(NCTG) “Tất cả rồi cũng sẽ qua, không có gì tồn tại vĩnh viễn, cả hòa bình lẫn chiến tranh, và ngày mai hoa hướng dương sẽ vẫn nở trên đất đen Ukraine, như hoa đào hoa mai vẫn nở mỗi khi xuân về ở Hà Nội và Sài Gòn” - tác giả Phúc Lai từ Hà Nội.
“Giữa tôi và Sài Gòn có một sợi dây kết nối rất mong manh...”.
Là người cả đời gắn bó với Hà Nội, thời gian tôi đến với Sài Gòn chỉ luôn luôn như những cuộc thăm qua đường, dù cũng đã từng có lúc cú “qua đường” ấy nó kéo dài đến cả tháng trời. Tuy những cuộc thăm đó là ngắn ngủi, nhưng với tôi cũng đã hiểu được tại sao người ở đây hay nói “Sài Gòn chợt mưa chợt nắng…”.
Với tôi, Sài Gòn luôn luôn có một cái gì đó thân thương và yêu quý, nhưng không phải từ góc độ một thành phố tân kỳ hiện đại. Sài Gòn gợi nên cho tôi những ý nghĩ của sự tưởng tượng về những gì đã không đến trong thực tại. Năm 1954, gia đình tôi đã xuống Hải Phòng chuẩn bị “lên tàu đi Nam” nhưng vì bà ngoại tiếc mấy cái nhà – mà bây giờ phải gọi là biệt thự mới đúng do ông ngoại mới mua và xây trong vài năm đầu của thập niên 1950 mà tất cả đã quay trở lại. Đó là một hành động mà sau này, đã để lại những hối tiếc ghê gớm vì những năm của ông trong trại cải tạo và những khó khăn của từng thành viên của gia đình trên bước đường đời.
Những chuyện đó với tôi, không được chứng kiến, nên cũng chẳng thành vấn đề. Tôi sinh ra khi cuộc chiến tranh đã sắp kết thúc. Dù sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nhưng tôi lại được sống trong một bầu không khí gia đình rất lạ: ông bà tôi vẫn cố duy trì những nếp sống của thời trước, khi ông còn là một công chức cấp cao trong chính quyền của người Pháp.
Không khí đó, nếp sống nó không chỉ được duy trì trong gia đình tôi, mà còn trong rất nhiều gia đình Hà Nội còn sót lại hay “bị kẹt lại” bạn bè của ông bà. Có những người chưa bao giờ to tiếng với người làm trong nhà, thì bây giờ phải chia những căn phòng đẹp nhất cho họ kéo vợ chồng con cái từ quê lên… và ở thời đại mới người được quyền to tiếng lại là những người nhà của họ mới ở quên lên đó.
Nhìn những “người cũ” cố duy trì nếp sống cũ, không hẳn là sự nuối tiếc dù rõ ràng nhìn họ cũng chẳng khác gì những cây sậy trong làn gió của sự đổi thay. Trước làn sóng của những con người mới đến, họ phải thu mình lại và khi bị tấn công, có lẽ họ “phản công” lại một cách thầm lặng giữ mình, giữ cho mình nếp sống cũ không bao giờ thay đổi.
Vì thế, chỉ cách đây vài năm khi đọc một bài báo tả về hai ông cụ bà cụ cùng các con vẫn cố giữ nếp sống Hà Nội “xưa” (trước 1954) – tôi đã xúc động và khi đọc câu comment của một người nào đó chê bai là “đã không có tiền lại còn cố bấu víu vào cái nếp sống cổ hủ…” tôi thấy sợ. Họ là những người mới mà chúng tôi không theo được, và họ cũng không hiểu được những gì chúng tôi đang cố giữ.
Đến đây bạn đọc chắc hẳn tự hỏi, tay hâm đơ này định viết về Sài Gòn, mà sao cứ sa đà với Hà Nội mãi thế…
Lần đầu tiên đến với Sài Gòn tôi còn nhỏ quá, chưa nhớ được gì nhiều, nhưng đến khi bước vào tuổi thanh niên được quay lại thành phố, tôi bắt đầu nhận ra nó có nhiều điều thân thuộc với mình hơn mình vẫn tưởng. Hành trình đầu tiên đi tìm căn biệt thự mà anh ruột của ông ngoại tôi đã mua sẵn để chờ cả nhà tôi vào ở. Mãi trong 20 năm nó được gia đình ai đó trông nom và đến sau năm 1975, do gia đình đình anh của ông tôi đã không còn ở thành phố nữa, nó được coi như là nhà vắng chủ và chia cho gia đình của những ai đó…
Chợt một ngày, tôi bắt gặp trên đường Sài Gòn những hàng cây sao đen, như trên phố Lò Đúc Hà Nội, tôi ồ lên: Hà Nội của tôi đây rồi. Từ đó mỗi lần đến với Sài Gòn, tôi không quan tâm đến những hoa lệ tân kỳ của thành phố, mà tôi dành thời gian rỗi của mình đi lang thang qua những con đường rợp bóng cây, tìm quanh tôi những mái ngói, những khung cửa sổ của kiến trúc thuộc địa còn sót lại.
Chúng làm tôi nhớ đến một đoạn cuộc sống của tôi trong suốt thập niên 1970, à mà không chỉ của tôi, còn cả của những gia đình bạn bè với ông bà tôi nữa. Tôi cố hình dung những gia đình từ miền Bắc vào đã từng sống ở một căn nhà nào đó trong số những căn nhà cũ kia, và họ cũng lại thương nhớ cái lạnh, cái Tết nơi đất Bắc…
“Anh ở trong này không có mùa đông…” (*).
Rất nhiều người Hà Nội đã ở đó 20 năm, rồi lại không còn ở đó nữa theo nhịp vận hành của thế cuộc. Nhưng chẳng vì thế mà người ta sẽ đánh mất đi những gì mình đã từng có, ai có thể chứ những người đã giữ được nếp xưa, thì chắc chắn không bao giờ tự mình phá bỏ. Thời nào cũng thế, những người Hà Nội cũ vẫn bị “tấn công” mà nhiều khi chính những người “gây hấn” cũng không biết là mình vừa có hành động tấn công. Sáng nay bị một anh đi tạt đầu, lúc sau lại đứng cạnh nhau ở đèn đỏ, hỏi sao anh đi nguy hiểm thế, thì anh ta quắc mắt, rồ ga đi… Người ăn mặc sang trọng, xài đồ đắt tiền, đó là những người Hà Nội mới và họ đem đến những cách sống mới.
Lại nhớ có lần tôi kể chuyện bị nữ văn sĩ người thành Nam chửi trên mạng xã hội có thể nói là hạ nhục, nhưng chính tôi là người xin lỗi và lẳng lặng rút lui. Đó là cách chúng tôi tự bảo vệ mình, và tôi tin là hầu hết những người không bị “kẹt lại” cũng sẽ vẫn sống như thế trong suốt 20 năm ở Sài Gòn, và những người Sài Gòn phóng khoáng sẽ chấp nhận những “người Sài Gòn mới” như thế một cách cởi mở và chân tình.
Vậy đó, giữa tôi và Sài Gòn có một sợi dây kết nối rất mong manh, nó giúp tôi kết nối với những gì tôi cho là tốt đẹp trong quá khứ và đến bây giờ vẫn muốn giữ lại.
Hà Nội của năm 2022… cuộc chiến tranh bùng nổ ở Ukraine đã tình cờ mang lại cho tôi cơ hội làm quen với chị em cô ca sĩ A.V và A.T, hai người đang sống ở nước ngoài nhưng những gì về họ, chính là một đoạn cuộc đời của rất nhiều người Hà Nội như tôi. Trước đó nữa, tôi cũng quen được chị H.G. ở rất gần nhà một gia đình ông bà giàu có tiếng phố Hàng Đường là bạn của ông bà tôi. Điều đáng nói nữa, là chúng tôi xích lại gần nhau nhờ những tình cảm và hoạt động ủng hộ nhân dân Ukraine trước bạo lực của tên độc tài hàng xóm.
Trong cái cơn bão quay cuồng của chiến tranh, xuất hiện biết bao người tốt nhưng cũng không thiếu những người còn chưa nhận ra bản chất thật của nó. Họ vẫn ngày ngày đi tấn công những người đang ủng hộ hòa bình, thậm chí bằng những hành động bỉ ổi trên mạng xã hội, cho dù trong cuộc sống ngoài đời có thể họ là nhà báo, nhà văn, luật sư hay doanh nhân có tiền của và địa vị.
Một lần nữa, chúng tôi và mở rộng ra là chúng ta, những người yêu hòa bình lại phải tự bảo vệ. Và chúng ta không bảo vệ bằng cách tấn công họ, mà bảo vệ bằng cách giữ lấy những gì chúng ta coi đó là tốt đẹp.
Hôm nay đã tròn 4 tháng cuộc chiến tranh ở Ukraine bùng nổ, và lòng người Việt Nam thì vẫn chưa yên dù đã trải qua mấy cuộc chiến liên miên trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Hôm qua, một người con trai của đất Hải Dương đã hy sinh ở chiến trường Donbas vì bảo vệ quê hương thứ hai của mình. Máu của anh đổ xuống làm chúng ta nhận ra không có máu của người Hà Nội hay Sài Gòn, mà là máu của người Việt Nam vẫn tiếp tục đổ vì những kế hoạch tham tàn của tên độc tài.
Tất cả rồi cũng sẽ qua, không có gì tồn tại vĩnh viễn, cả hòa bình lẫn chiến tranh, và ngày mai hoa hướng dương sẽ vẫn nở trên đất đen Ukraine, như hoa đào hoa mai vẫn nở mỗi khi xuân về ở Hà Nội và Sài Gòn.
Xin cảm ơn Sài Gòn đã giữ cho tôi chút gì của Hà Nội, và giờ đây giữ cho tôi sợi dây kết nối từ chiến tranh đến hòa bình, từ quá khứ đến tương lai.
(*) Lời ca khúc “Gửi nắng cho em” (nhạc Phạm Tuyên, lời thơ Bùi Văn Dung).
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...