1956 (1)

Thứ năm - 12/10/2006 13:41

(NCTG) "Tự thuở khai thiên lập địa đến nay, chưa hề có một giờ khắc nào lại chứng tỏ rõ ràng hơn năm 1956, rằng ước vọng tự do của con người là vĩnh cửu và bất diệt, cho dù nó phải đứng trước một kẻ thù mạnh hơn gấp bao nhiêu lần đi nữa..."

Giới trẻ Hungary trong cách mạng 1956

Đó là những lời lẽ xiển dương cuộc cách mạng dân chủ mùa thu Hungary 1956 của John F. Kennedy, người ít năm sau trở thành tổng thống Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Tròn nửa thế kỷ sau, một "hậu duệ" của Kennedy, tổng thống Mỹ George W. Bush, trong chuyến viếng thăm lịch sử Budapest đầu mùa hạ năm nay, đã coi cuộc cách mạng 1956 của người Hung là tiền đề cho những biến chuyển dân chủ Đông Âu cuối thập niên 90 thế kỷ trước, đồng thời, cũng là sự kiện đặc biệt quan trọng cả về thực tiễn lẫn biểu tượng trong những nỗ lực toàn cầu của đường lối ngoại giao Mỹ sau Đệ nhị Thế chiến.

Những lời ngợi ca ở mức độ cao nhất từ miệng các vị nguyên thủ quốc gia siêu cường số một của thế giới, trong trường hợp này, không chỉ mang tính ngoại giao. Ngược lại, nó khẳng định một điều: trong thế kỷ trước, khi từ "cách mạng" được dùng một cách lạm phát và nhiều khi, vô lối, thì vẫn có ít nhất một cuộc cách mạng mang đầy đủ những tính chất ban đầu của từ này: niềm khao khát tự do, độc lập, cùng sự lãng mạn của những con người dám dứng lên bảo vệ chính kiến của mình trong cuộc chiến không cân sức...

Đó là cuộc cách mạng 1956 của người Hung, mà đến nay, trải qua bao thăng trầm, đã có một vị trí thích đáng ngay cả trong sự đánh giá chính thức của quốc gia này: một cuộc chiến đòi dân chủ và độc lập dân tộc.

*

Để tìm hiểu nguyên nhân của cách mạng 1956, cần trở về những năm tháng của nửa thế kỷ trước, khi ở Đông Âu, cuộc Thế chiến tàn khốc đã trôi qua được gần chục năm. Các đảng Cộng sản địa phương - được sự "bảo hộ" của Moscow - đã đều lên nắm quyền sau khi thủ tiêu các đảng phái khác; nhà độc tài Stalin đã có các "môn đệ" trung thành và đắc lực ở từng nước và những hậu sinh này đã có dịp tập dượt nền độc tài, cũng như khả năng tổ chức các phiên tòa ngụy tạo để sát hại các đồng chí của họ ở trình độ không kém gì điện Kremlin.

Riêng tại Hungary, sau cái chết của Stalin năm 1953, trong nội bộ Đảng Cộng sản Hungary nảy ra đòi hỏi dân chủ hóa đảng, phản đối đường lối độc tài của cặp bài trùng Rákosi Mátyás & Gerő Ernő, hai thủ hạ đắc lực của Stalin. Tháng 7-1953, Nagy Imre, một nhà cách mạng có tư tưởng quốc gia được lên nắm quyền; cho dù được đào tạo "bài bản" nhiều năm tại Moscow, nhưng vị thủ tướng này luôn đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết. Trong gần 2 năm đứng đầu chính phủ, Nagy Imre chủ trương đổi mới toàn diện về kinh tế và chính trị. Hàng loạt cải cách dân chủ được ban bố như cho phép kinh doanh cá thể, bỏ tệ cưỡng bức nông dân vào các hợp tác xã, giảm thuế má, tăng cường sản xuất hàng tiêu dùng, tuyên bố đại ân xá, giải thể các trại tập trung, chấm dứt lối xét xử phi luật pháp của các tòa án binh, phục hồi nhân phẩm cho rất nhiều nạn nhân của tệ độc tài, sùng bái cá nhân... Đi xa hơn nữa, Nagy Imre còn chủ trương một thể chế đa đảng "hạn chế" và có ý định thực hiện một mô hình XHCN "mang bộ mặt nhân tính". Trên phương diện này, có thể nói những ý tưởng của ông đã đi trước "Mùa xuân Praha" gần 15 năm!

Tất nhiên, phe bảo thủ trong Đảng không thể "án binh bất động" trước những hành động được lòng dân của thủ tướng Nagy Imre. Điện Kremlin cũng lo ngại Nagy Imre sẽ đi "quá đà", vượt khỏi tầm kiểm soát của họ. Tháng 4-1955, Nagy Imre bị tước hết mọi chức vụ, thậm chí ông còn bị khai trừ khỏi đảng. Tuy nhiên, ở vào thời điểm ấy, khi tình hình Đông Âu có một số hòa dịu nhất định - đặc biệt là khi nước Áo, một láng giềng gần gũi và thân thiết của Hung, trở thành quốc gia trung lập và thoát khỏi sự quản chế của Liên Xô - những ước vọng dân chủ của người dân Hung đã không thể bị nhấn chìm.

*

Mùa xuân và mùa hạ năm 1956 khởi đầu với những dấu hiệu rất khả quan tại nhiều quốc gia trong khối XHCN thời ấy. Cuối tháng Hai, trong phiên họp kín của của Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Liên Xô, lãnh tụ Nikita Khrushchev đọc bản báo cáo mật lừng danh "Về nạn sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó" thừa nhận và vạch trần những tội ác của Stalin và những tệ hại của nạn sùng bái cá nhân. Cuối tháng Năm, cục trưởng Cục Tuyên huấn Đảng Cộng sản Trung Quốc Lục Định Nhất tung ra khẩu hiệu "Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh" (nghĩa là "Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng"), với ý để nền văn nghệ khởi sắc, cần có nhiều môn phái, nhiều chủ trương, cần đề cao sự tự do tranh luận (tất nhiên vẫn dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng). Cuối tháng Sáu, thợ thuyền Ba Lan ở Poznan, Gdansk và Warszawa đứng lên đòi quyền tự do và đưa chính khách có tư tưởng quốc gia Gomulka lên vị trí đứng đầu Đảng Cộng sản.

Tại Hungary, vào thời điểm ấy, ban lãnh đạo thủ cựu không muốn và không thể đáp ứng những đòi hỏi dân chủ và cải tổ của người dân. Hầu như tất cả mọi giai tầng trong xã hội Hung - từ thanh niên, sinh viên đến giới văn nghệ sĩ, trí thức, từ công nhân đến nông dân - đều muốn chế độ thay đổi theo hướng nhân bản hơn, dân chủ hơn. Hàng vạn người tập trung thảo luận các vấn đề chính trị cấp thời trong khuôn khổ CLB Petofi (lấy tên thi hào, nhà cách mạng vĩ đại Hung thế kỷ XIX); tại đó, những ý kiến phê phán sự độc đoán của Đảng được đưa ra một cách thẳng thừng, không khoan nhượng. Vấn đề độc lập dân tộc cũng được đưa ra một cách gay gắt: sự hiện diện của quân đội Liên Xô tại Hung, cũng như sự lệ thuộc ở mức nô lệ của thể chế cầm quyền ở Hung vào Moscow đã là điều dân Hung không thể chấp nhận.

Vào đầu tháng Mười năm 1956, tất cả mọi điều kiện đã đều hội tụ cho một cuộc nổi dậy của toàn dân tộc. Cuộc nổi dậy ấy, không phân tích của giới sử học về sau, không còn là vấn đề cơm áo, bởi lẽ đời sống của 10 triệu người Hung thuở ấy thực chất không đến nỗi nào, so với các quốc gia công sản khác trong khối Hiệp ước Warszawa. Mục đích của nó cao cả hơn nhiều: giành quyền tự quyết, độc lập dân tộc, tạo dựng một thể chế dân chủ, pháp quyền.

Một dân tộc nhỏ đã kiêu hãnh và anh dũng đứng lên như thế...

Xem phần 2 của bài viết.

Trần Lê - Còn tiếp


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn