SẮC LỆNH BENES: HUYỀN THOẠI VÀ THỰC TẾ

Thứ năm - 17/07/2003 10:24

(NCTG) Trong những năm gần đây, sắc lệnh Benes là đề tài của nhiều cuộc tranh luận ầm ĩ, thậm chí, của nhiều đụng độ căng thẳng trên chính trường châu Âu. Vào cuối tháng Hai 2002, cuộc gặp mặt thượng đỉnh giữa các thủ tướng bốn quốc gia Đông Âu đang chuẩn bị gia nhập Liên hiệp châu Âu (nhóm Visegrád - V4) đã không được tổ chức cũng vì lý do: thủ tướng Hung Orbán Viktor đã nhắc đến sắc lệnh Benes với con mắt phê phán và cho rằng nếu muốn hòa nhập vào EU, chính phủ Tiệp (Cộng hòa Czech) và Slovakia phải có cách nhìn khác về sự kiện lịch sử này.

Edvard Benes (1884-1948), tổng thống thứ hai của Tiệp Khắc, người mà sự nghiệp chính trị, cho đến giờ, vẫn là đề tài tranh luận của các sử gia

Thậm chí, một số chính khách Đức và Áo còn đi xa hơn khi họ thẳng thừng cho rằng không những Tiệp phải bồi thường mọi thiệt hại do sắc lệnh Benes gây ra trong quá khứ mà nước này còn phải xóa bỏ các đạo luật đó; đó là điều kiện để Tiệp được gia nhập EU. Vấn đề về sắc lệnh Benes gay gắt đến nỗi ngay trong nội bộ chính giới Tiệp cũng có mâu thuẫn: năm ngoái, trong khi thủ tướng Tiệp Milos Zeman cho rằng đây là một vấn đề lịch sử, không cần phải nhắc lại, thì tổng thống Cộng hòa Czech lúc đó, ông Vaclav Havel - theo một tuyên bố ở Vienna - lại thiên về một thỏa thuận mang tính hòa dịu giữa Đức - Áo - Tiệp (1).

Cần đặt lại câu hỏi: sắc lệnh Benes là gì? Những ai quan tâm đến lịch sử cuộc Thế chiến thứ hai, hẳn còn nhớ: mùa xuân năm 1945, Chính phủ Liên hiệp Tiệp Khắc - được thành lập từ chính phủ lưu vong của các lực lượng dân sự ở London và giới cộng sản lưu vong ở Moscow - đã đưa ra một chương trình (mang tên "chương trình Kassa") cho một nước Tiệp Khắc hậu chiến. Trong số các chỉ thị được thông qua, đáng chú ý nhất là các sắc lệnh Benes - lấy theo tên Edvard Benes (1884-1948), một chính khách lỗi lạc, từng giữ chức ngoại trưởng và tổng thống Tiệp Khắc -, có nội dung trừng phạt các sắc dân thiểu số Đức và Hung sống trên lãnh thổ Tiệp Khắc. Kết quả là chừng 3 triệu người gốc Đức và hơn nửa triệu người gốc Hung cư trú ở Tiệp Khắc đã bị tịch thu toàn bộ gia sản, họ bị tước mọi quyền lợi và bị đày ải, xua đuổi khỏi Tiệp Khắc, thế chân họ là những công dân Czech và Slovakia. Đây là một hình thức trừng phạt tập thể, mang tính chất báo thù những tội ác mà phát-xít Đức đã làm đối với dân Tiệp Khắc, và đồng thời cũng là một biện pháp nhằm thành lập một nước Tiệp Khắc "thuần chủng", không có sự hiện diện của "ngoại nhân".

* Sự xá tội về đạo đức

Trước kia, các sử gia thường có quan điểm thống nhất về sắc lệnh Benes: theo họ, đây là quyết định được 3 siêu cường (Mỹ, Anh, Liên Xô) thông qua tại Hội đàm Potsdam (năm 1945), cho phép xua đuổi dân Đức khỏi Tiệp Khắc, Ba Lan và Hung. Tuy nhiên, trong cuốn sách tiếng Tiệp được phát hành cách đây một năm tại Prague, sử gia Tiệp Milan Churan đã lên tiếng phản bác quan điểm nói trên. Ngay phụ đề của sách cũng mang tính luận chiến: "Huyền thoại và thực tế". Theo sử gia, việc cho rằng Tiệp Khắc "chỉ" thực hiện quyết định của các siêu cường chẳng những trái với thực tế, mà còn là một huyền thoại nhằm xá tội về đạo đức cho những gì đã diễn ra.

Để chứng tỏ luận điểm nói trên, Churan đã phân tích cặn kẽ quan điểm của Mỹ, Anh và Liên Xô về trạng thái của một nước Tiệp Khắc hậu chiến. Để đánh giá những quan điểm này, cần nhớ rằng cả người Anh lẫn Xô-viết đã bỏ mặc Tiệp Khắc và cá nhân Benes năm 1938, khi Hiệp định Munchen được đưa ra, và điều này đã khiến Anh và Liên Xô cảm thấy "áy náy lương tâm". Trong mấy năm 1945-1948, cả London và Moscow đều chạy đua để giành giật Tiệp Khắc, vì họ đã không làm được điều này ở Hội đàm Yalta như đã làm đối với Ba Lan.

Quan điểm của Hoa Kỳ lại hoàn toàn khác và vì thế, trên mọi phương diện, họ nhìn nhận các đề xuất từ phía Tiệp Khắc một cách thận trọng và e dè hơn nhiều, nhất là những đề xuất liên quan đến sự giải quyết vấn đề dân tộc. Trên nguyên tắc, Mỹ phản đối kế hoạch đày ải các sắc dân Đức và Hung ở Tiệp Khắc, nhưng trong thực tế họ không coi đây là một vụ quan trọng đến mức cần phải tranh luận với Stalin, lúc đó đang ủng hộ Benes rất rõ rệt, và Churchill, người coi việc liên kết với Tiệp Khắc là giải pháp cần thiết. Đây là còn chưa nói đến việc Hoa Kỳ coi tình thế nước Tiệp Khắc hậu chiến là "công việc nội bộ của châu Âu" và do vậy, Mỹ cho rằng cần phải chấp nhận quyết định của người Anh và Xô-viết.

Sử gia Churan chỉ ra rằng lần đầu tiên, ngay từ năm 1942, tổng thống Benes đã nói trước công luận về kế hoạch đày ải sắc dân Đức ở Tiệp Khắc và sau đó, thông qua con đường ngoại giao, ông đã cố gắng tranh thủ sự ủng hộ toàn diện để "biến Tiệp Khắc trở thành một quốc gia Slav trong sạch". Thoạt đầu, kế hoạch nói trên chỉ nhằm xua đuổi một bộ phận gồm chừng 800 ngàn người Đức (trong số 3 triệu người Đức ở Tiệp Khắc), những kẻ đã có quan hệ tích cực với phát-xít Đức. Dự tính kế hoạch trên sẽ được thực hiện trong vòng 2 năm; sở dĩ Benes đặt ra một thời hạn "rộng rãi" như thế để Tiếp Khắc có thể thực hiện việc này một cách tương đối nhân đạo.

Nhưng rồi ý định ấy đã bị quên đi nhanh chóng. Đôi ba năm sau, khi được biết Stalin nhiệt thành ủng hộ kế hoạch đó, các chính trị gia Tiệp Khắc - dù một số đảng viên cộng sản Slovakia tỏ ra rất ngần ngại - lập tức thông qua việc đày ải sắc dân Đức và ngay sau đó, họ đã đưa vấn đề xua đuổi cộng đồng gốc Hung vào chương trình nghị sự. Chính phủ Anh, dù nhấn mạnh trách nhiệm của cộng đồng Đức tại Tiệp Khắc trong sự tan tác của xứ này và đồng tình với sự truy trách nhiệm của sắc dân Đức, nhưng cũng không đồng tình với kế hoạch trừng phạt tập thể. Tuy nhiên, điều trớ trêu của số phận là rốt cục, Churchill lại là người nói lời cuối trong vụ này.

Người Hung bị đuổi khỏi vùng Guta (Slovakia) từ giã thân nhân đã qua đời tại nghĩa trang - Ảnh tư liệu, chụp tháng 9-1946

* Bầu không khí bài Đức

Hội đàm Potsdam khai mạc ngày 17-7-1945. Thoạt đầu, vấn đề trục xuất người Đức khỏi Tiệp Khắc, Ba Lan và Hung không có trong chương trình nghị sự của hội nghị. Tuy nhiên, giữa chừng, sự truy lùng và đày ải sắc dân Đức ở Tiệp Khắc đã diễn ra một cách dã man, không theo một định chế luật pháp nào. Có thể lý giải điều này một cách cảm tính như sau: phát-xít Đức, trong thời gian xâm chiếm Tiệp Khắc, đã có những hành động vô cùng tàn bạo, và một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng Đức ở Tiệp Khắc đã tham gia tích cực vào những tội ác này. Như vậy, có thể nói sắc lệnh của Benes về việc tước các quyền lợi và trục xuất dân Đức ở Tiệp Khắc là sự hợp thức hóa cơn phẫn nộ của nhân dân. Đây là còn chưa nói đến chuyện vào năm 1938, theo một hệ quả của Hiệp ước Munchen, đại đa số dân gốc Đức ở Tiệp Khắc đã từ bỏ quốc tịch Tiệp và trở thành "thần dân" của Đệ tam Đế chế trước khi Đức chiếm Tiệp Khắc vào ngày 15-3-1939. Khi phân tích yếu tố này, giới ngoại giao Anh đã cho rằng tổng thống Benes không thể cự nổi bầu không khí bài xích người Đức của nhân dân nước ông và ông sẽ lập tức bị hạ bệ nếu tìm cách chống lại. Ngoài ra, trong trường hợp đó, ảnh hưởng của Liên Xô ở Tiệp Khắc sẽ tăng gấp bội và đây là điều phương Tây không hề muốn.

Cùng lúc đó, bộ máy ngoại giao Tiệp Khắc đã gửi nhiều công hàm đến Churchill, đề nghị thủ tướng Anh tạo điều kiện để các siêu cường hãy quyết định giải pháp cho vấn đề này. Như vậy, theo nhận định của sử gia Churan, có thể đoan chắc rằng Tiệp Khắc không đơn thuần thực hiện một quyết định của Hội đàm Potsdam, mà chính nước này đã đề xuất kế hoạch đày ải đó.

Ngày 25-7-1945, trong phiên họp toàn thể thứ 9 của Hội đàm Potsdam, thủ tướng Anh Churchill lên tiếng đề nghị các siêu cường thảo luận việc cho phép Tiệp Khắc được trục xuất sắc tộc Đức, "vì dr Benes yêu cầu". (Cần phải nói đây là khóa họp cuối cùng của Hội đàm Potsdam mà Churchill tham dự). Ba nguyên thủ quốc gia Truman, Stalin và Churchill đã dành 5 (năm) phút cho số phận của nhiều triệu dân Đức! Stalin còn tìm cách thu hẹp phạm vi của sự kiện này khi ông ta hướng mọi chuyện theo kiểu "sơ tán dân Đức ở Tiệp Khắc qua Leipzich, Dresden và các thành phố khác..."

Sẽ thật thú vị nếu chúng ta được biết các đồng minh phương Tây của Stalin có biết hay không rằng trong Thế chiến thứ hai, ở Liên Xô, không chỉ sắc dân Đức ở vùng ven sông Volga, mà còn rất nhiều sắc tộc thiểu số khác cũng bị "sơ tán" đi Siberia (về vụ này, có thể coi bản báo cáo mật - mang tên "Về tệ sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó" - của tổng bí thư Khrushchev, đọc tại phiên họp kín Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Liên Xô, cuối tháng 2-1956). Và nếu biết, họ sẽ có ý kiến và phản ứng ra sao?

Như vậy, đề xuất của Tiệp Khắc đã được Hội đàm Potsdam chấp thuận. Trong bản tuyên bố chung của Hội đàm, có đoạn: "Các thủ tướng ghi nhận rằng cư dân Đức, hoặc một bộ phận của họ, hiện đang ở lại Ba Lan, Tiệp Khắc và Hung, sẽ được chuyển qua Đức". (2) Tuy nhiên, về phía Anh, ký tuyên bố chung này không phải là Churchill, nguời đề khởi, mà là Attlee, hậu duệ và là người đã chiến thắng ông trong cuộc bầu cử ở Anh ngày 27-6-1945.

* Cuốn sách gây nhiều tranh luận

Sau tất cả những sự kiện đó, chính phủ Tiệp Khắc - theo nhận định của Milan Churan - có thể thực hiện một cách hợp pháp một điều khoản do chính họ đề xuất, nhưng được các siêu cường thông qua. Cho đến thời điểm đó, đã có vài chục vạn người Đức bị đày ải một cách bột phát và trong khuôn khổ chiến dịch xua đuổi được cho phép, có 750 ngàn người bị trục xuất vào khu vực ảnh hưởng của Liên Xô, 1,75 triệu người bị tống tiễn qua khu vực chịu ảnh hưởng Anh - Mỹ. Đa số các chiến sĩ chống phát-xít người Đức - những người lẽ ra được sắc lệnh Benes "bỏ qua" - cũng bị đày ải. Đó là chưa nói đến những người từng bảo vệ nước Đức trước thảm họa phát-xít, chỉ rời quê hương họ qua Tiệp Khắc sau khi trải qua nỗi kinh hoàng của các trại tập trung Hitler, cũng phải chịu chung số phận.

Dễ thấy là sử gia Churan đã đả động đến một đề tài khó xử: cuốn sách của ông, trong thời gian ngắn, đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi. Nhưng chắc chắn là ông đã có lý khi cho rằng cần phải làm sáng tỏ quá khứ và nên để các huyền thoại phải đối chất với hiện thực xám xịt. Tuy nhiên, trái với quan điểm của nhiều chính khách, lịch sử chưa bao giờ và chưa bao giờ có thể là một thứ truyện cổ tích răn dạy đạo đức. (3)

Ghi chú:

(1) Theo tin mới nhất, phó thủ tướng Cộng hòa Czech, ông Petr Mares, trong trả lời phỏng vấn hãng thông tấn APA (Áo), đã cho rằng chính phủ Czech cần lấy can đảm để ngỏ lời xin lỗi Đức và Hung vì việc nhiều triệu người gốc Đức và Hung đã bị đày ải và tống khỏi nơi họ sinh sống. Theo ông Petr Mares, Cộng hòa Czech cần nói rằng những sắc lệnh Benes (liên quan đến việc đày ải các sắc dân thiểu số Đức và Hung) không có gì liên quan đến hệ thống pháp luật hiện nay của Czech, và chính phủ hiện tại của Czech có chiều hướng muốn xin lỗi hơn bất cứ một nội các nào trước đó. Tuy nhiên, phó thủ tướng Czech cũng nhấn mạnh: không thể nhắc đến chuyện xóa bỏ các sắc lệnh đó, vì đa số các chỉ thị của Benes đều nhằm giải quyết những vụ việc thực tế và "đã rồi": "Ngay... Nhạc viện Tiệp cũng được thành lập dựa trên sắc lệnh Benes".

(2) Đây là "bề chìm" của sự kiện. Từ trước đến nay, có nhiều sử gia cho rằng Hội đàm Potsdam không thông qua các sắc lệnh Benes và cuối cùng, việc trục xuất sắc dân Hung được thực hiện trong khuôn khổ "trao đổi dân cư" giữa chính quyền Tiệp và Hung.

(3) Con số người gốc Đức bị xua đuổi khỏi các nước Đông Âu sau Đệ nhị Thế chiến: - Từ Hung: 213.000 người (qua Áo và Đức); - Từ Liên Xô: 170.000 người (qua Đức); - Từ Ba Lan; 8.145.000 người (qua Đức); - Từ Romania: 253.000 người (qua Áo và Đức); - Từ Nam Tư: 298.000 người (qua Áo và Đức); - Từ Tiệp Khắc: 3.000.000 người (qua Áo và Đức)

H.Linh tổng hợp, theo báo Hung


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn