NGƯỜI TATAR Ở CRIMEA BỊ CẤM TƯỞNG NHỚ QUÁ KHỨ

Thứ ba - 16/05/2017 03:00

(NCTG) Tại bán đảo Crimea của Ukraine mà Liên bang Nga đã chiếm đoạt và “sáp nhập” từ vài năm nay, chính quyền thân Nga tiếp tục không cho sắc dân Tatar tụ tập để tưởng niệm sự kiện năm 1944, khi cha mẹ, ông bà của họ đã bị cướp đoạt tài sản và tống khỏi quê hương.

Sự đày ải sắc dân Tatar ở Crimea - Tranh của Rustem Eminov, một nghệ sĩ Tatar ở Crimea

Sự đày ải sắc dân Tatar ở Crimea - Tranh của Rustem Eminov, một nghệ sĩ Tatar ở Crimea

Tổ chức đại diện của người Tatar ở Crimea (Crimean Tatars) đã kêu gọi người Tatar cầu nguyện để tưởng nhớ nạn nhân của thể chế độc tài toàn trị Xô-viết. Theo dự định, ngày 18-5, người Tatar ở Crimea sẽ ra trước cửa nhà, xuống phố và lớn tiếng cầu nguyện cho anh linh những người đã khuất.

Tuy nhiên, chính quyền sở tại đã không cho phép hoạt động này, theo tin của Kênh truyền hình Ukraine TSN. Cần biết là ở các vùng khác của Ukraine, có rất nhiều hoạt động sẽ được tổ chức để nhắc nhớ nỗi nhơ đó của Liên bang Xô-viết, cùng những hậu quả của nó.

Nhìn lại lịch sử, chỉ trong vòng ba ngày, từ 18-5 tới 20-5-1944, gần hai trăm ngàn người Tatar ở Crimea bị cướp bóc, tịch thu gia sản, sau đó bị nhồi vào những toa tàu đóng kín và đày ải tới vùng Trung Á, chủ yếu là tại Nước Cộng hòa XHCN Uzbekistan thuộc Liên bang Xô-viết.

Quyết định này - đồng nghĩa với sự trừng phạt tập thể cả một sắc dân - được đưa ra bởi Ủy ban Quốc phòng Nhà nước (GKO) là cơ quan có nhiệm vụ và chức năng chỉ đạo Liên Xô trong thời Đệ nhị Thế chiến, mà người đứng đầu là Tổng bí thư, nhà độc tài đầy quyền uy Stalin. 

Lý do được đưa ra, là bởi người Tatar ở Crimea bị cáo buộc hợp tác với phát-xít Đức. Theo như những hồi tưởng, các nhân viên mật vụ chính trị (NKVD - Bộ Dân ủy Nội vụ) đã đi tới từng nhà và chỉ để 15-30 phút cho các hộ gia đình để họ thu xếp đồ đạc cá nhân cho chuyến đi.

Nhiều người Tatar ở Crimea, thay vì chuẩn bị thực phẩm, đồ ăn đi đường, đã có gắng mang nhiều gia sản. Khi đó, họ còn chưa thể biết rằng, chặng đường kéo dài hai tuần sẽ khiến nhiều người bị chết đói, chết khát trên những toa tàu hàng chật chội, bẩn thỉu và thiếu dưỡng khí.

Ngay cả khi tới vùng đất mới hoang vu, vẫn có nhiều người bỏ mạng vì đói khát, bệnh tật và hoàn cảnh khắc nghiệt tại đó. Quân nhân Tatar ở Crimea chiến đấu trong đội ngũ Hồng quân cũng bị giải ngũ và đưa tới các trại tập trung lao động cưỡng bức ở vùng Siberia và vùng núi Ural.

Không chỉ số này, mà nhiều đồng hương của họ bị đưa đi trực tiếp từ Crimea cũng đã kinh qua các lao động cưỡng bức để thực hiện nhữngdự án kinh tế quy mô lớn thuộc hệ thống “Gulag - Quần đảo ngục tù”, mà về sau được văn hào Solzhenitsyn đặc tả trong tác phẩm lớn của ông.

Trong ngôn ngữ của người Tatar ở Crimea, sự đày ải thời Xô-viết được gọi bằng từ “sürgün”. Những ước tính cho thấy chỉ vỏn vẹn trong hai năm rưỡi, từ tháng 7-1944 tới tháng 1-1947, khoảng 46% tổng số người Tatar ở Crimea bị đày ải đã chết trong quá trình bị trục xuất và lưu đày. 
 
Chừng 200 ngàn người Tatar ở Crimea đã bị tống khỏi quê hương mình và đày ải tới các vùng xa xôi - Ảnh tư liệu
Chừng 200 ngàn người Tatar ở Crimea đã bị tống khỏi quê hương mình và đày ải tới các vùng xa xôi - Ảnh tư liệu

Hậu duệ của những người Tatar ở Crimea không bao giờ quên những ngày tháng hãi hùng đó. Trái với nhiều sắc dân khác cũng bị Stalin đày ải trong Đệ nhị Thế chiến (*), người Tatar ở Crimea chỉ có cơ hội hồi hương sau những biến chuyển dân chủ của Liên Xô năm 1989.

Năm ngoái, người Tatar ở Crimea cũng đã không được tụ tập tổ chức tưởng niệm trên bán đảo bị Nga dùng vũ lực xâm chiếm từ ba năm nay, nên họ phải cùng người dân Ukraine làm điều này tại tỉnh lân cận Kherson. Đây là điều khiến ban lãnh đạo Kiev hết sức bất bình và công phẫn.

Đã rất nhiều lần, Kiev lưu ý cộng đồng quốc tế rằng kể từ khi đưa quân đội chiếm đóng và “sáp nhập”, Moscow đã hạn chế những quyền tự do cơ bản của những người không phải dân tộc Nga ở bán đảo Crimea, đặc biệt là người Tatar ở Crimea và người Ukraine. 

Những kẻ xâm lược bắt bớ người dân chỉ vì họ giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ của họ, tiếng của người Tatar ở Crimea, vì họ tin vào Đức Chúa trời theo cách khác và muốn được sống tự do trên mảnh đất quê hương của họ”, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko phát biểu.

Thật khó tin là điều đó lại có thể xảy ra ngày nay ở giữa lòng Châu Âu xét về mặt địa lý” - nguyên thủ quốc gia Ukraine nhấn mạnh trong lễ tưởng niệm được tổ chức tại thủ đô Kiev vào ngày 18-5 năm ngoái.

Ukraine cũng đã đệ đơn kiện Liên bang Nga trên Tòa án Công lý Quốc tế (trực thuộc Liên Hiệp Quốc) có trụ sở tại Den Haag, Hà Lan với cáo buộc Moscow vi phạm công ước cấm sự phân biệt chủng tộc. Với phán quyết ra vào tháng 4 vừa rồi, Tòa đã xử thắng cho Kiev.

Theo đó, Tòa án Công lý Quốc tế kêu gọi Liên bang Nga chấm dứt cách đối xử thù địch và sự phân biệt đối xử bất lợi đối với người Tatar ở Crimea, cho phép Tổ chức đại diện của người Tatar ở Crimea hoạt động trở lại, và đảm bảo việc sử dụng tiếng Ukraine trong giáo dục ở Crimea.

(*) Các sắc dân khác bị đày ải đều được trở về quê hương, chí ít là sau cái chết của “nhà độc tài đỏ” năm 1953, trong thời kỳ hòa dịu của Tổng bí thư Nikita Khrushchev.

Chính Khrushchev, trong bản báo cáo mật vạch trần một số tội ác của Stalin đọc tại Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 20 (tháng 2-1956), đã dành một phần riêng để nói về những cuộc đày ải các sắc dân thiểu số tại Liên Xô trong Đệ nhị Thế chiến. Tuy nhiên, trường hợp của người Tatar ở Crimea đã không được nhắc tới trong phát biểu đó.

Trần Lê tổng hợp


 
 Từ khóa: Crimea, Tatar
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn