YÊU NHAU ĐI!

Chủ nhật - 23/01/2022 14:27

(NCTG) “Thầy đã có “bệ phóng” vô cùng thuận lợi: bản thân tranh đấu cho hòa bình, chống chiến tranh trong thập niên 60. Một nhân tố mới lạ + các thông điệp yêu thương + cách PR tinh tế, khéo léo, thầy không thể không thành công trong việc tạo ảnh hưởng ở Phương Tây trong bối cảnh xã hội và văn hóa sau 1975” - góc nhìn của Hải Lý từ Canada về vai trò của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Nói và nghe những thông điệp và khẩu hiệu về tình yêu, sự an lạc... luôn là nhu cầu của Phương Tây hiện đại

Nói và nghe những thông điệp và khẩu hiệu về tình yêu, sự an lạc... luôn là nhu cầu của Phương Tây hiện đại

Nhiều năm trước, tôi bắt gặp bức tượng điêu khắc “LOVE” trong một lần đến thăm New York. Ngoài việc thấy nó đẹp và khá ấn tượng, tôi không khỏi không nghĩ đến đây là một xã hội đề cao tình yêu thương, và không chỉ là đề cao, người ta còn bị “tình yêu” ám ảnh. Nói hàng ngày những câu “I love you” không vẫn chưa đủ, người ta còn phải tạc tượng “Tình Yêu” để nhắc nhở nhau nữa cơ!

“LOVE” là tác phẩm thuộc trường phái pop art, của họa sĩ người Mỹ Robert Indiana, ban đầu được dùng trên thiệp Giáng sinh của bảo tàng Museum of Modern Art (MoMA) năm 1965. Tác phẩm này của Indiana sau đó được yêu chuộng và phổ biến rộng rãi qua phong trào hippie…

Hãy yêu nhau đi, Hãy làm tình chứ đừng gây chiến” (Make love, not war). Những thông điệp và khẩu hiệu về tình yêu đó vẫn tồn tại và được dùng cho đến ngày hôm nay. Trên bề mặt, chúng đơn giản, dễ hiểu - ai cũng nói được, ai cũng có thể dùng chúng để ghi điểm đạo đức nếu cần thiết.

Nhìn từ góc độ của chiến lược và kinh doanh, “tình yêu” và thể hiện “tình yêu” góp thành một nhu cầu lớn lao trong xã hội Phương Tây. Nếu biết khai thác khéo léo và đáp ứng được nhu cầu này thì sẽ gặt hái được nhiều ảnh hưởng và lợi ích không nhỏ. Tôi nói điều này với một sự trung dung - đây không phải là điều tốt mà cũng chẳng là điều xấu, nó đơn giản chỉ là sự cung/ cầu trong đời sống.

“Một bông hồng cho anh, một bông hồng cho em…”.

Tôi biết đến thầy Thích Nhất Hạnh từ khá sớm, lúc bố mất - khi ấy tôi khoảng 15, 16 tuổi. Trước đó, tôi có nghe về thầy, nhưng không chú ý nhiều. Sau khi bố qua đời thì tôi muốn tìm hiểu thêm về đạo Phật, và được chỉ dẫn, “Con hãy đọc sách của thầy Nhất Hạnh đi, hay lắm!”. Thế là tôi mua các sách của thầy về đọc - đọc cả tiếng Anh lẫn Việt.

Bàng bạc trong các sách của thầy là những nhấn mạnh về tình yêu thương, là sự an lạc/ tỉnh thức trong giây phút hiện tại, là hòa bình thế giới. Những thông điệp này rất bình dị, dễ hiểu, thích hợp cho đứa học trò mới chập chững tập tìm hiểu về đạo Phật như tôi.

Ban đầu, tôi thấy sách của thầy cũng hay hay, nhưng càng đọc nhiều về sau, đứa học trò trong tôi càng nổi loạn: tôi trở nên buồn ngủ khi giở ra trang sách của thầy. Tạm để sách thầy qua một bên, tôi đọc thêm nhiều tác giả khác: Đức Đạt Lai Lạt Ma, Sogyal Rinpoche, Pema Chödrön, v.v… Tất cả đều không dở, và mỗi tác giả/ sách đều có điểm khiến tôi nghĩ ngợi.

Nhưng cũng như các sách của thầy Nhất Hạnh, tất cả đều không để lại ấn tượng sâu sắc gì trong tôi - trừ quyển hồi ký của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 kể về quê hương của ngài đã bị Trung Quốc chiếm đóng và người dân Tây Tạng phải chịu lưu đày như thế nào. Cuốn hồi ký đó là một trong những động lực khiến tôi lên tiếng cho người Tây Tạng mỗi khi có dịp trong những năm trung học.
 
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã mang lại đúng những gì mà Phương Tây muốn nghe - Ảnh: Làng Mai
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã mang lại đúng những gì mà Phương Tây muốn nghe - Ảnh: Làng Mai

Trở lại nói về sách và thông điệp của thầy Nhất Hạnh… Chúng đơn giản, dễ hiểu, nhưng khi càng tìm hiểu sâu về đạo Phật, tôi càng thấy chúng nhàn nhạt, lạt lẽo như nước ốc. Tôi không mưu cầu tìm sự giải thoát hay giác ngộ, nhưng với tôi, đạo Phật không nên chỉ là như thế.

Đọc thầy, tôi không thấy mình có thay đổi gì trong tâm thức. Tôi không cảm thấy mình như đóa sen bừng nở được khai sáng. Có lúc, tôi cảm thấy thất vọng về mình. Tại sao số đông trông có vẻ “cảm” được các thông điệp của thầy, nhưng tôi thì không?

Sau này, tôi có duyên được tiếp cận với đạo Phật qua một con đường khác, nhưng tôi chưa muốn nhắc đến ở đây.

Khi nghe tin thầy mất, tôi không có cảm giác gì. À thôi, một người vừa nằm xuống, cũng là mong họ đến bờ Tịnh độ bên kia.

Người ta nói về thầy như một vĩ nhân. Người ta đem sự ủng hộ thầy từ các vị như Martin Luther King, Đạt Lai Lạt Ma, v.v… để minh chứng cho sự vĩ nhân này. Người ta đưa con số hàng ngàn đệ tử cùng rất nhiều tăng, ni từ các nước Âu Mỹ đã tìm đến thầy như những đứa con lạc lõng tìm về nơi trú ẩn an toàn.

Còn tôi, đơn giản chỉ thấy là thầy đã đáp ứng được một nhu cầu quan trọng của một số đông trong xã hội Âu Mỹ, đó là nhu cầu được nghe, giảng về “tình yêu”.

Thầy đã có bệ phóng vô cùng thuận lợi: bản thân tranh đấu cho hòa bình, chống chiến tranh trong thập niên 60. Một nhân tố mới lạ + các thông điệp yêu thương + cách PR tinh tế, khéo léo, thầy không thể không thành công trong việc tạo ảnh hưởng ở Phương Tây trong bối cảnh xã hội và văn hóa sau 1975.

Đến cuối cùng, tuy đã đọc bao nhiêu sách, bao nhiêu thông điệp của thầy trong một thời gian khá dài, hiện giờ tôi không còn nhớ cụ thể thầy đã nói những gì, chỉ có nhớ mỗi câu hát trong bài “Bông Hồng Cài Áo” mỗi độ Vu Lan về: “Một bông hồng cho anh, một bông hồng cho em…”.

Nếu có ai trách móc tôi sao không cảm thấy thông điệp về yêu thương của thầy là hay, chắc tôi sẽ chỉ đáp xuôi xị: “Thôi các bạn hãy yêu nhau đi, và để tôi yên”.

Hải Lý, từ Canada


 
 Từ khóa: Thích Nhật Hạnh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn