Theo dõi
vụ học trò “địt mẹ” rồi tát cô giáo mới thấy rằng giáo dục là nền tảng của một xã hội văn minh. Giáo dục không chỉ đơn thuần tại nhà trường mà còn chính ngay trong mỗi gia đình. Cha mẹ có dạy dỗ và giáo dục con cái đàng hoàng thì các cháu mới có thể tôn trọng các cô thầy tại trường học.
Đừng nên bắt các thầy cô giáo phải thay thế cả phụ huynh để dạy dỗ học trò những điều mà các em lẽ ra phải được cha mẹ chỉ dạy và giáo huấn.
Một xã hội chỉ muốn phát triển, muốn có tăng trưởng về kinh tế bằng mọi giá, muốn có nhà cao tầng, đường cao tốc, xe hơi sang trọng thế chỗ cho xe đạp hay xe máy nhưng lại chưa bao giờ chú trọng đến giáo dục một cách đúng nghĩa thì cái bộ mặt thật của xã hội ấy sớm muộn cũng bị lột trần.
Giáo dục cũng không đồng nghĩa với chạy theo thành tích, tỷ lệ học sinh xuất sắc, giỏi, tỷ lệ thi tốt nghiệp cao ngất trời hay những chiếc huy chương vàng, bạc và đồng tại các kỳ thi quốc tế. Giáo dục chính là dạy dỗ, uốn nắn từ suy nghĩ, tác phong đến nhận thức để trở thành người hữu ích cho cộng đồng.
Giáo dục không chỉ đơn thuần là mở mang kiến thức cho học trò, đào tạo ra một thế hệ chỉ toàn khoa bảng, coi trọng bằng cấp. Trách nhiệm thiêng liêng của một nền giáo dục hài hoà và nhân bản là không bỏ rơi bất kỳ một đứa trẻ nào, dưới bất cứ một hình thức nào, bên ngoài cổng trường và bên lề xã hội.
Người viết có cảm tưởng rằng trong xã hội Việt Nam, nhất là dưới “
mái trường XHCN”, chỉ có chạy đua thành tích và tự sướng, tự huyễn hoặc mình vào những giá trị “
hình thức” mà quên đi thiêng chức của một nền giáo dục. Đó là một xã hội mà chỉ có “
thành công” hay “
thất bại”. “
Thành công” nghĩa là phải học giỏi, đại học này, đại học nọ, du học nơi kia. Phải là bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ.
Đó là một xã hội ít có cái nhìn bao dung đối với những ai kém may mắn trên con đường học vấn hay nghề nghiệp. Khái niệm “
học dốt” hay “
học giỏi” vẫn là thước đo giữa học trò và nhất là giữa các bậc phụ huynh với nhau. Nhà trường thì gần như bỏ mặc những học sinh bị cho là “
kém”, là “
dốt”. Họ chỉ chú trọng vào những học sinh được cho là có “
năng lực” vì chính các em này mới mang lại những con số thống kê tốt cho trường.
Một xã hội chỉ trọng thị những nghề nghiệp được cho là “
danh giá” và cố tình quên đi những thành phần làm những công việc cực nhọc, bị khinh thường và đàm tiếu.
Đó là một xã hội chỉ muốn có những kẻ khoa bảng mà quên rằng nếu không có những công việc tay chân, lam lũ của những người bị cho là “
ít học” thì cái giới “
tinh hoa” ấy sẽ tồn tại ra sao? Ai sẽ là người làm thế cho họ? Xã hội sẽ vận hành ra sao?
Không ít lần người viết chứng kiến cảnh những bậc cha mẹ người Việt tại Thụy Sĩ hăm dọa con cái bằng cách chỉ tay vào người quét rác ngoài đường và nói rằng: “
Con mà không học giỏi, con sẽ như thằng Tây này!”.
Và cũng nhiều lần vô kể, trên những cái mạng xã hội, không ít bậc cha mẹ trương bảng điểm của con cái, khoe thành tích học tập của các cháu, học giỏi vượt bậc, đỗ đại học này, đi du học nước nọ, lương cao cả trăm ngàn đô... cứ như thể cuộc đời các cháu chỉ gói gọn vào những mảnh bằng hay những danh hiệu ấy!
Còn nhân cách, còn nhận thức của các cháu về cộng đồng, về xã hội, về đất nước và cả về thế giới nữa thì tuyệt đối không hề nhắc đến. Thậm chí cha mẹ còn “
linh động” né tránh những chủ đề “
nhạy cảm” hay “
phản động” để con cái chuyên tâm “
học cho giỏi vào”, chuyện ấy đã có “
Đảng và nhà nước” lo rồi!
“
Giáo dục chân thực là làm cho mọi người TỰ suy nghĩ bằng chính khả năng của họ!”. Chắc chắn rằng nhận định trên của Noam Chomsky sẽ khiến mọi người dễ dàng đồng ý với nhau.
Nhân bản trong giáo dục chú trọng đến khía cạnh Con Người (như Vittorino de’ Rambaldoni da Feltre và Guarino de Vérone đã từng đề cập ngay từ thế kỷ 14 tại Ý) với mọi ưu và khuyết điểm để từng bước nâng đỡ học trò tìm được tiếng nói và chỗ đứng của nó trong gia đình và trong xã hội.
Một gia đình lành mạnh, một xã hội an hòa, chỉ khi mọi thành viên đều phát huy những tố chất và khả năng của họ. Bằng không, chỉ có sự băng hoại và suy đồi đạo đức dẫu chỉ toàn những kẻ thuộc tầng lớp tinh hoa trong xã hội ấy.
Nhân bản, nhân ái từ gia đình đến nhà trường và cả xã hội phải là điều kiện tiên quyết để một dân tộc thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu và xoá bỏ sự lệ thuộc vào những thể chế chính trị độc đoán và tàn bạo.
Có lẽ những người đang đảm nhiệm trọng trách xây dựng nền giáo dục “
ưu việt” tại Việt Nam cần đọc và hiểu lại lời nhắn nhủ của bà Marie Curie: “
Bạn không thể hy vọng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn mà không cải thiện những cá nhân” (
Vous ne pouvez pas espérer construire un monde meilleur sans améliorer les individus).
Không có giáo dục nhân bản thì đừng mơ mộng gì cao xa vì tất cả chỉ là điều không tưởng.
Chỉ là
utopie mà thôi!