VÀI NHẬN XÉT SAU VIỆC NGA SÁP NHẬP BỐN TỈNH CỦA UKRAINE

Thứ bảy - 01/10/2022 16:54

(NCTG) “Sáp nhập bốn tỉnh của Ukraine, Putin mong đạt được mục đích là cứu vãn sự sụp đổ tất yếu của quân đội, cả của Nga lẫn li khai, nhưng đồng thời đẩy cuộc chiến thành một cuộc chiến tranh sâu rộng với nghĩa chính thức và cắt đường lùi cho cả hai bên” – góc nhìn của tác giả Phúc Lai từ Hà Nội.

Quyết định sáp nhập bất hợp pháp 4 tỉnh của Ukraine, Putin đã “chính thức đóng chiếc đinh lên cái quan tài chôn sự nghiệp chính trị của ông ta” - Ảnh: Yuri Kochetkov (MTI/ EPA)

Quyết định sáp nhập bất hợp pháp 4 tỉnh của Ukraine, Putin đã “chính thức đóng chiếc đinh lên cái quan tài chôn sự nghiệp chính trị của ông ta” - Ảnh: Yuri Kochetkov (MTI/ EPA)

Thế là để “đáp ứng” những đồn đoán của giới quan tâm, Putin vẫn tiến hành việc sáp nhập bốn tỉnh của Ukraine vào lãnh thổ Liên Bang Nga. Lễ ký kết và tuyên bố diễn ra vào chiều tối ngày 30/9/2022 theo giờ Hà Nội, tức 15h giờ Mátxcơva, đúng lịch trình.

Trước sự kiện này, tôi vẫn cho rằng khả năng của nó chỉ là 50/50 thôi vì bản thân một việc như vậy có những hậu quả của nó. Vậy những hậu quả đó là gì?

Sáp nhập thêm lãnh thổ đang chiếm giữ thực tế với Putin, chỉ là việc làm có tính chất “chính thức hóa trên giấy tờ” và bản chất của nó như nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã nhận định: đòn đó để dọa. “Dọa” ở đây đầu tiên là hành vi hướng tới Phương Tây, nhằm tuyên bố với họ rằng đã đụng vào đất Nga và dân Nga, thì sẽ có những hậu quả lớn hơn. Từ trước đến nay chúng ta vẫn quen nhìn thấy một Phương Tây sẵn sàng hỗ trợ Ukraine nhưng lại vẫn kiêng nể, e dè, thậm chí so đo từng ki-lô-mét trong tầm bắn của tên lửa phóng loạt được chuyển giao.

Họ sợ. Không phải họ sợ Putin dùng vũ khí hạt nhân, vì lý do gì tôi đã viết trong bài “Liệu Putin có “dám” sử dụng vũ khí hạt nhân?”. Thậm chí có chuyên gia quân sự Hoa Kỳ còn khẳng định: số lượng đầu đạn hạt nhân chiến thuật của Nga tuyên bố nhiều gấp mấy lần của cả thế giới Phương Tây cộng lại. Trong khi chi phí để duy trì, bảo dưỡng kho vũ khí của Hoa Kỳ đã lớn hơn ngân sách quốc phòng của Nga (tính theo năm) thì ông không tin là Nga dù có nó thật, cũng khó có thể sử dụng nó một cách an toàn. Mới đây nhất, giới chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định: nếu Putin dùng vũ khí hạt nhân thì ông ta không cần phải “động viên một phần” mà chỉ cần rút quân về và bấm nút. Còn một khi ông ta đã động viên và đưa thêm quân đội vào chiến trường, nghĩa là ông ta không dùng.

Vậy Phương Tây sợ gì? Sợ một cuộc chiến lan rộng, chính xác là một cuộc chiến leo thang, tức là nâng cao mức độ của cuộc chiến về nhiều phương diện. Cái gọi là “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Putin mặc dù là khái niệm do bọn họ – Putin và chóp bu quân sự Nga nghĩ ra nhưng dù sao nó cũng vẫn có những ý nghĩa của nó. Chẳng hạn, khi gọi là “Chiến dịch quân sự đặc biệt” thì quân đội Nga bị giới hạn trong việc chỉ đưa lính hợp đồng ra chiến đấu trực tiếp, lĩnh nghĩa vụ thì chỉ làm các công việc hỗ trợ hậu cần, kỹ thuật. Cho dù những gì Nga thể hiện ra từ đầu cuộc chiến cho thấy họ có một bộ máy quân sự yếu kém, nhưng họ vẫn là một quốc gia khổng lồ với những sức mạnh tiềm ẩn chưa lường hết được.

Nếu “Chiến dịch quân sự đặc biệt” được “nâng cấp” lên thành chiến tranh, thì chẳng có gì là hay ho cho cả hai bên. Nếu cứ ở tình trạng hiện nay và nếu Putin nhận ra được rằng ông ta không thể thắng và rút quân thì nhẹ nhõm cho cả hai bên, tiếc rằng điều đó nó không thể xảy ra vì những yếu tố nội bộ nước Nga nó ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và do đó, cả độ vững chắc của cái ngai vàng của Putin, nên ông ta không chấp nhận được. Tuy đó là vấn đề của Putin, nhưng ông ta vẫn đang cố đẩy vấn đề của mình thành vấn đề của người khác, ở đây là cho người Ukraine và những nước ủng hộ họ.

Từ nay bốn tỉnh đó của Ukraine đã trở thành lãnh thổ Nga, dù quốc tế chẳng ai công nhận nhưng trước mắt, điều đó đã chính thức với chính họ, và như thế là nếu người Ukraine có tiếp tục tấn công để đòi lại những lãnh thổ bị chiếm đóng, sẽ là “tấn công vào lãnh thổ Nga”. Bản chất của câu chuyện vẫn vậy, từ đầu chiến tranh hồi tháng Hai đến nay, Nga vẫn đưa quân vào tận thủ đô Kyiv, vẫn bắn tên lửa suốt cả lãnh thổ Ukraine từ Đông sang Tây… Cái thang thực chất đã dựng sẵn và Putin đã vắt vẻo ở trên đó lâu rồi, chỉ là chẳng có được kết quả gì đáng kể trên chiến trường mà thôi. Từ bây giờ, chắc chắn người Ukraine vẫn chiến đấu và vẫn tấn công vào cái gọi là “lãnh thổ Nga” mới cướp đoạt được, và điều này sẽ đặt chính Putin vào tình thế phải đáp trả.

Nhưng đáp trả bằng tên lửa vào Kyiv thì “xưa rồi Diễm”. Tất cả các đòn phép bằng vũ khí vật chất, Putin lôi ra hết rồi, và thẳng thắn mà nói nếu bây giờ có lôi ra được món nào đó thì cũng chẳng có ý nghĩa gì với cuộc chiến. Vậy thì chỉ còn đòn đáp trả bằng cách “tuyên chiến” hay ban bố tình trạng chiến tranh, đặt toàn đất nước vào tình trạng thời chiến. Với một tuyên bố như thế này, thủ tục sẽ là Quốc hội (ở Nga là Duma Quốc gia) thông qua nghị quyết và Tổng thống với tư cách là thống lĩnh các lực lượng vũ trang, sẽ tuyên bố.
 
Mặc cuộc chiến xâm lược tàn khốc, quân dân Ukraine vẫn không lùi bước - Ảnh: index.hu
Mặc cuộc chiến xâm lược tàn khốc, quân dân Ukraine vẫn không lùi bước - Ảnh: index.hu

Chúng ta cần nhớ lại một chi tiết, rằng từ trước đến nay Putin và bộ máy tuyên truyền của ông ta vẫn lải nhải một luận điệu rằng cuộc chiến ở Ukraine là Nga đánh nhau với Hoa Kỳ và NATO, chứ không phải với Ukraine”. Điều này phù hợp với diễn văn của Putin trước chiến tranh, muốn xóa sổ dân tộc Ukraine bằng lý luận trước, quân sự sau. Bây giờ thì cầu được ước thấy, ông muốn chiến tranh thì đã có chiến tranh, và chiến tranh đã lan đến cửa rất nhiều gia đình của nước Nga nhà ông rồi đó. Làm lãnh đạo một quốc gia, đặc biệt là một cường quốc có vũ khí hạt nhân, có quân đội thứ nhì thế giới là để đảm bảo hòa bình cho đất nước, thịnh vượng cho dân chúng (nên người ta hay thích đặt tên là “Bộ Quốc phòng” chứ ít gọi là “Bộ Chiến tranh”) chứ chẳng ai nghĩ là có ngày một nguyên thủ vác chiến tranh về nhà.

Hành động này, ngoài vỉa hè Hà Nội, giới quân sự nước chè chén gọi là “đóng cửa tự đốt nhà” là rất chính xác, một khái niệm đầy biểu cảm. Những người Việt Nam yêu Putin vẫn muốn tin vào luận điệu xảo trá của bộ máy tuyên truyền của ông ta: đổ mọi tội lỗi cho Phương Tây và Hoa Kỳ, chính họ muốn phá hoại nước Nga. Sai rồi. 

Trước đây, một Liên Xô sau khi sụp đổ để lại một khoảng trống mênh mông về an ninh toàn cầu đã kéo theo bao nhiêu hệ lụy, đặc biệt là sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố. Bây giờ, một nước Nga sụp đổ cũng sẽ mang lại những hệ lụy mới có khi còn nghiêm trọng hơn. Một nước Nga có Putin lãnh đạo vững chãi, sẽ là chỗ dựa vững chắc cho an ninh khu vực Á – Âu. Nhiều người cho rằng Nga sẽ liên kết với Trung Quốc để thách thức vị trí của Hoa Kỳ và Phương Tây, điều này chỉ đúng với một nước Nga man rợ. Kẻ thù của nước Nga không phải ai khác ngoài chính thái độ của Putin chống lại tư tưởng của thế giới văn minh (tôi viết thế giới văn minh nói chung, chứ không chỉ là “thế giới Phương Tây”), việc ông ta quy cho Hoa Kỳ và Phương Tây chỉ là trò xảo trá.

Ấy thế mà chính tư duy tưởng chừng rất logic cho rằng “Putin không dại gây chiến” đã dẫn tôi tới sai lầm. Ngày 22/12/2021 cũng trên diễn đàn “Nhịp cầu Thế giới” (NCTG), tôi viết bài nhận định rằng Putin sẽ không xua quân đánh Ukraine, vì một số lý do. Cuối cùng thì lão ta vẫn đánh. Bây giờ chính tôi cũng không biết đó có gốc rễ là sai lầm của ai, thôi xin cho phép tôi đổ lỗi cho… định mệnh. Định mệnh của người dân Nga và Ukraine phải trải qua cơn bĩ cực này, rồi nó cũng sẽ qua. Định mệnh của cái số phận chính trị của Putin sẽ chấm dứt dưới tay của người Ukraine.

Hành động sáp nhập bốn tỉnh của Ukraine lần này đầu tiên nhằm vào người Ukraine và xa hơn là Phương Tây, muốn dọa nạt về khả năng của một cuộc chiến leo thang. Nhưng ngay từ trước khi có hành động đó về chính thức, từ bước thủ tục kiểu “mèo mả gà đồng” là “trưng cầu dân ý” người ta đã nhắn Putin là sẽ hỗ trợ Ukraine đến cùng và không bao giờ công nhận những lãnh thổ đó là của Nga cả. Thậm chí những nước tưởng chừng như là đồng minh của Nga, cũng sẽ không dại gì mà công nhận rồi thì “dây với hủi”. Coi như việc dọa vô nghĩa, không thành công. Lại “thậm chí” cả võ “vũ khí hạt nhân” người ta cũng không sợ, còn chỉ ra vanh vách những khả năng đáp trả và biến các căn cứ quân sự của Nga trên chính lãnh thổ của mình thành đống gạch vụn. 

Thứ hai, việc sáp nhập là nhằm vào nội bộ. Đứng trước thất bại không thể cứu vãn của quân đội trên chiến trường, khả năng tan rã của hai cái thây ma “quân đội hai nước CHND Donetsk và Luhansk” là nhãn tiền. Không chỉ quân đội mà cả chính quyền của hai cái thây ma này cũng sẽ sụp đổ. Khi hai vùng li khai đã là “hạt nhân sụp đổ” thì quân đội Nga tan rã, bộ phận bỏ chạy, phần đào ngũ bỏ về nhà… sụp đổ của chính quyền Putin khi đó là khó tránh. Một số phận như Muammar al-Gaddafi ám ảnh Putin – vừa nãy một người bạn của tôi qua chat nói như thế và tôi đồng ý với anh ấy.

Như vậy, ở vào thế không sáp nhập không được, Putin buộc phải làm. Điều đáng nói là, việc sáp nhập này tuy đã được chúng ta nhìn thấy từ trước, nhưng không phải với kịch bản và trong bối cảnh như thế này.
 
Liên bang Nga bị phản đối mạnh mẽ trên toàn thế giới vì cuộc chiến bẩn thỉu: Tòa tổng lãnh sự Nga tại New York (Mỹ) bị xịt sơn đỏ - Ảnh: Eren Abdullahogullari (Anadolu Agency)
Liên bang Nga bị phản đối mạnh mẽ trên toàn thế giới vì cuộc chiến bẩn thỉu: Tòa tổng lãnh sự Nga tại New York (Mỹ) bị xịt sơn đỏ - Ảnh: Eren Abdullahogullari (Anadolu Agency)

Khi cuộc chiến diễn ra được ba tuần, tôi đã viết bài “Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine: Vài nhìn nhận sau ba tuần” và cố hình dung ra kịch bản của một cuộc chiến kéo dài hơn. Khi đó Nga chắc chắn sẽ thua ở Kyiv và nếu cố đánh tiếp, thì chưa định hình, chính xác hơn là tôi chưa hình dung được là họ chỉ thu hẹp ở Donbas. Tôi đã tạm gạch ra mấy gạch đầu dòng như sau: 

– Kịch bản 1. Nga chiếm được toàn bộ miền Đông Ukraine, trong đó có cả thủ đô Kyiv. 

– Kịch bản 2. Nga chiếm được Donetsk và Lugansk, hành lang nối với Crimea, các thành phố Kharkiv, Sumy, Chernihiv. Không chiếm được Kyiv. 

– Kịch bản 3. Nga chiếm được Nga chiếm được Donetsk và Lugansk, hành lang nối với Crimea, các thành phố Kharkiv, Sumy, Chernihiv và cả Kyiv, nhưng cả miền Đông Ukraine thì không làm chủ được. 

– Kịch bản 4. Không đạt được mục tiêu nào trong tất cả các mục tiêu được liệt kê trên đây, nhưng họ có thể chiếm được một, hai đến nhiều hơn mục tiêu nào đó trong số Kharkiv, Sumy, Chernihiv và xin liệt kê thêm Mariupol, Melitopol, Dnipro, Kramatorsk, Poltava…
”.

Dù là kịch bản nào trên đây, nó cũng đều phải là kết quả của một thắng lợi về quân sự trên chiến trường. Ngày 30/9, nước Nga của Putin sáp nhập bốn tỉnh của Ukraine, tưởng giống như những kịch bản trước đây chúng ta và cả họ, chóp bu quân sự Nga hình dung, nhưng lại rất khác về bản chất. Trước đây theo kế hoạch, việc sáp nhập là kết quả của chiến thắng, thì bây giờ việc sáp nhập là hậu quả của thất bại.

Bằng sự quật cường, quả cảm và sáng tạo của mình, người Ukraine đã cho tất cả các kịch bản tôi vạch ra ngày 16/3/2022 vào sọt rác, không có kịch bản nào đúng ngoại trừ một điểm duy nhất là Nga đang có được một hành lang đứt đoạn và loang lổ da báo nối Donbas với Crimea. Cho đến thời điểm cuối tháng 9/2022, thậm chí quân Nga và li khai còn chưa làm chủ được 100% đất đai tỉnh Luhansk, tỉ lệ làm chủ Donetsk còn thấp hơn. Tỉnh Zaporizhzhia và Kherson tuy bị “sáp nhập” nhưng Zaporizhzhia thì không chiếm được tỉnh lị, còn Kherson thì trước sau tỉnh lị của nó Nga cũng không giữ được.

Như thế cái “kịch bản số 2” trên đây tôi vẽ ra, chỉ hơi hao hao giống và trong số các thành phố Nga chiếm được, chỉ có hai “thị xã” to đúng bằng thành phố Bắc Ninh của chúng ta thời chưa mở rộng: Serevodonetsk và Lysychansk. Những thành phố rất quan trọng về vị trí chiến lược như Kupyansk và Izyum còn bị người Ukraine đòi lại và điều đáng nói là quân Nga bỏ chạy một cách hết sức nhục nhã, không xứng với những gì họ đã thể hiện hàng năm trong các cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ.

Sáp nhập bốn tỉnh của Ukraine, Putin mong đạt được mục đích là cứu vãn sự sụp đổ tất yếu của quân đội, cả của Nga lẫn li khai, nhưng đồng thời đẩy cuộc chiến thành một cuộc chiến tranh sâu rộng với nghĩa chính thức và cắt đường lùi cho cả hai bên. Đến đây chúng ta ngỡ ngàng nhận thấy, thực ra cái người mong manh và muốn níu kéo hòa bình đến cùng, thậm chí đã đánh nhau to rồi vẫn mong ngồi lại được với nhau, lại là cái anh “Phương Tây”. Sai lầm của Putin là “già néo đứt dây”, chẳng biết “lằn ranh đỏ” ông vạch ra như thế nào nhưng chính ông ta là người vượt hết cái này đến cái khác.

Bây giờ thì cái anh “Phương Tây” đó đã vượt qua được nỗi sợ, thì họ cũng có nguyên tắc của họ: nguyên tắc nếu dừng lại thì lỗ, đã hỗ trợ Ukraine đến được nước này thì phải đi tiếp. Nguyên tắc này cũng đúng với Putin, và vậy là thật đáng tiếc, chúng ta đã chứng kiến một cuộc chiến tranh trước mắt chưa dừng lại được.

Về phương diện chính trị quốc tế, một hành động sáp nhập trong bối cảnh Nga gây chiến tranh (mà trước đây với lý do là có hiệp ước giữa nước này với hai cái nước “cộng hòa nhân dân” Donetsk và Luhansk, nếu Nga cứ dừng lại ở đó thì chưa có gì mà nói) thì nó cũng đồng nghĩa với hành động xâm lược, cướp đất. Điều đó sẽ giúp cho những hành vi pháp lý tương lai của Ukraine và cộng đồng quốc tế thêm sức nặng, ví dụ như đệ đơn lên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đề nghị ra nghị quyết loại Nga khỏi ghế ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an.
 
Quân đội Ukraine đạt được nhiều thắng lợi quân sự trong những tuần gần đây - Ảnh: index.hu
Quân đội Ukraine đạt được nhiều thắng lợi quân sự trong những tuần gần đây - Ảnh: index.hu

Để lý giải cho hành động này, xin trích ý kiến của tác giả Kim Văn Chính, nhà phân tích chính trị – kinh tế quốc tế:

Nhiều người coi thường biện pháp của Putin, thậm chí còn chế nhạo nữa, nhưng việc sáp nhập nó như biện pháp cứu nguy của Putin trong cơn bĩ cực thua trận.

– Trong đối nội, đây là hành vi pháp lý do Tổng thống, Duma và chính quyền tự xưng ký kết chính thức công nhận bốn tỉnh trở thành lãnh thổ Nga (trong tiêng Nga “область” vừa là tỉnh hành chính, vừa là vùng). Nhập nhèm khái niệm sẽ giúp Nga cãi cùn và gây khó khăn về sau đối với Ukraine trong tranh chấp lãnh thổ.

– Từ nay Nga nhân danh bảo vệ lãnh thổ Nga có thể phát động chiến tranh, tổng động viên mà không sợ chính người Nga chống đối. Ai chống sẽ trừng phạt thẳng tay.

– Nga có thể nâng cấp sử dụng các biện pháp nặng ký hơn như (vũ khí) hạt nhân chiến thuật…

– Đặt nước Nga vào thế trên lưng hổ kéo dài chiến tranh, các Chính quyền sau Putin muốn thay đổi chấm dứt chiến tranh phải có một quá trình pháp lý xác định lại lãnh thổ, xoá bỏ quyết định này.

– Củng cố niềm tin vào phong trào (tư tưởng) Đại Nga rằng Nga luôn cứng rắn bảo vệ đến cùng Học thuyết Đại Nga của Dugin (người Nga ở đâu, đất Nga ở đó... ). Qua đó Putin có thêm uy tín cá nhân.

– Nga dễ lôi kéo thêm các nước ủng hộ Nga nhất là về giao thương chống cấm vận, buôn bán vũ khí...

– Đặt Ukraine và Phương Tây vào việc đã rồi, không đảo ngược. Dù Ukraine có tiếp tục tấn công trên thực tế thì Nga sẽ “chính danh” đánh lại như một biện pháp tự vệ, cuộc chiến sẽ kéo dài cho đến khi đối phương mệt mỏi, phân hoá...
 
– Dễ đưa ra điều kiện đàm phán là không can thiệp vào nguyện vọng của nhân dân bốn tỉnh (này) cộng với Crimea, tức là điều kiện mập mờ Ukraine phải rút quân khỏi lãnh thổ bốn tỉnh
”.

Vậy đó – về những yếu tố như “sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật” thì đơn giản là lý lẽ, và chúng ta đã có cách bác bỏ nó, nhưng không loại trừ nó. Trước đây khi được hỏi là nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine thì sao – tôi có nêu ý kiến là khi đó NATO sẽ đáp trả vì Nga đã vi phạm vào những cam kết trước đây của mình, mà nguyên tắc đơn giản nhất là không ai được bấm nút trước trong cuộc chiến hạt nhân, khi đó thì người đó sẽ bị trừng phạt đến mức xóa sổ.

NATO cũng không cần phải sử dụng đến vũ khí hạt nhân để đáp trả, mà dùng thế mạnh vượt trội về công nghệ của vũ khí thông thường, nhưng đánh cho quân sự Nga về con số khoảng bằng 0,1% năng lực hiện nay. Các đòn đánh hạt nhân của Nga sẽ bị chặn ở phạm vi đầu đạn nổ ngay trên lãnh thổ nước này, lúc đó người lãnh đủ sẽ chủ yếu là dân Nga.

Cách đáp trả duy nhất của người Ukraine chỉ là… không đàm phán với bất cứ điều kiện nào Nga đưa ra - nhất là về lãnh thổ - và đòi lại bằng vũ lực. Những gì diễn ra trên thực tế đang chứng minh điều đó, người Ukraine sẽ không khoan nhượng. Để đáp trả, Hoa Kỳ tuyên bố luôn gói viện trợ mới mà trong đó chủ yếu là những thứ để bảo vệ lãnh thổ Ukraine trước đòn tấn công hạt nhân giả định trong tương lai và cả những vũ khí đã đem lại bước ngoặt của cuộc chiến.

Điều kỳ lạ nhất trong câu chuyện là hành động của Putin gần như dẫn đến việc Ukraine chính thức đệ đơn gia nhập NATO và Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Antony J. Blinken nói: “Mỹ ủng hộ Ukraine gia nhập NATO nhưng có một số thủ tục nhất định cho việc này”. Một trong những rào cản của việc một nước nào đó muốn gia nhập Minh ước Bắc Đại Tây Dương là “không có tranh chấp lãnh thổ với nước khác”. Ở hoàn cảnh đầu chiến tranh, việc tranh chấp lãnh thổ của Ukraine với Nga có giải pháp là Ukraine phải nhường nhịn, thì ở giai đoạn hiện nay khi nhiều thứ không thể “undo / control+Z” được nữa, thì giải pháp sẽ là hỗ trợ Ukraine đòi lại lãnh thổ đến khi nào xong thì thôi.

Vậy chúng ta có thể hiểu “thủ tục nhất định” chính là ngụ ý: chúng tôi sẽ hỗ trợ họ đòi lại lãnh thổ xong xuôi, khi đó họ sẽ vào NATO. Lúc này thì việc Ukraine vào NATO ngay lập tức để được bảo vệ, cũng chẳng cần thiết, có mà nói chính xác họ đang bảo vệ NATO thì mới là đúng.

Có một câu hỏi đặt ra cho tôi rằng liệu chúng ta có thể hình dung ra cuộc chiến sẽ kéo dài bao lâu và kết thúc như thế nào không? Thật khó để trả lời một câu hỏi như vậy nhưng có một điều chắc chắn là người Ukraine sẽ không nhượng bộ về lãnh thổ, và tầm này thì chẳng còn khái niệm “ranh giới trước ngày 24/2” nữa, mà sẽ là sự thủ tiêu của hai cái nhà nước thây ma “cộng hòa nhân dân” Donetsk và Luhansk.

Phụ thuộc vào tốc độ xây dựng lại và lớn mạnh của lực lượng vũ trang Ukraine, (trong đó không thể không tính đến hỗ trợ của thế giới văn minh nhưng tôi tin là bản thân người Ukraine cũng có khả năng tự lực của họ) sẽ quyết định tốc độ giải phóng đất đai bị Nga chiếm. Tuy chúng ta đã xác định Nga là một đất nước to lớn đến mức khổng lồ, nhưng đã bộc lộ những điểm yếu chết người về hệ thống. Khi Goliath đã bị chàng David nhỏ bé bắt bài, thì chỉ cần một giây là đổ ụp. 

Từ đầu chiến tranh, chúng ta đã chứng kiến những đoàn xe lũ lượt của người Nga kéo sang, nhưng cũng chứng kiến hàng đoàn xe khác chở nhu yếu phẩm, xăng dầu đạn dược bị người Ukraine tóm cổ ở Sumi… Từ đó dẫn đến sụp đổ không tránh khỏi của chiến thuật “Chiến tranh chớp nhoáng” của người Nga hòng “úp sọt” Chính phủ Zelensky. Bây giờ chúng ta chứng kiến chỉ 16 giàn HIMARS, quân đội Nga lập tức biến thành lũ bần cùng thiếu cả đạn lẫn gạo, chỉ thiếu mỗi nước chết đói. 

Mới đây nhất, quân đội Nga chạy như ma đuổi khỏi tỉnh Kharkiv mà họ chiếm dễ dàng hồi đầu chiến tranh, để lại hàng trăm khí tài trứ danh và đắt tiền. Vì thế nên tôi vẫn hy vọng thời điểm sụp đổ là tương đối sớm và tốc độ sụp đổ là khá nhanh. Điều này có một lý do logic là Putin đã bí ý tưởng, quyết định dấn sâu bằng cách phình quân đội về số lượng mà không có cải thiện nào về “chất” thì quân đội càng phình to, càng đổ nhanh.

Phụ thuộc vào mức độ sụp đổ của quân đội Nga và thậm chí cả chính quyền Putin, sẽ quyết định việc Ukraine có lấy lại được Crimea hay không. Với tình thế hiện nay về mọi mặt: quan hệ quốc tế, chính trị và tương quan chiến trường, tui cho rằng khả năng đòi lại được là khá cao.
 
Nay sau khi Putin tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine, quốc gia này chính thức đệ đơn xin gia nhập Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)
Ngay sau khi Putin tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine, quốc gia này chính thức đệ đơn xin gia nhập Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)

Kết. Việc Nga Putin sáp nhập bốn tỉnh của Ukraine không thể đặt ngoài bối cảnh trận phản công của các lực lượng vũ trang Ukraine hồi đầu tháng Chín ở tỉnh Kharkiv, dẫn đến việc quân Nga phải bỏ chạy khỏi đây. Cánh quân Nga ở đông Kharkiv đóng hai vai trò: vừa là mũi tấn công vào đông nam mặt trận Donbas, coi như đòn tập hậu; vừa là bình phong phía đông che chắn cho mặt trận Donbas. 

Ngoài ra, do tính chất của giao thông khu vực thì hành lang đông Kharkiv này tạo điều kiện cho quân Nga thiết lập được hệ thống tiếp liệu hậu cần tuyệt vời. Tuyến đường sắt Valuiky (Belgorod) – Kupyansk rồi từ Kupyansk xuống Izyum và Izyum sang Lyman, hỗ trợ thêm tuyến đường sắt Kupyansk – Lyman từ cuối tháng 5/2022, đảm bảo sức tấn công của quân Nga trong khu vực mục tiêu Kramatorsk – Slovyansk. Mất cái hành lang này, kế hoạch của Putin chiếm toàn bộ hai tỉnh Donetsk và Luhansk coi như phá sản và thực tế còn không có gì ngăn được đà tiến của quân Ukraine. 

Trong thế bế tắc toàn phần về quân sự, Putin buộc phải nghĩ đến giải pháp chính trị và hy vọng rằng nó có thể quay lại giúp tháo gỡ, nhưng đã vào thế của con bạc vay tiền cầm cố, càng gỡ ra không gỡ chỉ có gỡ vào. Hành động này của Putin đã chính thức đóng chiếc đinh lên cái quan tài chôn sự nghiệp chính trị của ông ta.

Phúc Lai, từ Hà Nội


 
 Từ khóa: Ukraine
Tổng số điểm của bài viết là: 85 trong 18 đánh giá
Xếp hạng: 4.7 - 18 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn