“Kỷ niệm 100 năm Liên Xô”: THẤT BẠI Ê CHỀ CỦA PUTIN
Thứ sáu - 30/12/2022 12:53
(NCTG) “Không thể có ánh sáng cuối đường hầm cho Putin. Ông ta đã thất bại về thực tế trong cuộc chiến với Ukraine và điều chúng ta chờ chỉ là thời điểm nó được xác nhận về chính thức. Bằng thất bại này, Putin cũng đặt luôn dấu chấm hết cho mong muốn, cho kế hoạch “phục hồi Liên Xô”, và chúng ta cũng nên nói những lời an ủi với những người khấp khởi về “diễn biến vĩ đại rung chuyển thế giới” đó là vừa” - nhận định của tác giả Phúc Lai từ Hà Nội nhân tròn 100 năm Hiệp ước về thành lập Liên Xô được ký kết (30/12/1922-30/12/2022).
Có nên tiếc một thời “hoàng kim”?
Hồi tháng Năm năm nay, khi viết bài “Putin và những mốc thời gian”, tôi đã nghĩ đến lúc sẽ ngồi viết bài này, về dịp ở đâu đó người ta đã dự định kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Liên bang Cộng hòa XHCN Xô-viết (Liên Xô). Trong bài đó dù có nhớ, tôi vẫn cố tình “lờ” đi một chi tiết: năm nay 2022 còn là năm Putin tròn 70 tuổi, vì mỗi khi nhắc đến tôi lại cảm thấy ghê sợ những con người như thế và thế là chẳng muốn nhắc đến quá nhiều nữa.
Khi đó, tôi chưa hình dung ra được vào thời điểm cuối năm, cuộc chiến tranh nó sẽ như thế nào nhưng luôn luôn có một hi vọng rằng nó sẽ chấm dứt sớm. Vào thời điểm vừa qua kỷ niệm ngày Lễ Chiến thắng 9/5 thì cuộc chiến đã bước vào giai đoạn hai với những điều chỉnh mục tiêu chiến dịch của Putin: cố gắng chiếm trọn vẹn hai tỉnh Donbas. Hi vọng là hi vọng vậy thôi, chứ chưa dám nghĩ rằng Ukraine sẽ kết thúc được chiến tranh trước năm mới với thắng lợi nghiêng về họ, mà chỉ dám hình dung rằng quân đội Nga sẽ bị đánh thiệt hại nặng đến mức không thể tiếp tục chiến tranh được nữa và tìm cách rút ra khỏi cuộc chiến.
Và cuối cùng thì thời điểm để viết bài này cũng đến trong hoàn cảnh lực lượng vũ trang Ukraine ghi được những bàn thắng quan trọng và có thể nói, vượt lên dẫn trước trong khi quân đội Nga đã hết quyền thay người và các cầu thủ trên sân không còn sức để chạy nữa, mà “đội” Ukraine thì càng đá càng xung cơ, càng mạnh mẽ. Nhường cho Nga ghi hai bàn Serevodonetsk và Lysychansk với hàng loạt chấn thương và thẻ đỏ, Ukraine sau đó hai tháng ghi đến ba bàn ở Izyum, Kupyansk và Kherson và quan trọng là giành quyền kiểm soát toàn bộ hàng trung tuyến và tiếp tục uy hiếp khung thành đội Nga. Đó là cách bình luận cuộc chiến trong hoàn cảnh World Cup 2022 Qatar vừa kết thúc.
Đã không có món quà sinh nhật lần thứ 70 hoành tráng cho Putin. Theo những thông tin râm ran ngay từ khi quân đội của ông ta tràn sang Ukraine vào khoảng đầu tháng Ba, đã có kế hoạch về một chiến dịch kỷ niệm hoành tráng nhân dịp 100 năm thành lập Liên bang Xô-viết – ngày 30/12 năm nay. Cũng theo dòng thông tin đó, tôi tin ở những đất nước còn cảm thấy duyên nợ dai dẳng với nước Nga lại vẫn duy trì ý thức hệ cộng sản, sẽ có những hoạt động kỷ niệm theo. Tiếc là giấc mơ đã không thành sự thật.
Nhắc đến những xứ đó, tôi lại phải nhắc đến một câu chuyện của một thời u mê: mê mẩn về những gì người ta tuyên truyền về “chốn thiên đường Liên Xô” mà chúng tôi làm một trang web về nước Nga. Vì có nó, tôi biết được nhiều người tốt và vẫn yêu nước Nga rất nhiều, một trong số đó có một anh nói một câu mà tôi không thể quên: “Ở đây chúng ta tụ tập những người yêu Liên Xô!”. Câu nói có thể hiểu được bằng nhiều cách.
Từ góc độ ủng hộ Nga vô điều kiện ngay cả khi họ có những hành động phi pháp và vô nhân tính, thì “yêu Liên Xô” đồng nghĩa với việc nước Nga thừa kế tự động tình yêu của người Việt Nam dành cho Liên Xô. Từ góc độ khác, là sự rạch ròi: hồi đó giúp đỡ Việt Nam là Liên Xô, thì bây giờ sẽ có sự phân chia tình cảm, ai sinh sống, học tập và làm việc ở nước cộng hòa nào của Liên Xô, sẽ yêu nước đó và không yêu nước khác sau khi Liên Xô đã tan rã. Để đáp trả thái độ này, những người theo thái độ thứ nhất sẽ lý luận: những nước đó, điển hình là các nước Baltic, Georgia và nay là Ukraine đã phản bội lại lý tưởng của Liên Xô, trong khi nước Nga vẫn duy trì nó. Vì vậy, sự trừng phạt của nước Nga với “những kẻ phản bội” là không tránh khỏi.
Quay lại với câu chuyện của Liên Xô. Sau cuộc Cách mạng tháng Mười năm 1917, nước Nga Xô-viết đã kế thừa một di sản của Đế chế thực dân Sa Hoàng vừa ngon lành vừa không dễ nuốt. Đó là một đất nước to lớn về diện tích nhưng bao gồm nhiều nước thuộc địa với những dân tộc khác nhau về độ lâu đời về gốc gác, do đó rất khác biệt về văn hóa. Mặc dù hành động “trả lại độc lập cho các nước này” của V. Lenin vẫn thường được ca ngợi (cả chúng ta nữa cũng ca ngợi) nhưng thực tế là Lenin cũng không hề từ bỏ ý định thu hồi những vùng thuộc địa đó về cho nước Nga. Ngay từ trước Cách mạng, ông ta đã đưa ra ý tưởng về một Nhà nước Liên bang, mà sau này các nghiên cứu về nhà nước và pháp luật theo hệ XHCN đều ca ngợi là một ý tưởng thiên tài.
Tất cả những chỗ nào mà ảnh hưởng của người Nga mạnh, thì có thể thành lập được chính quyền Xô-viết làm tiền đề cho việc cho ra đời Liên bang. Còn những vùng ảnh hưởng chưa đủ mạnh sẽ được dành cho những thế hệ lãnh đạo tiếp nối của nước Nga, mà sau này chúng ta đã rõ về vai trò của Stalin. Với “hiệp ước ma quỷ” Molotov – Ribbentrop, ông ta đã bắt tay với Hitler để thu hồi nốt các nước vùng Baltic, nhưng chỉ “thắng lợi hạn chế bằng chiếm đất” đối với Phần Lan hay nói chính xác là thất bại, vì nước này vẫn bảo toàn được nền độc lập của mình.
Thất bại vì thua kém về văn hóa
Trên đây tôi có nhắc đến yếu tố “văn hóa” – ở thời Liên Xô mà nói một điều rằng phần lớn các dân tộc trong Liên Xô cũ đều có nền văn hóa – gốc gác lâu đời hơn người Nga rất nhiều, là đại phản động. Thậm chí bây giờ mà nói điều tương tự chắc chắn rất nhiều người Việt Nam sẽ phản bác: “Bố láo, phản động! Văn hóa Nga có Tchaikovsky và Shostakovich, có Levitan và cả Lev Tolstoy nữa”. Ơ thế Tchaikovsky và Shostakovich có phát minh ra những loại hình âm nhạc mà họ đã sáng tác không? Levitan là người Do Thái, ông ta vẽ có “chất Nga” được bao lăm? Còn Lev Tolstoy tả về cuộc sống thượng lưu Nga là học từ đâu, không phải từ Châu Âu thì từ đâu?
Đến thời điểm cuộc chiến Nga – Ukraine đã bước qua đỉnh điểm của nó, những khó khăn nhất của người Ukraine đã bắt đầu qua và bước vào giai đoạn xuống dốc của quân Nga, hồi tháng Mười năm nay Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon phàn nàn với Putin về sự thiếu tôn trọng của ông ta đối với các quốc gia Trung Á từng là một phần của Liên Xô đã gây chú ý trên mạng xã hội, nơi nó đã được xem hàng triệu lần. Rahmon đã phát biểu như thế vào ngày 14/10 tại một hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo từ Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS) trước đây ở thủ đô Astana của Kazakhstan.
“Chúng tôi luôn tôn trọng lợi ích của đối tác chiến lược chính của chúng tôi” – Rahmon nói, đề cập đến Nga. “Chúng tôi cũng muốn được tôn trọng”.
Những phát biểu này của ông Emomali Rahmon chỉ là một biểu hiện ra bên ngoài, ông nói ra điều đó như nói hộ tâm tư của những tổng thống còn lại đang đóng vai trò cử tọa: các nhà lãnh đạo của Kazakhstan, Kyrgyzstan, Turkmenistan và Uzbekistan dù im lặng nhưng đó là sự im lặng đồng ý. Sự thiếu tôn trọng này đã tồn tại suốt trong 70 năm Liên Xô và nó vẫn ngự trị trong suy nghĩ và cách hành xử của Putin khi Liên Xô không còn tồn tại nữa. Chúng ta đã biết về những sản phẩm, sản vật của các nước cộng hòa của Liên Xô bị thu và nộp lại cho Liên bang – chính xác là về cho nước Nga, bù lại nước Nga ban phát lại những sản phẩm khác theo kế hoạch hóa hết sức máy móc mà không bao giờ đảm bảo cả về số lượng lẫn chất lượng.
Sự thiếu tôn trọng các dân tộc của Liên Xô cũ còn tiếp tục ở “nước Nga hậu Xô-viết” từ góc độ xã hội. Có thể chúng ta nhìn thấy chính sách của Putin “ưu ái các dân tộc thuộc Liên Xô cũ” trong việc nhập quốc tịch Nga, nhưng mấy ai nhìn mặt khác của vấn đề khi luật Nga dành ưu ái cho lao động có quốc tịch Nga, dẫn đến tình trạng nước Nga thiếu hụt lao động nhất là trong những lĩnh vực nặng nhọc? Câu chuyện khi thị trưởng thành phố Mátxcơva ra quyết định cấm người nước ngoài làm việc trong những ngành dịch vụ công của thành phố (để dành việc cho người Nga) ngay lập tức thành phố ngập rác vẫn còn nguyên đó.
Trong lịch sử đã từng có một dân tộc chiến thắng bằng quân sự khi chinh phục các dân tộc khác, nhưng thất bại trong đồng hóa họ và cuối cùng bị đồng hóa lại, là người Mông Cổ. Người Mông Cổ đi đến đâu thì hòa nhập ở đó, chẳng hạn như Y Nhi Hãn Quốc thành một quốc gia của người Arab, Kim Trướng Hãn Quốc thành quốc gia của người Slav và Tatar, còn nhà Nguyên là một triều đại của Trung Quốc. Sự thua kém về văn hóa của người Mông Cổ dẫn đến việc họ là người thua trận về văn hóa và bị đồng hóa.
Lịch sử lặp lại với người Nga trong thời Liên Xô sau Thế chiến thứ Hai. Hội nghị Yalta năm 1945 đã đặt các nước Đông Âu và một phần nước Đức trong vòng ảnh hưởng của Liên Xô. Thực tế người ta vẫn coi đó là sự áp đặt thống trị của người Nga lên các dân tộc khác, chỉ khác về mức độ: những dân tộc không phải Nga trong Liên Xô và dân chúng các nước Đông Âu. Tuy nhiên, các dân tộc này đặc biệt là các dân tộc của các nước Đông Âu chưa bao giờ coi người Nga là dân tộc có văn hóa vượt trội, thậm chí thua kém họ rất nhiều.
Khẳng định ý này, ông Brzezinski (1) đã viết trong cuốn “Bàn cờ lớn” (2) của mình: “... Nga bị coi thường về mặt văn hoá bởi hầu hết các nước đồng minh Trung Âu và bởi sự nổi lên của một nước đồng minh ở phía Đông là Trung Quốc. Đối với người Trung Âu, sự chỉ đạo của Nga nghĩa là tách họ ra khỏi cái quê hương triết học và văn hoá của họ. Tồi tệ hơn, nó còn có nghĩa, không phải luôn luôn đúng, là bị thống trị bởi một dân tộc mà người Trung Âu cho là thấp kém hơn họ về văn hoá”.
Những lý thuyết trên đây cho chúng ta thấy sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 không chỉ có những nguyên nhân về kinh tế và chính trị, mà phải nói rằng nó có cái gốc về văn hóa. Vậy câu chuyện này sẽ cho chúng ta những bài học gì ở thời điểm năm 2022? Khi cuộc chiến tranh Nga tiến hành ở Ukraine đã nổ ra, có thể khẳng định chắc chắn rằng Putin muốn tái thành lập một thực thể mới mà trước mắt, ông ta để cho người Nga hiểu đó là Liên Xô. Nhưng, Liên Xô đó là Liên Xô nào, có phải là một Liên Xô cộng sản trước năm 1991 hay không?
Đầu tiên, chúng ta cần đưa ra những hình dung về mô hình tổ chức nhà nước, có lẽ mô hình “mở rộng Liên bang Nga hiện nay thành Liên bang mới” là phù hợp hơn cả. Nước Nga cần thêm một mảnh ghép nữa là Ukraine mà cả hơn trăm năm qua, từ thời Sa Hoàng họ đã gọi là “Tiểu Nga” là hoàn tất một “Liên bang Đại Nga” mới. Phục vụ cho ý tưởng này về mặt dân tộc, hàng chục năm qua họ đã tiến hành một chiến dịch tuyên truyền nói rằng “tất cả Đại Nga, Bạch Nga, Tiểu Nga đều là Nga cả” và do đó “Liên bang Đại Nga” cũng chính là “Liên bang Nga” – nói thế nào, hiểu thế nào cũng được, họ đều thắng lợi vì có được địa vị thống trị.
Tôi mà là người Nga tôi cũng thích như thế, nghe đã thấy hào hứng. Chắc chắn sẽ có rất nhiều người, chẳng cứ gì người Nga mà cả người Việt Nam không thể chịu nổi cái suy nghĩ có một dân tộc một ngày tuyên bố họ không phải là Nga, chẳng có “Tiểu Nga tiểu nghiếc” gì sất, và chúng tôi là một dân tộc độc lập thậm chí còn có gốc gác văn hóa lâu đời hơn dân tộc Nga – đó là dân tộc Ukraine. Người Nga, nhiều người Việt... còn chẳng chịu được suy nghĩ đó nữa là Putin.
Để hiểu thêm về tâm lý này, độc giả có thể tìm xem bộ phim hài chính trị – tâm lý xã hội “Tạm biệt Lenin” (3). Bộ phim kể về hai chị em ở lứa tuổi thanh niên, cố gắng tái hiện cuộc sống của thời chủ nghĩa xã hội cũ để mẹ mình, một cán bộ của chế độ CHDC Đức bị hôn mê mất nhận thức một thời gian đúng vào những biến cố thống nhất đất nước. Tâm lý này chắc chắn vẫn còn tồn tại ở nước Nga, chủ yếu là ở những “người Nga cũ”, những người có tuổi gắn bó với quá khứ đất nước Xô-viết. Cũng không loại trừ những người thuộc “chủ nghĩa tôn sùng Liên Xô” mà nhìn chung, tư tưởng của họ khá gần với tư tưởng của “Chủ nghĩa Đại Nga” và điều đáng nói là nhiều người trong số họ tôn sùng sức mạnh quân sự của Liên Xô và muốn thấy một nước Nga có được vị thế như thế cả về kinh tế, quân sự và sức mạnh mềm. Còn về những “người Nga mới” chỉ thích làm giàu, thì là chủ nghĩa thực dụng và chắc chắn người ta chẳng quan tâm gì đến Liên Xô hay Đế quốc gì đó đâu.
Thứ hai, chúng ta cũng cần hình dung về một thể chế của một Liên bang mới: rất nhiều thứ của Liên Xô cũ sẽ được áp dụng ở Liên bang mới (mà chúng đang được áp dụng ở Liên bang Nga của hiện tại). Độc tài của Đảng cộng sản Liên Xô được thay thế bằng độc tài Putin. Chế độ “mật vụ trị KGB” được thay thế bằng “mật vụ trị FSB”. Thế thì có cái gì của Liên Xô nữa sẽ được duy trì?
Thứ ba, điểm khác biệt chủ yếu giữa các chế độ xã hội là về phương thức sản xuất. Là Liên Xô – nhà nước XHCN thì cũng đồng nghĩa với việc chế độ kinh tế với phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa là chủ đạo, là xương sống, chiếm đa số và về cơ bản nó dựa trên chế độ sở hữu tập thể về tư liệu sản xuất. Với Liên bang Nga của ngày hôm nay, đó là chế độ sở hữu tập trung và trong tay của một số những người thuộc giới tinh hoa của nước Nga, làm gì còn phương thức sản xuất XHCN nào nữa. Do đó điểm khác biệt này sẽ thể hiện ra bên ngoài bằng tình trạng phân hóa giàu nghèo trong xã hội giữa các giai tầng, vùng miền càng ngày càng sâu sắc.
Nếu như thời sau Cách mạng tháng Mười Lenin đã cố gắng đưa ra một mô hình nhà nước mới (hồn) cho cái đất nước to lớn nhưng rệu rã (xác) cũ của Đế chế Nga Sa Hoàng để lại, thì khi đề xuất mô hình nhà nước liên bang, có một sự thật ẩn giấu đằng sau. Sự thật đó là việc trao trả độc lập cho các nước đó, sau này là các nước cộng hòa của Liên Xô chỉ là “kỹ thuật” hay nói thẳng ra là giả dối, còn mục đích chính vẫn là việc khôi phục một đế chế, mà từ đó trở đi là “đế chế đỏ”.
Đến thời của mình, ngay trước chiến tranh (với Ukraine), Putin đã tuyên bố lên án Lenin về vấn đề này – chủ yếu là lên án cái hành động mang tính kỹ thuật “trả lại độc lập” cho các nước kia, mà vô hình trung nó đã “khai sinh ra các quốc gia.” Trong quan điểm của mình, rõ ràng Putin cho rằng Lenin sai lầm, vì nếu không có “trò” đó thì Ukraine mãi mãi chỉ là một thành phần phụ trong Nga hay “thế giới Nga” chứ không bao giờ có vai trò độc lập cả về vị thế dân tộc lẫn vai trò quốc gia.
Như thế, cái thứ mà Putin định phục hồi vẫn chỉ là “Liên bang Nga” trong danh xưng (quốc hiệu) mới, nhưng sẽ có thêm các “thuộc địa” là Belarus, Ukraine. Bước đầu là như thế, bước sau thì khả năng cao sẽ có thêm Moldova, thậm chí cả Georgia. Sẽ không bao giờ có lại mô hình tổ chức nhà nước liên bang theo kiểu Liên Xô cũ, khi mà các nước cộng hòa là thành tố cấu thành ít ra còn có chút vai trò bình đẳng danh nghĩa (lý thuyết).
Vậy đó, cái thứ “Liên Xô mới” này thực chất chỉ là những cái khẩu hiệu. Được biết khi Putin ký quyết định yêu cầu đưa toàn bộ nền sản xuất công nghiệp đất nước vào phục vụ chiến tranh, cũng đã xuất hiện nhiều những khẩu hiệu giống của thời Xô-viết trong các nhà máy Nga. Nhưng chúng chỉ giống về hình thức “chữ trắng trên nền đỏ”...
Chỉ còn lại những điểm tương đồng, như người dân sẽ được ru ngủ bằng một hình ảnh đất nước vĩ đại và hùng cường, vị thế dân tộc nâng cao không còn bị coi thường. Không thuyết phục được về văn hóa, thì cách nhanh nhất là chiếm đoạt bằng quân sự. Đó chính xác là những gì Putin đang làm.
Nhắc đến “câu chuyện Liên Xô” trong bối cảnh cuộc chiến tranh của nước Nga Putin tiến hành ở Ukraine đã được hơn 10 tháng, chúng ta cũng cần nhắc lại một câu chuyện mà khi chiến tranh nổ ra rất nhiều người viện dẫn. À, thật ra người ta viện dẫn đến nó với tần suất khá nhiều từ khi Nga chiếm đoạt bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014 kia: “Crimea vốn là của Nga, khi Khrushchev (4) làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô ông ta đã cắt về cho Ukraine như là một món quà”. Liên quan đến vấn đề “lãnh đạo Liên Xô người Ukraine” còn có một nhân vật nữa phải nhắc đến – ông Brezhnev (5). Theo quan điểm cá nhân của tôi thì những lý luận này khá thiếu căn cứ. Chẳng hạn nếu nói bán đảo Crimea là của Nga, thì chính xác từ bao giờ? Trong khi đó lịch sử đã xác định rõ ràng dân cư gốc của Crimea là người Tatar Crimea, ở đây đã từng tồn tại quốc gia của “Khan Tatar”. Người Nga chỉ thực sự có mặt ở đó từ khi Piotr Đại đế tiến hành các cuộc chinh phục để có đường ra biển Đen, thậm chí đến cuộc chiến tranh Crimea 1853–1856 vị thế của Nga ở đây vẫn còn chưa vững chắc.
Những lý luận này chẳng qua để biện minh cho những hành động trái pháp luật quốc tế của Nga mà thôi. Tôi thì cho rằng Brezhnev và Khrushchev, thậm chí cả Stalin trước đó nữa chẳng hề coi mình là người Ukraine hay Georgia, mà chính xác là người dân tộc Ukraine và Georgia của Liên Xô. Họ tự coi mình là công dân Liên Xô một cách tự hào, và cũng không có gì đáng trách trong việc đó. Bằng hành động giải thích lại lịch sử để biện minh cho những hành động vừa phi pháp vừa bạo lực, Putin đã bôi nhọ lịch sử của cả Liên Xô và Nga.
Nếu như kế hoạch của Putin thành công, chắc chắn với ông ta là một chiến công lừng lẫy, một chiến thắng huy hoàng. “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” lần này mong muốn của Putin đã không thành sự thật. Năm 2014 chiếm đoạt Crimea của Ukraine quá dễ dàng (không tốn một viên đạn!) làm cho Putin trở nên hoang tưởng ở sức mạnh quân đội của mình, và cho rằng chiếm đoạt cả đất nước Ukraine dễ dàng như cho tay vào trong túi lấy đồ. Người Ukraine đã không cho lão ta làm điều đó. Bao nhiêu yếu kém của cái quân đội lâu nay hoành tráng trong các cuộc duyệt binh, lộ ra hết.
Khi tôi viết bài này thì nhận được thông tin rằng những cố gắng từ một vài cá nhân, tổ chức... để hỗ trợ quá trình phục hồi sản xuất công nghiệp quốc phòng của Nga, cũng không đi đến đâu. Nói chính xác, chính người Nga cũng không hào hứng cho lắm với cái kế hoạch điên rồ kéo dài chiến tranh đó của Putin. Chiến tranh làm cho nhiều người giàu lên, nhất là với giới sản xuất nhưng với điều kiện là quân đội của anh đang thắng và có nguồn thu từ đó, còn trong điều kiện bị cấm vận và trừng phạt, dầu khí không bán được hoặc bán được nhưng bán lỗ, thì chẳng lấy đâu ra tiền. Trong hoàn cảnh đó càng cố sản xuất, càng chết.
Những khẩu hiệu mà nội dung kiểu “Tất cả cho tiền tuyến”, “Anh đã làm gì cho Tổ Quốc?” của thời Chiến tranh Vệ quốc, có đi vào thực tế được hay không là một câu chuyện rất dài. Chỉ vài tháng nữa chúng chết yểu cùng với cuộc chiến tranh của Putin, thì tất cả cũng sẽ rõ ràng, tất cả!
Quay lại với chủ đề “Putin và các mốc thời gian” – sáng 29/12 tức là trước “kỷ niệm 100 năm Liên Xô” một ngày, tôi ngồi uống cà phê và nói chuyện với hai anh chị, những người về Hà Nội từ Kyiv. Nghe câu chuyện, anh ấy nhắc chuyện Stalin năm 1945 và nói thêm: đúng là người Nga thích những thứ trọng đại kiểu trùng hợp về thời gian như vậy. À phải rồi, mùa xuân năm 1945, Stalin hạ lệnh cho tư lệnh các Phương diện quân (Belarus số 1, G. K. Zhukov và Belarus số 2, K. K. Rokossovsky) là bằng mọi giá phải chiếm được Berlin vào trước lễ Quốc tế Lao động 1/5. Và thế là Hồng quân phải cố sống cố chết chiếm thành phố ngoài các sức ép quân sự thông thường còn có sức ép của một mệnh lệnh chính trị.
Một mệnh lệnh hết sức cá nhân, phải chăng chỉ để thỏa mãn một ý thích nhất thời? Không hẳn vậy – những người hiểu rõ về nước Nga và người Nga sẽ biết có một tâm lý lâu dài và ổn định trong dân tộc đó. Khi có sự trùng lặp mang tính trọng đại kiểu này, người ta càng tin vào những sự lựa chọn có tính định mệnh của lịch sử. Lần này sự lựa chọn đó của lịch sử đã nhằm vào Putin, sẽ lên ngôi Sa hoàng mới với tính thuyết phục tuyệt đối.
Mà chẳng riêng gì ở Nga, hồi 1985 chuẩn bị kỷ niệm 10 năm “Giải phóng miền Nam” một tờ báo đã có bài xã luận: “Liên Xô kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Phát-xít, ta cũng kỷ niệm 10 năm... thật trùng hợp 30 năm trước Hồng quân giải phóng Berlin thì 30 năm sau bộ đội ta cũng giải phóng Sài Gòn...” thật là trọng đại!
Cũng thời điểm những ngày cuối năm này, người ta bình luận về việc “Putin muốn đàm phán lắm rồi” khi có những phát biểu dạng rằng Điện Kremlin “sẵn sàng đàm phán với mọi bên liên quan” để đạt được điều mà họ coi là “các giải pháp chấp nhận được” cho cuộc chiến tàn khốc chống lại Ukraine (ngày 25/12/2022). Bình luận về động thái này, một người bạn Ukraine nói: “Cái ông ta muốn không phải là đàm phán, mà ông ta muốn đạt được kết quả tích cực của sự chiếm đóng như một chiến thắng trong cuộc chiến tranh kiểu thế kỷ 19”.
Về câu nói này, tôi hiểu Putin muốn đóng băng cuộc chiến, để rút ra khỏi nó trong khi quân đội của ông ta có thể dừng lại thở và phục hồi trên những vùng đã chiếm được. Người Việt hay nói “khôn như anh quê em đầy!” – ai người ta cho ông ta làm như thế! Cuộc chiến chắc chắn sẽ phải đi đến hồi kết, và lúc này chẳng ai còn nói, còn nghĩ đến cái “thây ma Liên Xô” nữa. Bây giờ mà Putin và những người ủng hộ ông ta còn lôi chuyện đó ra nói, chỉ có bị thế giới cười cho vào mũi.
Không thể có ánh sáng cuối đường hầm cho Putin. Ông ta đã thất bại về thực tế trong cuộc chiến với Ukraine và điều chúng ta chờ chỉ là thời điểm nó được xác nhận về chính thức. Bằng thất bại này, Putin cũng đặt luôn dấu chấm hết cho mong muốn, cho kế hoạch “phục hồi Liên Xô”, và chúng ta cũng nên nói những lời an ủi với những người khấp khởi về “diễn biến vĩ đại rung chuyển thế giới” đó là vừa.
Ghi chú:
(1) Zbigniew Kazimierz Brzezinski (28/3/1928–26/5/2017) là một nhà khoa học chính trị, chiến lược gia địa chính trị, một chính khách người Mỹ gốc Ba Lan. Ông đã cố vấn cho Tổng thống Lyndon B. Johnson 1966–1968 và giữ chức Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ cho Tổng thống Jimmy Carter 1977–1981. Brzezinski thuộc trường phái lý thuyết gia chủ nghĩa hiện thực trong ngành quan hệ quốc tế, về địa chính trị theo truyền thống Halford Mackinder và Nicholas J. Spykman. (Wikipedia tiếng Việt).
(2) Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1999, trang 17.
(3) “Good Bye, Lenin!” (2003) của đạo diễn Wolfgang Becker. Các diễn viên chính: Daniel Brühl (vai Alexander “Alex” Kerner), Katrin Saß (vai Christiane Kerner), Chulpan Khamatova (vai Lara), Maria Simon (vai Ariane Kerner). (PL)
(4) Nikita Sergeyevich Khrushchev (tiếng Nga: Ники́та Серге́евич Хрущёв, 15/04/1894–11/09/1971) là nhà lãnh đạo của Liên bang Xô viết trong cuộc Chiến tranh Lạnh, đồng thời là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô từ năm 1953 đến 1964, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô (tức Thủ tướng) từ năm 1958 tới 1964. (Wikipedia tiếng Việt)
(5) Leonid Ilyich Brezhnev (tiếng Nga: Леони́д Ильи́ч Бре́жнев, 19/12/1906–10/11/1982) là Tổng bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô từ năm 1964 đến năm 1982. Ông từng hai lần giữ chức Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao (lãnh đạo nhà nước) từ ngày 7/5/1960 đến ngày 15/7/1964, sau đó từ 16/6/1977 tới khi qua đời ngày 10/11/1982. (Wikipedia tiếng Việt)
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...