Cuộc chiến tranh của Putin ở Ukraine: LỊCH SỬ LIỆU CÓ LẶP LẠI?

Thứ sáu - 06/01/2023 12:23

(NCTG) “Hồi đó nước Nga chấm dứt những thất bại của mình bằng một cuộc Cách mạng, phải chăng bây giờ lịch sử cũng sẽ lặp lại?” - điểm qua một số nét tương đồng của Nga qua hai cuộc chiến - Đệ nhất Thế chiến và cuộc chiến âm lược Ukraine hiện tại -, tác giả Phúc Lai kết luận rằng việc Nga sẽ thất bại ở Ukraine là điều tất yếu, không thể tránh khỏi.

Quân đội Nga trong chiến hào, Đệ nhất Thế chiến - Ảnh tư liệu

Quân đội Nga trong chiến hào, Đệ nhất Thế chiến - Ảnh tư liệu

Tôi có người bạn học cùng khóa đại học – thực tế là hồi đó chỉ biết nhau chứ chưa bao giờ chơi và tình cờ chúng tôi gặp lại sau vài chục năm trên mạng xã hội. Anh ta tham gia vào một nhóm tôi lập ra trên Facebook và nhóm này, haizz, liên quan đến Nga. Đặt tên là “Duyên nợ nước Nga” – nhóm này ra đời trước khi ở Ukraine có cuộc Cách mạng Maidan và có thể nói nó là Group đầu tiên trên Facebook về... Nga. Thời điểm đông nhất nhóm có đến gần 100.000 thành viên.

Tuy nhiên, ngay từ hồi đó, tôi đã điều hành Group này theo nhãn quan: người Việt Nam cần phải có cái nhìn khách quan về nước Nga, tức là cái gì tốt thì nó vẫn là tốt, cái gì xấu, thì nó vẫn là xấu.

Tại sao tôi lại phải dài dòng về vấn đề này? Vì anh bạn cũ, vậy thôi. Ngay từ hồi đó anh ta đã tỏ ra nghi ngờ tôi, và đã từng đặt câu hỏi một cách thẳng thắn: “Tôi, người có bố là cựu du học sinh Liên Xô, tiến sĩ ngành vật lý (hay gì đó tôi không nhớ rõ) và yêu nước Nga vô điều kiện. Nhưng có một admin của nhóm là S.K.... lại tỏ ra có thái độ rất lạ...”.

Sau đó anh ta biến mất khỏi cuộc đời chơi mạng xã hội của tôi. Đến cuộc chiến tranh Putin đang tiến hành ở Ukraine, anh ta lại nổi lên với những bài viết say mê... so sánh lịch sử. Đơn giản nhất, anh ta so sánh những gì Nga đang làm với Hồng quân thời Chiến tranh Vệ quốc. Thực chất, việc này tôi cũng đã từng làm.

Khi quân Nga của Putin áp sát thủ đô Kyiv của Ukraine, có những người bạn của tôi lo lắng quá và nhắn tin riêng: khéo Zelensky và Chính phủ bị bắt đến nơi... Tôi trả lời: muốn bắt được Tổng thống và Chính phủ Ukraine thì quân Nga phải vây chặt thành phố chứ không phải tấn công bằng mấy mũi như thế này. Mà muốn vây chặt thành phố sau đó chiếm nó, năm 1943 Vatutin (1) phải sử dụng từ hơn hai đến dưới ba Phương diện quân, giai đoạn đầu là lực lượng của hai Phương diện quân Trung tâm và Voronezh, sau đó là sự tham gia chủ yếu của Phương diện quân Ukraine thứ nhất.

Riêng Phương diện quân Ukraine thứ nhất này lực lượng đã là 730.000 người, 7.000 pháo và súng cối, 675 xe tăng và pháo tự hành cùng 700 máy bay chiến đấu các loại. Người ta ước tính tham gia vào toàn bộ chiến dịch Tả ngạn và sau đó là Hữu ngạn Dnipro (trận đánh chiếm Kyiv là thành phần của Chiến dịch Tả ngạn Dnipro) Hồng quân đã sử dụng từ 2 đến 2 triệu rưỡi quân và khoảng 2.000 xe tăng.

Sau khi so sánh như vậy, tôi có đặt một câu hỏi chung trong status viết trên mạng Facebook – “Bây giờ, năm 2022 Putin có bao nhiêu quân mà định làm như vậy?”.

Thực chất tôi và anh bạn (mà sau một vài tháng chiến tranh do anh ta hoạt động trên mạng xã hội mạnh... gần bằng tôi, tôi đã đặt cho một biệt hiệu hết sức trào phúng là “Trạng sư Trạm Biến Áp” do tên anh ta viết tắt là TBA) sử dụng cùng một phương pháp là phép biện chứng lịch sử.

Tôi đặt những yêu cầu của Putin trong cuộc chiến tranh lần này vào bối cảnh lịch sử đã diễn ra trận tương tự, đặc biệt “thích thì chiều” vẫn cho quân đội của Putin đóng vai trò của Hồng quân ngày xưa, còn quân đội Ukraine bây giờ với vị trí địa lý và địa vị của họ, giống như của quân Đức hồi đó. Kết luận của tôi là với mục tiêu này, trong điều kiện người Ukraine chuẩn bị phòng thủ như thế, Putin phải có ít nhất 1 triệu quân để chiếm một thành phố có khoảng 400.000 quân lính và dân quân tự vệ...

Còn anh Trạm Biến Áp của chúng ta thì sao? Vào tháng Chín năm nay anh ta có lẽ hết sức choáng váng trước cú bỏ chạy quá ngoạn mục của quân Nga ở phần phía đông của tỉnh Kharkiv, đã viết những status “khắc khoải” và viện dẫn lịch sử. Anh ta viết đại khái, riêng thành phố Kharkiv, Hồng quân phải đánh nhau đến trận thứ tư mới chiếm được nó một cách vững chắc. Ý anh ta đề cập tới bốn trận Kharkiv trong Chiến tranh Vệ quốc: 

Lần thứ nhất vào tháng 10/1941 là một phần của Chiến dịch Barbarossa, kết quả quân Đức chiếm được thành phố nhưng Liên Xô cũng đã kịp chuyển phần lớn các cơ sở sản xuất công nghiệp về phía Đông.

Lần thứ hai vào tháng 5/1942, Stalin cùng Timoshenko quá say sưa với thắng lợi ở ngoại ô Mátxcơva cuối năm 1941, đã quyết định tổ chức phản công chiếm lại Kharkiv. Do chuẩn bị không ra hồn nên Hồng quân bị vây và tiêu diệt số lượng lớn.

Lần thứ ba trong các tháng Hai và Ba năm 1943, là bộ phận phát triển của Trận đánh thế kỷ Stalingrad cuối năm 1942.

Lần thứ tư – chiến dịch phản công Belgorod – Kharkiv (Trận đánh Kharkiv lần thứ tư) là bộ phận phát triển của Chiến dịch phản công Kursk mùa hè năm 1943.

Anh trạng sư dựa vào sự kiện “Trận Kharkiv lần thứ hai” cho rằng Hồng quân hồi đó cũng bị vây rồi sau đó quật lại quân Đức trong các “Trận đánh Kharkiv” lần thứ ba và lần thứ tư. Anh ta cũng dẫn ra các số liệu có thể tiếp cận công khai trên mạng và cho rằng Hồng quân hồi đó cũng thiệt hại rất lớn, nhưng sau đó họ phục hồi lại và đánh cho quân Đức thua liểng xiểng đến thắng lợi cuối cùng. Tốt thôi. 

Vậy sai lầm của anh trạng sư là ở chỗ nào? 

Thứ nhất, về tình thế chiến tranh. “Trận đánh Kharkiv lần thứ hai” diễn ra trong bối cảnh quân Đức còn rất mạnh, họ chỉ chịu thua ở ngoại ô Mátxcơva khi các đạo quân tiên phong tiến quá xa và nhanh trong khi lực lượng hậu cần không thể đáp ứng được nhu cầu của họ. Hạ tầng giao thông của Liên Xô quá hạn chế đã giúp Hồng quân cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của một mùa đông cực kỳ giá rét. Chịu thua ở Mátxcơva, nhưng không có nghĩa là quân Đức ở các mặt trận khác đều mất sức chiến đấu như vậy.

Đến chiến cuộc mùa hè năm 1942, họ quay sang phía Nam và chính trong giai đoạn này Liên Xô mất những vùng đất quan trọng từ Donbas đến tận sông Volga. Các “Trận đánh Kharkiv” lần thứ ba và thứ tư đều diễn ra sau những thắng lợi lớn có tính bước ngoặt của Hồng quân. Trận thứ Ba sau Trận Stalingrad, Trận thứ Tư sau Kursk. Khi đó quân Đức đã dần dần mất thế chủ động trên chiến trường.

Còn ở “Trận Kharkiv lần thứ năm” (năm 2022) quân Nga bỏ chạy trên chiến trường sau khi thua cũng ôm đầu máu chạy ở Kyiv trước đó 5 tháng, còn cái gọi là “chiến thắng” của họ ở Serevodonetsk và Lysychansk lại không đem lại bước ngoặt của chiến tranh.

Thứ hai, về sức mạnh quân sự. Từ cuối năm 1941, Liên Xô bắt đầu nhận được những chuyến hàng đầu tiên của Lend-Lease từ Hoa Kỳ. Điều này đã đem lại cho Hồng quân một sức mạnh to lớn, và nó thực sự được đẩy mạnh từ mùa hè năm 1942, từ đó sức mạnh quân sự của Liên Xô chỉ có mỗi ngày một mạnh lên, trong khi của Đức đã đạt đỉnh vào năm 1941 và chỉ có càng ngày càng giảm đi. Do vậy khi Liên Xô chính thức chiếm lại được Kharkiv năm 1943 là sau trận Kursk, Hồng quân đã có trong tay những lực lượng to lớn đặc biệt về vũ khí và khí tài.

Thứ ba, về tinh thần con người. Nếu hồi đó chính nghĩa thuộc về Hồng quân Liên Xô, thì bây giờ chính nghĩa thuộc về nhân dân Ukraine. Vai trò đã đảo ngược: quân đội Putin bây giờ là phát-xít đi xâm lược, còn nhân dân Ukraine thì bảo vệ Tổ Quốc.

Đưa ra hiện tượng và giấu đi cái bản chất, anh trạng sư của chúng ta đã phạm một sai lầm nghiêm trọng (mà nhiều người cho rằng anh ta chẳng sai lầm gì cả, chẳng qua do quá yêu một cách mù quáng mà cố tình làm như thế) – anh ta sa vào ngụy biện xảo trá.
 
*

Thực tế, lịch sử chỉ lặp lại nếu lôi cuộc Chiến tranh Vệ quốc của nhân dân Liên Xô ra so sánh, về mặt hướng tấn công, tức là quân Nga tấn công từ Đông sang Tây, chấm hết. Còn thì nếu đem hai cuộc chiến ra so sánh như anh trạng sư thì phải chân thành mà nói, thế là dại. Chỉ cần người ta hỏi anh ta vài câu về tính chính nghĩa, ai là xâm lược ai đang bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền quốc gia... là anh ta cứng họng.

Ấy vậy mà, lịch sử lại đang lặp lại một cách cực kỳ bất ngờ. Để chuẩn bị cho cuốn sách “Nước Nga: những vấn đề địa chính trị và cuộc chiến tranh ở Ukraine” tôi đã “tha” về một cuốn sách to và rất dày: “Sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc” (2) của Paul Kennedy để tham khảo. Khi đọc đến chương về Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, tôi đã rất ngỡ ngàng về tính lặp lại của lịch sử giữa hai cuộc chiến trong vai trò và thực trạng của quân đội Nga năm 1916 và 2022.   

Nước Nga tham gia vào cuộc Đệ nhất Thế chiến là ở phe thắng trận, đối thủ chính là nước Đức, thành viên phe bại trận. Gọi là “bại” nhưng nước Đức chỉ thua trận khi Nga đã rút khỏi chiến tranh và sau đó có sự thế chân của Hoa Kỳ. Còn nước Nga mang tiếng là ở phe thắng trận, tức là tránh được việc bồi thường thiệt hại chiến tranh và trả chiến phí, nhưng lại phải rút sớm khỏi cuộc chiến khi đất nước sụp đổ vào đầu năm 1917 dẫn đến cuộc Cách mạng tháng Mười cuối năm đó.

Thực tế trên chiến trường, Đức là nước đánh bại nước Nga. Vậy những vấn đề của Nga hồi đó là gì?

Thứ nhất. Về sức mạnh quốc gia có thể huy động vào quốc phòng, tác giả (Paul Kennedy) viết: “Bất chấp sự gia tăng sản lượng công nghiệp trong thời kỳ này, trên thực tế là sức mạnh sản xuất của Nga lại đang giảm so với Đức. Ví dụ từ năm 1900 đến 1913 sản lượng thép của nước này tăng từ 2,2 lên 4,8 triệu tấn nhưng Đức đã tăng vọt từ 6,3 lên 17,6 triệu tấn. Tương tự như vậy mức tăng tiêu thụ năng lượng và tổng tiềm năng công nghiệp của Nga không lớn như của Đức. Cuối cùng trong những năm 1900 – 1913 tỉ trọng của Nga trong sản lượng sản xuất thế giới đã giảm từ 8,8% xuống 8,2%, do sự bành trướng của người Đức và (đặc biệt) của người Mỹ.143 Đó không phải là những chiều hướng tốt”.

Thực tế thì hồi đó Nga là nước vẫn có thể sản xuất, còn ở năm 2022 khi bước vào cuộc Chiến tranh của Putin ở Ukraine, ngoài dầu khí và một số nguyên liệu thô, toàn bộ nền sản xuất nước này là sản phẩm có đầu tư nước ngoài, hay nói cách khác là sản phẩm nước ngoài. Khi các hãng rút khỏi đất nước, thì các sản phẩm đó cũng mất đi theo.

Tác giả viết thêm: “Người ta cho rằng: “với thước đo để lượng định quân đội vào năm 1914” thì Nga đã là một quốc gia hùng mạnh vì các chuyên gia quân sự không dự đoán “một cuộc chiến tranh nhằm trắc nghiệm nền kinh tế và cấu trúc quan liêu nhà nước cũng như quân đội”. Người ta sẽ đặt câu hỏi tại sao những tham khảo đương thời về sức mạnh quân sự của Đức lại chú ý đến thép Krupp, các xưởng đóng tàu, công nghiệp nhuộm và hiệu quả của đường sắt Đức cũng như các lực lượng tiền tuyến”.

Đây cũng là cách tôi thường sử dụng khi viết những bài nhận xét về cuộc chiến tranh Putin đang tiến hành ở Ukraine. Tôi cố gắng tìm các số liệu và dẫn chứng liên quan đến khả năng huy động sức mạnh quốc gia vào phục vụ chiến tranh, khả năng tổ chức sản xuất... và điều thú vị là hơn 100 năm trước vấn đề bộ máy quan liêu và tham nhũng làm hại nước Nga như thế nào thì bây giờ... vẫn thế.

Thứ hai. Nước Nga có một quân đội to lớn nhưng chất lượng lại rất đáng... đặt câu hỏi. Tác giả viết: “Nếu chỉ những con số quân sự là quan trọng, thì việc Nga ngày càng có thêm nhiều sư đoàn, pháo đội, đường sắt chiến lược và tàu chiến lại gây ấn tượng mạnh. Giả định rằng đây chỉ là một cuộc chiến ngắn ngủi, thì những kiểu thống kẻ này đều chỉ ra sức mạnh của Nga ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, một khi mức độ đếm số thiển cận này bị loại bỏ thì vấn đề quân sự cũng trở nên khó giải quyết hơn. Yếu tố quyết định là sự lạc hậu về kinh tế xã hội và kỹ thuật của Nga.

Quy mô dân số nông dân đông đảo có nghĩa là chỉ 1/5 đám người này gia nhập quân đội hằng năm; thu nhận những người đủ tiêu chuẩn sức khỏe sẽ khiến hệ thống sụp đổ trong hỗn loạn. Nhưng những người nông dân được tuyển dụng khó thể được xem là tài nguyên lý tưởng cho một cuộc chiến tranh công nghiệp hóa hiện đại. Do quá tập trung vào trang bị vũ khí thay vì các lĩnh vực sức mạnh quốc gia rộng lớn và tinh tế hơn (chẳng hạn trình độ học vấn, chuyên môn công nghệ, hiệu quả của công chức) nên Nga bị lạc hậu khủng khiếp về cấp độ nhân sự. Vào cuối năm 1913, tỉ lệ biết chữ chỉ 3%, như một chuyên gia đã chua chát nhận xét “là một tỉ lệ còn thấp hơn nhiều so với nước Anh giữa thế kỷ 18
”.

Và mặc dù thông qua những khoản tiền khổng lồ cho tân binh là điều rất tốt nhưng liệu có ích gì nếu quân đội sở hữu quá ít hạ sĩ quan được rèn luyện? Về mặt này các chuyên gia trong bộ tổng tham mưu Nga đã nhìn sức mạnh của Đức với “cảm giác tự ti và ganh tị”. Họ cũng nhận thức được (cũng như một số nhà quan sát nước ngoài) về sự thiếu hụt các sĩ quan giỏi. Thật vậy, theo những bằng chứng hiện có, dường như quân đội Nga nhận thức được những điểm yếu của mình ở hầu hết mọi phương diện, như pháo hạng nặng, súng máy, điều hành số lượng lớn bộ binh, trình độ huấn luyện kỹ thuật, thông tin liên lạc và thậm chí cả không đoàn máy bay to lớn”.

Về khía cạnh này, ở cuộc chiến năm 2022 quân đội Nga cũng thể hiện những đặc điểm giống hệt. Lực lượng chính của quân đội Nga tham gia chiến tranh (nhất là giai đoạn đầu) là của Quân khu miền đông (Tư lệnh Aleksandr Chayko) với rất nhiều đơn vị là người dân tộc thiểu số có học vấn thấp hơn nhiều so với dân cư các vùng khác của Liên bang Nga. Nếu yêu cầu tôi đưa ra bình luận về khía cạnh này, thì tôi đoán rằng lúc đầu Bộ chỉ huy Nga và giới cầm quyền chóp bu nước này suy tính về một cuộc chiến dễ dàng, nên dùng lực lượng tinh nhuệ vừa phải (các đơn vị tinh hoa nhất được bố trí ở các vùng miền Tây đất nước: Quân khu miền Tây, Hạm đội Baltic, Quân khu Trung tâm bảo vệ thủ đô...).

Trong quá trình theo dõi cuộc chiến, tôi còn có điều kiện chiêm nghiệm phàn nàn của một số người quen là sĩ quan trong quân đội Nga có từ vài năm trước: chất lượng đào tạo và huấn luyện cán bộ chỉ huy càng ngày càng giảm, trong khi họ vẫn duy trì chế độ đào tạo cán bộ chỉ huy là sĩ quan.

Chương trình đào tạo do đó bị kéo dài và một bộ phận rất lớn sĩ quan là được tuyển thẳng từ ghế trường phổ thông, dẫn đến các sĩ quan ra trường thiếu kinh nghiệm thực chiến. Đã có nhiều ý kiến kiến nghị lên Bộ Quốc phòng Liên bang Nga và Hội đồng Quốc phòng Nga về nhu cầu cấp thiết áp dụng chế độ đào tạo của quân đội Hoa Kỳ: cán bộ chỉ huy chỉ cấp hạ sĩ quan nhưng đi lên từ lính và được đào tạo theo nhiều nấc dựa trên yêu cầu thực chiến.

Thứ ba. Quá coi trọng vũ khí – khí tài. Cũng trong đoạn trên tác giả viết: “Do quá tập trung vào trang bị vũ khí thay vì các lĩnh vực sức mạnh quốc gia rộng lớn và tinh tế hơn (chẳng hạn trình độ học vấn, chuyên môn công nghệ, hiệu quả của công chức) nên Nga bị lạc hậu khủng khiếp về cấp độ nhân sự”.

Điều này đang lặp lại ở quân đội Nga hiện nay. Nếu ai quan tâm đến sức mạnh quân sự nước này thì cũng sẽ theo dõi những tin tức về sự ra đời của các loại vũ khí mới, thường được quảng cáo với một sức mạnh kinh khủng, đáng gờm theo kiểu “Phương Tây xách dép cho Nga.” Những vũ khí này thường được đưa ra trình diễn trong các cuộc duyệt binh hoành tráng trên Quảng trường Đỏ mỗi dịp Lễ Chiến thắng 9/5. Thực tế, chưa ai đặt câu hỏi dạng: (1) Số lượng của các loại vũ khí đó đến đâu, đã đủ để thay thế cho các loại cũ để loại biên chúng hay chưa, (2) Chất lượng của chúng ra sao và, (3) Độ tin cậy khi thực chiến của chúng đến đâu và cuối cùng là (4) Trình độ những người vận hành chúng đã đạt yêu cầu hay chưa?

Thời Liên Xô cũng vậy – một mặt quân đội Xô-viết coi trọng vũ khí khí tài nên dẫn đến mặt khác họ coi thường tính mạng binh sĩ, dẫn đến tình trạng khi không đủ vũ khí thì họ xua quân đánh nhau, tức là chiến đấu bằng sức người. Các tâm gương hi sinh bảo vệ vũ khí được ca ngợi, chứ không phải là khuyến khích bảo vệ mạng sống người lính.

Thứ tư. Về vấn đề hậu cần và hạ tầng chiến tranh. Tác giả viết: “Năm mươi sư đoàn kỵ binh Nga được xem là quan trọng ở một đất nước cỏ ít đường sở hiện đại lại cần quá nhiều thức ăn cho khoảng một triệu con ngựa! Riêng việc cung cấp cỏ khô sẽ gây ra sự cố trong hệ thống đường sắt vì sẽ làm chậm bất kỳ hoạt động tấn công kéo dài nào hoặc việc vận chuyển các nguồn dự trữ. Do sự lạc hậu của hệ thống giao thông và vai trò nội bộ của quân đội theo nghĩa đen, hàng triệu binh sĩ trong thời chiến không được xem là quân đội tiền tuyến. Và mặc dù số tiền phân bổ cho quân đội trước năm 1914 rất lớn nhưng phần lớn trong số đó lại được tiêu dùng cho các nhu cầu cơ bản về thực phẩm, quần áo và thức ăn gia súc”.

Những vấn đề của quân đội Nga cách đây 100 năm lại là chính những vấn đề của họ của hiện tại, thật là thú vị. Trong những status của mình trên Facebook từ đầu chiến tranh, tôi đã bắc bút ngồi tính toán rằng họ có bao nhiêu quân thực chiến (cầm súng) và bao nhiêu quân phục dịch... Chẳng hạn hồi đầu chiến tranh – “Trận đánh giành Kyiv” người Nga đem vào trận 190.000 quân nhưng thực ra chỉ khoảng 120 Cụm tác chiến cấp tiểu đoàn (BTG) nghĩa là 80.000 quân chiến đấu, nhưng nếu tính cả các lực lượng khác cũng là chiến đấu trực tiếp như pháo binh, không quân... thì con số đó có thể lên tới 120.000 người. 

Vậy tính lặp lại của câu chuyện là gì? Đó là vấn đề hạ tầng chiến tranh không được người Nga coi trọng đúng mức, chính xác là họ không có ý định mở thêm đường sá để phục vụ chiến trường mà tận dụng những gì sẵn có của người Ukraine. Nếu như cách đây 100 năm sức kéo chính của quân đội Nga là “ngựa” thì bây giờ họ dựa trên đường sắt, còn thành phần xe tải quân sự thì không được coi trọng, đồng thời vai trò của các lực lượng để phục vụ thành phần xe tải ví dụ công binh Nga ở đâu cũng là một câu hỏi lớn.

Tất nhiên hai câu chuyện vẫn có những chỗ khác nhau, ví dụ hồi 1914 quân đội Nga phải dùng một lượng nhân lực khổng lồ để phục vụ cho quân thực chiến trên chiến trường, thì bây giờ theo tiêu chuẩn chiến tranh hiện đại, số người phục vụ quân thực chiến của Nga còn xa mới đủ vì họ không đủ các phương tiện như máy bay vận tải, trực thăng và nhất là xe tải. Dù hai vấn đề có vẻ khác nhau, nhưng nó cùng dẫn tới một kết quả, chính xác là hậu quả: một quân đội to lớn nhưng luôn thiếu thốn đến mức bần cùng.

Chưa dừng lại ở những điều mình đã viết trên đây, tác giả tiếp tục: “... sự gia tăng ấn tượng về sản lượng vũ khí của Nga, thực ra là cả trong sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, trong hai năm rưỡi đầu tiên của cuộc chiến đã gây căng thẳng rất lớn cho hệ thống giao thông thiếu thốn, mà trong mọi trường hợp khó có thể đối phó với việc vận chuyển quân đội, thức ăn cho kỵ binh...

Kho dự trữ dầu của Shell đầy áp; thực phẩm không thể được vận chuyển đến các vùng thiếu hụt, đặc biệt là ở các thành phố, nguồn cung cấp của quân Đông minh nằm nhiều tháng trên các bến cảng tại Murmansk và Arkhangelsk. Những bất cập về cơ sở hạ tầng này không thể khắc phục bởi bộ máy quan liêu nhỏ bé và kém hiệu quả của Nga, và chẳng có mấy sự giúp ích từ giới lãnh đạo chính trị ở cấp cao nhất đang hỗn loạn và tê liệt
” (trang 405)

Trong vài tháng qua, nền sản xuất quốc phòng của Liên bang Nga được cho là đã tăng tốc lên sản xuất 3 ca một ngày, tất nhiên là trong điều kiện hiện có – ví dụ như họ đã có những nỗ lực phục hồi lại dây chuyền sản xuất đạn dược vũ khí có từ thời Liên Xô. Nhưng nếu đẩy toàn bộ nền sản xuất đất nước vào phục vụ chiến tranh trong khi các nguồn thu của quốc gia càng ngày càng suy giảm, chắc chắn sẽ dẫn tới sụp đổ.

Thứ năm. Về góc độ điều hành quốc gia. Tác giả viết: “Sa hoàng Nicholas II có vẻ ngoài trái ngược, đầu óc đơn giản, sống ẩn dật, không thích những quyết định khó khăn và bị thuyết phục một cách mù quáng về mối quan hệ thiêng liêng của mình với người dân Nga (tất nhiên ông không hề quan tâm đến những người nông dân). Các phương pháp ra quyết định của chính phủ ở cấp cao hơn: những đại công tước vỏ trách nhiệm, nữ hoàng không cân bằng về mặt cảm xúc, các tướng lĩnh phản động và những kẻ đầu cơ tham nhũng, vượt xa số lượng các bộ trưởng cần mẫn và thông minh mà chế độ có thể tuyến dụng và những người có thể thi thoảng nói lọt tai Sa hoàng. Có thể nói việc thiếu sự tham vấn và hiểu biết giữa bộ ngoại giao và quân đội đối khi là điều đáng sợ”.

Ông viết tiếp: “... tầng lớp quý tộc chỉ quan tâm đến những đặc quyền của họ và vị hoàng đế chỉ quan tâm đến sự vô lo của mình. Đây là một tầng lớp tinh hoa luôn lo sợ về tình trạng bất ổn của công nhân và nông dân, và tuy chi tiêu của chính phủ lúc đó là lớn nhất thế giới về mặt tuyệt đối nhưng vẫn giữ thuế trực thu đối với người giàu ở mức tối thiểu (6% doanh thu của nhà nước) và đặt ra gánh nặng lớn cho thực phẩm và rượu vodka (khoảng 40%). Đây là một quốc gia có cán cân thanh toán mong manh nhưng không có cơ hội ngăn chặn (hoặc đánh thuế) dòng tiền không lỗ mà các quý tộc Nga tuôn ra nước ngoài.

Một phần vì truyền thống chuyên quyền nặng nề, một phần vì hệ thống giai cấp thiếu sót nghiêm trọng và một phần vì trình độ học vấn và lương thấp, Nga thiếu những cán bộ công chức có năng lực như ở Đức, Anh và Nhật có thể khiến hệ thống hành chính hoạt động hiệu quả. Trên thực tế, Nga không phải là một quốc gia mạnh và với sự thay đổi về lãnh đạo, vẫn là một trong những nước có khả năng mắc sai lầm lớn mà không chuẩn bị trước cho những phức tạp của nước ngoài bất chấp những bài học của năm 1904
.” (Trang 374)

Đọc đến đây tôi thấy toát mồ hôi vì những gì tác giả mô tả chẳng khác gì bây giờ cả. Điều khác duy nhất là Sa hoàng Nikolai Đệ nhị hồi đó là người khá hiền lành và có thể là nhu nhược, còn Putin bây giờ thì tàn ác và độc tài. Điểm giống giữa hai người là phi thực tế, Nikolai thì từ đầu còn Putin thì từ khi bắt đầu kế hoạch đánh chiếm Ukraine năm 2022.

Kennedy viết về thời 1916 như viết về hiện tại vậy: “Chế độ Sa hoàng đã tự đào mồ chôn mình bằng các chính sách tài khóa không cân bằng một cách liều lĩnh; với việc bãi bỏ ngành buồn rượu (tạo ra một phần ba doanh thu), đường sắt thua lỗ nặng nề (một nguồn thu nhập lớn khác trong thời bình) và – không giống như Lloyd George – từ chối tăng thuế thu nhập đối với các tầng lớp khá giả, nhà nước đã sử dụng đến các khoản vay thả nổi ngày càng nhiều và in nhiều tiền giấy hơn bao giờ hết để chi trả cho chiến tranh. Chỉ số giá cả tăng vọt từ con số danh nghĩa 100 vào tháng 6/1914 lên 398 vào tháng 12/1916 rồi 702 vào tháng 6/1917, thời điểm đó sự kết hợp khủng khiếp giữa nguồn cung lương thực không đủ và lạm phát quá mức đã gây ra hết cuộc đình công này đến đình công khác”. (Trang 405)

Trong mục ngay trên đây tôi đã viết về khả năng sụp đổ nên xin phép không cần phải bình luận thêm nữa.

Thứ sáu. Thái độ bất cẩn đối với chiến tranh. Tác giả viết ở trang 406: “... cảm giác thua kém ngày càng tăng trước cỗ máy chiến tranh của Đức vốn biết trước tất cả ý định của Nga để có hỏa lực pháo binh áp đảo và di chuyển nhanh hơn bất kỳ ai khác. Không có gì đáng ngạc nhiên vì người Nga đã vô cùng bất cẩn với đường truyền vô tuyến của họ”.

Đoạn này lại tiếp tục làm tôi sửng sốt vì những gì đang diễn ra trong cuộc chiến tranh với Ukraine, người Nga đang thể hiện đúng như vậy. Cho đến nay quân đội Nga đang giữ kỷ lục về số lượng tướng lĩnh và sĩ quan cấp cao (đại tá trở lên) và cấp trung (từ đại úy đến trung tá) thiệt mạng trên chiến trường. Người ta giải thích rằng một trong những nguyên nhân là sự coi thường công tác bảo mật, hay sử dụng những thiết bị liên lạc, những cuộc gọi không được mã hóa... Không những thế tình trạng coi thường công tác bảo mật của các cấp lính tráng đến chỉ huy quân đội Nga ở thời 4.0 bùng nổ mạng xã hội, lại mang rất nhiều đặc thù thời đại. 

Những người lính Chechnya của Kadyrov “selfie” đưa lên Tiktok và bị tiêu diệt. Gần đây nhất 400 lính Nga tụ tập trong một trại dã chiến là trường học cũ ở Makiivka (phía đông thành phố Donetsk) bị quân Ukraine dùng HIMARS tiêu diệt hết. Đó là hai ví dụ hết sức cụ thể với câu chuyện. 

Chưa hết. Tình trạng còn lan sang cả các quân binh chủng có những yêu cầu nghiêm cẩn và cao hơn nhiều, như không quân và phòng không. Những câu chuyện không quân Nga thiếu thiết bị dẫn đường phải dùng đồ dân sự dán băng dính lên buồng lái đã từ đầu chiến tranh. Bây giờ là chuyện phòng không – không quân Nga bị người Ukraine bắt bài nên còn bắn nhầm vào nhau...

Thứ bảy. Về tác động của thất bại chiến trường lên lực lượng quân sự. Mặc dù tác giả đưa ra một điểm sáng của quân đội Nga là về tính kỷ luật. “Quân đội Nga chiến đấu theo phong cách kiên cường, cứng rắn thường thấy, chịu đựng gian khổ và kỷ luật bậc nhất ở Phương Tây và thành tích của Nga trước quân đội Áo – Hung từ chiến thắng tháng Chín năm 1914 tại Lemberg đến cuộc tấn công Brusilov được thực hiện một cách xuất sắc...”.

Điều này đúng, và nó là một trong những yếu tố để những người như tay trạng sư tôi dẫn trên đây nuôi lòng hi vọng về một cú lật ngược thế cờ của người Nga. Chúng ta cũng chứng kiến những điều tương tự khi những người lính dù Nga đổ bộ xuống Hostomel – tôi không hề nghi ngờ cả về tính tinh nhuệ lẫn lòng dũng cảm của họ, nhưng họ thua vì người Ukraine đã thể hiện mình là một quân đội khác. Cũng chính giai đoạn đầu của cuộc chiến, tức “Trận đánh giành Kyiv” quân đội Nga chưa thể hiện những biểu hiện của hèn nhát, đào ngũ, phản chiến...

Nhưng đến thời gian sau của cuộc chiến, khi quân Nga đã bắt đầu thua trên chiến trường, Kennedy bình luận: “Vào cuối năm 1916, quân đội Nga đã bị thương vong với khoảng 3,6 triệu người chết, ốm nặng và bị thương và 2,1 triệu người khác đã bị Liên minh Trung tâm bắt giữ. Vào thời điểm đó, Nga quyết định gọi những tân binh loại hai (nam giới là trụ cột duy nhất trong gia đình), điều này không chỉ tạo ra tình trạng bất ổn ở nông thôn, mà còn đưa vào quân đội hàng trăm ngàn lính nghĩa vụ bất mãn.

Điều quan trọng là số lượng hạ sĩ quan được huấn luyện ngày càng giảm, vũ khí, đạn dược và lương thực không đủ cung cấp ở mặt trận... Vào đầu năm 1917 những thất bại lập đi lập lại trên thực địa này đã tương tác với tình trạng bất ổn trong các thành phố và những tin đồn về việc phân chia đất đai, dẫn đến sự tan rã trên diện rộng trong quân đội
”. (Các trang 405 – 406)

Đoạn trích trên đây đồng thời cũng dẫn đến một điểm so sánh trùng hợp nữa: 

Thứ tám. Sức mạnh quốc gia dẫn đến sức mạnh quân đội ngày càng suy giảm. Cách đây 100 năm nước Nga không bị trừng phạt và cấm vận như bây giờ, nhưng hồi đó tính toàn cầu hóa của nền kinh tế thế giới so với bây giờ như con kiến so với con voi. Trong cuốn sách này chúng ta đã đi qua vấn đề người Nga thiếu đạn pháo như thế nào, không thể sản xuất nên phải phụ thuộc UAV của người Ba Tư  như thế nào, rồi họ đã từng vay suất ăn dã chiến của quân đội Trung Quốc và đi khắp nơi đặt hàng may quân phục. Sự thiếu thốn đủ đường cho thấy nền sản xuất của Nga ở thời điểm hiện tại thua xa của 100 năm trước về tính tự lực tự cường. Điểm giống nhau duy nhất là phần lớn các ngành sản xuất chính ra sản phẩm cho xã hội lại nằm trong tay tư bản nước ngoài.

Thứ chín. Thua về tương quan giữa lực lượng và quy mô được xác định của cuộc chiến tranh, thua về cả chiến lược lẫn chiến thuật.

Về chiến thuật, tác giả viết ở trang 404: “Đầu tiên là Nga phơi quân ra hàng trăm dặm giới tuyến cho các cuộc tấn công ác liệt và hiệu quả hơn của quân đội Đức.” Ôi trời, sao mà giống cuộc chiến họ đang thi hành ở Ukraine đến thế: một chiến tuyến dài 1.400 km suốt từ Sumy đến tận Nam Kherson với quân số nếu tính lính chiến đấu 120.000 người, cho dù có là 140.000 mới chỉ là 10 người trên một ki-lô-mét chiến tuyến. Với một chiến tuyến như thế quân đội Xô-viết sẽ sử dụng gấp 20 lần như vậy – nghĩa là 2,8 triệu quân để đạt con số 200 người trên một ki-lô-mét chính diện mặt trận.

Việc Nga sụp đổ đầu tiên đa phần là do hai vấn đề mà từ đó Rome và Vienna được giải thoát... thứ hai là vào tháng 8/1914, ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến, Nga đã bị cô lập về mặt chiến lược và do đó không thể đảm bảo mức viện trợ quân sự hoặc kinh tế từ các đồng minh cần thiết để duy trì những nỗ lực to lớn của cỗ máy chiến đấu. Như những lực lượng khác, Nga nhanh chóng biết rằng họ sẽ dùng hết kho đạn nhanh hơn khoảng mười lần so với ước tính trước chiến tranh nên đã ồ ạt mở rộng sản xuất trong nước...”.

Bây giờ cũng thế, Nga bị cô lập cả về ngoại giao lẫn kinh tế trên trường quốc tế. Bị phản đối ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Bị áp hàng vạn lệnh cấm vận và trừng phạt. Về kinh tế càng ngày càng mất thị phần bán dầu khí, là những thứ chủ yếu mang lại tiền cho Nhà nước của Putin. Họ chắc chắn sẽ khôi phục sản xuất, nhưng bị cấm vận nhất là không thể tiếp cận được với công nghệ tiên tiến, sẽ không thể sản xuất ra được vũ khí chính xác với số lượng và chất lượng cần thiết.

Vậy đó, sơ sơ một số điểm giống nhau của Nga qua hai cuộc chiến đủ thấy việc họ sẽ thất bại ở Ukraine vào năm 2022, là tất yếu không thể tránh khỏi. Hồi đó nước Nga chấm dứt những thất bại của mình bằng một cuộc Cách mạng, phải chăng bây giờ lịch sử cũng sẽ lặp lại? Đẩy toàn bộ đất nước vào chiến tranh khi phải nói là “đang yên đang lành” – chỉ có Putin mới làm được như thế, và những hậu quả của nó, cho dù có thắng lợi thì cũng đã hết sức nghiêm trọng chưa chưa nói đến thất bại.

Một tương lai không mấy sáng sủa đang chờ nước Nga, mà chỉ e rằng cái kết cục nó cũng chẳng còn xa nữa.

Ghi chú:

(1) Nikolay Fyodorovich Vatutin (tiếng Nga: Николай Федорович Ватутин; 16/12/1901 – 14/04/1944) là một chỉ huy Hồng quân nổi tiếng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong Chiến tranh Xô-Đức, ông được giới quân nhân Xô Viết gán cho biệt danh “Đại kiện tướng tấn công” (Гроссмейстер от наступления). (Wikipedia)

(2) Người dịch Nguyễn Thanh Xuân, Omega Books – Nhà xuất bản Thế giới 2022.

(3) Phổ biến nhất là UAV (drone) tự sát “Shahed-136” do Iran sản xuất.

Phúc Lai, từ Hà Nội


 
 Từ khóa: Ukraine
Tổng số điểm của bài viết là: 45 trong 9 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 9 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn