và sự hào phóng, nhưng không có nỗ lực nghiêm túc nào được thực hiện để tổng hợp tất cả các nguồn lực sẵn có, hợp lý hóa sản xuất toàn cầu và đảm bảo phân phối nguồn cung cấp một cách công bằng. Đặc biệt, “chủ nghĩa dân tộc về vaccine” tạo ra một kiểu bất bình đẳng toàn cầu mới giữa các quốc gia có thể tiêm chủng cho toàn dân của họ và các quốc gia không thể.

Thật đáng buồn khi nhiều người không hiểu một sự thật đơn giản về đại dịch này: chừng nào virus vẫn tiếp tục lây lan ở bất cứ đâu, thì không quốc gia nào có thể cảm thấy thực sự an toàn. Giả sử Israel hoặc Vương quốc Anh thành công trong việc diệt trừ virus trong biên giới của mình, nhưng virus vẫn tiếp tục lây lan ở hàng trăm triệu người ở Ấn Độ, Brazil hoặc Nam Phi. Một đột biến mới ở một thị trấn xa xôi nào đó của Brazil có thể khiến vaccine mất tác dụng và dẫn đến một làn sóng lây nhiễm mới.

Trong tình hình khẩn cấp hiện nay, những lời kêu gọi lòng vị tha có lẽ sẽ không vượt qua nổi lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, trong tình hình khẩn cấp hiện nay, sự hợp tác toàn cầu không phải là lòng vị tha. Đó là điều cần thiết để đảm bảo lợi ích quốc gia.

Anti-virus cho thế giới

Tranh luận về những gì đã xảy ra vào năm 2020 sẽ còn vang dội trong nhiều năm. Nhưng tất cả các phe chính trị nên đồng ý với nhau về ít nhất ba bài học chính.

Trước tiên, chúng ta cần bảo vệ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của mình. Đó là sự cứu rỗi của chúng ta trong đại dịch này, nhưng nó có thể sớm trở thành nguồn gốc của một thảm họa thậm chí còn tồi tệ hơn.

Thứ hai, mỗi quốc gia nên đầu tư nhiều hơn vào hệ thống y tế công cộng của mình. Điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng các chính trị gia và cử tri đôi khi đã thành công trong việc lờ đi bài học rõ ràng nhất.

Thứ ba, chúng ta nên thiết lập một hệ thống toàn cầu mạnh mẽ để giám sát và ngăn chặn đại dịch. Trong cuộc chiến lâu đời giữa con người và mầm bệnh, chiến tuyến nằm trong cơ thể của mỗi con người. Nếu ranh giới này bị phá vỡ ở bất kỳ đâu trên hành tinh, nó sẽ khiến tất cả chúng ta gặp nguy hiểm. Ngay cả những người giàu nhất ở các nước phát triển nhất cũng có lợi ích cá nhân để bảo vệ những người nghèo nhất ở các nước kém phát triển nhất. Nếu một loại virus mới nhảy từ dơi sang người trong một ngôi làng nghèo ở một khu rừng hẻo lánh nào đó, thì trong vài ngày tới virus đó có thể xâm nhập vào Phố Wall.

Bộ khung của một hệ thống chống bệnh dịch toàn cầu như vậy đã tồn tại dưới hình dạng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và một số tổ chức khác. Nhưng ngân sách hỗ trợ hệ thống này rất ít ỏi, và nó hầu như không có lợi ích chính trị. Chúng ta cần cung cấp cho hệ thống này một số quyền lực chính trị ngầm và nhiều tiền hơn nữa để nó không hoàn toàn phụ thuộc vào ý thích bất chợt của các chính trị gia chỉ quan tâm tới lợi ích của mình. Như đã lưu ý trước đó, tôi không tin rằng các chuyên gia không được bầu chọn nên được giao nhiệm vụ đưa ra các quyết định về những chính sách quan trọng. Các quyết định đó nên được giữ lại cho các chính trị gia. Nhưng một số loại cơ quan y tế toàn cầu độc lập sẽ là nền tảng lý tưởng để tổng hợp dữ liệu y tế, theo dõi các mối nguy tiềm ẩn, nâng cao cảnh báo và chỉ đạo nghiên cứu và phát triển.

Nhiều người lo sợ rằng Covid-19 đánh dấu sự khởi đầu của một làn sóng đại dịch mới. Nhưng nếu các bài học trên được thực hiện, cú sốc của Covid-19 có thể giúp dẫn tới việc đại dịch sẽ ít phổ biến hơn. Loài người không thể ngăn chặn sự xuất hiện của các mầm bệnh mới. Đây là một quá trình tiến hóa tự nhiên đã diễn ra hàng tỷ năm và sẽ còn tiếp tục trong tương lai. Nhưng ngày nay loài người có kiến thức và công cụ cần thiết để ngăn chặn mầm bệnh mới lây lan và trở thành đại dịch.

Tuy nhiên, nếu Covid-19 tiếp tục lây lan vào năm 2021 và giết chết hàng triệu người, hoặc nếu một đại dịch thậm chí còn gây chết người hơn nữa tấn công nhân loại vào năm 2030, thì đây sẽ không phải là một thảm họa tự nhiên không thể kiểm soát và cũng không phải là sự trừng phạt từ Chúa. Đó sẽ là một thất bại về con người và - chính xác hơn - là một thất bại về chính trị.

Lan Trần chuyển ngữ, từ Đan Mạch


 
 Từ khóa: Covid-19
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn