TÙ NHÂN CỦA LỊCH SỬ

Thứ năm - 17/03/2022 01:00

(NCTG) “Nỗi đe dọa chí mạng cho nước Nga của Putin là tư duy tiến bộ và đòi hỏi dân chủ của dân Đông Âu chứ không phải là thế lực quân sự của NATO” - nhận định của tác giả Nguyễn Chánh ​từ Hoa Kỳ.

Sở dĩ Nga xâm lược Ukraine là do bị... Phương Tây đe dọa? Mariupol điêu tàn vì chiến trận - Ảnh: index.hu

Sở dĩ Nga xâm lược Ukraine là do bị... Phương Tây đe dọa? Mariupol điêu tàn vì chiến trận - Ảnh: index.hu

Thằng đệ hỏi tôi có nghĩ chiến tranh Ukraine một phần lớn là do Ukraine và NATO khích động Putin không. Tôi cười bảo nó phải cẩn thận, không khéo sẽ bị các bạn đạo đức nhàn nhạt, tư duy hời hợt mắng là nó đổ lỗi cho nạn nhân, tẩy chay không giao dịch buôn bán nữa. Tôi đồng ý đây là góc nhìn chính trị thực tiễn theo realpolitik (*) để giải thích suy tính cuồng bạo của Putin. Giải thích chứ không phải biện minh cho hành động của Putin như nhiều người Việt vẫn ngưỡng mộ tên này.

John Mearsheimer, nhà khoa học chính trị Mỹ của trường phái realpolitik, có nhận định hợp lý khi đổ trách nhiệm cho Phương Tây rằng đối phó với gấu dại thì đừng có khiêu khích nó. Putin u mê ngộ nhận như gấu dại. Nhưng khác với Mearsheimer, tôi không chấp nhận vì sợ gấu dại mà chà đạp ước muốn dân chủ của Ukraine. Cũng như đối phó với Hitler ngày trước, cuộc chiến này với kẻ vĩ cuồng u mê không thể tránh được.

Thằng đệ lập lại ví dụ của Mearsheimer là nếu Canada giao hảo với Trung Quốc và có khả năng cho Trung Quốc đặt hỏa tiễn sát sườn Mỹ thì Mỹ cũng sẽ không ngồi yên chém gió. Đây là ví dụ hời hợt hoàn toàn sai với tư tưởng và đường lối ngoại giao hơn nửa thế kỷ nay của Tây phương.

Thứ nhất là Mỹ phải ra sức giao du, đối xử với Canada thế nào cho dân Canada thích theo Mỹ hơn Trung Quốc chứ không thể đe dọa bằng vũ lực. Thứ hai là không thể ra tay bắn giết chỉ vì nghi ngờ Canada có ý đồ thay vì có bằng chứng cụ thể đang đặt hỏa tiễn. Không, ví dụ này cũng như hành động của Putin chỉ thể hiện suy nghĩ lạc hậu, hoang dã mạnh được yếu thua của quá khứ.

Cho rằng NATO “Đông tiến” là đe dọa quân sự, uy hiếp Nga cũng là một suy nghĩ giáo điều, cổ hủ, trái với thực tế ngày nay. Cuộc tranh chấp rất thật giữa Nga và các nước NATO là cuộc tranh chấp chính trị: sự chọn lựa giữa dân chủ và độc tài.

Bỏ qua lý tưởng và đạo đức, những thủ thuật tệ hại nhất của Mỹ trong tranh chấp chính trị cũng chỉ là tuyên truyền, lũng đoạn bầu cử, tạo áp lực kinh tế, ngoại giao vân vân chứ không hề là sự uy hiếp bằng quân lực và chiến tranh. (Trong vai trò “sen đầm quốc tế”, có thể Mỹ đem quân bắn phá nhiều hơn Nga. Nhưng Mỹ không hề đơn phương tùy tiện mà luôn có chiêu bài quốc tế “bảo kê”, theo nghị quyết Liên Hiệp Quốc hay đa quốc gia nào đấy.)
 
Lỗi là do nước nhỏ không chịu nghe lời nước lớn? Chạy trốn khỏi TP. Irpin, ngày 10/3/2022 - Ảnh: Aris Messinis (AFP)
Lỗi là do nước nhỏ không chịu nghe lời nước lớn? Chạy trốn khỏi TP. Irpin, ngày 10/3/2022 - Ảnh: Aris Messinis (AFP)

Nỗi đe dọa chí mạng cho nước Nga của Putin là tư duy tiến bộ và đòi hỏi dân chủ của dân Đông Âu chứ không phải là thế lực quân sự của NATO. Putin có bằng chứng trong quá khứ là NATO sẽ không can thiệp quân sự nên mới ngông cuồng xâm chiếm Ukraine và hò hét “không chấp nhận bị NATO đe dọa”. Putin vừa ăn cướp, muốn sát nhập Ukraine, vừa la làng vì NATO để mê hoặc dân làng thiếu khả năng độc lập suy nghĩ, đối chiếu với hiện thực.

Người văn minh ngày nay không thể chấp nhận chứ đừng nói đến ngưỡng mộ hành động theo tư duy mạnh được yếu thua như thú vật của Putin. Loài người tiến bộ với thời gian để vượt qua quá khứ ngu ác chung, nhưng những kẻ như Putin luôn bị lich sử giam hãm.

Ghi chú:

(*) Học thuyết Realism trong chính trị của John Mearsheimer, được xem là có tham vọng sẽ trở thành học thuyết thay thế cho Liberalism (chủ nghĩa tự do), được tác giả Lê Hồng Giang lý giải ngắn gọn như sau với ví dụ từ cuộc chiến Nga-Ukraina hiện nay: quan hệ giữa EU/NATO với Ukraine cần phải cân nhắc quyền lợi/ an ninh của Nga. Ukraine là nước nhỏ (so với Nga) nên phải chấp nhận một số đòi hỏi của Nga để có thể tồn tại yên ổn/ hòa bình cạnh Nga. Chiến tranh xảy ra là lỗi của EU/NATO/Ukraine đã không cân nhắc điều này.

Trong khi đó, Liberalism chủ trương Ukraine có toàn quyền quyết định mình cần/ muốn gì, tự quyết là quyền tối cao của một dân tộc bất kể lớn nhỏ. Nếu Nga muốn Ukraine tôn trọng quyền lợi/ an ninh của Nga thì ngược lại Nga cũng phải tôn trọng quyền lợi/ an ninh của Ukraine. Chiến tranh xảy ra là lỗi của Nga muốn áp đặt quyền lợi của mình lên trên quyền tự quyết của Ukraine.

Nguyễn Chánh, từ Hoa Kỳ


 
 Từ khóa: Ukraine
Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 4 đánh giá
Xếp hạng: 3.5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn