Trình diễn thể thao tại Hồng trường, một hình thức "biểu dương lực lượng" thời sùng bái cá nhân - Ảnh tư liệu
Ngay từ khi nền bóng đá Liên Xô còn non trẻ, đội tuyển Xô-viết còn chưa ra nước ngoài thi đấu, thì môn túc cầu đã là một ngày hội toàn dân, thậm chí, là trò giải trí được giới trí thức rất ưa thích. Một nhà văn Nga đã nhận xét: tại sân vận động, nơi các cổ động viên có thể hò hét thỏa thích, cũng là dịp để họ trút hết mọi nỗi bực tức, căng thẳng, phẫn uất trong lòng. Một hình thức "giải stress", hay... xả xú báp, theo lối nói hiện đại ngày nay.
Hồi đó, ở Liên Xô, có hai câu lạc bộ lớn nhất và kình địch nhau nhất: đội Dynamo (của Bộ Dân ủy Nội vụ, viết tắt là NKVD) và đội Spartak (của các nghiệp đoàn, được coi là "đội bóng của nhân dân"). Toàn thể giới trí thức và dân chúng ủng hộ Spartak, họ coi đó là hình thức "phản kháng" trước sự lộng hành (nhiều khi quá trớn) của các cơ quan mật vụ chính trị Xô-viết.
Trong các trận "thư hùng" giữa hai đội bóng hàng đầu này, bao giờ cũng có sự hiện diện của người lãnh đạo NKVD. Thoạt đầu là Yagoda. Khi ông này bị tử hình, đến lượt "đồ tể" Yezhov. Nhưng về sau, Yezhov cũng bị bắn chết và Beria lên thay thế. Cả ba vị bộ trưởng Nội vụ khét tiếng tàn ác đều là cổ động viên nhiệt thành của đội Dymano, bởi vậy họ vô cùng căm ghét Nikolai Strarostin, người sáng lập và chỉ đạo câu lạc bộ Spartak.
Bốn anh em Starostin năm 1934 - Ảnh tư liệu
Tên tuổi của "dòng họ túc cầu" Starostin được cả nước Liên Xô biết đến. Người ta bảo ở nước này, sau Lenin và Stalin thì Starostin là cái tên được ưa chuộng nhất. Bốn anh em nhà Starostin là những danh thủ xuất sắc nhất của Liên Xô thời đó.
Trong số bốn người, Nikolai là anh cả. Sau khi giã từ sân cỏ, ông thành lập câu lạc bộ Spartak và cả ba người em của ông đều thi đấu ở đây. Từ đó trở đi, bắt đầu cuộc "tỉ thí" tay đôi vĩ đại giữa Dynamo và Spartak.
Trong những năm đầu thập niên 30, học tập Hitler, Stalin khai triển chương trình "thể thao toàn dân", biến thể thao thành một món hàng tuyên truyền cho sức mạnh của dân tộc Nga, của đất nước Liên Xô, của mô hình "con người mới XHCN". Môn thể dục tập thể với hàng ngàn, hàng vạn chàng trai, cô gái vạm vỡ, mặt mày tươi tắn, là món thể thao được Stalin ưa thích nhất.
Năm 1936, muốn làm đẹp lòng Stalin và để tiêu khiển nhà lãnh đạo tí chút, Aleksander Kosarev, người đứng đầu Đoàn Thanh niên Komsomol, đã tổ chức một chương trình thể thao kỳ vĩ ở ngay Hồng trường, mà đỉnh cao là một trận thi đấu bóng đá. Một tấm thảm xanh khổng lồ được trải ra và đội Spartak được giao nhiệm vụ "lịch sử": thi đấu cho các quan chức lãnh đạo xem, ngay trước lăng Lenin!
Đội Spartak chơi tại Hồng trường (phía sau là điện Kremlin và lăng Lenin) - Ảnh: từ hồi ký của Nikolai Starostin
Kosarev cầm một chiếc mùi-soa trắng, chỉ chờ nếu Stalin tỏ ra không bằng lòng là phất lên để các cầu thủ chấm dứt trận đấu. Nhưng hôm ấy, không hiểu sao Stalin lại cao hứng và chăm chú xem từ đầu chí cuối. Theo những lời tường thuật trong báo chí, sách vở, thống chế Voroshilov (người "nổi tiếng" là dốt đặc cán mai trong quân sự) nhảy cẫng lên và hò reo cổ vũ nhiệt thành. Các lãnh tụ bôn-sê-vích khác như Kosarev, Chubar, Postyshev, Rudzutak... cũng là những "fan" rất "bốc", không hề biết rằng đó là lần cuối họ được chiêm ngưỡng môn túc cầu: ít lâu sau, tất cả đều bị Stalin xử tử với những tội danh ngụy tạo (mà về sau này, chính Đảng Cộng sản Liên Xô cũng phải thừa nhận và "sửa sai" bằng cách phục hồi danh dự cho họ!)
Trong vụ này, điều đáng nói là các cầu thủ Spartak (chứ không phải Dynamo) lại được chọn để đá biểu diễn. Việc đó khiến NKVD và các cổ động viên Dynamo vô cùng tức giận: các lãnh tụ Bộ Nội vụ Yagoda và Yezhov không bao giờ tha thứ cho đội Spartak vì họ đã láo xược tranh mất "vinh dự" của câu lạc bộ Dynamo.
1936 cũng là năm đầu tiên diễn ra các vụ án ngụy tạo khét tiếng ở Moscow mà giới sử gia Nga ngày nay đã công bố trong nhiều pho sử. Nhưng Stalin đã tìm ra một phương pháp hữu hiệu để đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận. Cạnh những dịp lễ lạt "vui khỏe trẻ trung" kiểu "leo cột mỡ", ông cho mời đội tuyển bóng đá Tây Ban Nha - một đội rất mạnh thời bấy giờ - sang thi đấu "hữu nghị" ở Liên Xô. Đây là một sự kiện thể thao & chính trị rất lớn đương thời: bằng mọi giá, Liên Xô phải chiến thắng để chứng tỏ tính ưu việt của chế độ XHCN, của bản Hiến pháp mới (thường được gọi là "Hiến pháp Stalin", kỳ thực do Bukharin - một lãnh tụ bôn-sê-vích có tầm hiểu biết quảng bác, người được Lenin, trong chúc thư, coi là "con cưng của toàn đảng" - chấp bút; chẳng bao lâu sau, tác giả bản Hiến pháp này cũng bị xử bắn)...
Trước trận đấu, cả nước Liên Xô như lên cơn sốt. Hai trùm mật vụ Yagoda và Yezhov tìm mọi cách để đội Dynamo được thay mặt Liên bang Xô-viết thi đấu với tuyển Tây Ban Nha. Nhưng tệ thay, đội tuyển Tây Ban Nha đã thắng Dynamo trong cả hai trận thi đấu!
Cố nhiên Stalin nổi khùng và toàn dân Liên Xô buồn bã. Tức thì, nhà độc tài hạ lệnh phải tổ chức trận thứ ba để "phục thù". Khi đó, Yezhov đề nghị cho Spartak được ra sân cỏ. Ông công an sừng sỏ này biết rõ rằng nếu Spartak thua tuyển Tây Ban Nha, số phận câu lạc bộ sẽ được an bài.
Đội Spartak tập huấn ở vùng ngoại ô Moscow. Các cầu thủ Spartak, trên đường về Moscow, được đi trên những chiếc Lincoln mui trần trong sự cổ vũ, hò reo rầm rộ của các cổ động viên. Tuy nhiên, NKVD không ngồi yên! Giữa đường, mấy chiếc Lincoln thay nhau xịt lốp và nếu các cầu thủ Spartak đến chậm trận đấu thì đời họ cũng coi như xong. Nhưng rốt cục, may thay, họ cũng đến sân vận động vừa khít thời gian (lúc đó đội tuyển Tây Ban Nha đã ra sân). Các hảo thủ Spartak phải thay quần áo ngay trên những chiếc xe mui trần, trước mắt các cổ động viên.
Một cuộc chiến sinh tử diễn ra trên sân. Cuối cùng, Spartak thắng sát nút với tỉ số 2-1. Cả nước Liên Xô vui mừng, dân chúng ôm hôn nhau trên đường, anh em nhà Starostin trở thành thần tượng của toàn dân. Ban lãnh đạo NKVD cắn răng chịu nhục.
Chưa hết, tiếp đó, trong ba năm liền (1937-38-39), đội Spartak đã lập nên một kỳ tích: vừa giữ chức vô địch quốc gia, họ vừa đoạt cúp quốc gia. Đối với cơ quan an ninh Liên Xô, điều này thật quá trớn!
Sau khi đã "thanh toán" Yezhov, Beria lên nắm quyền ở cơ quan NKVD và trực tiếp điều khiển đội Dynamo. Thời trẻ, Berya từng là cầu thủ một câu lạc bộ ở Gruzia. Sau khi từ giã cầu trường đi làm chính trị, ông ta vẫn là một cổ động viên bóng đá cuồng nhiệt.
Từ giờ phút đó trở đi, số phận anh em nhà Starostin được định đoạt. Nhưng Nikolai quá nổi tiếng và Stalin không cho phép Beria được hạ thủ ông. Phải đợi đến thời chiến, khi dân chúng có những mối lo khác...
Sáng sớm ngày 20-5-1942, Nikolai bừng tỉnh và thấy một khẩu súng lục đang chĩa vào mặt ông. Có tiếng thét "Dậy ngay!" và lập tức, Nikolai bị còng tay, ông bị tống vào một chiếc xe và bị chở đi. Tại đại bản doanh của cơ quan mật vụ Liên Xô tại Quảng trường Lubyanka (trung tâm thủ đô Moscow), các nhân viên "an ninh" chìa cho nhà danh thủ túc cầu xem một tờ giấy chứa lời khai của Kosarev, chủ tịch Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Liên Xô (Komsomol), lúc đó đã bị tử hình. Trước đây, bị tra tấn tàn nhẫn, Kosarev đành phải "khai" theo ý của Beria rằng ông có "âm mưu" ám sát các lãnh tụ đảng và nhà nước Liên Xô trong dịp biểu diễn thể thao tiếp tới; để đạt mục đích đó, ông đã ngầm tổ chức những phân đội chiến đấu, đứng đầu là cầu thủ vĩ đại Nikolai Starostin!
Ba người em của Nikolai cũng bị bắt giam ngay trong đêm hôm đó. Cả bốn người đều phải chịu bản án 10 năm tù khổ sai trong các trại tập trung cấm cố. Theo ý kiến của nhiều người, có thể coi đó là một bản án rất nhẹ thời bấy giờ!
Bóng đá tại Liên Xô đầu thập niên 20 - Ảnh tư liệu
Thế mới biết, mười mấy năm sau, Stalin đã tỏ ra quá "khoan hồng" và "nương tay" khi ông "chỉ" hạ lệnh giải tán đội bóng Quân đội Liên Xô vì đội này "dám" thua tuyển Nam Tư, đúng vào lúc mối quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô và Nam Tư đang ở hồi căng thẳng nhất...
Ngẫm lại, sướng thay các chàng cầu thủ Nga hiện tại, lắm khi đá đâu thua đấy, vừa rồi lại không giành được vé đi dự World Cup 2006 tại Đức, mà chả phải chịu "hình phạt" gì đáng kể!
Hoàng Tuấn, theo các tư liệu lịch sử và thể thao Nga
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn