CHUYẾN VIẾNG THĂM LỊCH SỬ CỦA TỔNG THỐNG MỸ TẠI HUNGARY

Thứ sáu - 30/06/2006 07:29

"Nước Hung bị đàn áp, bị xích xiềng đã làm tất cả vì tự do và công lý, hơn bất cứ dân tộc nào khác trên thế giới trong vòng 20 năm qua. [...] Chúng ta chỉ có thể chung thủy với nước Hung nếu không bao giờ, không ở nơi đâu, chúng ta không phản bội những gì mà vì nó, các chiến sĩ Hungary đã hy sinh thân mình, và không bao giờ, không ở nơi đâu, cho dù là gián tiếp, chúng ta cũng không hùa theo những kẻ sát nhân".

Cư dân Budapest và chuyến thăm của tổng thống Bush - Ảnh: "Tự do Nhân dân"

Những dòng cảm động và chân thành nói trên đã được văn hào Pháp Albert Camus chấp bút trong bài viết mang tựa đề "Máu của người Hung", ra đời cách đây nửa thế kỷ, sau khi cuộc cách mạng mùa thu 1956 của Hungary bị thất bại. Nước Hung, nổi tiếng vì phong cảnh hữu tình và nền văn hóa với nhiều điểm đặc sắc và đặc thù giữa lòng Châu Âu, một điểm đến của du khách bốn phương, trong năm nay, còn được thế giới nhớ đến như một dân tộc quả cảm, 50 năm trước đây đã làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc khiến nhân loại phải kính nề.

Và, cũng chính vì dịp kỷ niệm này, ngày thứ Năm tuần trước, tổng thống Hoa Kỳ George Bush đã có một chuyến viếng thăm chính thức và lịch sử, chớp nhoáng chỉ trong vòng 22 giờ đồng hồ, nhưng để lại nhiều dư âm trong công luận quốc tế và Hungary.

*

Cộng hòa Hungary đã long trọng đón tiếp tổng thống Mỹ trong bầu không khí... vô cùng nóng nực của một mùa hạ được coi là có thời tiết thất thường ít thấy, khi nhiệt độ ngoài trời lên tới mức 39-40 độ C, khiến nước này phải có lệnh báo động cấp hai vì nóng. Đây là lần thứ hai có một tổng thống Mỹ chính thức thăm Hung: lần trước, chính Bush cha đã có dịp chứng kiến bầu không khí dân chủ của Hung vào năm 1989. (Còn nguyên tổng thống Bill Clinton từng sang Hung hai lần, trong vòng vài giờ, vào các năm 1994 và 1996, nhưng hai dịp đó không được tính là viếng thăm chính thức).

Phái đoàn của tổng thống Bush gồm hơn 600 thành viên, được coi là hết sức hùng hậu với rất nhiều nhóm chuyên gia đặc biệt, trong đó có không ít người gốc Hung. Đáng chú ý là ngoài vợ chồng tổng thống Bush và 16 lãnh đạo cao cấp, thì các thành viên còn lại của đoàn đều tự chi trả chi phí đi lại và ăn ở. Hơn 600 phòng sang trọng tại các khách sạn lớn nhất ở thủ đô Budapest đã chuẩn bị trong nhiều ngày cho sự kiện quan trọng này. Đặc biệt, cuộc viếng thăm của phái đoàn tổng thống Mỹ đã kèm theo những biện pháp an ninh chưa từng thấy: nửa thủ đô Budapest bị ứ trệ giao thông vì đường xá bị chặn, và theo giới quan sát thì các biện pháp dược áp dụng lần này còn ở mức chặt chẽ hơn dịp tổng thống Nga Vladimir Putin viếng thăm Hung cách đây vài tháng. Đáng chú ý là sự hiện diện khá ngoạn mục của rất nhiều nhân viên an ninh Mỹ tại Hung trong chuyến đi này, một điều ít thấy đối với cư dân Hung. Vì thế, nhân dịp này, thủ tướng Hung Gyurcsány Ferenc - trong nhật ký điện tử trên Liên mạng của mình - đã ngỏ lời cáo lỗi cư dân thủ đô Budapest vì những phiền hà trong giao thông vì, theo lời ông, "việc bảo vệ tổng thống Hoa Kỳ, cũng như toàn bộ lô-gích và tính hệ thống của nó, hoàn toàn khác biệt với những gì người Hung đã quen".

Tin tổng thống Mỹ sang thăm Hung được tuyên bố khá bất ngờ cách đây không đầy 2 tuần, trong khi công luận Hung chờ đợi chuyến đi lịch sử này vào một thời điểm muộn hơn, tức là vào mùa Thu, tháng Mười, nhân kỷ niệm 50 năm ngày cách mạng dân chủ 1956 của Hung. Lần này, đón đoàn tại sân bay, đáng chú ý là có sự hiện diện thay mặt nội các Hung của tân ngoại trưởng Hung, bà Göncz Kinga, ái nữ của ông Göncz Árpád, một nhà văn, dịch giả, nhân sĩ lừng danh của nước Hung, từng bị án tù chung thân vì tham gia cách mạng 1956 và sau này, được thế giới biết đến trên cương vị tổng thống Cộng hòa Hungary trong 2 nhiệm kỳ đầu sau khi Hung theo con đường dân chủ vào năm 1990. Báo chí Hung cho biết giữa hai người, bà Kinga và tổng thống Bush, đã có cuộc trao đổi "dài hơn thuờng lệ" vào tối hôm qua, trong đó, vai trò của nguyên tổng thống Göncz Árpád trong quá trình dân chủ hóa nước Hung đã được tổng thống Bush ca ngợi.

*

Chính giới Hung và Mỹ đều nhất loạt coi chuyến viếng thăm Hungary vào thời điểm này của tổng thống Mỹ là sự tưởng thưởng 50 năm cách mạng Hung 1956.

Trong chuyến đi, tổng thống Bush mang tới Hung hai thông điệp lớn mà thông điệp đầu tiên, thực ra là quan trọng hơn cả đối với dân Hung, là lời cám ơn và khâm phục của nhân dân Mỹ trước sự kiện 1956, trong đó, vai trò của cách mạng Hung được tổng thống Bush đánh giá là sự kiện đặc biệt quan trọng cả về thực tiễn lẫn biểu tượng trong những nỗ lực toàn cầu của đường lối ngoại giao Mỹ sau Đệ nhị Thế chiến.

Chuyến thăm của tổng thống Bush còn được chính giới cả hai nước Hung và Mỹ coi như một sự kiện trọng đại trong mối quan hệ giữa hai nước liên quan đến cuộc cách mạng 1956. Trên tờ "Bưu điện Hoa Thịnh Đốn" (The Washington Post) ra trong ngày tổng thống Mỹ đến Hung, đã đăng tải bài nhận định của sử gia, nhà bình luận chính trị gốc Hung Charles Gati, với những phân tích sâu sắc về đường lối chính trị của Mỹ thời cách mạng 1956 của Hung, và sự liên hệ đến chuyến thăm lần này của tổng thống Mỹ. Theo đó, khả năng là trong dịp hiện diện lần này tại Hung, tổng thống Mỹ sẽ phải thẳng thắn thừa nhận với nước Hung rằng 50 năm về trước, Hoa Kỳ đã khiến dân Hung tin tưởng vào khả năng can thiệp của họ (với một lý do là giành phiếu của cử tri gốc Hung và Đông Âu trong cuộc bầu cử tổng thống 1956), rồi "án binh bất động" trước sự can thiệp của Liên Xô và phe XHCN, khiến cách mạng Hung bị dìm trong biển máu. Như vậy, nếu như trong chuyến thăm Hung cách đây vài tháng, tổng thống Nga Vladimir Putin đã ngỏ lời xin lỗi quốc dân Hung về biến cố 1956, thì trong dịp này, Hungary hẳn cũng sẽ bằng lòng với một lời xin lỗi như thế trên phương diện tinh thần và đạo đức, từ phía tổng thống Bush. (Tuy nhiên, một lời xin lỗi như thế đã không được đưa ra. Thay vào đó, tổng thống Bush chỉ nói rằng Hoa Kỳ sẽ học hỏi từ quá khứ và từ nây, sẽ ủng hộ những cuộc chiến đấu vì độc lập dân tộc của các quốc gia khác...)

Cần nói thêm là cho dù chuyến thăm của tổng thống Bush tại Hung chỉ bị một số ít các tổ chức dân sự và nhân quyền Hung phản đối, và mức độ không như ở Áo, hay Ý hoặc Hy Lạp vừa qua, nhưng trong cuộc hội đàm đầu tiên với các nguyên thủ quốc gia Hung, tổng thống Hung Sólyom László, vốn là một luật gia lừng danh, nguyên chủ tịch Tòa án Hiến pháp Hung và là kiến trúc sư về luật pháp và nhân quyền của Hung trong thời gian chuyển đổi thể chế cách đây hơn 10 năm, cũng đã tuyên bố với tổng thống Bush rằng tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp luật vẫn là những giá trị rất đáng được coi trọng và quan tâm đúng mức, ngay cả trong cuộc chiến chống khủng bố đang diễn ra hiện nay. Cạnh đó, ông Sólyom László cũng nhấn mạnh: ngoài cách diễn giải dân chủ và tự do kiểu Hoa Kỳ, còn có những cách diễn giải khác... Theo báo chí Hung, đây là lúc tổng thống Mỹ đã không mỉm cười ngoại giao như thường lệ, mà nhìn đi chỗ khác, trong cuộc đàm phán buổi sáng ngày 22-6...

*

Thông điệp của tổng thống Bush, ca ngợi cuộc cách mạng 1956 của Hungary, đã vang lên vào hồi 16 giờ 48 phút chiều 22-6-2006, trong một phát biểu - được phía Mỹ coi là giá trị lịch sử - trên núi Gellért (Budapest), trước sự hiện diện của các trí thức, nhân sĩ, chính khách và các đại diện xuất chúng nhất của đời sống văn hóa, nghệ thuật và khoa học Hung. Bài nói chuyện kéo dài 15 phút này - báo chí thường nhắc đến rất hình ảnh và đầy ý nhị bằng cái tên "phát biểu trên núi" - đã được truyền thông Mỹ - nhất là kênh CNN - tường thuật tại chỗ một cách hết sức ngoạn mục, có lồng một số thắng cảnh của thủ đô Budapest được Liên Hiệp Quốc xếp hạng di sản văn hóa thế giới, như tòa nhà Quốc hội Hung, hoặc khu Hoàng thành trên núi, bên bờ sông Danube.

Mở đầu với lời chúc lành bằng tiếng Hung, tổng thống George Bush bày tỏ niềm vinh dự khi được thay mặt nước Mỹ trong lễ kỷ niệm lịch sử này. Ông nhắc lại những sự kiện cách đây nửa thế kỷ, vào lúc dân Hung quyết định cầm vũ khí đứng lên chống lại thể chế độc tài, tồn tại trên cơ sở cơ quan mật vụ chính trị, đòi hỏi tự do bầu cử, tự do ngôn luận... để tạo thành tiền đề cho những biến chuyển dân chủ cuối thập niên 90 thế kỷ trước. Khi ấy, lại cũng người Hung đi đầu trong việc dỡ bỏ tấm màn thép chia cắt Đông Tây, góp phần quyết định để đưa vùng Đông Âu trở về với những giá trị tự do, dân chủ. Tổng thống Bush, trong bài phát biểu lịch sử, cũng nhấn mạnh: ông vui mừng vì nước Mỹ khi đó đã có thể mở cửa đón hơn 200 ngàn người Hung di tản sau khi cuộc cách mạng bị đàn áp và tất cả số họ đã góp phần vào sự phát triển và phồn vinh của Hoa Kỳ!

Thú vị là đúng vào lúc tổng thống Mỹ chuẩn bị kết thúc bài phát biểu nhiều tiếng vang, với việc nhắc lại bằng tiếng Anh 4 câu thơ nổi tiếng của thi hào Hungary Petőfi Sándor trong thi phẩm "Bài ca dân tộc" mà độc giả NCTG đã có dịp làm quen trong một số báo trước:

Sẽ là nô lệ
Hay người tự do
Câu hỏi là đây
Bạn hỡi, lựa chọn!

thì một cơn giông lớn kèm sấm chớp vang dội đã đi qua trên bầu trời nóng nực của thủ đô Budapest. Báo chí Hungary, nhân dịp này, đã nhắc lại chuyến thăm Hung tháng 7-1989 của Bush cha, đúng vào lúc "nước sôi lửa bỏng", khi các nước Đông Âu đang thay đổi thể chế. Hôm đó, trời mưa tầm tã và tại Quảng trường Kossuth, Bush cha đã "nổi hứng", xé bài phát biểu đã chuẩn bị trước để nói "vo". Còn lần này, Bush con đọc từ giấy, nhưng ông đã tránh được cơn mưa lớn...

Đoàn xe của tổng thống Bush rời Budapest ra sân bay Ferihegyi - Ảnh: "Tự do Nhân dân"

Câu nói cuối cùng trong bài phát biểu của tổng thống Bush - "Cầu Chúa mang phước lành cho nước Hung!" -, thật ngẫu nhiên, cũng là câu đầu của bản Quốc ca Hungary, được toàn bộ cử tọa ghi nhận nhiệt thành với những tràng vỗ tay vang dội.

*

Được tường thuật tại chỗ với sự có mặt của vài trăm ký giả hàng đầu của truyền thông quốc tế, chuyến viếng thăm của tổng thống Bush, một lần nữa, đã hướng thế giới về một sự kiện nổi bật cách đây tròn nửa thế kỷ của năm 1956 đầy những biến động. Vậy, cuộc cách mạng 1956 ở Hungary là gì, mà đến nay, vẫn để lại những dư âm không phai mờ trong công luận thế giới, cũng như trong nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật quốc tế từ bấy đến nay? Tại sao cuộc nổi dậy của người dân ở một xứ sở xa lạ như Hungary, lại có sức thu hút mạnh mẽ khiến giới trí thức miền Nam thuở xưa, đặc biệt, cố thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, một tên tuổi lớn của nền thi ca Việt Nam thế kỷ XX, đã có những vần thơ giận dữ và phẫn nộ mà đến giờ nhiều người còn nhớ?

Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
Anh một trái tim em một trái tim
Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác

Hãy cho anh giận bằng ngực em
Như chúng bắn lửa thép vào
Môi son họng súng
Mỗi ngã tư mặt anh là hàng rào...

Những câu hỏi trên sẽ là chủ đề của một số bài viết "ôn cố tri tân" trong thời gian sắp tới của NCTG, sâu hơn và chi tiết hơn, về đất nước Hungary tươi đẹp, và con người Hungary nhân hậu, mến khách, nhưng khi cần cũng có thể cầm vũ khí quả cảm vì tự do, dân chủ và độc lập dân tộc, trong mùa Thu 1956 thuở nào...

Trần Lê


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn