BÀI HỌC TỪ ĐẠI DỊCH COVID-19 (Phần 1)

Thứ năm - 11/03/2021 02:45

(NCTG) “Thực tế, năm 2020 đã cho thấy rằng nhân loại đã không còn bất lực. Đại dịch không còn là sức mạnh tự nhiên không thể kiểm soát. Khoa học đã biến chúng thành một thách thức có thể kiểm soát được”.

Bóng ma ám ảnh thế giới trong 1 năm qua: virus SARS-CoV-2 - Ảnh: Internet

Bóng ma ám ảnh thế giới trong 1 năm qua: virus SARS-CoV-2 - Ảnh: Internet

Lời Tòa soạn: Đại dịch Covid-19 bùng phát cách đây hơn 1 năm đột ngột đặt Châu Âu và cả thế giới thời hiện đại vào một tính huống gần như không ai lường trước, và do đó, đã gây ra những hậu quả ghê gớm. Một năm trôi qua, cũng là dịp để bình tâm nhìn lại và rút ra những bài học, kinh nghiệm từ đại dịch cho hiện tại và tương lai.

Phân tích sau đây là của nhà sử gia nổi tiếng người Israel - ông Yuval Noah Harari, vừa được đăng tải trên tờ “Politiken” (Đan Mạch). Trân trọng giới thiệu bản dịch (gồm 2 phần) của Lan Trần, Quản trị viên (Admin) “Xứ Đan Mạch”, nhóm chia sẻ, trao đổi, tổng hợp các bài về đất nước Đan Mạch của cộng đồng nói Tiếng Việt (NCTG).

 
Sử gia Yuval Noah Harari - Ảnh: “Politiken”
Sử gia Yuval Noah Harari - Ảnh: “Politiken”

Phần 1:

Năm Covid đã nêu bật vai trò quan trọng của nhiều nghề được trả lương thấp trong việc duy trì nền văn minh của con người.

Những tháng đầu năm 2020 diễn ra giống như ta chứng kiến một vụ tại nạn xảy ra với chuyển động chậm. Cả thế giới theo dõi Coronavirus lan rộng, nhưng đã không có một nhà lãnh đạo toàn cầu nào đứng ra ngăn chặn thảm họa trên toàn cầu mặc dù đã có sẵn các công cụ ngăn chặn dịch. Nhưng thường xuyên vắng bóng sự khôn ngoan chính trị, nhà sử gia người Israel, tác giả của các tác phẩm nổi tiếng toàn cầu như “Sapiens” (Lược sử loài người), hay “Homo Deus” (Lược sử tương lai), viết.

Làm thế nào chúng ta có thể tóm lược năm Covid từ một quan điểm lịch sử rộng lớn? Nhiều người tin rằng phí tổn khủng khiếp do Coronavirus gây ra chứng tỏ sự bất lực của nhân loại trước sức mạnh của thiên nhiên. Thực tế, năm 2020 đã cho thấy rằng nhân loại đã không còn bất lực. Đại dịch không còn là sức mạnh tự nhiên không thể kiểm soát. Khoa học đã biến chúng thành một thách thức có thể kiểm soát được.

Vậy tại sao vẫn có quá nhiều người chết và nhiễm bệnh? Đó là bởi những quyết định chính trị tồi tệ.

Trong các thời đại trước, khi con người phải đối mặt với một bệnh dịch như “Cái chết Đen”, họ không biết điều gì đã gây ra dịch bệnh đó hoặc làm thế nào để ngăn chặn nó. Khi đại dịch cúm năm 1918 xảy ra, các nhà khoa học giỏi nhất trên thế giới đã không thể xác định được loại virus chết người này, nhiều biện pháp đối phó được áp dụng đều vô ích và những nỗ lực phát triển một loại vaccine hiệu quả đã không thành công.

Tới Covid-19 thì rất khác. Hồi chuông cảnh báo đầu tiên về một đại dịch mới tiềm ẩn bắt đầu vang lên vào cuối tháng 12-2019. Đến ngày 10-1-2020, các nhà khoa học đã không chỉ phân lập được virus gây bệnh mà còn giải mã được bộ gen của nó, và công bố kết quả trên mạng Internet.

Chỉ trong vòng vài tháng sau, người ta đã biết rõ những biện pháp nào có thể làm chậm và ngăn chặn các chuỗi lây nhiễm. Trong vòng chưa đầy một năm, một số vaccine hiệu quả đã được sản xuất hàng loạt. Trong cuộc chiến giữa con người và dịch bệnh, chưa bao giờ con người lại mạnh mẽ đến thế.

Nông nghiệp tự động hóa

Bên cạnh những thành tựu chưa từng có của công nghệ sinh học, năm Covid cũng nhấn mạnh sức mạnh của công nghệ thông tin. Trong các thời đại trước đây, loài người hiếm khi có thể ngăn chặn đại dịch vì con người không thể theo dõi các chuỗi lây nhiễm trong thời gian thực, và vì chi phí kinh tế của việc phong tỏa xã hội kéo dài là rất cao. Vào năm 1918, bạn có thể cách ly những người mắc bệnh cúm đáng sợ, nhưng bạn không thể theo dõi sự di chuyển của những người đang ủ bệnh hoặc không có triệu chứng bệnh. Và nếu bạn ra lệnh cho toàn bộ dân số của một quốc gia phải ở nhà trong vài tuần, nó sẽ dẫn đến sự suy sụp kinh tế, rối loạn xã hội và nạn đói lớn.

Ngược lại, vào năm 2020, giám sát kỹ thuật số giúp việc theo dõi dễ dàng hơn nhiều và xác định chính xác các vectơ truyền bệnh, có nghĩa là việc cách ly có thể được chọn lọc hơn và hiệu quả hơn. Quan trọng hơn nữa, tự động hóa và internet đã làm cho việc phong tỏa xã hội mở rộng trở nên khả thi, ít nhất là ở các nước phát triển. Trong khi ở một số nơi tại các nước đang phát triển, trải nghiệm của con người vẫn gợi nhớ về những đại dịch trong quá khứ, thì ở phần lớn các nước đang phát triển, cuộc cách mạng kỹ thuật số đã thay đổi mọi thứ.

Chẳng hạn trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong hàng ngàn năm, sản xuất lương thực dựa vào sức lao động của con người, và khoảng 90% người dân làm nghề nông. Ngày nay ở các nước phát triển điều này không còn xảy ra nữa. Ở Mỹ chỉ có khoảng 1,5% người dân làm việc trong các trang trại, nhưng việc đó không chỉ đủ để nuôi sống tất cả người dân trong nước mà còn đưa Mỹ trở thành nhà xuất khẩu thực phẩm hàng đầu. Hầu như tất cả các công việc đồng áng đều được thực hiện bởi máy móc, chúng miễn nhiễm với bệnh tật. Việc khóa cửa vì vậy chỉ có tác động nhỏ đến việc canh tác.

Hãy tưởng tượng một cánh đồng lúa mì ở đỉnh dịch “Cái chết Đen”. Nếu bạn bảo những người nông dân ở nhà vào thời điểm thu hoạch, người ta sẽ chết đói. Nếu bạn bảo những người nông dân hãy đi thu hoạch, họ có thể sẽ lây bệnh cho nhau. Vậy phải làm sao?

Bây giờ hãy tưởng tượng cùng một cánh đồng lúa mì vào năm 2020. Một máy liên hợp duy nhất được định hướng bằng GPS có thể thu hoạch toàn bộ cánh đồng với hiệu quả cao hơn nhiều và khả năng lây nhiễm bệnh bằng 0. Trong khi vào năm 1349, một người nông dân trung bình thu hoạch được khoảng 5 giạ mỗi ngày, thì vào năm 2014, một máy liên hợp đã lập kỷ lục với việc thu hoạch 30.000 giạ trong một ngày. Do đó, Covid-19 không có tác động đáng kể đến sản xuất toàn cầu của các loại cây trồng chủ lực như lúa mì, ngô và gạo.

Hàng hóa vẫn lưu thông

Để nuôi sống mọi người, con người không chỉ có việc thu hoạch ngũ cốc. Người ta cũng cần phải vận chuyển nó, đôi khi trên hàng nghìn cây số. Trong phần lớn lịch sử, thương mại là một trong những nhân vật phản diện chính trong câu chuyện về đại dịch. Các mầm bệnh chết người di chuyển khắp thế giới trên các tàu buôn và các đoàn lữ hành đường dài. Ví dụ, “Cái chết Đen” đã quá giang từ Đông Á đến Trung Đông dọc theo “Con đường Tơ lụa”, và chính các tàu buôn của người Genova sau đó đã mang nó đến Châu Âu. Thương mại gây ra một mối đe dọa chết người như vậy bởi vì mỗi một cỗ xe đều cần một người đánh xe, cần tới hàng chục thủy thủ để có thể vận hành dù chỉ là những tàu biển nhỏ, và những con tàu và nhà trọ đông đúc chính là những ổ dịch bệnh.

Vào năm 2020, thương mại toàn cầu vẫn có thể ít nhiều tiếp tục hoạt động bởi vì nó cần sự tham gia của rất ít người. Một con tàu chở container hiện nay được tự động hóa phần lớn có thể chở nhiều tấn hơn cả đội thương thuyền của cả một vương quốc hiện đại sơ khai. Năm 1582, đội tàu buôn của Anh có tổng sức chở 68.000 tấn và cần khoảng 16.000 thủy thủ. Con tàu container OOCL Hong Kong, được đặt tên vào năm 2017, có thể chở khoảng 200.000 tấn và chỉ cần đoàn 22 thủy thủ.

Quả thực, những con tàu du lịch với hàng trăm khách du lịch và máy bay chở đầy hành khách đã đóng vai trò chính trong sự lan truyền của Covid-19. Nhưng du lịch và đi lại không cần thiết cho thương mại. Khách du lịch có thể ở nhà và những người kinh doanh có thể Zoom, trong khi những con tàu ma tự động và những chuyến tàu gần gần như không người điều khiển giữ cho nền kinh tế toàn cầu vận động. Trong khi du lịch quốc tế giảm mạnh vào năm 2020, khối lượng thương mại hàng hải toàn cầu chỉ giảm 4%.

Cuộc sống tiếp diễn online

Tự động hóa và số hóa thậm chí còn có tác động sâu sắc hơn đến các dịch vụ. Vào năm 1918, không ai có thể tưởng tượng được rằng các văn phòng, trường học, tòa án hoặc nhà thờ có thể tiếp tục hoạt động trong tình trạng bị xã hội bị phong tỏa. Nếu học sinh và giáo viên ẩn náu trong nhà của họ, làm thế nào người ta có thể tổ chức lớp học? Hôm nay chúng ta biết câu trả lời. Việc đổi sang giao tiếp trực tuyến còn nhiều nhược điểm, đặc biệt gây tổn hại lớn tới tinh thần. Nó cũng đã tạo ra những chuyện trước đây không thể tưởng tượng được, chẳng hạn chuyện luật sư xuất hiện tại tòa với hình dạng con mèo (do dùng sai filter trên Zoom). Nhưng thực tế, việc những hoạt động này có thể thực hiện được quả là là đáng kinh ngạc.

Vào năm 1918, loài người chỉ sinh sống ở thế giới vật chất, và khi virus cúm chết người quét qua thế giới này, loài người không còn nơi nào để chạy. Ngày nay, nhiều người trong chúng ta đang sống trong hai thế giới - thực và ảo. Khi Coronavirus lưu hành trong thế giới vật chất, nhiều người đã chuyển phần lớn cuộc sống của họ sang thế giới ảo, nơi virus không thể bám theo.

Tất nhiên, con người vẫn là thực thể vật chất, và không phải mọi thứ đều có thể được số hóa. Năm Covid đã nêu bật vai trò quan trọng của nhiều nghề được trả lương thấp trong việc duy trì nền văn minh của con người: y tá, công nhân vệ sinh, tài xế xe tải, thu ngân, người giao hàng. Người ta thường nói mọi nền văn minh chỉ cách sự mọi rợ dăm ba bữa ăn. Vào năm 2020, những người giao hàng là lằn ranh đỏ mỏng manh giữ nền văn minh lại với nhau. Chúng trở thành huyết mạch quan trọng của chúng ta đối với thế giới vật chất.

Mạng Internet ổn định

Khi nhân loại tự động hóa, kỹ thuật số hóa và chuyển các hoạt động sang trực tuyến, nó khiến chúng ta phải đối mặt với những mối nguy hiểm mới. Một trong những điều đáng chú ý nhất của năm Covid là Internet đã không đột quỵ. Nếu chúng ta đột ngột tăng lượng giao thông qua lại trên một cây cầu vật lý, chúng ta có thể gây ra tắc đường, và thậm chí có thể sập cầu. Vào năm 2020, các trường học, văn phòng và nhà thờ chuyển hết sang trực tuyến gần như chỉ trong một đêm, nhưng Internet vẫn ổn định.

Chúng ta hầu như không dừng lại để nghĩ về điều này, nhưng chúng ta nên làm. Sau năm 2020, chúng ta biết rằng cuộc sống vẫn có thể tiếp diễn ngay cả khi cả một quốc gia phong tỏa xã hội. Bây giờ hãy thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của chúng ta gặp sự cố.

Công nghệ thông tin đã giúp chúng ta kiên cường hơn khi đối mặt với các loại virus hữu cơ, nhưng nó cũng khiến chúng ta dễ bị tổn thương hơn trước phần mềm độc hại và chiến tranh mạng. Mọi người thường hỏi: “Tiếp sau Covid là gì?”. Một cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của chúng ta là ứng cử viên hàng đầu. Phải mất vài tháng để Coronavirus lây lan khắp thế giới và lây nhiễm cho hàng triệu người. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của chúng ta có thể sụp đổ trong một ngày. Và trong khi các trường học và văn phòng có thể nhanh chóng chuyển đổi trực tuyến, bạn nghĩ chúng ta sẽ mất bao nhiêu thời gian để chuyển ngược từ thư điện tử lại sang thư gửi qua bưu điện?

Lan Trần chuyển ngữ, từ Đan Mạch - Còn tiếp


 
 Từ khóa: Covid-19
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn