Trại sơ tán - Trại tỵ nạn: ĐỪNG DẠY TRẺ EM PHẢI CĂM THÙ
Thứ năm - 31/03/2022 03:26
(NCTG) “Giận cá, chém thớt”, họ không ưa cả những những đồng hương Việt đang phải chạy bom đạn, họ chẳng muốn giúp ai hết. Và cũng vậy, đã qua bao nhiêu năm rồi, thái độ của họ đối với những đồng bào của mình chỉ do sự tình cờ của lịch sử từng sống ở bên kia chiến tuyến, vẫn không hề đổi thay. Lỗi của sự giáo dục trẻ em lòng căm thù?” - suy nghĩ của tác giả Lê Mạnh Hùng.
Một thế hệ hằn sâu ký ức hận thù chiến tranh - Ảnh tư liệu
Năm 1965, bố mẹ đưa mình theo trại trẻ đi sơ tán về Hà Tây để tránh bom Mỹ.
Không hề nghĩ sau 57 năm, giờ đây mình phải đưa cháu bé Ukraine gốc Việt này cùng nhiều người khác đi nhập trại tỵ nạn ở Đức. Thành phố Kharkiv quê hương cháu bị quân Nga dội bom, bắn tên lửa tan tành. Cháu gọi mình là ông, dù chẳng có họ hàng gì.
Nhìn cháu bé thấy tội nghiệp quá, ký ức chiến tranh từng hằn sâu trong tâm trí mình lại dội về.
Đám trẻ tụi mình ngày đó được học hát ở trại trẻ dành cho con em các cán bộ quân đội:
“Dời thủ đô em về đây với các cô.
Xa bố, xa mẹ, em càng ngoan ngoãn.
Dời thủ đô em hờn căm bọn đế quốc Mỹ.
Chúng âm mưu hại đời trẻ thơ chúng em...”.
Học giải toán đố, tụi mình có bài hát:
“Một bạn ngồi vót hai cái chông.
Hai thằng Mỹ chết không kịp kêu, ới này bạn ơi!
Mười lăm chúng mình, ta cùng ngồi vót.
Tôi đố bạn xem có bao nhiêu thằng giặc Mỹ chết vì hầm chông...”
Năm 1973, được đi dự buổi trao trả phi công Mỹ ở sân bay Gia Lâm, lần đầu tiên trong đời nhìn thấy các sĩ quan Mỹ và “Ngụy” đứng cạnh các cán bộ quân đội Miền Bắc - Việt Nam, trong đầu mình xuất hiện nhiều câu hỏi.
Những năm sau này, mình bỏ công sức tìm hiểu sự thật về các cuộc chiến tranh, luôn tự nhủ: quan trọng là không để mình bị chi phối bởi bất cứ phe phái, xu hướng chính trị nào.
Thêm may mắn do nghề nghiệp mang lại, có điều kiện được tiếp cận nhiều nguồn thông tin đáng tin cậy, được gặp nhiều nhân chứng thuộc đủ các bên, càng kích thích mình tiếp tục tìm hiểu, khám phá.
Mới thấy, nếu thực sự mong muốn, sẵn sàng cởi mở, không né tránh cái mới, cái lạ lắm khi trái với thói quen suy luận của mình xưa nay, SỰ THẬT không phải là thứ quá khó tìm.
Cháu bé gái mình vẫn chưa thuộc tên kia sẽ được hưởng sự giáo dục rất khác. Cháu sẽ tới trường học Đức và ở đó chắc chắn cháu sẽ không bị giáo dục lòng căm thù.
Khi đủ lớn khôn, cháu sẽ được tiếp cận các nguồn thông tin, sẽ được tự lựa chọn và quyết định thái độ của mình đối với những gì đang xảy ra quanh cháu hôm nay.
Mình hỏi chuyện nhiều giáo viên, họ đều nói: phải rất thận trọng khi trao đổi với các học sinh về cuộc chiến tranh ở Ukraine. Đang trò chuyện, nếu có các em học sinh tới gần, tụi mình lập tức chuyển đề tài, “để các em chuyên tâm vào việc học tập”.
Sinh năm 1952, Putin - cựu sĩ quan an ninh Liên Xô hẳn phải được giáo dục rất kỹ từ bé, có nhiều thù hận với Mỹ, Phương Tây. Liên Xô sụp đổ, kéo theo cả sự nghiệp quan trường của Putin. “Đó là thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ 20”, Putin từng nói vậy và nuôi mộng báo thù.
May mắn trở thành tổng thống Nga, Putin giở đủ các mánh khóe để được làm tổng thống trọn đời. Nắm trong tay quyền lực tuyệt đối không bị kiểm soát, giờ là lúc Putin thực hiện giấc mộng của cá nhân, bất chấp cái giá phải trả tới đâu.
Mình sẽ chỉ rất ngạc nhiên nếu Putin bỗng trở thành một chính trị gia theo xu hướng dân chủ, dẫn dắt nước Nga hòa đồng với Châu Âu, trở thành cường quốc kinh tế như Đức, Ý, Nhật ngày nay - vốn là ba quốc gia phát xít khét tiếng ngày nào.
Bởi vậy, mình cũng không quá ngạc nhiên khi phải chứng kiến không ít người Việt thuộc thế hệ xấp xỉ tuổi mình, họ đã sung sướng hoan hỉ, thậm chí mở tiệc ăn mừng ngày Putin trút tên lửa, xua quân tấn công xâm lược Ukraine, mang chết chóc và sự tàn phá man rợ tới một đất nước mà mới ngày nào còn là đồng chí, anh em trong đại gia đình Liên bang Xô-viết.
“Giận cá, chém thớt”, họ không ưa cả những những đồng hương Việt đang phải chạy bom đạn, họ chẳng muốn giúp ai hết. Và cũng vậy, đã qua bao nhiêu năm rồi, thái độ của họ đối với những đồng bào của mình chỉ do sự tình cờ của lịch sử từng sống ở bên kia chiến tuyến, vẫn không hề đổi thay.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...