Cuộc chiến Ukraine: HAI TRĂM NGÀY “BƯNG BÔ”

Chủ nhật - 11/09/2022 17:38

(NCTG) “Người Ukraine có quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền tìm tự do theo cách của họ muốn, chứ không phải theo cách của Putin muốn. Xin cảm ơn những người hàng xóm Nga tốt bụng đã muốn chia sẻ cái máng lợn đầy bùn của thứ tự do kiểu Putin, cứ để chúng tôi đi tìm tự do khác. Đó là lý do họ xứng đáng được ủng hộ” – tác giả Phúc Lai từ Hà Nội chia sẻ lý do tại sao từ 200 ngày nay, anh và một nhóm bạn bè yêu chuộng hòa bình, công lý lại bị coi là “bưng bô”.

Cuộc chiến xâm lược ở Ukraine khiến cả thế giới bàng hoàng - Ảnh: Marcin Obara (EPA)

Cuộc chiến xâm lược ở Ukraine khiến cả thế giới bàng hoàng - Ảnh: Marcin Obara (EPA)

Trước ngày 24/2, tôi chỉ biết đến đất nước Ukraine qua một số hội nhóm trên mạng xã hội, dù trong gia đình có người đã từng học ở đó, thật ra là học ở Liên Xô cũ. Tôi biết nhiều hơn một chút về nước Nga, vì cũng đã từng… đi qua, vậy thôi – đó là tất cả hành trang hiểu biết khi bước vào cuộc chiến tranh Nga – Ukraine năm 2022.

Tuy chỉ biết đến nước Nga một cách rất thoáng qua, nhưng thế cũng đủ cho tôi nhận ra một điều là bấy lâu nay mình hoàn toàn bị dẫn dắt một cách sai lạc. Nước Nga tươi đẹp – đúng, nhưng nó cũng không đẹp hơn những nơi khác tôi đã từng qua. Người Nga nhân hậu – cũng đúng, nhưng tôi cũng có nhiều tình cảm với con người của rất nhiều vùng đất tôi đã từng ở. Nước Nga với mùa thu vàng với người khác lãng mạn và mộng mơ thế nào, với tôi mùa thu ở Thanh Đảo hay Seoul, cũng hoàn toàn có thể đẹp đẽ được như vậy.

Tôi cũng đủ cảm nhận được những bà già Nga nhân hậu, nhưng cũng có vài bà già khác ở Hàng Châu tôi gọi là “ai í” – “”, suốt ngày đòi xem ảnh con trai tôi lúc cháu mới một tuổi rưỡi và thở dài nhớ con cháu của mình. Tôi cũng có trong danh sách người quen những ông bác sĩ Pháp suốt ngày hỏi thăm sức khỏe từ bán cầu bên kia. 

Cuộc đời là như vậy, và ai cũng vậy, sẽ đến lúc chúng ta nhận ra rằng ngay cả bản thân mình không phải lúc nào cũng đúng, và có những điều chắc chắn phải được nhìn nhận lại. Trăng Liên Xô không hề tròn hơn trăng nước Mỹ, đồng hồ Liên Xô không chắc tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ. 

Tôi vẫn yêu nước Nga với những giá trị của nó: nghe nhạc Nga, đọc sách văn học Nga… vì thế tôi vẫn ngưỡng mộ tất cả những thành tựu của đất nước vĩ đại này có được. Cũng vì thế mà khoảng từ 15 năm qua tôi đã cảm thấy lo lo, khi thấy họ, tức đất nước và con người Nga lại bị dẫn dắt về một cái đích đáng sợ, trong một quá trình đáng sợ và bằng những luận điệu đáng sợ. Quá trình đó, luận điệu đó tôi đã từng gọi nó là một sự ngụy biện xảo trá ghê gớm và cái kết quả của sự đánh tráo khái niệm. 

Họ bôi nhọ cả một dân tộc khác, một đất nước khác, thậm chí toan tính thủ tiêu lịch sử của đất nước khác. Cuối cùng để dứt điểm đất nước ấy, họ đã tiến hành cả một cuộc chiến tranh. Tôi cứ nhớ những ngày đầu tiên của cuộc chiến, cũng phải mất một ngày tôi mới thực sự hết bàng hoàng. Trong một tháng đầu tiên, hàng ngày tôi theo dõi tin tức chiến sự trong sự mong mỏi ghê gớm là chiến tranh sẽ sớm chấm dứt, hòa bình sẽ mau chóng lập lại để máu của những người lính và cả dân thường của cả hai bên sẽ bớt đổ.
 
Những bài phân tích chiến sự hàng ngày của tác giả Phúc Lai được hàng vạn người đón chờ, chia sẻ, bình luận, làm nên một hiện tượng của cuộc chiến Ukraine - Ảnh chụp màn hình
Những bài phân tích chiến sự hàng ngày của tác giả Phúc Lai được hàng vạn người đón chờ, chia sẻ, bình luận, làm nên một hiện tượng của cuộc chiến Ukraine - Ảnh chụp màn hình

Thật đáng tiếc là chiến tranh đã không chấm dứt sớm như mong muốn, dù hồi đó tôi và một số bạn bè đã đoán đúng rằng Nga sẽ thất bại trong một chiến dịch hạn chế. Họ đã không dừng lại ở đó, và quyết định kéo dài nó và bây giờ thì đã là một cuộc chiến tranh đúng nghĩa. Chưa bao giờ một nước mang tiếng là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ), kế thừa hợp pháp vai trò của Liên Xô vốn được chúng ta – hệ thống truyền thông Việt Nam - ca ngợi là “thành trì của hòa bình thế giới” lại ngang nhiên xua quân xâm lược một nước khác có chủ quyền và cũng là thành viên của LHQ.

Nếu như ai đó nói rằng nước Ukraine bị xâm lược kia là phát-xít thì cũng phải nói rằng chưa có điều nào làm tôi sửng sốt đến như vậy, vì với tôi thì nước Nga của những năm 2000 mới là đất nước của phong trào phát-xít mới. Bọn đầu trọc đi hàng đàn nhất là ngày 20/4 hàng năm, sinh nhật của Hitler và bất cứ người nước ngoài nào trông có vẻ Châu Á (như ta vẫn hay gọi là “đầu đen”) đều có thể bị hại chết một cách dã man. Sinh viên Việt Nam Vũ Tuấn Anh đã bị hại như thế, chúng đâm bằng dao săn nhiều nhát, xuyên từ trước ra sau.

Chủ nghĩa cực hữu kết hợp với việc sẵn sàng sử dụng bạo lực là một vấn nạn, một mối đe dọa khủng khiếp cho bất cứ xã hội nào, chứ không riêng gì nước Nga hay Ukraine. Ngay bây giờ nước Nga vẫn đang sử dụng nhóm lính đánh thuê Wagner mà chỉ huy của chúng là một tên phát-xít mới, bản thân cái tên Wagner là của nhà soạn nhạc cổ điển Đức Richard Wagner, tác giả được yêu thích của Hitler… Chính đội quân này bị cáo buộc gây ra nhiều tội ác ở những nơi họ có được “hợp đồng chiến đấu”.

Điều đáng sợ là ở đất nước của chúng ta, vì nhiều lý do những khía cạnh như vậy của cuộc sống, không mấy khi được nói đến một cách đàng hoàng và công khai. Điều đó làm cho rất nhiều người tốt vẫn tin rằng nước Nga ngày nay là thành trì của hòa bình còn xung quanh họ toàn là phát-xít cả. Điều phi lý đó vẫn được lặp đi lặp lại suốt mấy chục năm, và đến nay cái sự mặc định này dường như đã làm tê liệt khả năng tư duy của rất nhiều người.

Chúng ta chỉ cần hỏi một người trong số đó rằng tại sao hai phần ba trong số nước các thành viên của LHQ, trong phiên họp toàn thể Đại Hội Đồng lại bỏ phiếu chống Nga? Như thường lệ, các bác các anh chị vẫn cho rằng đó là kết quả của một “tổ chức bù nhìn do Mỹ giật dây” đúng không nào? Vậy nước Mỹ bỏ bao nhiêu tiền, và đi vận động khắp thế giới ra sao để đa số các nước của thế giới ngày nay tự nhiên biến thành phát-xít như thế? Và nếu như vậy thì nước Mỹ là phát-xít, suốt ngày chỉ nhăm nhe chống nước Nga của các bác, các anh các chị, phải không ạ?

Xin nhắc các bác và các anh chị một điều rằng chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của chúng ta, khi đó còn kiêm cả chức vụ Chủ tịch nước, cũng rất coi trọng quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ. Khi đồng chí sang thăm được tiếp đón trong Nhà Trắng đã khá hào hứng, phấn khích cảm thán: “Mình cũng phải thế nào mới được như thế chứứứứứứ!!!”. Nếu họ là phát-xít hoặc ủng hộ phát-xít, thì chúng ta phải cắt đứt quan hệ ngoại giao, ngay và luôn!
 
Chủ nghĩa dân tộc cực đoan Đại Nga đã biến nước này trở thành hiểm họa với hòa bình thế giới - Ảnh: atlanticcouncil.org
Chủ nghĩa dân tộc cực đoan Đại Nga đã biến nước này trở thành hiểm họa với hòa bình thế giới - Ảnh: atlanticcouncil.org

Thực tế là chẳng có ai chống nước Nga tốt bằng chính sách phục hồi chủ nghĩa Đại Nga và bành trướng của Putin. Cả thế giới này không có ai thừa tiền đi chống phá họ, như họ vẫn tưởng tượng và thuyết phục dân chúng của họ. Toàn thế giới xung quanh họ, trừ vài nước quá tụt hậu thì không nói, đâu đâu cũng có những đóng góp giá trị cho thế giới văn minh, kể của Trung Quốc. Còn nói đến xã hội Phương Tây của Bắc Mỹ, Châu Âu thì ở đây chỉ có thể giải thích bằng một mệnh đề: thèm muốn không đạt được sinh ra ganh ghét. 

Thái độ của Putin đối với nền văn minh, đúng là ganh ghét và lão ta sợ mọi sự hòa nhập của những nước thuộc không gian hậu Xô-viết với nền văn minh đó. Cuộc chiến tranh của lão ta đang thi hành trên đất nước Ukraine cũng làm xuất hiện nhiều minh chứng rất rõ ràng cho một tâm lý bệnh hoạn. Chẳng cần đến Putin thì Pushkin vẫn là nhà thơ Nga vĩ đại, nhưng lão ta đang dùng xe tăng, tên lửa hành trình để yêu cầu người dân Ukraine công nhận điều đó.

Sự bệnh hoạn đó còn được một số người Việt lan tỏa khi họ dùng mạng xã hội yêu cầu toàn thể những người đọc được tiếng Việt, phải công nhận sự vĩ đại của Pushkin, và khi cảm thấy không cưỡng bức được thì họ chuyển sang bôi nhọ đất nước Ukraine. Họ quên rằng chính Pushkin cũng là một nạn nhân, chính xác hơn là bị Putin biến thành tòng phạm trong vụ án cưỡng dâm về văn hóa đối với các dân tộc không phải Nga thuộc Liên bang Xô-viết cũ.

Tôi còn nhớ hồi đầu chiến tranh, tôi viết bài “Putin, ông sai rồi!” và nhận xét rằng, kể cả cùng dân tộc với nhau có khi còn thù nhau hơn, như trong Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai người Đức còn không ác với người Nga bằng người Nga với người Nga nếu khác nhau về ý thức hệ.

Trong cuộc chiến tranh này cũng thế, người Ukraine gốc Nga nào đã theo thì đã theo rồi, còn lại là những người đang sống yên lành mà ông vác bom đạn đến phá tan nhà cửa của người ta, thì đó là mối thù không đội trời chung. Khi đó người ta thừa hiểu không phải thù người Nga đâu – dù người Nga cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều trong câu chuyện này – mà là những người Nga theo chủ nghĩa Putin mới chính là đối tượng chính xác bị thù hằn.

Quay lại với quá khứ một chút… cuộc chiến tranh này không phải chỉ bắt đầu vào ngày 24/2, mà nó đã bắt đầu bằng sự kiện Nga chiếm bán đảo Crimea năm 2014. Từ lúc đó tôi mới thực sự nhận ra là âm mưu của họ (một số người Nga) không chỉ là một chiến dịch tuyên truyền có chủ đích nữa, mà đã là một cuộc chiến tranh thực tế.
 
Không chỉ uyên bác, thông tuệ, các status của tác giả Phúc Lai mà còn dí dỏm trong cách truyền đạt thông điệp, thông tin - Ảnh chụp màn hình
Không chỉ uyên bác, thông tuệ, các status của tác giả Phúc Lai mà còn dí dỏm trong cách truyền đạt thông điệp, thông tin - Ảnh chụp màn hình

Rồi cũng từ sau đó, họ chơi trò ủng hộ ly khai và gây bất ổn nước láng giềng. Dù hoàn toàn không quan tâm đến cuộc nội chiến có yếu tố can thiệp này, tôi vẫn hiểu nó nằm trong một âm mưu đen tối của Putin. Tuy nhiên, chuỗi sự kiện trên không giúp tôi hiểu biết hơn về đất nước Ukraine đang là nạn nhân của âm mưu, mà tôi chỉ tiếp cận từ góc độ phân tích những điều sai trái của nước Nga – Putin đang làm.

Trong những bài báo của mình viết cho cả báo chí trong nước lẫn trên mạng xã hội, tôi luôn khẳng định Nga – Putin sai và chắc chắn sẽ thất bại. Khi những bài báo được ra trước công luận, cũng nhận được rất nhiều phản hồi và thật là đáng sợ, những phản hồi bênh vực nước Nga, hết sức mất dạy và tục tĩu. Nhiều khi tôi băn khoăn: sản phẩm của nền giáo dục XHCN đây sao? Trong những ý kiến bênh vực nước Nga, không thiếu những sự “bán kèm” bênh vực chế độ XHCN tươi đẹp của chúng ta và nhân tiện chửi luôn cả những đồng bào của chúng ta chỉ vì tội dính dáng đến… Việt Nam cộng hòa.

Tôi tự hỏi, làm sao chúng ta có được hòa bình dài lâu, có được sự hòa hợp nếu chính những đồng bào máu đỏ da vàng với nhau, còn hằn thù nhau như thế? Chẳng nhẽ câu chuyện của người Nga trong chiến tranh thế giới lần thứ hai tàn ác với nhau, cũng đúng với người Việt? Nhưng tôi nhớ có ngày chính những tâm địa thù hằn đó lên mạng đe dọa đem xe tăng giải phóng Singapore, tôi hiểu đó là sự u mê của con người. Khi mà cả nền giáo dục vẫn cố “chỉ có cái này duy nhất đúng” và khi mà từng vị làm cha mẹ vẫn cố chỉ có tao là đúng, thì các sản phẩm của nền giáo dục nó chỉ có vậy mà thôi.

*

Quay lại với cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, Chủ nhật này 11/9 sẽ là tròn 200 ngày. Đến lúc này thì đã rõ, người Ukraine không cần thứ hòa bình của người Nga mang đến – tức là không như mong muốn và lý luận của nhiều người Nga và cả rất nhiều người Việt ủng hộ họ. Họ vẫn nói: “Chỉ cần ngừng bắn và đầu hàng, thì hòa bình sẽ có ngay lập tức”.

Họ quên mất một điều rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập đã dẫn Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Người Ukraine có quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền tìm tự do theo cách của họ muốn, chứ không phải theo cách của Putin muốn. Xin cảm ơn những người hàng xóm Nga tốt bụng đã muốn chia sẻ cái máng lợn đầy bùn của thứ tự do kiểu Putin, cứ để chúng tôi đi tìm tự do khác. Đó là lý do họ xứng đáng được ủng hộ.
 
Cuộc chiến vệ quốc anh dũng của nhân dân Ukraine đáng được thế giới khâm phục và ủng hộ - Ảnh: chsglobe.com
Cuộc chiến vệ quốc anh dũng của nhân dân Ukraine xứng đáng được thế giới khâm phục và ủng hộ - Ảnh: chsglobe.com

Cho đến trước cuộc chiến tranh này, tôi hầu như không biết gì về đất nước và con người Ukraine, nhưng tôi ủng hộ hòa bình và chấm dứt chiến tranh càng nhanh càng tốt, để hai bên đỡ phải đổ nhiều máu. Tuy vậy, tôi tôn trọng ước vọng của họ đi tìm một nền độc lập, tự do và hạnh phúc của riêng dân tộc mình, và tôi ủng hộ họ. Tất nhiên là tôi cũng vẫn tôn trọng mong muốn của nhiều đồng bào tôi là cầu cho hòa bình đến sớm, chiến tranh chấm dứt bằng chiến thắng của quân đội Nga – Putin, đó là do họ vẫn là nạn nhân của tuyên truyền.

Cho đến trước cuộc chiến tranh này, tôi chỉ biết về nước Nga qua một số yếu kém của họ, và từ đó suy nghĩ rằng, họ sẽ không thể chiến thắng. Chỉ vài ngày chiến tranh, chứng kiến lòng yêu nước quật cường và sáng tạo ghê gớm của người Ukraine, thì tôi còn dám khẳng định, họ mới là người chiến thắng.

Suốt trong 200 ngày, không thiếu các bác lên Facebook tìm tôi và nhắn tin, chia sẻ sự lo lắng, thông tin Ukraine thắng lợi chỗ này, chỗ kia. Tuần đầu của cuộc chiến, một anh phiên dịch nổi tiếng bậc nhất Việt Nam với cách sử dụng tiếng Việt trong sáng và hết sức thuần khiết một cách hết sức sang trọng, “hành hạ” tôi vì những suy nghĩ hết sức bi quan. Anh lo người Ukraine không trụ được. Anh lo Chính phủ của ông Zelensky bị bắt sống. Anh lo người dân Ukraine bị hại chết nhiều. Người mà lòng từ bi của người ta lớn, lại quen ăn nói nhu mì nó thế đấy, cái gì cũng lo. Tôi đã phải động viên anh phiên dịch giỏi giang của chúng ta: anh yên tâm, tình hình không bi quan như vậy đâu, rồi chỉ hai – ba tuần thì Nga rút hết.

Ngay hôm kia vẫn còn có bác lo rằng Ukraine sẽ không được bạn bè hỗ trợ nữa – thì cũng có sao. Người Ukraine vốn dĩ rất giỏi, họ là chủ lực của Liên Xô ngày xưa trong công nghiệp quốc phòng, và bây giờ làm ăn kinh tế cũng chăm chỉ và đâu có kém cạnh. Chúng ta đã thấy người dân của họ nhất là miền Tây đã bắt đầu sản xuất trở lại rồi đó sao.

Nhưng vì sự kín tiếng của họ (người Ukraine) mà trong những bài viết của mình, tỉ trọng các thông tin phân tích về sự yếu kém của Nga cao hơn nhiều so với “ca ngợi” phía Ukraine, và nếu chăng là có, thì đó là sự cảm phục tính quả cảm và sáng tạo của họ. Tuần trước, tình cờ đọc được trên một diễn đàn nào ai đó trích bài tôi viết, và nhận được một nhận xét của một thanh niên trẻ: “Lão này cũng chỉ bưng bô thôi mà”.

Gạt ra bên cạnh những nhận xét có thể về tư cách của một thành viên mạng xã hội (tôi không có trò chửi cá nhân trên mạng, nếu trao đổi với ai qua tin nhắn thì cũng chỉ dừng ở mức chẳng hạn là “anh làm như thế (có hành động như thế) xấu quá!” tức là anh không phải là người xấu, chỉ có hành động như thế thì quả là không nên!), nhưng với tư cách là người đi sâu vào nghiên cứu giáo dục, tôi cho rằng có rất nhiều điều đáng báo động.
 
Đất nước Ukraine nhất định sẽ chiến thắng! - Ảnh: Reuters
Đất nước Ukraine nhất định sẽ chiến thắng! - Ảnh: Reuters

Thanh niên mà dám chửi tất cả những người họ thấy không vừa ý kiểu “cá đối bằng đầu” thì đúng là giáo dục của chúng ta hỏng quá rồi. Ngay cả trong những người ủng hộ Ukraine, cũng có admin của một nhóm Facebook sẵn sàng chửi người khác kiểu thằng nọ, thằng kia… ngay lập tức. Tuần trước, một vị tự xưng là đạo diễn của các chương trình ca nhạc nổi tiếng cũng sẵn sàng chửi tôi ngay khi comment không đúng ý bác ta, và chửi bằng cách hạ nhục lôi các chi tiết riêng tư ra bêu riếu.  

Đến những người có uy tín, có vòng ảnh hưởng nhất định còn hành xử như vậy, thì khác gì các cháu “dư luận viên” đâu. Xã hội mà như vậy thì loạn hết cả, ai cũng thích hành xử theo kiểu của mình.

Tự nhiên tôi ngẫm kỹ, cái câu chửi của cậu thanh niên nào đó, có ý thú vị. Thực sự bản thân mình không mấy khi tung hô đất nước và con người Ukraine, chỉ làm cậu ta khó chịu vì nước Nga yêu quý của cậu ta bị “dìm hàng…”. Vậy thì mình “bưng bô” ở chỗ nào nhỉ, và cho ai nhỉ? Ông Zelensky à? Chưa viết bài nào như vậy. Ông Boris Johnson à? Cũng chưa luôn. 

À, cậu ta cũng đúng, tôi “bưng bô” cho hòa bình, đúng vậy đấy. Hết tuần này cũng là tròn 200 ngày tôi “bưng bô cho hòa bình” của nhân loại, và thật thú vị trong 200 ngày đó tôi có thêm được rất nhiều người bạn mới. Vậy thì xin chúc sức khỏe cho tất cả chúng ta, “những người bưng bô vĩ đại cho hòa bình” để còn đi tiếp cho đến ngày người Ukraine đạt được chiến thắng cuối cùng!

Phúc Lai, từ Hà Nội


 
 Từ khóa: Ukraine
Tổng số điểm của bài viết là: 150 trong 31 đánh giá
Xếp hạng: 4.8 - 31 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn