Mỗi buổi sáng trong tuần, Jane, cô học sinh trung học năm thứ 3 thức dậy lúc 6 giờ khi trời vẫn còn tối mịt. Em ăn một chiếc bánh mì bơ mẹ mua sẵn từ hôm trước, uống một cốc sữa milo, rồi khoác lên vai cái ba lô đựng sách, máy tính bảng, máy tính cá nhân, hộp bút, nặng khoảng 7kg, mở cửa bước xuống bến xe bus tới trường khi trời vẫn tối. Đoạn đường từ nhà đến trường là 35 phút, trên xe buýt cũng toàn học sinh như Jane, các em tranh thủ… ngủ.
Các trường phổ thông ở Singapore bắt đầu buổi học hàng ngày lúc 7 giờ 30 phút sáng đến gần 2 giờ chiều. Nhưng đối với Jane, ngày học chưa kết thúc lúc 2 giờ. Em chỉ có một lúc nghỉ ngơi ăn trưa ở nhà, hay ngay tại căng tin nhà trường, rồi tiếp tục đến các lớp học thêm, học theo nhóm, làm dự án, hay tự đọc sách tham khảo đến tận khuya.
Jane không phải là trường hợp cá biệt của áp lực học hành gần như vắt kiệt sức của học sinh. Hầu hết các bạn cùng lớp em đều như vậy. Các bạn lớp khác cũng thế. Các bạn cùng lứa với em ở các trường phổ thông khác cũng cùng chung một “thời gian biểu” như vậy.
Khi nghe những phàn nàn của bạn bè tôi ở Việt Nam về những stress của họ đối với việc học hành của con cái, đôi lúc cả những chỉ trích của người ngoài cuộc về trách nhiệm của gia đình khi xảy ra nhiều tình cảnh rất đáng thương của học sinh Việt Nam, tôi nghĩ mình nên chia sẻ câu chuyện về áp lực học hành của học sinh Singapore để chúng ta có cái nhìn thông cảm hơn, có trách nhiệm hơn, động viên nhiều hơn thế hệ trẻ là tương lai của đất nước.
Vào mỗi dịp Quốc khánh, trong "Thông điệp Quốc gia" gửi tới toàn dân chúng Singapore, ngài Thủ tướng của đảo quốc có dân số ít ỏi hơn 5 triệu dân và diện tích lãnh thổ hơn 700km vuông này đều nhấn mạnh: người dân Singapore phải luôn luôn giữ được tính cạnh tranh với thế giới, vì tốt và giỏi chỉ ở trong Singapore là không đủ.
Những gì Singapore đã và đang thành công, như có cảng biển hiện đại nhất thế giới, sân bay hiệu quả nhất thế giới, dịch vụ y tế tốt nhất thế giới, trung tâm tài chính năng động loại nhất thế giới, giáo dục được đánh giá cao trên thế giới… thì luôn có quốc gia khác đang và sẽ làm tốt hơn. Singapore không có tài nguyên thiên nhiên như những quốc gia khác, do vậy người Singapore phải luôn phấn đấu hơn, nỗ lực hơn nữa để tồn tại và phát triển.
Chính vì vậy mà sức ép từ giáo dục, đào tạo, học hành và thành tích khoa học kỹ thuật đặt lên các thế hệ học sinh Singapore dĩ nhiên rất lớn. Kết quả thế nào?
Học sinh Singapore luôn đạt thứ hạng cao nhất trong đánh giá PISA của tổ chức OECD. Các trường dự bị đại học (junior college) của Singapore như Hwachong, Rafles… luôn được những trường đại học tốt nhất thế giới săn đón. Singapore có hai trường đại học công lập được đánh giá hàng đầu của Châu Á và loại tốt nhất trên thế giới.
Rõ ràng người Singapore quan niệm là không nỗ lực học hành có đủ kiến thức thì làm gì cũng khó, chứ đừng nói là làm tốt, giỏi hơn những người khác để thành công.
Có nhiều ý kiến cho rằng Singapore, cũng như Việt Nam và các nước Châu Á chịu ảnh hưởng của Khổng giáo và Nho giáo, coi trọng chuyện học hành (khác với coi trọng bằng cấp). Trong khi ở các nước Phương Tây, dưới ảnh hưởng của một thế hệ các nhà giáo dục theo chủ nghĩa Khai phóng (liberal education), khá nhiều giảng viên và sinh viên trở nên “lười” đi.
Tôi nghe nói sinh viên bản xứ tìm cách tránh các khóa, các lớp có học viên Châu Á theo học, vì ngại cạnh tranh. Ở Hoa Kỳ, Canada, Úc…, sinh viên đến từ các nước Châu Á như Trung Quốc, Việt Nam… tương đối dễ dàng đứng đầu lớp so với các bạn sinh viên bản xứ.
Quay trở lại, áp lực học hành căng thẳng ở Singapore có mang lợi lợi ích gì cho đất nước này, liệu có phải hy sinh những mối quan hệ gia đình, xã hội, sự phát triển của trẻ em. Và nếu nó đem lại sự hưng thịnh của quốc gia, như người xưa vẫn nói “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, thì xã hội, cộng đồng và nhà nước có chính sách gì để động viên, khuyến khích, hỗ trợ cho các em học sinh?
Tôi quan sát thấy trừ các em học sinh lớp 1, lớp 2 tiểu học còn mải chơi, bố mẹ phải nhắc nhở, thì học sinh lớp 3 trở lên ở các trường Singapore đã tự giác và đến lớp 5, là năm chuẩn bị cho thi tốt nghiệp tiểu học, các em đã chủ động thu xếp thời gian và khối lượng học hành của bản thân mình khá tốt, bố mẹ các em hầu như không phải can thiệp, theo dõi hay quản lý chuyện học hành mỗi ngày của các em.
Học sinh Singapore chịu đựng được một sức ép học hành nặng nề như vậy, vì có môi trường xung quanh ủng hộ.
Thứ nhất, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường Singapore được cho là rất chặt chẽ, có trách nhiệm rõ ràng vì học sinh.
Thứ hai, các quyết sách về giáo dục của chính quyền được đánh gia có tính toàn diện, được nghiên cứu cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố chứ không có tính chất “thử nghiệm” tạm thời.
Thứ ba, chương trình đào tạo được xây dựng theo mục tiêu cụ thể để đạt mục đích cụ thể, ví dụ dành nhiều thời lượng hơn vào các môn toán, khoa học và công nghệ, dạy học theo chiều sâu chứ không đưa nhiều môn học vào cùng một lúc.
Thứ tư, khác với các nước Phương Tây, Singapore vẫn duy trì cách giáo dục truyền thụ, người giáo viên có vai trò quan trọng nhất và được chủ động cách thức giảng dạy.
Thứ năm, Singapore xây dựng được đội ngũ giáo viên, giảng viên có trình độ cao, được đãi ngộ rất tốt, được bồi dưỡng kiến thức mới và kiểm tra năng lực thường xuyên.
Cuối cùng, quan trọng nhất là xã hội Singapore là một xã hội trọng nhân tài, đánh giá mỗi cá nhân theo năng lực bản thân. Không có chuyện lý lịch tốt hơn vì là con ông cháu cha, lại càng không có chuyện học giả bằng thật, học hộ hay đi mua bằng cấp. Năng lực, kiến thức của học sinh có được phải từ chính sự chuyên cần của cá nhân các em. Cũng đúng khi nói rằng không có con đường nào khác để có được tri thức, có kiến thức tốt ngoài nỗ lực học hành.
Vì thế mà Singapore từ một quốc gia thuộc thế giới thứ ba đã tiến lên địa vị thế giới thứ nhất, một quốc gia phát triển, thịnh vượng trong một thời gian ngắn, không hề bằng khai thác tài nguyên thiên nhiên, mà bằng khai thác tốt tài nguyên con người.
Tôi cho rằng sự phát triển nào cũng có cái giá của nó. Để thành một quốc gia hiện đại, văn minh, những nhà quản lý giỏi, những giáo sư bác sĩ hàng đầu thì Singapore cũng là một xã hội mệt mỏi nhất thế giới (fatigue country) với chỉ số 7,2/10, thiếu ngủ nhất thế giới, stress nhất thế giới, theo đánh giá của Google và Statistika.
Song tôi cũng tin rằng Jane, cũng như các bạn của em chọn áp lực học hành lúc này, khi các em con trẻ, đầy năng lượng và hứng thú tìm tòi, hiểu biết, để luôn có cơ hội cho nghề nghiệp và phát triển cá nhân của các em sau này trong một xã hội hiện đại, cạnh tranh.
Việc người lớn chúng ta cần làm, là ủng hộ các em trong lựa chọn của mình, đừng ca thán và đừng đổ lỗi. Tất cả, vì tương lai con em chúng ta.