Máy chém được đặt theo tên của một vị bác sĩ người Pháp tên là Joseph Ignace Guillotin, cho dù trái với điều mọi người hay nghĩ, máy chém đã có một "lịch sử" dài hơn thế nhiều. Hình như ngay từ thời Thượng cổ, đã có những cỗ máy hoạt động theo nguyên tắc tương tự guillotine; đến thời Trung cổ, tại Anh và Scotland, các phạm nhân có dòng dõi quý tộc bị tử hình bằng máy chém. Dân Scotland còn khẳng định một cách tự hào là chiếc máy chém nổi tiếng mang tên "Maiden" (Trinh bạch) đã kết liễu đời James Douglas Morton, một quý tộc xứ này, vào năm 1581, tức là mấy trăm năm trước khi chiếc guillotine của Pháp xuất hiện. Cạnh đó, người Ý cũng cho biết là theo những ghi chép khả tín, vào ngày 10-12-1486, rồi ngày 11-8-1495, tại Naples, đã có hai phạm nhân bị bỏ mạng dưới chiếc máy chém.
Tuy nhiên, một thực tế không thể chối cãi: bước "danh vọng" của máy chém chỉ lên cao vào thời Đại cách mạng Pháp, và việc dùng nó một cách thường xuyên xuất phát từ bác sĩ Guillotin.
Joseph Ignace Guillotin sinh ngày 28-5-1738 tại thành phố Saintes. Thoạt đầu, ông là một giáo sĩ dòng Tên, nhưng rồi ông ra khỏi giáo phái này và theo học Y. Năm 1770, ông tốt nghiệp và giảng dạy tại Đại học Paris. Năm 1788, Guillotin tham gia đời sống chính trị của Pháp và được chọn làm dân biểu. Trong quá trình khởi thảo bộ Luật Hình sự mới, Guillotin đã lên tiếng cổ vũ cho nguyên tắc bình đẳng khi xét xử, nghĩa là khi ra phán quyết, tòa đừng quan tâm đến vị thế xã hội của phạm nhân.
Ngày 1-12-1789, trong một dịp phát biểu trước Quốc hội, Guillotin đề nghị: thay vì hình thức treo cổ vô nhân đạo và dã man, hãy dùng máy chém "êm ái" như một công cụ để thực hiện án tử hình. Kết luận bài phát biểu, ông nói: "Những suy nghĩ nhân đạo đã khiến tôi phải nói ra những điều khó khăn này".
Quốc hội Pháp phê chuẩn đề nghị của Guillotin ngày 25-3-1792. Một điều thú vị là chính Robespierre, khi ấy còn đòi hỏi bãi bỏ án tử hình, lại là người phản đối việc sử dụng máy chém nhất. Một vị bác sĩ tên là Louis được ủy nhiệm việc lựa chọn cỗ máy "thích hợp" nhất; ông này đã chọn chiếc máy chém mà người Anh vẫn hay dùng (vì thế, ban đầu, máy chém được gọi là Louisette).
Thoạt tiên, một thợ mộc Pháp nhận làm máy chém, nhưng rồi ông này đòi quá nhiều tiền nên nhà nước Pháp, muốn tiết kiệm, đã ủy nhiệm một nhà chế tạo... đàn dương cầm thực hiện công việc không mấy êm ái này. Cấu trúc của máy chém khá đơn giản và nói chung không thay đổi trong mấy thế kỷ (chúng ta có thể thấy máy chém "bằng xương bằng thịt" trong Bảo tàng Cách mạng và Lịch sử ở Việt Nam).
Sau một thời gian thử nghiệm (thành công) tại nhà xác của bệnh viện Bicetre, máy chém được dựng ở quảng trường Greve (nay là quảng trường Chatelet, trung tâm thủ đô Paris, Pháp). Kẻ đầu tiên bỏ mạng dưới chiếc máy chém là một sát thủ tên là Pelletier; sau tên này là hàng loạt những phạm nhân bị kết tội sau Cách mạng Pháp, mà có lẽ nổi tiếng nhất là vua nước Pháp, Louise XVI, người bị rơi đầu ngày 21-1-1793. Cũng vào thời đó, chiếc máy chém bắt đầu được gọi bằng cái tên guillotine sau một bài hát chế giễu đăng trên một tờ báo theo xu hướng bảo hoàng.
Điều trớ trêu của lịch sử là chỉ thiếu chút nữa, bác sĩ Guillotin cũng phải nếm mùi "êm ái" của chiếc máy chém mà ông đề nghị sử dụng: bị kết án tử hình, chỉ có cái chết của Robespierre mới cứu ông khỏi đại họa đó. Nói thêm về sự nghiệp của vị bác sĩ này: năm 1791, Guillotin còn thảo ra một kế hoạch cải tổ trong đào tạo bác sĩ, nhưng không được Quốc hội Pháp thông qua. Sau đó, phần đời còn lại (Guillotin qua đời ngày 26-3-1814), ông đã cố gắng để nước Pháp chấp nhận hệ tiêm chủng chống bệnh đậu mùa.
Tuy nhiên, cỗ máy được dân Pháp gọi bằng cái "hỗn danh" "Góa phụ" đã gắn liền với tên tuổi vị bác sĩ và "sống lâu" hơn nhiều so với người đã đề xuất việc sử dụng thường xuyên nó. Cho đến giữa thế kỷ XX, nước Pháp vẫn dùng guillotine, cho dù ngày một thưa thớt. Vụ tử hình công khai cuối cùng bằng máy chém diễn ra năm 1939, sau đó, máy chém được đưa vào khuôn viên các nhà tù. Thời gian 1965-1977, máy chém chỉ còn được sử dụng 8 lần; lần cuối vào ngày 10-9-1977, với một tên sát thủ trẻ em. Tháng 9-1981, Quốc hội Pháp tuyên bố xóa bỏ án tử hình và từ đó, "kiệt tác" của bác sĩ Guillotin vĩnh viễn tọa lạc trong các viện bảo tàng và trong "hoài niệm" của mọi người...
Diễm Quỳnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn