Từ cuộc chiến Ukraine: NGHĨ VỀ NGÀY 17 THÁNG HAI

Chủ nhật - 13/03/2022 04:10

(NCTG) “Không còn nghi ngờ gì nữa, dù cuộc chiến tranh nào cũng đem lại đau thương nhưng với nhân dân Việt Nam tháng Hai 43 năm trước, với nhân dân Ukraine bây giờ, cả hai cuộc đều là “Chiến tranh Vệ quốc” theo đúng nghĩa đầy đủ nhất của từ đó” - phân tích của tác giả Phúc Lai từ Hà Nội.

Có gì giống giữa cuộc chiến biên giới tháng 2/1979 và cuộc chiến Ukraine hiện tại? - Ảnh: laodong.vn

Có gì giống giữa cuộc chiến biên giới tháng 2/1979 và cuộc chiến Ukraine hiện tại? - Ảnh: laodong.vn

Những ngày cuối tháng Hai, sau bốn mấy năm cuộc Chiến tranh biên giới Việt – Trung tưởng đã lùi xa, thì những ký ức về nó lại được đánh thức dậy bởi một cuộc chiến tranh khác mà nó tưởng giống mà khác, tưởng khác mà rất giống.

Ngay lập tức, người Việt Nam với tư cách là dân một nước ở thế yếu, so sánh ngay cuộc chiến ở Ukraine như một quá trình tất yếu của nhận thức. Điều này hoàn toàn không khó khăn vì nó hết sức minh bạch với logic thông thường. Đó là lý do nhẽ ra tôi không có ý định viết bài này, nhưng gần đây có một “ngôi sao cõi mạng”, một KOL, một luật sư lại lên tiếng phản đối những ai so sánh hai cuộc chiến này với nhau.

Xuất phát điểm của anh này khá đơn giản: anh ta đứng về phía Nga, bảo vệ cuộc chiến tranh của Nga nhưng vẫn muốn tỏ ra là người yêu nước (Việt Nam). Do đó anh ta muốn phân biệt sự khác nhau giữa hai cuộc chiến tranh này, tiếc là việc giống nhau của chúng quá hiển nhiên nên luật sư, đáng nhẽ ra là người được trang bị hoặc tự trang bị tư duy logic nhất, sa vào ngụy biện.

Tôi không có ý định công kích cá nhân, thậm chí muốn cảm ơn cái anh này vì đã tạo điều kiện cho tôi viết được một bài so sánh về hai cuộc chiến tranh, tất nhiên nó sẽ khô khan chứ không được cảm xúc cho lắm.

Luận điểm chủ yếu của anh luật sư là:

+ Thứ nhất: “Vào năm 1979, khi quân Trung Quốc xâm lược Việt Nam, Việt Nam đã chiến đấu trên từng mét biên giới chứ không phải để quân xâm lược sau 2 ngày đã tiến tới và bao vây thủ đô”.

+ Thứ hai: “Chúng tôi không xin xóa nợ, không xin gia nhập NATO hay EU để hy vọng họ bảo vệ mình”.

+ Thứ ba: “Chúng tôi đã chiến đấu để buộc cho quân Trung Quốc phải tự rút lui”.

+ Thứ tư: “Còn về chuyện cô đại biện Ukraine khuyên Việt Nam nên làm gì thì tôi nói thẳng là Ukraine chẳng có tư thế gì để khuyên chúng tôi trong chuyện giữ gìn ổn định đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, duy trì hòa bình và thậm chí cả phát triển kinh tế. (nói nhỏ một chút là cô ấy nên mất 2 phút để tìm hiểu quy mô kinh tế của Ukraine so với Việt Nam hiện nay như thế nào trước khi khuyên chúng tôi nhé). Đời đúng là kiếm củi hữu nghị 30 năm rồi thiêu trong 1 giờ”.

+ Thứ năm: “Rất nhiều người Việt Nam, trong đó có tôi yêu quý đất nước và con người Ukraine… Chúng tôi nhớ rõ là người Ukraine, người Nga và rất nhiều dân tộc khác của Liên bang Xô-viết đã giúp đỡ chúng tôi trong chiến tranh chống Mỹ. Thế nên khi các bạn giật đổ tượng Lê Nin, phá bỏ chính lịch sử của các bạn bằng cách dí bòi vào Liên bang Xô-viết, chúng tôi nhịn vì nghĩ cha ông họ mà họ còn giật đổ thì mình có quyền gì mà nói.

Thế nhưng, dù các bạn làm chuyện đó, chúng tôi vẫn yêu quý các bạn vì các bạn là con cháu những người đã giúp Việt Nam chống Mỹ. Tuy vậy, các bạn đừng buộc chúng tôi phải chọn giữa ủng hộ con cháu những người Ukraine và con cháu những người Nga - vì chúng tôi, với lòng yêu quý cha ông các bạn - chúng tôi không muốn phải chọn.

Nếu anh em các bạn muốn giết nhau vì bất kỳ lý do gì - và thực sự đã giết nhau từ năm 2014 tới nay, thì cứ việc làm thế - nhưng đừng lôi chúng tôi vào cuộc chém giết đó
”.

Chúng ta sẽ nói sâu vào bản chất của hai cuộc chiến tranh, để xem anh ta ngụy biện như thế nào nhé.

+ Một. Cả hai cuộc chiến tranh đều phải hứng chịu những quy kết: 

Ukraine đàn áp người nói tiếng Nga – Việt Nam đàn áp người Hoa. Thực tế đang diễn ra ngược lại: rất nhiều người tỵ nạn từ Đông Ukraine sang Châu Âu trong những ngày vừa qua là những người Ukraine “chỉ nói tiếng Nga”. Nếu có cái gọi là “đàn áp” thì chỉ là những giao tranh trên hai vùng ly khai Donetsk và Lugansk mà ai cũng biết là do Nga đứng sau đạo diễn.

Ukraine phục hồi chủ nghĩa phát-xít – Việt Nam tham vọng thành lập Liên bang Đông Dương, có những hành động diệt chủng người Khmer ở Campuchia. Về việc Ukraine có phục hồi chủ nghĩa phát-xít hay không xin đọc lại bài của tôi “Tôi, đất nước và cuộc chiến ở Ukraine”.

Ukraine dám có ước vọng đi với Phương Tây, muốn vào NATO, EU… – Việt Nam bội bạc, dám dựa hẳn vào Liên Xô. Việc Ukraine ghi chiến lược là phấn đấu gia nhập NATO vào Hiến pháp có thể coi là hành động đường đột đi, nhưng hoàn toàn không có nghĩa là ông được quyền mang quân đội đến gây chiến tranh, tàn phá đất nước người ta.

+ Hai. Cả hai cuộc chiến đều có có xác định về quy mô là xung đột hạn chế đặc biệt về thời gian, tuy có thể có những mục đích khác nhau, như với Ukraine Putin thực sự muốn có thay đổi chế độ bằng sức ép quân sự kết hợp với nổi dậy, đảo chính bên trong. Với Việt Nam, Trung Quốc muốn “dạy cho bài học”; cả hai đều “xong rồi rút”.

+ Ba. Hai cuộc chiến có thể có những diễn biến khác nhau, do một số lý do mà anh luật sư bám vào đó để biện bạch. Cuộc chiến biên giới năm 1979 vì mục đích là “dạy cho Việt Nam một bài học” nên chỉ đánh ở mức độ không vào quá sâu nhưng trải dài trên toàn tuyến biên giới và có tính chất phá hoại hạ tầng. Cuộc chiến tranh Nga tiến hành ở Ukraine lúc đầu xác định chỉ thay đổi chế độ nên đánh thọc sâu áp sát các thành phố chính, đặc biệt là uy hiếp thủ đô để gây hoảng sợ hòng thay đổi chế độ.

Có một điểm khác giữa hai cuộc chiến là tương quan quân sự của hai bên về “chất”: Trung Quốc vào thời điểm đó có một quân đội đông đảo nhưng bần cùng, lâu không tham gia bất cứ một cuộc xung đột nào; còn Việt Nam thì vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh 20 năm. Trung Quốc đánh bằng sức người với vũ khí lạc hậu, Việt Nam giai đoạn đầu cầm cự bằng du kích nhưng giai đoạn sau thì vượt trội về cả phương pháp tác chiến lẫn vũ khí.

Đó là lý do Nga dùng chiến thuật thọc sâu bằng lực lượng xe tăng cường tập vào tận thủ đô Ukraine – vốn là hướng yếu và bất ngờ vì yếu tố Belarus cho mượn đất và hạ tầng xuất phát. Nếu Trung Quốc năm 1979 cố gắng đánh để đạt được một “chiến thắng có thể tuyên bố” ví dụ như chiếm Hà Nội, chắc chắn sẽ là một biển máu núi xương cho cả hai bên, đặc biệt là quân Trung Quốc.

Điểm giống là trong từng giai đoạn cuộc kháng chiến cho Việt Nam tiến hành vẫn luôn mang tính chất chiến tranh nhân dân và du kích. Một điểm giống nữa là độ thiện chiến và chất lượng vũ khí vượt trội của Việt Nam so với Trung Quốc, Ukraine so với Nga.
 
Ukraine trở thành chiến lũy chống quân xâm lược - Ảnh: Emin Sansar (Anadolu Agecy)
Ukraine trở thành chiến lũy chống quân xâm lược - Ảnh: Emin Sansar (Anadolu Agecy)

Có một điểm khác biệt rất lớn giữa hai cuộc chiến tranh là, khi Trung Quốc tấn công Việt Nam thì đó là hành động được đánh giá là “món quà” của Trung Quốc dâng lên Hoa Kỳ, một dạng “giả vờ” đi theo thế giới văn minh. Thật ra đó là âm mưu thâm độc của Trung Quốc, đầu tiên là muốn thoát khỏi cái thế chư hầu của Liên Xô trong phong trào cộng sản quốc tế, và sau đó là tiến lên thành cường quốc thế giới.

Còn Việt Nam thì ngược lại, như anh luật sư này so sánh: lãnh đạo nước tôi không “lên mạng khóc lóc”, – không những không mà còn tiếp tục lên gân muốn đóng tiếp vai trò của “người lính trên tuyến đầu chống đế quốc”. Hậu quả của nó là đất nước tiếp tục bị cô lập cho đến mười mấy năm sau, kẹt trong nghèo nàn và lạc hậu. Không phải lúc nào đất nước có lãnh đạo “đầu gấu” cũng là hay ho. Tiếc là anh luật sư do trình độ chính trị non kém nên không viết ra được điều này. Thực chất khi anh ta viết, tâm địa anh ta uất hận và giận dữ, tâm lý cuồng tín với Nga Putin dẫn anh ta tới sai lầm. 

Anh luật sư lớn giọng chửi mắng bà Đại biện Lâm thời Ukraine “dám lên giọng dạy dỗ”, thì phải nói là đất nước đang ở trong giai đoạn chiến tranh, người ta không nói thế mới là lạ, trước cái thái độ “đu dây” của Việt Nam. Chúng ta nên nhớ là Ukraine đã ủng hộ Việt Nam trong vấn đề biển Đông như thế nào mấy năm trước đây. Không nên lôi mấy cái thành tựu kinh tế ra, ai hiểu biết cũng rõ là chỉ cần SAMSUNG rút nhà máy khỏi Việt Nam là con số sẽ thay đổi như thế nào.

Còn về việc Ukraine đã giúp đỡ Việt Nam trong chiến tranh “như Nga” và “cùng là Liên Xô” thì có lẽ, đó là điều mà hiện nay Ukraine ít nhắc nhất, thậm chí hoàn toàn không nhắc nhở gì trong quan hệ hai nước. Điều thú vị là cả phía “ta” cũng chẳng nhắc gì đến công ơn này cả, mà mặc định công ơn thuộc về Nga. Ngụy biện đã lên đến mức thượng tầng xã hội chứ không chỉ ở mức luật sư.

Còn với những người hiểu biết và có lương tri, đều hiểu đó là một cuộc chiến không đáng có xuất phát từ những sai lầm của cả chủ nghĩa cộng sản lẫn chủ nghĩa chống cộng, đều muốn tiêu diệt nhau bằng chiến tranh. Giờ này còn ngồi ca ngợi cuộc chiến dù từ phía bên nào, là quá u mê.

Đáng tiếc là anh luật sư phạm một sai lầm nghiêm trọng về kiến thức lịch sử: gọi Lenin là “cha ông của người Ukraine”. Người đã nghiên cứu về vấn đề này rồi sẽ hiểu về “Nhà nước cổ Kyivan-Rus” trong đó dân tộc Ukraine là sắc dân chính, người Nga chỉ là thiểu số. Sau khi Nhà nước này bị Mông Cổ tiêu diệt, rồi suy vong mới đến sự ra đời của Công quốc Mátxcơva. Điều đáng tiếc nhất là người Nga ôm ngay lấy hậu tố “Rus” và người Ukraine đánh mất nó. Nhưng dân tộc Ukraine, tiếng Ukraine, những vùng đất sinh sống chính của người Ukraine vẫn tồn tại.

Còn Lenin thì đáng tiếc, chẳng phải là cha ông của cả người Ukraine lẫn người Nga. Ông ta là người lai giữa Đức và Kalmyk (Can-mức, một tộc dân Mông Cổ nay sống trên lãnh thổ Liên bang Nga). Ở đây chúng ta sẽ nói kỹ một chút về điểm bấu víu của Putin khi đổ lỗi cho Lenin “tạo ra quốc gia Ukraine” – ý tưởng của Lenin để giải quyết vấn đề dân tộc đối với “Đế chế đỏ” mới do ông ta lập ra, thực chất là những thuộc địa cũ của nước Nga Sa hoàng. Do đó ông ta đưa ra ý tưởng Nhà nước liên bang, mà rất nhiều vùng đất chỉ là sự tập trung của một dân tộc, chứ chưa hình thành Nhà nước.
 
Trong khi đó ngay sau cách mạng tháng Hai 1917 ở Ukraine người ta đã tuyên bố độc lập và sau đó tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ nền độc lập này cho suốt đến năm 1922, thậm chí miền Tây Ukraine còn tiếp tục chống lại chính quyền Xô-viết cho mãi đến sau nạn đói do Stalin gây ra. Có thể kể những người đứng đầu chính quyền Ukraine chống lại Nga Xô-viết như: Symon Petliura, Mykhailo Hrushevsky, Oleksander Hrekov, Yevhen Petrushevych, Mykhailo Omelianovych-Pavlenko.

Sử Liên Xô và Nga bây giờ vẫn gọi cuộc chiến tranh này là “nội chiến” và lực lượng quốc gia Ukraine là “bọn phỉ”. Thực chất đó là quá trình tái lập lại nước Ukraine đã tồn tại từ trước quốc gia của người Nga. Putin kế thừa những người Xô-viết, muốn viết lại lịch sử như vậy đó.

Thật ra đọc những lời lẽ bẩn thỉu của anh luật sư (sử dụng cả cơ quan sinh dục để mạt sát người khác) tôi cũng không muốn phải lên tiếng làm gì, nhưng đây cũng là cơ hội để nói một chút để chúng ta cùng hiểu rõ ràng hơn nhiều sự kiện lịch sử (và có cảm ơn anh ta rồi). Thực sự khi nhận được ý kiến của một người bạn Facebook: bài viết của anh ta như thế mà “kiếm” được cả vài nghìn cái “like” – tôi nói: “Phật đã chỉ ra rồi: chúng sinh là mê”.

Lời nói đàng hoàng, ít khi người ta nghe ra mà tán thưởng lắm, vì dù “nhân chi sơ tính bản thiện và bản ác” cùng tồn tại, nhưng cái u mê luôn thường trực dẫn người ta về phía sai lầm. Ví dụ ngay như cuộc chiến tranh này, người ta bám ngay lấy cái tuyên truyền lâu nay “cứ Nga là đúng, là hòa bình, “cứ Putin là lỗi lạc” và tìm bằng được những lý luận để biện minh; trong khi đó quên ngay một điều sơ đẳng là “không có gì biện minh được cho một hành động gây chiến tranh”.

Một status bẩn thỉu và thù hận như thế, càng nhiều tán thưởng thì càng lôi cả người viết lẫn người hoan hô về phía địa ngục. Không còn nghi ngờ gì nữa, càng nhiều tán thưởng của những tâm hồn hiếu chiến, nghĩa là những kẻ gây chiến đang trên con đường thất bại rõ ràng rồi. 

Lại không còn nghi ngờ gì nữa, dù cuộc chiến tranh nào cũng đem lại đau thương nhưng với nhân dân Việt Nam tháng Hai 43 năm trước, với nhân dân Ukraine bây giờ, cả hai cuộc đều là “Chiến tranh Vệ quốc” theo đúng nghĩa đầy đủ nhất của từ đó.

Sau này và mãi sau này, sự trùng hợp tình cờ là hai ngày chỉ cách nhau có một tuần, sẽ giúp người Việt Nam yêu nước, yêu hòa bình và ghét sự áp bức lại có dịp để kỷ niệm, nhắc nhau về những sự kiện đáng nhớ đã qua.

Chúng ta sẽ nhắc nhau rằng, đấy, đã từng có những thế lực hắc ám, dù biện minh bằng cách nào thì cũng đã đi lại với nhân loại văn minh và cướp đi bao nhiêu sinh linh nhân mạng. Nhưng thế giới văn minh có lương tri đã không để chúng đạt mục đích.

Phúc Lai, từ Hà Nội


 
 Từ khóa: Ukraine
Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 7 đánh giá
Xếp hạng: 3.6 - 7 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn